Hành trình làm chủ và phát triển chip 5G Make in Viet Nam
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 06:20, 16/01/2025
Hành trình làm chủ và phát triển chip 5G Make in Viet Nam
Hành trình làm chủ và phát triển chip 5G Make in Viet Nam không chỉ là bước tiến quan trọng của Viettel mà còn là minh chứng cho khả năng và khát vọng của người Việt Nam trong việc vươn lên trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Chia sẻ tại hội thảo “Công nghiệp bán dẫn Việt Nam C= SET +1 – Động lực và nền tảng phát triển đất nước” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ 6 chiều ngày 15/1, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng Ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel, ngành công nghiệp bán dẫn hiện được coi là huyết mạch của nền kinh tế số toàn cầu, đóng vai trò then chốt và trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các quốc gia.
Chip là nền tảng của hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy tính, ô tô điện đến các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Theo dự báo của Gartner, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn có thể đạt hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Trong bối cảnh đó, việc làm chủ ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ giúp các quốc gia đảm bảo an ninh công nghệ và tự chủ nguồn cung, mà còn tạo ra giá trị gia tăng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã đầu tư đáng kể vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, các vấn đề về địa chính trị, thương mại quốc tế đã làm nổi bật vấn đề rủi ro của việc phụ thuộc vào các nguồn cung cấp của nước ngoài. Trong bối cảnh đó, việc làm chủ thiết kế và sản xuất chip bán dẫn đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia và các doanh nghiệp muốn tham gia sâu chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Nhận thức được điều này, Viettel đã quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn như một giải pháp chiến lược để giảm thiểu rủi ro.
Hành trình làm chủ và phát triển chip 5G Make in Viet Nam
Chia sẻ về hành trình làm chủ chip 5G Make in Viet Nam, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết Viettel đã nhận thấy vai trò quan trọng trong việc đi đầu nghiên cứu về công nghệ lõi. Năm 2017, Viettel đã quyết định thành lập Trung tâm thiết kế chip nhằm hướng tới mục tiêu tự chủ trong thiết kế, sản xuất chip bán dẫn và đóng góp năng lực cạnh tranh công nghệ cao quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Kiên, trong giai đoạn thực hiện thiết kế chip Viettel cũng đã gặp một số khó khăn thách thức.
Thứ nhất, về mặt kỹ thuật công nghệ. Khi Viettel bắt đầu thiết kế chip, công nghệ 5G vẫn là công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực viễn thông. Việc thiết kế chip 5G vì thế vô cùng phức tạp, bởi yêu cầu khắt khe về tính năng và các chỉ tiêu kỹ thuật. Hơn nữa, các tiêu chuẩn mạng 5G liên tục được cập nhật, điều này buộc đội ngũ thiết kế chip phải nhanh chóng cập nhật công nghệ mới và điều chỉnh thiết kế sao cho phù hợp với các yêu cầu và chỉ tiêu của hệ thống mạng 5G.
Thứ hai, hạn chế về nguồn nhân lực. Thiết kế chip là lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Các dòng chip mà Viettel hướng tới bao gồm đầy đủ các lĩnh vực, từ xử lý tín hiệu số đến xử lý tín hiệu cao tần.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại Việt Nam có kinh nghiệm trong thiết kế vi mạch còn rất hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của công nghệ 5G. Thời điểm khởi động dự án chip 5G, đội ngũ kỹ sư của Viettel chỉ gồm chưa đến 30 người, trong đó 80% là các kỹ sư trẻ, với kinh nghiệm chỉ 2 - 3 năm.
Thứ ba, hệ sinh thái chip bán dẫn trong nước còn nhiều hạn chế. Hệ sinh thái ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam trước đây chỉ có một số ít các công ty FDI hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và kiểm định. Các công đoạn sản xuất, lắp ráp, và đóng gói hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. Đặc biệt, trong giai đoạn tăng tốc phát triển chip 5G từ năm 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra những gián đoạn lớn, khiến Viettel gặp phải không ít khó khăn trong việc triển khai dự án.
Tuy nhiên, khi đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển chip 5G, Viettel đã triển khai các phương án phù hợp để đạt được những kết quả nhất định.
Thứ nhất, đầu tư hệ thống công cụ và chuyển giao công nghệ. Viettel đã tập trung đầu tư toàn diện vào các công cụ phần mềm thiết kế tiên tiến từ các hãng công nghệ lớn. Thông qua quá trình đàm phán, Viettel Viettel cũng đã kết hợp được với rất nhiều chương trình chuyển giao công nghệ với các hãng tạo cơ hội học hỏi và nâng cao năng lực cho đội ngũ thiết kế.
Thứ hai, tăng cường hợp tác chiến lược trong và ngoài nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc làm chủ công nghệ lõi, Viettel đã không ngừng tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các đối tác thiết kế trong và ngoài nước. Đối với các công đoạn không thuộc phạm vi công nghệ lõi, công ty chủ động thuê ngoài nhằm tối ưu hóa nguồn lực và thời gian.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Viettel không ngừng tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài trên toàn cầu, đồng thời liên tục cập nhật các tri thức thông qua một số hình thức như hợp tác nghiên cứu và tổ chức các khóa đào tạo thực tiễn (training-on-the-job). Đây là cách hiệu quả nhất giúp các kỹ sư trẻ, ít kinh nghiệm nhanh chóng nâng cao chuyên môn và rút ngắn thời gian thích nghi với công việc.
Đến nay, Viettel đã thiết kế thành công hai dòng chip 5G trên công nghệ 28 nanomet. Bên cạnh đó, Viettel cũng đã xây dựng được đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, làm chủ toàn bộ quy trình thiết kế chip và các công nghệ liên quan.
Bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển đến năm 2030
Ông Kiên nhấn mạnh: "Thành công trong phát triển chip 5G của Viettel là kết quả của hàng thập kỷ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), từ các thiết bị đầu cuối đến hạ tầng viễn thông và CNTT. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng cam kết dài hạn đã giúp Viettel dễ dàng bước vào ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch - một lĩnh vực đòi hỏi sự kết hợp tri thức liên ngành từ điện tử viễn thông, kỹ thuật máy tính, đến khoa học vật liệu".
Theo ông Kiên, Viettel đã tập trung xây dựng một hệ sinh thái R&D hoàn chỉnh, bao gồm hợp tác với các trường đại học và tổ chức trong lẫn ngoài nước; đồng thời công ty cũng đã xác định được tầm nhìn vượt ra ngoài sản phẩm, chấp nhận thách thức, rủi ro, và áp lực để nắm bắt cơ hội phát triển.
“Hành trình làm chủ và phát triển chip 5G không chỉ nhằm mục tiêu tạo ra sản phẩm chip đơn lẻ mà còn còn đặt mục tiêu xây dựng năng lực phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn quốc gia. Đây là minh chứng cho vai trò dẫn dắt của Viettel trong việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn tại Việt Nam”, ông Kiên nhấn mạnh.
Mục tiêu của Viettel đặt ra đến năm 2030 là làm chủ thiết kế và sản xuất các loại chip chuyên dụng cơ bản phục vụ cho các sản phẩm công nghệ cao; đồng thời, tiến tới làm chủ các dòng chip cơ bản trong ngành công nghiệp điện tử trong nước.
Bên cạnh đó, Viettel cũng dự kiến xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ cao để phục vụ nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn.
Hành trình làm chủ và phát triển chip 5G Make in Viet Nam không chỉ là bước tiến quan trọng của Viettel mà còn là minh chứng cho khả năng và khát vọng của người Việt Nam trong việc vươn lên trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Với chiến lược dài hạn, đầu tư bài bản và quyết tâm mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam hứa hẹn sẽ không ngừng phát triển đóng góp quan trọng vào mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển thu nhập cao vào năm 2045./.