Không ghi nhận tấn công mạng nghiêm trọng dịp Tết Ất Tỵ 2025
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 13:15, 03/02/2025
Không ghi nhận tấn công mạng nghiêm trọng dịp Tết Ất Tỵ 2025
Trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, mạng lưới thông tin liên lạc, chuyển phát được đảm bảo an toàn, thông suốt. Báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đã thông tin, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước...
Ngay ngày đầu đi làm trở lại sau Tết Ất Tỵ, ngày 3/2/2025, Bộ TT&TT đã thông tin về công tác đảm bảo an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ.
Đảm bảo an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc, chuyển phát
Theo Bộ TT&TT, hoạt động khai thác mạng lưới, vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát trong dịp Tết (nhất là hoạt động của mạng bưu chính KT1) được đảm bảo duy trì thông suốt, liên tục, không gián đoạn, nhanh chóng, chính xác, an toàn phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân và hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Tổng sản lượng bưu gửi KT1 dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đạt 5.291 bưu gửi, giảm 54,03% so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Mạng lưới, thông tin liên lạc (TTLL) được bảo đảm tuyệt đối an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu TTLL của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (bao gồm các mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước: mạng bưu chính, mạng điện báo, mạng tổng đài 080, mạng truyền số liệu chuyên dùng).
Mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định, tải xử lý các hệ thống đảm bảo, lưu lượng các dịch vụ lưu thoát tốt, không xảy ra sự cố. Các DN đã tổ chức triển khai thực hiện trực lãnh đạo, trực kỹ thuật, điều hành và trực ứng cứu thông tin; tổ chức kiểm tra mạng lưới, chủ động phát hiện và xử lý, phòng ngừa các nguy cơ gây mất an toàn thông tin (ATTT) trên mạng lưới.
Tính từ đầu kỳ nghỉ Tết tới thời điểm báo cáo, lưu lượng dữ liệu (data) băng rộng cố định (BRCĐ) đạt 411,56 TB, tăng trung bình 18,3% so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn; lưu lượng data BRDĐ đạt 239,3 TB, giảm trung bình 2,5% so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lưu lượng thoại (trong nước và quốc tế) giảm 17,2% so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt từ thoại sang data, do người dùng thay đổi phương thức liên lạc thoại truyền thống sang nhắn tin OTT, gọi video…
Hệ thống mạng đài kiểm soát tần số vô tuyến điện được tăng cường kiểm soát, duy trì hệ thống trực, bảo đảm an toàn, thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Các tần số trực canh an toàn cứu nạn hàng không, hàng hải; hệ thống điều hành bay, dẫn đường hàng không; các đài phát thanh truyền hình, các đài truyền thanh không dây, hệ thống thông tin (HTTT) di động của các DN hoạt động thông suốt; không xảy ra hiện tượng can nhiễu, không phát hiện HTTT vô tuyến điện gửi, phát tán điện tín có nội dung trái pháp luật, không phát hiện vi phạm về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.
Hạ tầng kết nối, trung chuyển Internet, các hệ thống kỹ thuật tên miền, tài nguyên Internet quốc gia được bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định trong suốt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Không ghi nhận các cuộc tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng
ATTT mạng trong suốt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được bảo đảm tốt. Các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã chủ động phối hợp với các mạng xã hội (MXH), trang tin điện tử tổng hợp, đặc biệt là các MXH xuyên biên giới để xử lý kịp thời các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, thông tin giả trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong kỳ nghỉ Tết không ghi nhận các cuộc tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng, ghi nhận 105 cuộc tấn công mạng chủ yếu theo hình thức phishing; gửi cảnh báo và hỗ trợ xử lý 15 cuộc tấn công mạng.
Công tác sát, chặn gỡ thông tin xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới đạt tỷ lệ cao (tỷ lệ đáp ứng trên 92%), đảm bảo ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu độc có ảnh hưởng lớn trong dịp Tết Nguyên Đán (Kết quả từ ngày 25/1- 2/2/2025: Facebook gỡ 64 bài viết; Youtube gỡ 76 video; Tiktok gỡ 38 tài khoản và 11 video).
Tin, bài về Tết nguyên đán Ất Tỵ tăng 110%
Các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở (TTCS) đã bám sát thông tin, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, gắn với chủ đề Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước...
Theo Bộ TT&TT, nội dung đăng tải trên các báo và các chương trình phát thanh, truyền hình trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 hướng đến sự phong phú và đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, mang nét đặc trưng văn hóa vùng miền, làm nổi bật những giá trị truyền thống của ngày Tết cổ truyền dân tộc, đồng thời tập trung truyền tải sinh động không khí chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước với nhiều thông điệp, chỉ đạo về đổi mới sáng tạo, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc....
Các cơ quan báo chí, hệ thống TTCS cũng nâng cao ý thức tự giác của nhân dân trong thực hiện các quy định về an toàn giao thông, sử dụng pháo và vật liệu nổ; về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2025; Chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính tới thời điểm sáng ngày 3/2 đã có: 27.515 tin, bài thông tin, phản ánh tình hình tết Nguyên đán Ất Tỵ, tăng 110% so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Một số chương trình truyền hình hấp dẫn với nội dung đa dạng được phát sóng trong dịp Tết như: Chương trình Phiên chợ mùa xuân với chủ đề “Rực rỡ Việt Nam”; Chương trình Hương vị Tết xa; Chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2025; Chương trình Tết nghĩa là hy vọng 2025... của Đài Truyền hình Việt Nam; Táo Xuân Ất Tỵ 2025 "Xuân ấm tình người" (Đài PTTH Vĩnh Long); chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hải Phòng - Mùa xuân và khát vọng" (Đài PTTH Hải Phòng); Mừng xuân Ất Tỵ, Xứ Sen đón Tết (Đài PTTH Đồng Tháp); Đắk Lắk - hành trình 120 năm hình thành khát vọng và vươn xa (Đài PTTH Đắk Lắk)…
Các cơ quan báo chí đối ngoại có nhiều bài viết mới, thông tin bằng nhiều thứ tiếng ghi nhận không khí Tết rộn ràng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hoạt động, sự kiện. Một số bài viết đáng chú ý như: Nhật Bản: Tưng bừng Lễ hội Tết Việt 2025 lần đầu tiên được tổ chức ở Saitama; Xuân Ất Tỵ 2025: Cộng đồng người Việt tại Nga gắn kết tình đồng hương; Xuân mới và niềm tự hào dân tộc trong lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc; Mang Tết Việt đến bạn bè quốc tế; Xuân Ất Tỵ 2025: Gìn giữ nét văn hóa qua Tết Nguyên Đán tại Canada; Không khí Tết sum vầy giữa tiết trời giá lạnh của New York;… phản ánh không khí đón Tết của cộng đồng người Việt tại nhiều quốc gia, mang đến góc nhìn đa chiều về đời sống, văn hóa và tình cảm của người Việt xa quê.
Các xuất bản phẩm phục vụ dịp Tết phong phú, hấp dẫn
Các nhà xuất bản (NXB), cơ sở phát hành đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và bán các xuất bản phẩm có giá trị tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật và các văn hóa phẩm, tranh, ảnh, lịch phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bằng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn.
Để phục vụ bạn đọc nhân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán năm 2025, Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản chú trọng xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa, nghệ thuật liên quan đến vẻ đẹp đời sống, văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là các nét đẹp truyền thống của Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, các chương trình, sự kiện như: Lễ hội Đường Sách Tết Ất Tỵ - năm 2025 với chủ đề “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa” (TP HCM), Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 theo chủ đề “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”, Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề Tết tri thức - sum vầy (TP Hà Nội)… được tổ chức tại các thành phố lớn đã thu hút được nhiều NXB tham gia, hàng trăm nghìn tựa sách được trưng bày, thu hút đông đảo người dân tham gia và hưởng ứng./.