Trong năm 2024, gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam
Kinh tế số - Ngày đăng : 15:03, 22/04/2025
Trong năm 2024, gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam
Mức độ tham gia của nhà đầu tư rất tích cực với gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam trong năm 2024. Đáng chú ý, số lượng các thương vụ dưới 500.000 USD tăng tới 73%, cho thấy sức bật trở lại đáng kể của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ra mắt báo cáo Đầu tư đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, nơi khát vọng phát triển, tinh thần kiên cường và động lực số hội tụ để mở ra những cơ hội chưa từng có cho dòng vốn tư nhân.
Báo cáo “Đầu tư Đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025” do Tổ chức Phát triển Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA), Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) phối hợp thực hiện đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh thuyết phục: Việt Nam không chỉ sẵn sàng đón nhận vốn đầu tư - mà còn sẵn sàng để dẫn dắt.

Báo cáo ĐMST và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 cho thấy cơ hội lịch sử để Việt Nam dẫn dắt làn sóng tăng trưởng tiếp theo tại châu Á trong bối cảnh bất định toàn cầu. Bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024.
Mức độ sôi động của các thương vụ, được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng vững chắc, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân toàn cầu suy yếu.
Báo cáo đã chỉ ra một tổ hợp các yếu tố thuận lợi hiếm có của Việt Nam, như tăng trưởng GDP thực đạt 7,1% trong năm 2024 - cao hơn phần lớn các nền kinh tế châu Á; Quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 1.100 tỷ USD vào năm 2035 - gấp 2,5 lần hiện tại; 25 tỷ USD vốn FDI được giải ngân trong năm 2024 - tăng 9% so với cùng kỳ; Tầng lớp trung lưu dự kiến chiếm 46% dân số vào năm 2030; Kinh tế số hiện đóng góp 18,3% GDP, hướng tới 35% vào năm 2030
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures, Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá. “Đây là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững, ĐMST từ gốc và chính sách tiên phong”, đại diện VPCA nói và cho rằng “dòng vốn đã sẵn sàng vào Việt Nam”.
Hệ sinh thái sẵn sàng cho quy mô lớn
Chính phủ Việt Nam đã hoạch định một lộ trình chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng, với Quy hoạch Tổng thể Quốc gia 2021 - 2030 và Nghị quyết số 57, tập trung vào các trụ cột kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ cao.
Từ cải cách thị trường vốn đến định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khung pháp lý cho công nghệ chuỗi khối, hạ tầng tài chính Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Những cải cách này tạo điều kiện thuận lợi cho các lối thoát vốn minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và hướng tới xếp hạng tín nhiệm đầu tư trong tương lai gần.
Song song đó, Việt Nam đang trong chu kỳ đầu tư hạ tầng quy mô lớn với gần 500 tỷ USD vốn FDI đang được triển khai, bao gồm các dự án chiến lược từ Samsung, Intel, Lego và Foxconn. Việt Nam không chỉ là công xưởng sản xuất, mà đang trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo đã đưa ra nhiều hướng tạo giá trị cho nhà đầu tư như hợp tác với các doanh nghiệp (DN) dẫn đầu trong nước để mở rộng ra khu vực ASEAN; Đầu tư vào các startup số giai đoạn đầu, đặc biệt trong AI, tự động hóa và nông nghiệp công nghệ cao; Số hóa các ngành truyền thống còn phân mảnh; Tập trung vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, và logistics bền vững; Xây dựng hạ tầng thông minh và dịch vụ công số tại các đô thị cấp hai…
“Nhà đầu tư nào hiểu rõ đặc thù kinh tế vĩ mô của Việt Nam và có tầm nhìn dài hạn sẽ có cơ hội định hình làn sóng tăng trưởng tiếp theo của Đông Nam Á”, ông Ben Sheridan, Giám đốc Toàn cầu khối Đầu tư Tài chính tại BCG, nói. “Chúng ta đang bước vào giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân tại Việt Nam. Báo cáo này chính là kim chỉ nam chiến lược cho những bước đi sắp tới”.
Theo Báo cáo, dòng vốn đầu tư tư nhân vẫn duy trì ổn định dù thị trường đang trong giai đoạn thắt chặt. Mặc dù tổng giá trị vốn đầu tư tư nhân giảm khoảng 35%, mức độ tham gia của nhà đầu tư vẫn rất tích cực. Trong năm 2024, gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam, phần lớn đến từ Singapore, Nhật Bản và trong nước. Đáng chú ý, số lượng các thương vụ dưới 500.000 USD tăng tới 73%, cho thấy sức bật trở lại đáng kể của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong khi đó, các thương vụ mua lại (buyout) đạt tổng giá trị 1,7 tỷ USD trong hoạt động đầu tư tư nhân (PE), phản ánh xu hướng nhà đầu tư ưu tiên vào những nhóm tài sản ổn định và có dòng tiền đều đặn. Ngoài ra, các thương vụ có quy mô trung bình từ 100 - 300 triệu USD cũng tăng gấp 2,7 lần, cho thấy nhu cầu đầu tư đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, mức độ rủi ro vừa phải và nền tảng vững chắc hơn.

Song song với đó, Việt Nam đang dần trở thành điểm nóng trong các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới. Đầu tư vào các startup AI tăng gấp 8 lần so với năm trước, trong khi lĩnh vực công nghệ nông nghiệp (AgriTech) ghi nhận mức tăng đầu tư gấp 9 lần, được thúc đẩy bởi nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực và hiện đại hóa chuỗi cung ứng. Số lượng thương vụ liên quan đến công nghệ xanh (GreenTech) cũng tăng hơn gấp đôi, nhờ làn sóng phát triển bền vững và các tiêu chuẩn ESG ngày càng được chú trọng.
Ba trụ cột ưu tiên trong chuyển đổi tăng trưởng kinh tế: Kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế công nghệ cao
Đặc biệt, chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy bước đột phá kinh tế tiếp theo theo hướng hiện đại hóa, phát triển bền vững và ĐMST thông qua nhiều chính sách mở. Theo quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (tầm nhìn đến năm 2050), ba trụ cột ưu tiên trong chuyển đổi tăng trưởng kinh tế bao gồm: Kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế công nghệ cao.
Trong đó, để phát triển kinh tế số, Việt Nam sẽ tăng tốc chuyển đổi số bằng cách mở rộng cơ sở hạ tầng số và thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đối với kinh tế xanh, Việt Nam cam kết phát triển bền vững thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và năng lực thích ứng biến đổi khí hậu nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Emissions - NZE) vào năm 2050. Trong khi đó, kinh tế công nghệ cao sẽ ưu tiên ĐMST và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như AI, sản xuất thông minh, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Việc chuyển đổi này đánh dấu bước ngoặt từ các yếu tố tăng trưởng truyền thống - như ngành công nghiệp sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững, và các hoạt động gây ô nhiễm - sang các yếu tố tăng trưởng của tương lai. Những yếu tố này bao gồm phát triển dựa trên tài năng và ĐMST, nâng cao kỹ năng và trình độ công nghệ, đầu tư vào ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, cùng với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong sáng tạo công nghệ.
Lần đầu được công bố vào năm 2020 bởi NIC và Do Ventures dưới tên gọi Báo cáo ĐMST và Công nghệ Việt Nam, ấn phẩm ban đầu tập trung vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Phiên bản 2025 do VPCA, NIC và BCG đồng thực hiện, mở rộng phạm vi bao gồm cả đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân.
Báo cáo cung cấp các góc nhìn thực tiễn cho nhà đầu tư tổ chức, nhà quản lý quỹ, DN khởi nghiệp và nhà hoạch định chính sách trong quá trình định hướng thị trường vốn tư nhân đang phát triển nhanh tại Việt Nam.
Báo cáo nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, Việt Nam mang đến điều hiếm có: sự rõ ràng trong chiến lược, cam kết thực thi, và tiềm năng tăng trưởng cộng hưởng theo thời gian./.