Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 11:11, 21/01/2025
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
Sắc lệnh này, một trong những hành động đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp không thực hiện bất kỳ hành động nào để thực thi luật để chính quyền của ông có "cơ hội đánh giá và đưa ra hướng đi phù hợp trong tương lai".
Tuy nhiên, động thái này có thể ngay lập tức phải đối mặt với những thách thức pháp lý, bao gồm cả việc liệu một tổng thống có quyền dừng thực thi luật một đạo luật liên bang hay không.
Luật liên bang cấm TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance của Trung Quốc. Luật yêu cầu ứng dụng này phải được bán cho một chủ sở hữu không phải người Trung Quốc nếu không ứng dụng sẽ bị chặn hoàn toàn tại Mỹ. Luật cho phép tổng thống gia hạn 90 ngày nếu đạt được "tiến triển đáng kể" về một thỏa thuận có thể hoàn tất trong thời hạn đó, nhưng điều này hiện không chắc chắn khi luật đã có hiệu lực.
Việc Tổng thống Trump tìm cách trì hoãn luật liên bang đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về giới hạn quyền lực của tổng thống cũng như nguyên tắc pháp quyền tại Mỹ. Một số nhà lập pháp và chuyên gia pháp lý đã bày tỏ lo ngại về tính hợp pháp của một sắc lệnh hành pháp, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa án tối cao vào ngày 17/1 và những lo ngại về an ninh quốc gia.
Cựu Tổng thống Joseph R. Biden Jr. đã ký ban hành luật cấm TikTok vào tháng 4/2024 sau khi được Quốc hội thông qua. Theo đó, ByteDance buộc phải bán TikTok hoặc phải đối mặt với lệnh cấm. Luật này áp dụng các chế tài đối với các cửa hàng ứng dụng và nhà cung cấp điện toán đám mây nếu họ tiếp tục hợp tác với TikTok.
TikTok đã tạm thời ngừng hoạt động đối với người dùng Mỹ vào tối ngày 18/1 và biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng chỉ vài giờ trước nửa đêm. Nhưng nền tảng này đã hoạt động trở lại vào 19/1 sau thông báo trên mạng xã hội của ông Trump rằng ông đang lên kế hoạch ban hành một sắc lệnh hành pháp.
Những nỗ lực của ông Trump nhằm duy trì hoạt động trực tuyến của TikTok có ý nghĩa to lớn đối với người dùng. Ứng dụng này đã định hình lại bối cảnh truyền thông xã hội, định hình văn hóa đại chúng và tạo ra nguồn thu nhập cho hàng triệu người có tầm ảnh hưởng lớn và các doanh nghiệp nhỏ dựa vào nền tảng này.
Mối quan hệ của TikTok với Trung Quốc từ lâu đã gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia. Gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2020, ông Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp cấm các cửa hàng ứng dụng cho phép tải TikTok. Sau đó, ông đã thúc đẩy một công ty Mỹ mua ứng dụng này, nhưng những nỗ lực đó đã tan thành mây khói khi ông để thua Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020.
Đến năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã hồi sinh kế hoạch này và ông Biden đã ký thành luật vào tháng 4. Luật cấm các cửa hàng ứng dụng như Apple và Google, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, không được phân phối hoặc lưu trữ TikTok trừ khi ứng dụng này được bán cho một chủ sở hữu không phải Trung Quốc trước ngày 19/1.
TikTok đã khiếu nại luật này tại tòa án liên bang. Công ty cho rằng nó xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng và chính công ty theo Tu chính án Thứ nhất. Tòa Phúc thẩm tại Washington D.C. đã phán quyết ủng hộ luật vào tháng 12/2024. Tòa án Tối cao cũng làm tương tự vào 17/1.
Tuy nhiên, ông Trump bất ngờ thay đổi quan điểm. Ông đã tham gia TikTok vào tháng 6/2024. Tân tổng thống từng tuyên bố giới trẻ sẽ "phát điên" nếu không có TikTok. "Tôi nghĩ tôi đã có cảm tình với TikTok mà trước đây tôi không hề có”, ông Trump nói khi ký sắc lệnh vào 20/1.
Sau đó, TikTok đã khôi phục dịch vụ cho người dùng Mỹ và chào đón họ bằng thông báo: "Nhờ nỗ lực của Tổng thống Trump, TikTok đã trở lại Mỹ!"./.