Tích hợp công nghệ FPGA, ARM và PUF, Lancs Networks từng bước tự chủ công nghệ mạng
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 16:39, 27/03/2025
Tích hợp công nghệ FPGA, ARM và PUF, Lancs Networks từng bước tự chủ công nghệ mạng
Việc phát triển công nghệ mạng tự chủ không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ ngoại nhập mà còn đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
.jpg)
Sáng ngày 27/3, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Công nghệ mạng Lancs Việt Nam (Lancs Networks) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã phối hợp tổ chức tọa đàm "Tự chủ công nghệ mạng: Kiến tạo tương lai số bền vững".
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc PTIT cho biết: "Ngoài các nghiên cứu về học thuật, Học viện cũng có những nghiên cứu ứng dụng để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có thể đưa vào hoạt động trong Học viện".
Ông Nguyễn Trung Kiên bày tỏ mong muốn cùng nhau hợp tác nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng đưa vào phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam cũng như của thế giới để tạo ra một không gian mạng an toàn.
"Tôi hy vọng thông qua buổi buổi tọa đàm này chúng ta sẽ chia sẻ nhiều kiến thức chuyên môn cũng như các cơ hội và tiềm năng phát triển để cùng trao đổi, đưa ra các giải pháp để cụ thể hoá những xu hướng này trong thời gian tới", Phó Giám đốc PTIT nhấn mạnh.
Đại diện Lancs Network, Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Hà Thế Trường, cho biết: "Chúng ta đang đứng trước kỷ nguyên có sự phát triển cực nhanh về công nghệ cũng như khả năng tính toán đó là kỷ nguyên của máy tính lượng tử".

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp. Theo ông Hà Thế Trường, trước khi thực hiện CĐS thì chúng ta cần phát triển hạ tầng số, cần triển khai các giải pháp đảm bảo đủ tin cậy để đưa các tài sản và thông tin lên môi trường số.
Với phương châm phát triển dựa trên nền tảng công nghệ nội lực, Lancs Network đang từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), đồng hành cùng các cơ quan quản lý, tổ chức và DN trong hành trình xây dựng hệ sinh thái an ninh mạng tự chủ, bền vững và phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.
Những thách thức của Việt Nam trong phát triển công nghệ
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Lancs Network, mặc dù đã có những tiến bộ, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Các cuộc tấn công mạng tinh vi đang nhắm vào hạ tầng trọng yếu của Chính phủ, quốc phòng và tài chính; việc kiểm soát thông tin trên Internet cũng gặp khó khăn, chưa có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn việc phát tán, lộ lọt dữ liệu cá nhân, tổ chức cũng như quốc gia trên Internet.
Đồng thời, việc thiếu chủ động kiểm soát công nghệ mạng lõi tạo ra rủi ro không kiểm soát được mã nguồn hoặc backdoor. Ngoài ra, khả năng chủ động nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi của Việt Nam chưa cao, thiếu nhân lực chuyên môn đặc biệt trong lĩnh vực bảo mật và ATTT.
Đại diện Lancs Networks nhận định: "Việt Nam cần tự chủ công nghệ, tăng cường kiểm soát ATTT và phát triển nhân lực chất lượng cao để vượt qua những thách thức này".
Việt Nam đã xác định tự chủ công nghệ là định hướng chiến lược quốc gia. Trong phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ.
Việc tự chủ công nghệ sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề, bài toán quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Nghị quyết 57 của Chính phủ như "ngọn gió đông" thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, khuyến khích các DN, viện nghiên cứu đẩy mạnh tự chủ công nghệ, dân thay thế các sản phẩm nước ngoài trong các hệ thống trọng yếu của công an, quân đội,...
Tự chủ và tăng cường an ninh mạng với công nghệ FPGA, ARM và PUF
Lancs Networks đã xây dựng năng lực tự chủ công nghệ lõi dựa trên 4 công nghệ chính: Hệ điều hành mạng Lancs NOS, công nghệ nền tảng Lancs FPGA, công nghệ xác thực tin cậy Lancs Trust và công nghệ trí tuệ nhân tạo Lancs AI.
Ngay từ đầu chiến lược phát triển của Lancs Network là tự chủ công nghệ kết hợp với các công ty nước ngoài. Đến thời điểm hiện nay, Lancs Networks đã xây dựng năng lực tự chủ công nghệ lõi dựa trên 4 công nghệ chính.
Một là hệ điều hành mạng Lancs NOS cung cấp đầy đủ các tính năng mạng, an ninh mạng và ATTT cho các thiết bị mạng của công ty.
Hai là công nghệ nền tảng Lancs FPGA tăng tốc xử lý gói tin tốc độ cao ứng dụng công nghệ FPGA; cho phép tự chủ công nghệ đến mức IC, tự chủ thiết kế các thiết bị mạng và ATTT.
Ba là công nghệ xác thực tin cậy Lancs Trust, xác thực từ người dùng, ứng dụng, kết nối và định danh liên tục; tích hợp công nghệ tự xác thực bao gồm SmarCard, Token.
Bốn là công nghệ Lancs AI, phân tích hành vi hỗ trợ ra quyết định trước các nguy cơ an ninh mạng; tích hợp công nghệ mã hoá dữ liệu sử dụng AI.
"Bốn công nghệ lõi của Lancs Networks được xây dựng dựa trên triết lý xử lý sâu (deep processing) và tăng tốc (acceleration), làm nền tảng để tạo ra hệ sinh thái phần cứng và giải pháp mạng, an ninh mạng và ATTT toàn diện", ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Lancs Networks chia sẻ.
Hệ sinh thái LINKSAFE do Lancs Networks phát triển tuân thủ kiến trúc Zero Trust theo chuẩn của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD), dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi:
Nguyên tắc 1 là không tin tưởng, xác minh liên tục, mã hoá toàn diện.
Nguyên tắc 2 là phân quyền tối thiểu, cô lập nguy cơ.
Nguyên tắc 3 là chuẩn hoá log, chủ động phân tích và xử lý thông tin trên toàn hệ thống.

Theo đó, Lancs Networks đã phát triển một hệ sinh thái sản phẩm mạng và ATTT toàn diện bao gồm các giải pháp như LINKSAFE XDR, LINKSAFE WAF, LINKSAFE SIEM, LINKSAFE SD-WAN, LINKSAFE ZTNA, LINKSAFE DLP, LINKSAFE SOC, LINKSAFE NOC và nhiều giải pháp khác
"Giải pháp "Make in Viet Nam" của chúng tôi giúp giảm phụ thuộc công nghệ nước ngoài, chủ động kiểm soát bảo vệ dữ liệu", ông Nguyễn Văn Thành khẳng định.
Chia sẻ thêm về việc tại sao Lancs Networks sử dụng hệ thống mạng, an ninh mạng cũng như xử lý gói tin với công nghệ kết hợp giữa FPGA, ARM, PUF, Chủ tịch HĐQT Hà Thế Trường cho biết: "Mỗi công nghệ sẽ có những đặc thù và lợi thế riêng. Và sự lựa chọn của Lancs Networks là thích hợp nhất cho tình hình cũng như khả năng ứng dụng công nghệ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tương lai với mục tiêu đảm bảo triển khai mạng lưới nhanh nhất, đảm bảo an ninh, an toàn tốt nhất với chi phí tối ưu nhất cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận của người sử dụng và các nhà điều hành mạng".
Công ty đã khai thác khả năng tự chủ công nghệ lõi xử lý gói tin thông qua phân tích sâu gói tin, xử lý nguồn dữ liệu lớn và xử lý với tốc độ cao. Đồng thời tích hợp công nghệ PUF của ICTK và công nghệ ARM của AMD. Trong đó, công nghệ PUF được ứng dụng để tạo định danh thiết bị duy nhất, không thể sao chép và giả mạo, bảo mật phần cứng mạnh mẽ, trong khi công nghệ ARM của AMD đem lại kiến trúc vi xử lý đơn giản, tính mở và linh hoạt, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hiệu suất.
Mặt khác, Lancs Networks cũng ứng dụng FPGA trong phát triển giải pháp nhằm phát triển các thiết bị bảo mật mạng core, hệ thống giám sát và phân tích lưu lượng mạng chuyên sâu. cũng như hỗ trợ tăng tốc AI phát hiện hành vi xâm nhập trái phép.
.jpg)
"Với công nghệ tự chủ sâu từ lõi đến hệ sinh thái giải pháp, Lancs Networks sẵn sàng tích hợp và phát triển với các đối tác để hoàn thiện bức tranh bảo vệ an toàn, an ninh quốc gia", ông Hà Thế Trường, Chủ tịch HĐQT Lancs Networks nhấn mạnh./.