Hơn 500.000 vụ tấn công lừa đảo nhắm vào các doanh nghiệp tại Đông Nam Á
An toàn thông tin - Ngày đăng : 15:03, 27/03/2025
Hơn 500.000 vụ tấn công lừa đảo nhắm vào các doanh nghiệp tại Đông Nam Á
Tội phạm mạng đã lợi dụng các liên kết lừa đảo tài chính để xâm nhập vào hệ thống của các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á.
Trong năm 2024, theo thống kê của Kapersky, các giải pháp bảo mật dành cho doanh nghiệp (DN) của công ty đã ngăn chặn thành công hơn nửa triệu lượt truy cập vào các liên kết lừa đảo tài chính trên thiết bị của DN trong khu vực.
Từ tháng 1 đến tháng 12/2024, Kaspersky đã ghi nhận và ngăn chặn tổng cộng 534.759 vụ lừa đảo tài chính nhắm vào các DN ở Đông Nam Á. Các vụ tấn công này, với mục tiêu từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn, được thực hiện chủ yếu qua email, trang web giả mạo, ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội và nhiều hình thức khác.
Trong năm 2024, Thái Lan ghi nhận số vụ tấn công lừa đảo tài chính nhắm vào DN cao nhất trong khu vực với 247.560 vụ, tiếp theo là Indonesia với 85.908 vụ và Malaysia với 64.779 vụ.
Các DN tại Việt Nam cũng phải đối mặt với 59.450 vụ tấn công, trong khi Singapore và Philippines ghi nhận số vụ ít hơn, với gần 38.000 trường hợp.

Lừa đảo tài chính (financial phishing) là hình thức tấn công nhắm trực tiếp vào các ngân hàng, hệ thống thanh toán và nhà bán lẻ trực tuyến. Qua đó, kẻ tấn công thiết kế trang web giả mạo với giao diện mô phỏng các nền tảng thanh toán uy tín nhằm dẫn dụ người dùng tiết lộ thông tin tài chính.
Với kinh tế số dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, nhận định: "Khu vực này sẽ trở thành “điểm nóng” để tội phạm mạng tận dụng tối đa tốc độ chuyển đổi số và thực hiện các hoạt động phi pháp. Do đó, các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á cần đặc biệt cẩn trọng và đề cao cảnh giác".
Sự tiến bộ vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang bị tội phạm mạng khai thác triệt để tạo ra nhiều trang web giả mạo tinh vi hơn bao giờ hết. Với số lượng lớn trang web giả mạo, nguy cơ người dùng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trở nên cao hơn bao giờ hết, trong khi việc sử dụng AI để nhận diện và ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo vẫn gặp nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, mỗi DN đều có đặc thù và hiểu biết về an ninh mạng khác nhau, khiến cho việc áp dụng các chính sách bảo mật đồng bộ trong khu vực trở nên khó khăn.
Điều này vô tình biến khu vực này trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các cuộc tấn công trục lợi tài chính. Vì vậy, ông Yeo cho rằng các DN cần trang bị các công cụ phù hợp và cập nhật thông tin tình báo mối đe dọa theo thời gian thực để chủ động ứng phó và đi trước tội phạm mạng một bước./.