Viettel và hành trình làm chủ công nghệ lõi 5G
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 18:15, 15/04/2025
Viettel và hành trình làm chủ công nghệ lõi 5G
Với việc làm chủ cả phần cứng lẫn phần mềm, Viettel nằm trong số ít các nhà mạng trên thế giới có khả năng triển khai toàn diện một hệ sinh thái 5G tự chủ.

Ngày 15/4 tại Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số (GSMA Digital Nation Summit) do Hiệp hội Di động Toàn cầu (GSMA) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức đã chính thức khai mạc. Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện góp phần hưởng ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam, kết nối các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và tạo động lực phát triển hạ tầng số hướng đến hiện thực hóa Nghị quyết 57.
Vai trò trung tâm của hạ tầng viễn thông
Tại Việt Nam, triển khai 5G là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là tất yếu, góp phần thúc đẩy sự phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Chia sẻ về chủ đề phát triển hạ tầng tại Hội nghị, ông Nguyễn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định vai trò trung tâm của hạ tầng viễn thông trong chiến lược số quốc gia. Việt Nam đã phổ cập 4G tới 98% dân số, nhưng để phát triển kinh tế số một cách mạnh mẽ và hỗ trợ doanh nghiệp, 5G là yếu tố không thể thiếu. Viettel đã triển khai hơn 6.500 trạm phát sóng 5G và đang ghi nhận kết quả tích cực từ doanh thu thuê bao. Đây là những tín hiệu khả quan trong việc thương mại hóa công nghệ này.

"Dù đối mặt với nhiều thách thức, Viettel đặt mục tiêu triển khai hạ tầng 5G đến năm 2025 đạt vùng phủ như 4G hiện nay. Mục tiêu này nhằm đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận công nghệ, không phân biệt vùng miền, thu hẹp khoảng cách số ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP của Việt Nam vào năm 2030”, ông Nguyễn Đạt chia sẻ.
Nhà máy Pegatron tại Hải Phòng cũng chính là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hoá dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối. Theo ông CY Feng, Tổng giám đốc BU6 Pegatron, với sự trợ giúp của Viettel, nhà máy thông minh tại Hải Phòng đã được xây dựng từ năm 2023.
"Trong những nhà máy thông minh của Pegatron lúc này, sự kết hợp giữa AI và mạng di động 5G private giúp các nhà máy được vận hành mà gần như không cần nhân công, được tự động hóa gần như 100%", ông CY Feng nói.
Tổng giám đốc BU6 Pegatron cho biết mạng 5G dùng riêng (PMN - Private Mobile Network) do Viettel cung cấp mang lại tốc độ cao, độ trễ thấp, và khả năng kết nối nhiều thiết bị đồng thời hỗ trợ các ứng dụng như: Công nghệ thực tế tăng cường (AR); Quản lý các trạm lắp ráp (Assembly Station); Quản lý hoạt động kiểm tra sản phẩm; Giám sát và quản lý trực tiếp các quy trình sản xuất.
"Việc triển khai mạng di động 5G giúp giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao lợi nhuận, thu thập dữ liệu thời gian thực, cải thiện điều kiện làm việc, và giảm thiểu tai nạn lao động. Trong 6 tháng tới, Pegatron sẽ tiếp tục cải tiến và xây dựng tiếp nhà máy tại Hải Phòng", ông Cy Feng nhấn mạnh.
5G PMN hiện là một xu thế đang phát triển nhanh trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng dự kiến hàng năm là 51,2% từ năm 2023 đến 2030, đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho, bến cảng, sân bay… đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy mà WiFi chưa đáp ứng được.
Viettel và hành trình làm chủ công nghệ lõi 5G: Từ lý thuyết đến triển khai thực tế
Một trong những điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị là phiên "Shaping the Future of Networks with OpenRAN Innovation", đại diện của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao (VHT) - ông Trần Văn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Vô tuyến băng rộng - đã có phần chia sẻ về hành trình làm chủ công nghệ Open RAN và 5G.
Theo đó, ban đầu Viettel chỉ phát triển hạ tầng 4G, nhưng với định hướng rõ ràng, đội ngũ đã nhanh chóng tiến sang nghiên cứu và phát triển 5G từ năm 2018. Dù không phải nhà khai thác sớm, VHT lại là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi.
Không chỉ dừng lại ở việc triển khai mạng lõi 5G tự chủ, tại phiên thảo luận Viettel cũng đã công bố những kết quả khả quan trong nghiên cứu và phát triển công nghệ Open RAN – một hướng đi chiến lược giúp mở rộng khả năng tự chủ về hạ tầng viễn thông, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự linh hoạt và tính mở trong kiến trúc mạng.
Các kỹ sư của Viettel đảm nhiệm việc thiết kế hệ thống, phát triển phần mềm, phần cứng dựa trên công nghệ chipset 5G của Qualcomm. Đây là bước đi khẳng định năng lực tự chủ công nghệ hạ tầng mạng 5G của Viettel và tiến tới tham vọng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Open RAN không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là nền tảng hợp tác giữa nhà mạng, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chính phủ. Nhờ sự hỗ trợ từ Qualcomm và nhiều đối tác công nghệ, VHT đã tiếp cận sớm với chipset hiện đại và là một trong những nhà sản xuất Open RAN hàng đầu toàn cầu.
“Chúng tôi đi nhanh, nhưng không dễ dàng”, ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh. Công nghệ vô tuyến vẫn còn nhiều khoảng trống mà Viettel phải tự nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm. Tuy chỉ có vài trăm kỹ sư, VHT đã tạo ra khác biệt nhờ sự tập trung và chiến lược rõ ràng.
Với việc làm chủ cả phần cứng lẫn phần mềm, Viettel nằm trong số ít các nhà mạng trên thế giới có khả năng triển khai toàn diện một hệ sinh thái 5G tự chủ. Đây còn là nền tảng để Viettel phát triển những giải pháp tích hợp tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trên nền mạng 5G siêu tốc. Từ nền tảng vững chắc này, Viettel sẽ tiến tới 5G Advanced và 6G trong 5 năm tiếp theo, tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin tại Việt Nam và khu vực./.