Bộ KH&CN mở thêm 500 MHz băng tần 6 GHz cho Wi-Fi: Tăng tốc kết nối, thúc đẩy hạ tầng số quốc gia
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 14:01, 04/04/2025
Bộ KH&CN mở thêm 500 MHz băng tần 6 GHz cho Wi-Fi: Tăng tốc kết nối, thúc đẩy hạ tầng số quốc gia
Nhu cầu sử dụng Wi-Fi tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Việc bổ sung 500 MHz băng tần 6 GHz cho Wi-Fi không chỉ là một quyết định kỹ thuật, mà còn là một bước đi chiến lược mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Ngày 31/3/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện (VTĐ) được miễn giấy phép sử dụng tần số VTĐ, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.
Theo đó đã quy định cho phép sử dụng thêm 500 MHz thuộc băng tần 6 GHz (từ 5925 - 6425 MHz) cho các thiết bị mạng không dây nội bộ (Wi-Fi), theo hình thức miễn cấp phép. Đây là bước đi quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về kết nối không dây tốc độ cao, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, phù hợp với định hướng tại Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư 01/2025/TT-BKHCN có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2025.
Wi-Fi: Cầu nối quan trọng trong chiến lược hạ tầng số quốc gia
Nhu cầu sử dụng Wi-Fi tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, gắn liền với sự phổ cập của điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, tivi thông minh, cũng như sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị đeo, thiết bị IoT, máy bay không người lái (drone)…
Tuy nhiên, phổ tần dành cho Wi-Fi tại Việt Nam nhiều năm qua gần như không thay đổi, chủ yếu dựa vào hai băng tần truyền thống 2,4 GHz và 5 GHz, với tổng băng thông khoảng 663,5 MHz hiện đã không còn đủ đáp ứng nhu cầu kết nối tốc độ cao, ổn định, và dung lượng lớn.
Theo Quyết định số 36/QĐ-TTg, Việt Nam đặt mục tiêu phổ cập hạ tầng băng rộng chất lượng cao đến từng hộ gia đình, mỗi người dân có điện thoại thông minh, từng bước chuyển đổi sang địa chỉ IPv6,… Trong tổng thể chiến lược đó, Wi-Fi đóng vai trò trung gian quan trọng giữa đường truyền cáp quang cố định và các thiết bị đầu cuối. Khi hạ tầng cáp quang được triển khai sâu rộng, tốc độ truy cập tại điểm đầu cuối chỉ có thể được đảm bảo nếu Wi-Fi cũng được nâng cấp tương ứng.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã và đang nghiên cứu, phát triển các giải pháp tích hợp kết nối Internet cáp quang với công nghệ Wi-Fi thế hệ mới (Wi-Fi 6E, Wi-Fi 7), mang lại khả năng truyền tải mạnh mẽ, độ trễ thấp, vùng phủ rộng, đáp ứng nhu cầu kết nối đa thiết bị trong các môi trường hộ gia đình và DN. Việc bổ sung băng tần 6 GHz là điều kiện cần thiết để các giải pháp này phát huy hiệu quả tối đa.
Bổ sung băng tần 6 GHz: Xu thế công nghệ toàn cầu
Theo thống kê của Liên minh Wi-Fi 9Wi-Fi Alliance) (tháng 4/2025), đã có 64 quốc gia cho phép sử dụng Wi-Fi 6E và Wi-Fi 7 trên băng tần 6 GHz, trong đó có 51 quốc gia (chiếm 80%) cho phép sử dụng phần 500 MHz (5925 - 6425 MHz). Đây là xu hướng công nghệ rõ ràng và ngày càng được mở rộng.
Băng tần 6 GHz mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với các băng tần truyền thống đang sử dụng cho Wi-Fi (2,4 GHz và 5 GHz), cả về tốc độ, dung lượng và độ ổn định. Với khả năng hỗ trợ kênh truyền rộng tới 160 MHz (Wi-Fi 6E) và 320 MHz (Wi-Fi 7), băng tần 6 GHz cho phép truyền tải dữ liệu nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, đáp ứng hiệu quả các ứng dụng đòi hỏi băng thông cao như thực tế ảo/tăng cường (VR/AR), game trực tuyến, truyền phát video 8K, cũng như các dịch vụ thời gian thực trong các lĩnh vực AI, IoT, metaverse...
Ngoài ra, băng tần 6 GHz hiện tại ít bị nhiễu hơn so với các băng tần truyền thống, vì chưa có nhiều thiết bị không dây khác sử dụng phổ tần này. Nhờ đó, kết nối Wi-Fi trở nên ổn định hơn, đặc biệt tại các khu vực mật độ thiết bị cao như trung tâm thương mại, sân bay, cao ốc văn phòng...
Kết hợp với các công nghệ truyền tải hiện đại như OFDMA và MU-MIMO, Wi-Fi thế hệ mới trong băng tần 6 GHz có khả năng phục vụ nhiều thiết bị cùng lúc mà vẫn giữ được chất lượng kết nối cao.
Mở rộng băng tần: Thúc đẩy ứng dụng, phát triển hạ tầng số
Việc bổ sung 500 MHz băng tần 6 GHz cho Wi-Fi không chỉ là một quyết định kỹ thuật, mà còn là một bước đi chiến lược mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Nâng cao trải nghiệm người dùng: Tốc độ kết nối không dây được cải thiện rõ rệt, đáp ứng tốt các ứng dụng yêu cầu cao về dữ liệu và độ trễ thấp.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ triển khai các giải pháp số trong doanh nghiệp như nhà máy thông minh, tự động hóa, IoT quy mô lớn.
Tiệm cận tiêu chuẩn toàn cầu: Giúp Việt Nam hòa nhịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, thuận lợi trong nhập khẩu, sản xuất và sử dụng thiết bị Wi-Fi thế hệ mới.
Phát triển hạ tầng số: Tăng cường nền tảng kết nối để triển khai các dịch vụ số, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính phủ.
Bộ KH&CN chủ động trong công tác quản lý, điều hành chính sách chuyên ngành
Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN được ban hành trong thời gian ngắn sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được thành lập từ việc sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ KH&CN cũ, thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt trong công tác quản lý, điều hành và hoạch định chính sách chuyên ngành.
Việc cho phép sử dụng dải tần 5925 - 6425 MHz cho thiết bị Wi-Fi theo hình thức miễn cấp phép là bước đi kịp thời, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu. Đồng thời, quyết định này cũng đảm bảo hài hòa quy hoạch tần số trong nước, không gây ảnh hưởng đến các dịch vụ vô tuyến hiện hữu, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và ổn định để thúc đẩy triển khai các công nghệ Wi-Fi thế hệ mới tại Việt Nam./.