Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 08:58, 19/01/2025
Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
Truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam là quá trình trao đổi, chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách và tương tác thông tin của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp về các giá trị văn hóa Việt Nam đến người dân trong từng địa bàn, khu vực hoặc giữa các quốc gia, dân tộc với nhau nhằm tăng cường sự giao lưu, hiểu biết về văn hóa Việt Nam.
Theo các chuyên gia, đa văn hóa Việt Nam có thể hiểu là tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần đang tồn tại theo những hình thức đa dạng, phong phú trong từng cộng đồng dân tộc hoặc của cả cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam dưới dạng những lý thuyết xã hội và chính trị cũng như những phong trào xã hội.
Hiên nay, hội nhập quốc tế là xu hướng khách quan. Do đó, việc xây dựng và thực thi chính sách văn hóa một cách đúng đắn, hiệu quả có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền văn hóa, phát huy tiềm năng văn hóa để tạo đà phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, qua đó tuyên truyền, quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước, con người và môi trường tự nhiên, xã hội tốt đẹp văn minh Việt Nam theo đúng tinh thần chủ trương của Đảng là từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.
Truyền thông chính sách về đa văn hóa là nhiệm vụ chiến lược
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về vấn đề này, TS. Lê Văn Hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc hiểu và thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương này đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là nhiệm vụ của tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Công tác tuyên truyền, quảng bá chính sách đa văn hóa của từng vùng, miền, cộng đồng 54 dân tộc và đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đóng vai trò quan trọng: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”, để Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia hùng cường trong khu vực và trên thế giới.
“Vì vậy, xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược”, TS. Lê Văn Hội nhấn mạnh.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận
Cũng theo TS. Lê Văn Hội, trong thời gian qua, nhờ sự chung tay, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, bằng những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Theo đó, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hội nhập quốc tế, gia tăng sự hiện diện trên các diễn đàn cấp song phương và đa phương khu vực và quốc tế với quan điểm Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển bình đẳng.
Hơn nữa, nhận thức của các các cấp, các ngành, các địa phương về vị trí, vai trò của truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế ngày càng được nâng cao. Đây là yếu tố then chốt góp phần nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, bản sắc riêng biệt, độc đáo về đất nước, dân tộc và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động ngoại giao, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, những thành tựu của gần 40 năm đổi mới đất nước; những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước... được quảng bá, truyền tải mạnh mẽ, sâu rộng đến các chính đảng, các quốc gia đối tác và nhân dân trên thế giới, giúp nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam.
“Cùng với những thành tựu trong truyền thông chính sách về đa văn hóa, Việt Nam đã và đang làm tốt công tác đấu tranh hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch, cố tình xuyên tạc hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, với phương châm chủ động đấu tranh từ sớm, từ xa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Sáu nhóm giải pháp trọng tâm
TS. Lê Văn Hội nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tạo dựng lòng tin, củng cố ảnh hưởng và gia tăng “sức mạnh mềm” quốc gia, tiếp tục lan tỏa hình ảnh tươi đẹp về đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới; thu hút đầu tư, thương mại, du lịch...
Để làm tốt nhiệm vụ này, cần thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân từ Trung ương đến cơ sở cần quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương truyền thông chính sách về đa văn hóa đến với bạn bè quốc tế theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về công tác thông tin đối ngoại (TTĐN); Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ làm công tác TTĐN; Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với quan hệ giữa Việt Nam và các nước, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế”.
Thứ hai, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chiến lược truyền thông chính sách về đa văn hóa một cách tổng thể, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả trong nước và nước ngoài để, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Cùng với đó, thực hiện tốt cơ chế, chính sách truyền thông trực tiếp, gián tiếp, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước; Kết hợp linh hoạt các hoạt động ngoại giao văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm tạo tính cộng hưởng trong mục tiêu phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần triển khai các chương trình truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam một cách bài bản, khoa học và hiệu quả.
Thứ ba, chú trọng tuyên truyền, lan tỏa truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân Việt Nam đã được UNESCO vinh danh; quảng bá các giá trị văn hóa với các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, dân tộc, kết hợp “sức mạnh mềm” của giá trị văn hóa với chiến lược truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam, từ đó làm gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia..., đưa văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh thu hút các nguồn lực từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư, tăng cường củng cố mối quan hệ với các giai tầng, nhóm đối tượng ở nước ngoài đã có hiểu biết về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, trong đó đặc biệt là giới báo chí, giới trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là những người có thể tiếp cận, truyền tải văn hóa Việt Nam đến với công chúng ở các quốc gia một cách nhanh nhất, thông qua các hoạt động như truyền thông báo chí, văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao...
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp, học giả, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng truyền thông trong việc lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt Nam góp phần đẩy mạnh quá trình truyền thông chính sách về đa văn hóa đến đông đảo bạn bè quốc tế, thu hút ngày càng nhiều nguồn đầu tư vào Việt Nam.
Thứ năm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động truyền thông chính sách đa văn hóa, nhất là phục vụ công tác chuyển đổi số, sử dụng linh hoạt các nguồn lực công nghệ số, kỹ thuật số, công nghệ “lắng nghe dư luận”, mạng xã hội Facebook, Zalo,... cho công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, chú trọng đào tạo, “Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, năng lực, trình độ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại... Mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các lĩnh vực liên quan đến TTĐN”.
Thứ sáu, đẩy mạnh sử dụng công cụ truyền thông mới, hiện đại trong quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến công chúng, cộng đồng quốc tế, tạo ra những thông điệp chính sách ngắn gọn, súc tích, các “câu chuyện truyền thông” về đất nước, con người Việt Nam, “tạo xu hướng”, “bắt xu hướng” trên mạng xã hội; tăng cường các hình thức sản phẩm truyền thông sinh động clip, hình ảnh, biểu đồ dưới dạng số./.