Tác động của AI trong trật tự thế giới
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 15:50, 21/01/2025
Tác động của AI trong trật tự thế giới
Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
TS. Ngô Di Lân, một học giả trẻ tài năng của Việt Nam trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, đã chính thức ra mắt tác phẩm tâm huyết “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới”. Cuốn sách không chỉ là kết quả của hành trình hơn 12 năm nghiên cứu mà còn là lời mời độc giả cùng suy ngẫm về những chuyển động phức tạp của quyền lực quốc tế.
Từ những ngày đầu bị cuốn hút bởi những sự kiện lịch sử như Chiến tranh thế giới thứ nhất và các tác phẩm kinh điển về ngoại giao như “Diplomacy” của Henry Kissinger, TS. Ngô Di Lân đã không ngừng tìm hiểu nguyên nhân, động lực và chiến lược đằng sau các sự kiện địa chính trị. Từ giảng đường đến các cuộc trò chuyện tại các quán cà phê ở Hà Lan và Việt Nam, ông tích lũy tri thức để giờ đây chuyển tải những kiến thức và kinh nghiệm ấy qua cuốn sách.
Cuốn sách gồm 8 chương, phân tích nhiều khía cạnh khác nhau của quyền lực trong quan hệ quốc tế. Chương mở đầu tập trung vào sự tương tác giữa các quốc gia lớn và nhỏ, đồng thời làm rõ các nước lớn định hình và duy trì ảnh hưởng.
Các chương tiếp theo phân tích: Cách các quốc gia sử dụng vũ lực, xây dựng liên minh, và thiết lập hòa bình sau xung đột; Vai trò của kinh tế, thương mại quốc tế và tài nguyên trong việc định hình trật tự toàn cầu; Tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực; Ảnh hưởng của bản sắc văn hóa và ngôn từ trong chính trị hiện đại.
Chương cuối cùng là lời kêu gọi độc giả suy ngẫm về các chiến lược để thích nghi với một thế giới không ngừng biến đổi, đồng thời gợi mở những bài học từ quá khứ để định hướng tương lai.
Với lối viết sâu sắc nhưng gần gũi, tác phẩm mang đến những so sánh thú vị, chẳng hạn:“Cờ vua phản ánh tư duy thắng - thua, trong khi cờ vây hướng đến kiểm soát lãnh thổ lâu dài.”; “Quyền lực quốc gia không chỉ đo bằng kinh tế hay quân sự mà còn bởi khả năng kể chuyện, đặc biệt trong thời đại mạng xã hội và AI.”; “Các nước nhỏ ngày nay không còn là con tốt thụ động. Họ tận dụng công nghệ, văn hóa và vị trí để tạo lợi thế cạnh tranh”.
“Trò chơi quyền lực” không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu hay sinh viên quan hệ quốc tế mà còn là tài liệu tham khảo giá trị cho những ai muốn hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh. Cuốn sách mở ra cách nhìn mới mẻ về quyền lực quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của sáng tạo và khả năng thích ứng trong việc định hình vị thế quốc gia.
Qua cuốn sách, TS. Ngô Di Lân chia sẻ không chỉ những bài học học thuật mà còn là khát vọng truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. “Chính trị quốc tế là trò chơi quyền lực, nơi các quốc gia không ngừng tranh giành ảnh hưởng. Nhưng dưới lớp vỏ quyền lực ấy luôn ẩn chứa yếu tố cảm xúc, định kiến và cả những giá trị nhân văn”, ông viết.
Tác phẩm là minh chứng cho sự kết hợp giữa tư duy học thuật sắc bén và niềm đam mê nghiên cứu sâu sắc. Đây sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để độc giả Việt Nam và quốc tế hiểu thêm về bản chất của quyền lực toàn cầu và cách các quốc gia ứng phó với những thách thức trong thế kỷ 21./.