Trung tâm thiết kế nhanh và tạo mẫu thử sẽ hỗ trợ startup tiếp cận công nghệ tiên tiến

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 20:53, 21/04/2025

Các startup Việt Nam sẽ được tạo điều kiện tiếp cận các thiết bị và công nghệ tiên tiến, cố vấn hỗ trợ kinh doanh phù hợp và hợp tác hiệu quả thông qua Trung tâm thiết kế nhanh và tạo mẫu thử.
Chuyển động ICT

Trung tâm thiết kế nhanh và tạo mẫu thử sẽ hỗ trợ startup tiếp cận công nghệ tiên tiến

Anh Minh 21/04/2025 20:53

Các startup Việt Nam sẽ được tạo điều kiện tiếp cận các thiết bị và công nghệ tiên tiến, cố vấn hỗ trợ kinh doanh phù hợp và hợp tác hiệu quả thông qua Trung tâm thiết kế nhanh và tạo mẫu thử.

Ngày 21/4, Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST: Sẵn sàng cho thách thức và cơ hội mới” trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực hỗ trợ ĐMST của Trung tâm ĐMST Quốc gia”.

z6527933866469_7c16eaec7e51e03768abf6b2b9f12005.jpg
“Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST: sẵn sàng cho thách thức và cơ hội mới” diễn ra ngày 21/4 tại Hà Nội

Hội thảo là hoạt động hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua UNDP, nhằm thúc đẩy kết nối giữa các bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Đồng thời các bên tham gia đồng kiến tạo Tổ hợp ươm tạo gồm không gian làm việc chung, không gian thiết kế nhanh và tạo mẫu thử đặt tại NIC Hòa Lạc.

Ông Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết ĐMST thành công đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan nòng cốt bao gồm các trường, viện nghiên cứu, nhà sáng tạo, công ty khởi nghiệp, tập đoàn, nhà đầu tư, cơ quan chính phủ và những đơn vị hỗ trợ.

Đại sứ nhấn mạnh: “Dự án này sẽ thúc đẩy đầu tư tác động xã hội để giải quyết các thách thức xã hội khác nhau và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan”.

Dự án đặt ra 3 kết quả mục tiêu: Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, củng cố hệ sinh thái ĐMST quốc gia, nâng cao kỹ năng và năng lực ĐMST, nhằm hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Điểm nhấn của dự án “Nâng cao năng lực hỗ trợ ĐMST của Trung tâm ĐMST Quốc gia” là Trung tâm Thiết kế nhanh và Tạo mẫu thử - một không gian làm việc chung hiện đại tại NIC Hòa Lạc.

Trung tâm này tượng trưng cho mối quan hệ đối tác năng động giữa Việt Nam và Nhật Bản. Một không gian tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp tiếp cận thiết bị tiên tiến, cố vấn hỗ trợ kinh doanh phù hợp và hợp tác hiệu quả.

Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, thông qua dự án “Nâng cao năng lực hỗ trợ ĐMST của Trung tâm ĐMST Quốc gia” và Trung tâm Thiết kế nhanh và Tạo mẫu thử, các đơn vị đang chung tay tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp phát triển, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn táo bạo của Nghị quyết 57, biến tầm nhìn đó thành cơ hội thực sự cho tăng trưởng và tạo ra tác động tích cực.

Hội thảo bao gồm các hoạt động nổi bật như Tọa đàm “Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST - Cơ hội và thách thức”; Kết nối startup với các viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tập đoàn công nghệ; và phiên đồng thiết kế mô hình thử nghiệm nhanh - không gian sáng tạo dành cho cộng đồng khởi nghiệp, qua đây mở ra cơ hội hợp tác phát triển cho các startup với các nhà đầu tư tiềm năng, đẩy mạnh ĐMST, tăng tốc bứt phá đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Hội thảo là nơi kết nối cộng đồng nhà đầu tư, DN công nghệ và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế, tạo không gian trao đổi về xu hướng đầu tư công nghệ, đồng thời phân tích cơ hội và thách thức của thị trường vốn tư nhân tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự kiện tiếp tục khẳng định vai trò là kênh kết nối chính sách giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ chiến lược.

Trước đó, Đại sứ quán Nhật Bản và UNDP đã ký kết Thỏa thuận trao đổi nhằm khởi động sáng kiến “Nâng cao năng lực hỗ trợ ĐMST của Trung tâm ĐMST Quốc gia”. Dự án này có tổng số vốn đầu tư 51 tỷ đồng, là khoản viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Nhật Bản, nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam./.

Anh Minh