Tăng trưởng mới cho nền kinh tế cần nguồn lực con người, vốn, công nghệ
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:48, 23/02/2025
Tăng trưởng mới cho nền kinh tế cần nguồn lực con người, vốn, công nghệ
Việc tập trung, ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… sẽ góp phần giúp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế
Để thực hiện hiệu quả cho mục tiêu này, mới đây, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các vấn đề quan trọng phải cùng tập trung chính là tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và cần phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế…
Hơn nữa, cũng cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính "đòn bẩy , điểm tựa" để làm có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng thời gian, trí tuệ, quyết đoán. Đây là những yếu tố quyết định thành công.
.png)
Thủ tướng chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý các vấn đề phát sinh cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đồng thời đề cập đến việc cần xây dựng cơ chế, chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm (xây dựng tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP. HCM và giữa sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành).
“Khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, dự án; sớm khơi thông nguồn lực của các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tạo "luồng xanh" cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao
Tại hội nghị, nêu quan điểm thực hiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhưng cũng có các cơ hội, thời cơ mới từ sự thay đổi của cục diện kinh tế, chính trị thế giới, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư toàn cầu và các xu thế lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh... có thể tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước ta.
Cũng chính vì điều này, Việt Nam xác định đột phá trong phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS), nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
“Đặc biệt, cần hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, quy định "luồng xanh" cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao; đẩy mạnh việc phát triển khoa học, ĐMST…”, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Ở quan điểm gia tăng, phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thời gian tới, Hà Nọi tập trung phấn đấu đạt tỷ lệ DN ĐMST trên 50% (đạt khoảng 150.000/210.000 DN đang hoạt động); hỗ trợ DN ứng dụng, chuyển giao công nghệ, CĐS và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng lực sản xuất; phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là DN KHCN.
“Thủ đô tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỷ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD); lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách…”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chia sẻ về nhiệm vụ cần đẩy mạnh thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ thành lập khu công nghệ thông tin tập trung, đề nghị Chính phủ cho phép thành lập khu thương mại tự do, khu công nghệ cao, xây dựng cơ sở dữ liệu số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Đồng Nai đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, phát triển nhà ở xã hội, tạo động lực cho đầu tư phát triển; hình thành các khu công nghiệp tập trung, công nghiệp xanh; tháo gỡ các dự án bất động sản khó khăn vướng mắc, đưa sản phẩm vào thị trường, khai thông thị trường bất động sản thời gian qua.
Hơn nữa, về dài hạn, Đồng Nai chủ động triển khai tốt ĐMST, nâng cao sức cạnh tranh; phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy ĐMST, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thu hút các ngành nghề sản xuất bán dẫn, tự động hóa, dữ liệu lớn…; xây dựng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, khuyến khích DN sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa, áp dụng mô hình sản xuất hiện đại; khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, liên kết đào tạo các trường đại học nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo.
Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch quốc tế
Là địa phương có thành tích nổi bật về tăng trưởng, phát triển, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ chủ động xây dựng và triển khai không gian đổi mới, sáng tạo, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, AI.
Thành phố sớm vận hành hiệu quả Khu Công viên phần mềm số 2, trong đó có các phòng lab dành cho đào tạo vi mạch và AI; trung tâm dữ liệu Đà Nẵng; tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch quốc tế.
.png)
Nói đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy đề xuất, các địa phương cần đưa mục tiêu yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng GRDP chiếm 50 - 55%, từ đó, có kế hoạch cụ thể kinh phí đầu tư đổi mới KHCN, đưa các cơ chế, chính sách mới đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN và ĐMST.
Đặc biệt, trong đó có nội dung cho phép tính các chi tiêu nghiên cứu phát triển ĐMST của DN được trừ vào chi phí tính thuế thay vì trước đây chỉ cho DN trích quỹ tối đa 10% lợi nhuận sau thuế (con số này nhỏ hơn nhiều tổng doanh thu của DN).
Với cơ chế mới này, DN có thể đầu tư nghiên cứu phát triển 10 thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này, hỗ trợ tốt khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng công nghệ DN.
“Trong thời gian sớm nhất, Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật KHCN và ĐMST trong tháng 5 và xây dựng chiến lược phát triển KHCN, tạo đà phát triển bền vững trong năm 2026 và các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết./.