Hàng Châu: Trung tâm công nghệ mới của Trung Quốc với 6 công ty khởi nghiệp gây sốt

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 16:54, 10/02/2025

6 công ty khởi nghiệp đang mang lại danh tiếng quốc tế cho thành phố Hàng Châu của Alibaba và định hình lại bản đồ đổi mới của Trung Quốc.
Chuyển động ICT

Hàng Châu: Trung tâm công nghệ mới của Trung Quốc với 6 công ty khởi nghiệp gây sốt

Ngọc Diệp {Ngày xuất bản}

6 công ty khởi nghiệp đang mang lại danh tiếng quốc tế cho thành phố Hàng Châu của Alibaba và định hình lại bản đồ đổi mới của Trung Quốc.

5af3a03a-325b-4565-9ef0-ab3860ed80c0_a6a7704e.jpg

Thủ phủ của 6 công ty khởi nghiệp gây sốt tại Trung Quốc

Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, Đông Nam Trung Quốc, đang nhanh chóng được công nhận là một trung tâm công nghệ hàng đầu của đất nước với sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp địa phương được gọi là "6 con rồng nhỏ" (Six Little Dragons).

Một trong những công ty khởi nghiệp gây sốt nhất hiện nay là DeepSeek, công ty đã thu hút sự chú ý của giới công nghệ toàn cầu trong đầu năm 2025 nhờ các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ với chi phí đào tạo thấp. Theo thống kê từ một hãng nghiên cứu thị trường khác là Appfigures, trong những ngày cuối tháng 1, DeepSeek đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong App Store tại Mỹ và 140 thị trường trên toàn cầu.

Hoạt động chưa đầy 1 tháng, DeepSeek cũng lọt vào top 5 ứng dụng AI có người dùng hàng tháng (MAU) nhiều nhất, theo thống kê Aicpb. Ứng dụng đạt 33,7 triệu MAU, đứng sau Nova AI, một chatbot tổng hợp GPT và Gemini với 56,6 triệu người dùng, Doubao với 78,61 triệu người dùng, trong khi ChatGPT đạt hơn 349 triệu người dùng hàng tháng.

Những công ty khác trong 6 con rồng nhỏ bao gồm hai công ty robot Unitree và Deep Robotics, studio trò chơi điện tử Game Science, công ty giao diện não - máy tính từ Trung Quốc BrainCo và nhà phát triển phần mềm thiết kế nội thất 3D Manycore.

Các nhà chức trách tại Hàng Châu, thành phố được biết đến nhiều nhất là quê hương của gã khổng lồ công nghệ Alibaba, đã ghi nhận thành công của 6 công ty khởi nghiệp này trong thông điệp năm mới gửi đến cộng đồng doanh nghiệp địa phương vào tháng 1.

“Thật vinh dự khi được mệnh danh là một trong “6 con rồng nhỏ’”, Giám đốc sản phẩm của Deep Robotics, Zheng Dongxin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Tháng 12/2024, robot 4 chân của Deep Robotics đã được Singapore Power Group đưa vào sử dụng để kiểm tra đường hầm điện, trở thành robot 4 chân đầu tiên của Trung Quốc được triển khai ở nước ngoài cho mục đích công nghiệp. Công ty cũng đã đẩy mạnh nỗ lực phát triển robot hình người, với kế hoạch ​​ra mắt sản phẩm mới vào quý 2 và quý 3 năm nay, Zheng nói với tờ SMCP.

Zheng Dongxin cho rằng thành công của Deep Robotics là nhờ “bầu không khí đổi mới” của Hàng Châu, được thúc đẩy thông qua các chính sách thuận lợi của chính phủ như ưu đãi thuế, phát triển khu công nghiệp và hỗ trợ tài chính.

Game Science, studio đứng sau tựa game ăn khách “Black Myth: Wukong” ra mắt năm ngoái, trò chơi điện tử AAA đầu tiên của Trung Quốc, cũng được hưởng lợi từ các chính sách này. Theo báo cáo của China Tax News, tổng chi phí phát triển trò chơi của Game Science vượt quá 300 triệu nhân dân tệ (41 triệu USD), trong đó các ưu đãi thuế lên tới hơn 28 triệu nhân dân tệ.

BrainCo, công ty mà người sáng lập đã thành lập trong một gara ở Boston, Mỹ khi đang học tại Harvard, đã chuyển đến Hàng Châu sau khi hợp tác với phái đoàn công nghệ của thành phố, nơi cung cấp trợ cấp tiền thuê nhà và các ưu đãi khác, theo truyền thông địa phương. Bàn tay sinh học của công ty đã thu hút sự chú ý tại Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật châu Á năm 2023, khi một người cầm đuốc đã sử dụng nó để thắp sáng ngọn lửa chính.

Nền giáo dục hùng mạnh

Các trường đại học ở Hàng Châu đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tài năng công nghệ. Ba trong số "6 chú rồng nhỏ" được thành lập bởi các cựu sinh viên Đại học (ĐH) Chiết Giang, bao gồm Liang Wenfeng của DeepSeek, Huang Xiaohuang và Chen Hang của Manycore, và Li Chao và Zhu Qiuguo của Deep Robotics. Trong đó, Zhu Qiuguo hiện là phó giáo sư tại trường đại học.

Tính đến tháng 9/2024, ĐH Chiết Giang đã đào tạo ra 102 giám đốc điều hành tại các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc, xếp ngay sau ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh và ĐH Giao thông Thượng Hải, theo dữ liệu từ nền tảng theo dõi khởi nghiệp Itjuzi.

Người sáng lập Unitree, công ty có chú robot hình người đã gây ấn tượng mạnh tại Gala Lễ hội mùa xuân năm nay, đã tốt nghiệp cử nhân tại ĐH Khoa học Công nghệ Chiết Giang ở Hàng Châu.

Những ưu đãi và hỗ trợ từ chính phủ

“Đổi mới dựa trên ba yếu tố, gồm nghiên cứu cơ bản, công nghệ ứng dụng và hỗ trợ tài chính, tất cả đều thiết yếu”, Zheng Yongnian, trưởng khoa chính sách công tại ĐH Trung Quốc tại Hồng Kông (chi nhánh Thâm Quyến), cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Hàng Châu đang làm rất tốt trong lĩnh vực này”.

So sánh các trung tâm đổi mới AI ở Trung Quốc và Mỹ, Zheng lưu ý rằng Mỹ có hai khu vực chính - một khu vực trải dài từ Thung lũng Silicon đến Texas và một khu vực khác từ Boston đến New York. Tương tự như vậy, Trung Quốc có hai cụm chính: khu vực Đồng bằng sông Dương Tử và Vùng vịnh lớn.

“Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận theo hướng kép gồm các lực lượng do chính phủ dẫn dắt và do thị trường thúc đẩy”, Zheng cho biết thêm rằng các dự án cơ sở hạ tầng do nhà nước điều hành và quản lý đã thúc đẩy sự tăng trưởng AI.

Dữ liệu chính thức cho thấy vào năm 2024, các ngành công nghiệp kinh tế kỹ thuật số cốt lõi của Hàng Châu đã đóng góp 630,5 tỷ nhân dân tệ, tăng 7,1%so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần một 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố.

Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp tương lai (2025 - 2026) mới vừa được Hàng Châu công bố ưu tiên AI, nền kinh tế tầm thấp, robot hình người, trí thông minh lấy cảm hứng từ não và sinh học tổng hợp.

"Trong năm mới, Chiết Giang đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới AI quốc gia", một quan chức tỉnh cho biết tại một cuộc họp báo vào tháng 1, đồng thời nhấn mạnh cơ sở hạ tầng máy tính, khả năng truy cập dữ liệu và các ứng dụng AI là những lĩnh vực trọng tâm chính.

Chiết Giang vẫn là trụ cột của nền kinh tế khu vực tư nhân của Trung Quốc. Theo dữ liệu của chính phủ, tính đến năm 2024, tỉnh này có 3,51 triệu doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký, chiếm 92,06% tổng số doanh nghiệp./.

Ngọc Diệp