"Bí kíp" sống và làm việc cùng GenAI
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:28, 11/04/2025
"Bí kíp" sống và làm việc cùng GenAI
Nhiều công việc hàng ngày của các cán bộ nhà nước sẽ được giảm tải, năng suất làm việc sẽ tăng lên nhờ ứng dụng và khai thác AI hiệu quả.
Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý nhà nước, đồng thời giúp các cán bộ quản lý nâng cao kỹ năng sử dụng công cụ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), trong công việc hàng ngày, ngày 11/4/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức lớp bồi dưỡng “Kỹ năng sống và làm việc cùng GenAI” tại hai điểm cầu Hà Nội và TP. HCM.

Đây là một trong các lớp bồi dưỡng tập trung năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng.
Thành phần dự lớp bồi dưỡng gồm: Lãnh đạo, quản lý cấp Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương; Chủ tịch Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên. Tham dự còn có các cán bộ giúp việc của Đảng ủy; đại diện lãnh đạo Công đoàn, đoàn thanh niên Bộ KH&CN.
Chương trình bồi dưỡng ngày 11/4 gồm 2 nội dung: Những khái niệm cơ bản và xu hướng ứng dụng GenAI trong công việc; Chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng GenAI trong công việc.
AI đã được ứng dụng sâu vào các lĩnh vực
AI đã có lịch sử phát triển hơn 50 năm nhưng những năm gần đây đã có những bước phát triển đột phá. Ông Nguyễn Ngọc Quế, Tổng Giám đốc Công ty TNHH giáo dục Edmicro, cho biết AI đã thực sự đột phá vào năm 2022 với sự ra đời của chatGPT và có thể nói làm “rung chuyển” thế giới và thế giới đã bị “sốc” với phần mềm có giao diện siêu đơn giản này.

Sự kiện này sau đó đã kéo theo vô số cuộc chạy đua về công nghệ với các mô hình GenAI, Gemini, Claude, Qwen, Grok và mới đây là DeepSeek. Hiện nay, AI dẫn đầu các xu hướng công nghệ chính. Ứng dụng AI đi vào các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, giao thông, đô thị thông minh, khoa học… và Việt Nam là quốc gia hàng đầu quan tâm đến AI.
Ông Nguyễn Ngọc Quế cho rằng: “AI giống như ánh sáng mặt trời hay là động cơ có thể cắm vào nhiều bộ máy khác nhau. AI đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống nhưng cũng mở ra nhiều ngành nghề mới. AI có thể áp dụng cho nhiều ngành, lĩnh vực”.
Tháng 1/2025, DeepSeek xuất hiện “gây sốc” giới công nghệ với mô hình giá rẻ, thông minh khi 1 triệu token chỉ mất 0,5 - 0,6 USD, thấp hơn 15 lần so với các mô hình AI trước đó. DeepSeek có thể nói là niềm tự hào của Trung Quốc, giỏi tiếng Trung, dùng hạ tầng giá rẻ, chi phí rẻ tạo ra mô hình AI có sức mạnh tương đương, mở ra nhiều cơ hội ứng dụng. Tiểu thương, thợ cắt tóc Trung Quốc giờ đây cũng dùng DeepSeek.
Chia sẻ về xây dựng lộ trình chuyển đổi số cơ quan, tổ chức dựa trên AI, ông Nguyễn Ngọc Quế cho rằng cần điều chỉnh, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao theo định hướng tầm nhìn, giá trị cốt lõi và lộ trình chuyển đổi của đơn vị. Đồng thời, cần rà soát, đổi mới phương thức quản lý trong các lĩnh vực phụ trách nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan.
Ông Nguyễn Ngọc Quế cũng chia sẻ về nguyên tắc triển khai AI, thang đo năng lực sử dụng AI trong công việc.


10 trường hợp sử dụng trong công việc
Để giảm tải công việc ngày càng nhiều, lắm lúc có thể nói là “rối bời”, ông Lê Duy Tiến, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu, thử nghiệm xây dựng trợ lý ảo trên nền tảng mô hình ngôn ngữ lớn khai thác hệ tri thức viễn thông cho Cục Viễn thông đã chia sẻ với các cán bộ lãnh đạo các đơn vị về: Các trợ lý AI phổ biến, cấu trúc prompt điển hình, các trường hợp sử dụng trong công việc, một số vấn đề cần lưu ý, các điển hình ứng dụng (case study), một số lầm tưởng của các nhà quản lý về AI…

Các trợ lý AI phổ biến hiện nay gồm: Trợ lý AI “chính phủ” có ChatGPT là phổ biến nhất, tiếp theo có Gemini, NotebookLM (Google), Copilot (Microsoft), Claude (Anthropic), DeepSeek, Qwen 2.5 Max; Trợ lý AI “trung gian” có Perplexity, Poe…
Nói về ứng dụng AI trong công việc, ông Lê Duy Tiến chia sẻ 10 trường hợp sử dụng chính: (1) Tóm tắt, cách tóm tắt tệp (file) dài, làm slide; (2) Tự học; (3) Tính toán; (4) Tả hình, biểu đồ; (5) Tổng hợp, phân tích: theo chủ đề quan tâm có trong dữ liệu, thông tin đầu vào, xuất bản, biểu đồ; (6) Transform: văn bản như (OCR); text sinh ảnh, audio, video và ngược lại; (7) Tác phẩm: đề xuất ý tưởng, viết hoàn chỉnh theo các ý tưởng và dữ liệu đầu vào, sửa chính tả/ngữ pháp (rất hữu ích cho tiếng Anh: email, bài phát biểu, kế hoạch, đề xuất…); (8) Tìm kiếm và nghiên cứu; (9) Thẩm định: Phản biện, kiểm chứng; (10) Dịch thuật (Translate).
Ông Lê Duy Tiến lưu ý các trường hợp sử dụng không nhất thiết độc lập. Trong thực tế thường phải kết hợp lại để hoàn thành nhiệm vụ.
Lưu ý về prompt, ông Lê Duy Tiến chia sẻ các “bí kíp” cần thiết như:
Rõ bối cảnh trong prompt, rõ yêu cầu đầu ra (trả lời) cả về nội dung, định dạng (nếu muốn). Inputs: Nên sao chép text nguồn vào prompt hoặc file làm bối cảnh, tham khảo.
Rõ động từ: Tóm tắt, phân tích, viết, viết lại, tạo ra…
Rõ trạng từ: Sâu sắc, chi tiết, cụ thể, như là…., dễ hiểu;
Rõ yêu cầu đư ra ví dụ;
Rõ bằng yêu cầu đưa ra số liệu, sự kiện chính;
Rõ bằng yêu cầu sắc thái trả lời (chuyên nghiệp, vui vẻ)…;
Rõ bằng câu hỏi liên tiếp yêu cầu ngày càng sâu, hẹp…
Rõ khi đổi chủ đề: tạo chat mới. Khi chat nhiều thường mất bối cảnh, theo đó khi thấy dấu hiệu sai thì phải tạo chat mới.
Một số vấn đề cần lưu ý về prompt như khi xử lý file dài nên chia từng phần để hỏi; Xử lý link URL: tuỳ link nhưng nên dán text; Độ dài câu trả lời ngắn thì cần chia nhỏ để hỏi; Khi thấy (bịa) ảo giác nên cần kiểm tra, nhất là khi bị ép trả lời chi tiết số liệu, trích nguồn; Tính năng, năng lực mới được cập nhất khá liên tục; Trợ lý AI trả phí: năng lực cao hơn, tính năng nhiều hơn.
Ngoài việc tham khảo prompt ngoài, ông Lê Duy Tiến lưu ý mỗi người tự xây prompt cá nhân phù hợp công việc của mình.
Bên cạnh đó, hiện nay AI chưa phù hợp các nhiệm vụ đòi hỏi chính xác 100% như tra cứu văn bản pháp luật chuyên ngành (đặc biệt khi nhiều file dài), phân tích file dữ liệu excel phức tạp về định dạng và thuật ngữ chuyên ngành.
Một số vấn đề cần lưu ý về năng lực AI như: bịa (nhất là số liệu, nguồn, thời gian; thiên kiến, kiểm duyệt, loạn (lẫn lộn), bướng (không bám prompt), chảnh (không nhất quán), lười, nghẹn (trả lời ngắn); nịnh (theo ý người dùng); chối (Không làm được, không chịu làm…); lỗi hệ thống (mạng/quá tải…); mất bối cảnh (context).
Lưu ý về dữ liệu, ông Lê Duy Tiến cho biết chỉ đưa vào trợ lý AI những dữ liệu công khai. Mới đây Bộ KH&CN cũng đã có công văn số 557 hướng dẫn một số nguyên tắc chung đối với công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (chatbot AI) phục vụ công việc. Theo đó, hướng dẫn có 4 nội dung cần lưu ý.
Một là tuân thủ pháp luật Việt Nam, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức khi sử dụng chatbot AI theo giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống của dân tộc;
Hai là không chia sẻ bí mật Nhà nước, thông tin cá nhân, dữ liệu nhạy cảm và kiểm tra kỹ kết quả trước khi sử dụng, không phụ thuộc hoàn toàn chatbot AI.
Ba là các cơ quan cần quản lý chặt chẽ tài khoản, phân quyền truy cập phù hợp và xây dựng cơ sở dữ liệu tri thức riêng để có chatbot AI chuyên ngành cho hiệu quả.
Bốn là cán bộ, công chức viên chức phải tự chịu trách nhiệm về bảo vệ thông tin cá nhân và tuyệt đối không sử dụng chatbot AI vào mục đích trái pháp luật, thuần phong mỹ tục.
Ông Lê Duy Tiến cũng cho biết một số lầm tưởng của người quản lý về AI như: Chỉ cần 1 trợ lý AI (ví dụ: ChatGPT) là làm được hết mọi việc; Tin tưởng trợ lý AI hơn nhân viên của mình; Không tin: Thẩm định, kiểm chứng câu trả lời của trợ lý AI quá mất công, thà làm như cũ còn hơn; Chỉ cần đưa ra yêu cầu, tính năng nghiên cứu sâu (deep research) của trợ lý AI cho ra kết quả đầy đủ, chi tiết và chính xác luôn cho công việc là nhân viên nhàn quá; Cử đi học khóa kỹ năng sử dụng AI là coi như đủ năng lực rồi; Không quan tâm xây kho tri thức số nội bộ vì ChatGPT biết tuốt; Người trẻ sử dụng trợ lý AI hiệu quả hơn người lớn tuổi; Dân công nghệ sử dụng trợ lý AI hiệu quả hơn dân phi công nghệ; Phải tuyển bằng được chuyên gia công nghệ AI “xịn”; Không cần ban hành quy định về quản lý sử dụng trợ lý AI.
GenAI không thể thay thế chuyên gia trong các lĩnh vực phức tạp
Trước đó, đầu tháng 4/2025, Bộ KH&CN cũng đã tổ chức một lớp bồi dưỡng về công nghệ GenAI cho gần 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương của Bộ KH&CN. Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã trực tiếp phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng các ứng dụng AI trong công tác quản lý, điều hành cho các học viên.

Theo Thứ trưởng, GenAI có thể là công cụ hữu ích để giải quyết các công việc đơn giản và các tác vụ thường xuyên, giúp giảm tải công việc của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm quan trọng khi sử dụng AI trong công việc. Trước hết, GenAI không thể thay thế chuyên gia trong các lĩnh vực phức tạp. Công nghệ này chỉ có thể hỗ trợ những công việc đơn giản, còn những vấn đề đòi hỏi sự chuyên môn sâu vẫn rất cần sự can thiệp của con người.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết đôi khi thông tin có thể không chính xác. GenAI có thể cung cấp thông tin sai lệch hoặc thiếu chính xác, do đó khi sử dụng luôn chú ý kiểm tra lại các nguồn thông tin trước khi áp dụng vào công việc thực tế. Mặt khác, khả năng hiểu ngữ cảnh của GenAI còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng, công nghệ AI phụ thuộc vào các dữ liệu đầu vào mà người dùng cung cấp, do đó không thể hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi sự hiểu biết sâu về tình huống hay ngữ cảnh. GenAI thiếu khả năng sáng tạo và cảm xúc của con người. Vì vậy, cần có sự tham gia của con người để hoàn thiện những sản phẩm hoặc công việc đòi hỏi yếu tố cảm xúc và sáng tạo./.