Thị trường AI toàn cầu xáo trộn trước sự bùng nổ các mô hình AI mã nguồn mở

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 12:15, 26/03/2025

Trung Quốc đang chuyển đổi sang việc áp dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mã nguồn mở, tạo ra một bước ngoặt lớn cho lĩnh vực AI của nước này.
Chuyển động ICT

Thị trường AI toàn cầu xáo trộn trước sự bùng nổ các mô hình AI mã nguồn mở

Ngọc Diệp 26/03/2025 12:15

Trung Quốc đang chuyển đổi sang việc áp dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mã nguồn mở, tạo ra một bước ngoặt lớn cho lĩnh vực AI của nước này.

6c0d9e4360f91a3c61ea541e1b5a473c114f1faf534f9b77.jpg

Sự thay đổi này được dẫn dắt công ty khởi nghiệp AI Trung Quốc DeepSeek, công ty này đã phát hành mô hình R1 vào đầu năm nay. R1 không chỉ thách thức sự thống trị của các công ty công nghệ Mỹ mà còn đặt ra câu hỏi về việc các Big Tech chi tiêu quá nhiều cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và trung tâm dữ liệu.

Với hiệu suất vượt trội và chi phí thấp hơn, R1 đã tạo nên tiếng vang trong lĩnh vực. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, tác động lớn nhất của DeepSeek là việc thúc đẩy áp dụng các mô hình AI mã nguồn mở.

Wei Sun, nhà phân tích chính về AI tại Counterpoint Research, cho biết: "Thành công của DeepSeek chứng minh rằng các chiến lược mã nguồn mở có thể dẫn đến sự đổi mới nhanh hơn và sự áp dụng rộng rãi hơn", đồng thời lưu ý rằng một số lượng lớn các công ty tại Trung Quốc đã tích hợp R1 vào hoạt động của mình.

“Chúng ta thấy R1 đang tích cực định hình lại bối cảnh AI của Trung Quốc, với các “ông lớn” như Baidu phải chuyển sang phát triển mã nguồn mở LLM của riêng họ như một phản ứng chiến lược”, Wei Sun nói thêm.

Ngày 16/3 vừa qua, Baidu đã phát hành phiên bản mới nhất của mô hình AI, Ernie 4.5 và một mô hình lý luận mới, Ernie X1, miễn phí cho người dùng cá nhân. Baidu cũng có kế hoạch mở mã nguồn toàn bộ dòng Ernie 4.5 từ cuối tháng 6.

"Baidu luôn ủng hộ mô hình kinh doanh độc quyền của mình và lên tiếng phản đối mã nguồn mở, nhưng những đối thủ cạnh tranh như DeepSeek đã chứng minh rằng các mô hình mã nguồn mở là một hướng đi đúng đắn", Lian Jye Su, nhà phân tích chính tại Omdia cho biết.

Thay đổi chiến lược sang phát triển các mô hình mã nguồn mở

Mã nguồn mở (open-source) thường được hiểu là phần mềm mà mã nguồn được công khai miễn phí trên mạng, cho phép người dùng chỉnh sửa và phân phối lại. Các mô hình AI mã nguồn mở đã tồn tại trước khi DeepSeek xuất hiện như Llama của Meta và Gemma của Google. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các mô hình này không thực sự “mở” hoàn toàn do các hạn chế về sử dụng và sửa đổi trong giấy phép và việc không được công khai bộ dữ liệu đào tạo.

Ngược lại, R1 của DeepSeek được phân phối theo “Giấy phép MIT” - một trong những giấy phép mã nguồn mở được áp dụng rộng rãi nhất, cho phép sử dụng, sửa đổi và phân phối không hạn chế, bao gồm cả cho mục đích thương mại.

Nhóm DeepSeek thậm chí đã tổ chức một "Tuần lễ mã nguồn mở" vào tháng trước, trong đó họ đã công bố thêm các chi tiết kỹ thuật về quá trình phát triển mô hình R1 của mình.

Mặc dù mô hình của DeepSeek là miễn phí, nhưng công ty này vẫn có doanh thu thông qua việc tính phí Giao diện lập trình ứng dụng (API), cho phép tích hợp mô hình AI vào các ứng dụng của các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, phí API của DeepSeek được quảng cáo là thấp hơn nhiều so với các dịch vụ mới nhất của OpenAI và Anthropic. Hai công ty tính phí người dùng cá nhân và doanh nghiệp để truy cập một số mô hình của họ. Đây là các mô hình “nguồn đóng” vì tập dữ liệu và thuật toán không được công khai.

Xu hướng AI mã nguồn mở tại Trung Quốc

Ngoài Baidu, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác như Alibaba Group và Tencent đều đã phát hành các mô hình mã nguồn mở.

Tháng trước, Alibaba Cloud thông báo mở mã nguồn các mô hình AI tạo video của mình, trong khi Tencent đã phát hành 5 mô hình mã nguồn mở mới trong tháng này, với khả năng chuyển đổi văn bản và hình ảnh thành hình ảnh 3D

Các công ty nhỏ hơn cũng đang thúc đẩy xu hướng này. ManusAI, một công ty AI của Trung Quốc gần đây đã công bố một tác nhân AI tự nhận vượt trội hơn Deep Research của OpenAI, cũng tuyên bố sẽ chuyển sang mã nguồn mở.

“Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có cộng đồng nguồn mở tuyệt vời, đó là lý do tại sao chúng tôi muốn đóng góp trở lại” đồng sáng lập Ji Yichao của ManusAI cho biết trong video giới thiệu sản phẩm.

Thậm chí, Zhipu AI, một trong những công ty khởi nghiệp AI hàng đầu của Trung Quốc, đã tuyên bố trên WeChat rằng năm 2025 sẽ là “năm của mã nguồn mở”.

Cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc

OpenAI - công ty khởi đầu cơn sốt AI khi phát hành bot ChatGPT vào tháng 11/2022 - vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ có kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh doanh độc quyền của mình.

Wei Sun cho biết OpenAI và DeepSeek đại diện cho hai cực đối lập nhau trong lĩnh vực AI: mã nguồn mở thúc đẩy đổi mới cộng đồng, trong khi mô hình đóng tập trung vào các sản phẩm tiên tiến nhưng có chi phí cao.

Xu hướng mã nguồn mở cũng đặt ra câu hỏi về số tiền khổng lồ mà các công ty như OpenAI huy động được. Microsoft đã đầu tư 13 tỷ USD vào OpenAI. Công ty này đang đàm phán để huy động thêm 40 tỷ USD trong một vòng gọi vốn mới và sẽ nâng định giá của công ty lên tới 340 tỷ USD.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đã chọn con đường mã nguồn mở để đẩy nhanh tốc độ áp dụng khi họ cạnh tranh với cách tiếp cận độc quyền hơn của các công ty Mỹ, Wang của Constellation Research cho biết.

Trao đổi với CNBC, Tim Wang, đối tác quản lý của quỹ đầu cơ tập trung vào công nghệ Monolith Management, cho biết các mô hình từ các công ty như DeepSeek đã "là công cụ hỗ trợ và nhân rộng tuyệt vời ở Trung Quốc", chứng minh rằng mọi thứ đều có thể thực hiện được với nguồn lực hạn chế hơn.

Theo Wang, các mô hình mã nguồn mở đã giúp cắt giảm chi phí, mở ra cánh cửa cho sự đổi mới sản phẩm - điều mà các công ty Trung Quốc rất giỏi.

“Chúng tôi từng nghĩ Trung Quốc chậm hơn Mỹ 12 - 24 tháng về AI, nhưng giờ đây khoảng cách này có lẽ chỉ còn 3 - 6 tháng”, Wang cho biết.

“Tôi nghĩ rằng cái gọi là khoảnh khắc DeepSeek không phải là về việc Trung Quốc có mô hình AI tốt hơn Mỹ hay ngược lại. Mà thực sự là về sức mạnh của nguồn mở”, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Joe Tsai phát biểu tại sự kiện CONVERGE do hãng CNBC tổ chức ở Singapore vào đầu tháng này.

Tsai nói thêm rằng các mô hình mã nguồn mở trao sức mạnh của AI cho mọi người, từ các doanh nhân nhỏ đến các tập đoàn lớn, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển, đổi mới và gia tăng các ứng dụng AI./.

Ngọc Diệp