TP. Huế đề xuất thử nghiệm các giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:34, 11/02/2025

Theo Chủ tịch UNBD TP. Huế Nguyễn Văn Phương, việc được chọn là nơi triển khai các mô hình mới, các giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ giúp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chất lượng công tác quản lý điều hành và đóng góp cho thành công của các sản phẩm khi triển khai, nhân rộng.
Chuyển đổi số

TP. Huế đề xuất thử nghiệm các giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Theo Chủ tịch UNBD TP. Huế Nguyễn Văn Phương, việc được chọn là nơi triển khai các mô hình mới, các giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ giúp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chất lượng công tác quản lý điều hành và đóng góp cho thành công của các sản phẩm khi triển khai, nhân rộng.

Huế xếp Top 3 toàn quốc về Chỉ số chuyển đổi số (DTI)

Bộ Thông tin và Truyền Thông vừa công bố kết quả Chỉ số chuyển đổi số (CĐS) (DTI) năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) xếp thứ 3 trong toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2022.

bang-xep-hang-dti-khoi-dia-phuong-2023.jpg
Bảng xếp hạng Chỉ số CĐS khối địa phương 2023: TP. Huế xếp thứ 3.

Đối với Chỉ số CĐS cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế, chỉ số đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số, chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số, chỉ số đánh giá về hoạt động CĐS, chỉ số đánh giá về an toàn an ninh mạng, chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí.

Năm 2023, Huế xếp thứ 3 trong toàn quốc với 0,7660 điểm, trong đó chỉ số chính quyền số 0,8449 điểm, kinh tế số 0,8373 điểm và xã hội số 0,7556 điểm. Có được kết quả trên là nhờ trong thời gian qua, Huế đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình CĐS quốc gia trên toàn địa bàn tỉnh.

Những nỗ lực này đã mang lại cho tỉnh nhiều giải thưởng danh giá, như giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 với hạng mục "Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất". Đặc biệt, năm 2022, TP. Huế vinh dự nhận giải thưởng ASOCIO trong lĩnh vực Chính phủ số. TP. Huế cũng ghi dấu với vị trí thứ 4/63 tỉnh thành về chỉ số CĐS năm 2022 và xếp hạng số 1 toàn quốc về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023. Năm 2024, TP. Huế được vinh danh với giải thưởng Thành phố thông minh tại ASOCIO DX Award 2024.

Nền tảng Hue-S cùng các dịch vụ số của tỉnh đã 5 năm liên tiếp nhận giải thưởng Sao Khuê. Nền tảng Hue-S, được xem là biểu tượng thành công trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và CĐS của Thừa Thiên Huế, đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Tất cả các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh đã được tích hợp vào nền tảng này, giúp kết nối hiệu quả với người dân và doanh nghiệp (DN).

Hiện TP. Huế đang tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), trong đó ưu tiên CĐS đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như Y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành công việc; đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức trên địa bàn.

Thông tin về thực hiện CĐS và Đề án 06 tại TP. Huế mới đây tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết TP. Huế đã xác định: “Đây là một giải pháp đột phá và chủ trương trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Chính vì vậy, chỉ số DTI trong các năm qua, Huế luôn là địa phương lọt top 5 của cả nước”.

ong-nguyen-van-phuong.jpeg
Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương: các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, thành phố hiện nay đã chuyển dần lên môi trường số (Ảnh: hue.gov.vn).

Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Phương, đến nay, cơ bản các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước (CQNN) từ cấp tỉnh đến cấp xã, thành phố hiện nay đã chuyển dần lên môi trường số với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình đạt tỷ lệ 67,5% và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 87%, với 4/7 nền tảng dùng chung được triển khai có hiệu quả.

Về xã hội số, trên 90% người dân TP. Huế đã được định danh điện tử mức độ 2. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP của thành phố đạt 11,53%. Đối với Đề án 06, TP. Huế đã triển khai 46/43 mô hình, vượt 3 mô hình so với yêu cầu.

Qua quá trình triển khai, Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết đã có nhiều kinh nghiệm được rút ra, trong đó là sự tập trung cao độ, nghiêm túc và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đã góp phần cho sự thành công bước đầu của công tác này.

Ngay sau khi Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các chương trình, các chỉ đạo liên quan, TP. Huế đã tổ chức thực hiện triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Trong năm 2024, TP. Huế đã có 22 văn bản cấp thành phố để triển khai và TP. Huế cũng cũng thực hiện nguyên tắc không giao khoán cho cấp dưới mà phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ những sản phẩm, định lượng cụ thể”.

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 2025, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương cho biết các thủ tục trên môi trường mạng, môi trường số của TP. Huế cũng đã được chuyển đổi và duy trì thông suốt, bảo đảm việc chuyển đổi thành phố từ cấp tỉnh lên Trung ương, giao dịch trên tất cả các lĩnh vực thông suốt.

tp-hue.jpg
CĐS trong giải quyết TTHC mang lai nhiều thuận lợi cho người dân (Ảnh: hue.gov.vn).

Chọn Huế để thử nghiệm các mô hình, giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ

Với vai trò và vị thế mới của thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương cũng cho biết TP. Huế đang có những thuận lợi tích cực trong tiến trình CĐS và thực hiện Đề án 06 với một hệ sinh thái của khá nhiều các trường đại học, DN và đặc biệt sự quan tâm của các cơ quan trung ương về CĐS và Đề án 06. Cùng với sự có mặt của các DN công nghệ hàng đầu Việt Nam như là VNPT, Viettel, FPT… đã tạo tiền đề rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế số, phục vụ người dân, DN và tạo môi trường để thu hút đầu tư… trên địa bàn thành phố và là một trong những tiền đề quan trọng để hiện thực hoá Nghị quyết 57.

Chủ tịch Nguyễn Văn Phương cho biết thời gian vừa qua TP. Huế thường được chọn là một trong những địa phương thí điểm mô hình và triển khai thành công, kể cả các mô hình của các tập đoàn công nghệ.

Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương đề xuất: “Trong thời gian tới, TP. Huế mong muốn tiếp tục được chọn là nơi triển khai các mô hình mới, là nơi thử nghiệm các giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ để triển khai nhân rộng, qua đó tạo điều kiện để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành và đóng góp cho thành công của các sản phẩm khi triển khai, nhân rộng”.

tuan-le-cds-hue-2024.jpg
Ảnh: huengaynay.vn

Theo Kế hoạch chuyển đổi số TP. Huế 2025, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể là phát triển chính quyền số, phấn đấu 100% các CQNN trên địa bàn tỉnh kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng chuyên dùng của Chính phủ để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin; 80% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; 100% người dân và DN sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các đơn vị cung cấp dịch vụ công thực hiện triển khai công tác số hóa phục vụ chuyển đổi mô hình công sở số; phấn đấu đạt 90% tiêu chí về hoàn thiện chính quyền số; Phấn đấu chỉ số người dân, DN hài lòng về việc giải quyết TTHC đạt 90%. Các cơ quan chuyên ngành xây dựng dữ liệu số đạt 70% yêu cầu của ngành và đồng bộ thống nhất để tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số…/.

Hoàng Linh