Sáng kiến "ấn tượng" của tập đoàn lớn để đào tạo nhân lực bán dẫn

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 06:45, 16/01/2025

Các tập đoàn lớn của Việt Nam như FPT hay Sovico đang chung tay gánh vác sứ mệnh lớn lao vì sự phát triển của đất nước. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tinh thần đồng lòng của cả quốc gia.
Make in Viet Nam

Sáng kiến "ấn tượng" của tập đoàn lớn để đào tạo nhân lực bán dẫn

Anh Minh 16/01/2025 06:45

Các tập đoàn lớn của Việt Nam như FPT hay Sovico đang chung tay gánh vác sứ mệnh lớn lao vì sự phát triển của đất nước. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tinh thần đồng lòng của cả quốc gia.

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành một “quốc gia bán dẫn”

Tại phiên thảo luận trong Hội thảo chuyên đề Công nghiệp bán dẫn Việt Nam C=SET+1 - động lực và nền tảng phát triển đất nước, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Có một câu nói trong ngành bán dẫn rằng nếu một quốc gia không có nhà máy chế tạo bán dẫn, thì quốc gia đó chưa thực sự được coi là quốc gia bán dẫn. Việc sở hữu một nhà máy sản xuất bán dẫn không chỉ thể hiện khả năng tự lực tự cường mà còn đảm bảo an ninh quốc gia, vì bán dẫn là nền tảng cho rất nhiều công nghệ quan trọng”.

Theo đó, ông Lịch cho rằng nếu một quốc gia không kiểm soát được công nghệ bán dẫn, họ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc phát triển và bảo vệ nền tảng công nghệ của mình. Một sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn sẽ có tác động rất lớn và khó phục hồi, vì mọi hệ thống công nghệ hiện đại đều phụ thuộc vào bán dẫn.

z6231869380156-9380cecafd1f66b9c.jpg
Ông Nguyễn Khắc Lịch: Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành một “quốc gia bán dẫn”.

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành một “quốc gia bán dẫn”. Chính vì thế, Việt Nam đã đặt ra công thức C=SET+1 trong chiến lược phát triển bán dẫn quốc gia, trong đó, T chính là “Talent”, chính là “nguồn nhân lực”.

Việt Nam hiện nay có khoảng 5.000 - 6.000 kỹ sư bán dẫn, một con số khá ấn tượng. Con số này chủ yếu là những kỹ sư thiết kế bán dẫn được đào tạo trong nước. Ngoài ra, còn có một lượng lớn nhân sự người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, nhưng con số cụ thể vẫn chưa rõ.

Đối với câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực, các chuyên gia cho biết hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chuyên ngành kỹ sư bán dẫn, nhưng đã có nhiều chuyên ngành liên quan như điện tử, công nghệ thông tin (CNTT). Để giải quyết bài toán này, nhiều kỹ sư trong ngành bán dẫn đã được đào tạo thông qua các chương trình của công ty và hợp tác với các đối tác quốc tế.

Các công ty như FPT cung cấp các khóa đào tạo tại chỗ và tạo cơ hội để nhân viên chuyên sâu trong các lĩnh vực đặc thù của ngành. Ngoài ra, các chương trình "upskilling" và "reskilling", với những khóa học ngắn hạn, cũng giúp người lao động gia nhập vào các công đoạn cụ thể trong quy trình thiết kế bán dẫn.

Ông Trần Phú Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh FPT Semiconductor, Tập đoàn FPT, cho biết: “Ngày xưa, tôi học CNTT ở Nhật, và dù ngành tôi học có liên quan đến bán dẫn trong nghiên cứu, nhưng các trường đại học ở Nhật không có chuyên khoa bán dẫn. Họ vẫn chủ yếu có các khoa về điện tử và CNTT. Sinh viên tốt nghiệp từ các khoa này thường vào các công ty bán dẫn và tiếp tục học hỏi thêm trong môi trường làm việc. Một số người chuyên sâu vào bán dẫn, trong khi những người khác tiếp tục công việc trong lĩnh vực CNTT hay điện tử thông thường”.

“Các sinh viên tốt nghiệp các ngành này đã được đào tạo nền tảng vững chắc, và qua quá trình học hỏi trong công ty, họ có thể tiếp cận và làm việc với các công nghệ bán dẫn. Mặc dù không có trường đại học chuyên biệt đào tạo về bán dẫn tại Việt Nam, nhưng các chương trình đào tạo nghề và hợp tác với các công ty quốc tế đã góp phần phát triển đội ngũ kỹ sư bán dẫn. Từ đó, chúng ta đã có một số lượng nhân sự có chuyên môn, hiện nay là khoảng 6.000 kỹ sư bán dẫn”, ông Sơn nói.

"Upskill" và "reskill” là những thuật ngữ quan trọng trong phát triển nhân lực bán dẫn

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Đổi mới sáng tạo và Phát triển công nghệ, Sovico Group, cũng cho biết trên thực tế, ngành điện tử viễn thông tại các khoa đã phát triển hơn 20 năm, và rất nhiều sinh viên sau đó đã ra nước ngoài học tiếp về bán dẫn.

Khi Sovico bắt đầu tiếp cận với lĩnh vực bán dẫn, họ đã phát hiện ra cộng đồng lớn gồm những người Việt đang làm trong ngành bán dẫn ở nước ngoài. Các bạn này chủ yếu làm các công đoạn từ cơ bản đến nâng cao, đa số người Việt nổi bật nhờ khả năng xuất sắc trong các môn khoa học tự nhiên, vì thế họ thường tham gia vào các công việc chuyên sâu như thiết kế chip.

7c5bfa9834d7dd8984c6.jpg
Việc sở hữu một nhà máy sản xuất bán dẫn không chỉ thể hiện khả năng tự lực tự cường mà còn đảm bảo an ninh quốc gia, vì bán dẫn là nền tảng cho rất nhiều công nghệ quan trọng

Ngoài cộng đồng người Việt ở nước ngoài, các bạn du học sinh sau khi học về bán dẫn cũng mở ra nhiều doanh nghiệp nhỏ. Những công ty này có thể không làm về viễn thông, nhưng mỗi công ty cũng cần khoảng 40 - 50 nhân sự, và những người này được đào tạo qua các chương trình reskill và upskill - các khóa học ngắn hạn giúp họ tham gia vào các công đoạn cụ thể trong chuỗi thiết kế bán dẫn mà không cần phải có kiến thức từ đầu.

Theo bình luận của ông Nguyễn Khắc Lịch, "upskill" (đào tạo nâng cao kỹ năng) và "reskill” (đào tạo lại hoặc học các kỹ năng mới) được xem là những thuật ngữ quan trọng trong quá trình đào tạo và phát triển nhân lực trong ngành bán dẫn. Việc này lý giải tại sao số lượng kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam hiện tại có thể đạt tới 6000 người, và nếu chính phủ đẩy mạnh đào tạo, các doanh nghiệp cùng tham gia, mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn trong tương lai là “hoàn toàn khả thi”.

Đặc biệt, về chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn của Sovico, ông Lịch cho biết rất “ấn tượng”, bởi vì không chỉ dừng lại ở việc nâng cao kỹ năng (upskill) và đào tạo lại (reskill) trực tiếp trong thiết kế và phát triển bán dẫn, Sovico còn có chiến lược rất đặc biệt: đào tạo nhân lực tại Đài Loan - nơi được coi là cái nôi của ngành bán dẫn thế giới.

“Mục tiêu của Sovico cũng rất tham vọng và đáng khâm phục: đến năm 2030, tập đoàn này đặt mục tiêu đào tạo được 10.000 kỹ sư. Đây là một con số ấn tượng”, ông Lịch nói. “Như vậy, chỉ riêng Sovico và FPT đã chiếm gần 40% mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

“Điều này cho thấy các tập đoàn lớn của Việt Nam đang và sẽ cùng chung tay gánh vác sứ mệnh lớn lao vì sự phát triển của đất nước. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tinh thần đồng lòng của cả quốc gia”, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, nói.

“Tất nhiên, khi bước vào các lĩnh vực công nghệ mới, chúng ta sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Nhưng những thách thức đó cũng mở ra cơ hội và thị trường tiềm năng. Khi đất nước đã xác định rõ con đường phát triển, sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để hiện thực hóa các mục tiêu lớn lao”, ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh./.

Anh Minh