Giải quyết "điểm nghẽn" về bảo vệ dữ liệu cá nhân
An toàn thông tin - Ngày đăng : 17:20, 23/04/2025
Giải quyết "điểm nghẽn" về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Dữ liệu cá nhân đóng vai trò quan trọng như nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế. Do đó, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trước các rủi ro trong môi trường không gian mạng cần phải tích cực thực hiện sớm.
Sáng 23/4, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) đã tổ chức tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN)”, với mục tiêu tăng cường lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.
DLCN gắn kết chặt chẽ với an ninh con người
Phát biểu tại tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 (Bộ Công an) nhấn mạnh, an ninh dữ liệu, bảo vệ DLCN luôn được xác định gắn kết chặt chẽ với an ninh con người, an ninh quốc gia và chủ quyền dữ liệu quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mức độ phổ biến của DLCN trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách.
Cùng với đó, còn tồn tại những "lỗ hổng" ngay trong nhận thức về việc bảo vệ DLCN. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng nhiều thông tin cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin tự động.
Để triệt loại bỏ những tiêu cực trên, việc sớm ban hành Luật Bảo vệ DLCN là điều cần thiết, cấp bách, phù hợp với yêu cầu quá trình cách mạng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đúng với yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm chủ quyền số quốc gia và phát triển công nghiệp dữ liệu.
"Hơn nữa, việc sớm ban hành Luật Bảo vệ DLCN sẽ là bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa quyền con người, quyền công dân, phù hợp với định hướng “lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực” mà Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đã đề ra", Trung tướng Nguyễn Minh Chín nhấn mạnh.
Cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc lấy ý kiến đóng góp, Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn chính sách và pháp luật của NCA, cho rằng, thực trạng DLCN tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Còn tình trạng mua bán, rò rỉ, đánh cắp DLCN diễn ra tràn lan, nhưng nhiều hành vi vi phạm vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể. Điều này tạo ra một “khoảng trống” pháp lý nghiêm trọng.
"Do đó, việc xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ DLCN là một cấp bách, đặt trước sự phát triển, đồng thời toạ đàm cũng là dịp Ban soạn thảo, Tổ biên tập cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp của tất cả các cá nhân, tổ chức", Thiếu tá Đào Đức Triệu nhấn mạnh.
Cũng theo Thiếu tá Đào Đức Triệu, Dự thảo bao gồm nhiều nội dung trong đó đề cập đến các vấn đề: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc xử lý DLCN, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, cơ chế xử lý vi phạm và bảo đảm quyền riêng tư trong môi trường số....
Luật cần được cụ thể hoá trên các quy định, đơn vị đo lường
Theo bà Đoàn Thị Nga, Phó ban Pháp chế Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), việc hoàn thiện, ban hành sớm áp dụng Luật Bảo vệ DLCN có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ bảo vệ lợi ích chung cho mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp... Quan trọng hơn sẽ tạo ra những chuẩn mực thực hiện đúng các quy định pháp luật, đặc biệt, công tác hậu kiểm luôn được tăng cường thay vì chỉ dừng lại ở việc tiền kiểm.
"Hơn nữa đây sẽ là ba rem về khung pháp lý, khung nội dung được quy định rõ về các rủi ro hay những hành vi vi phạm đối với vấn đề DLCN", bà Đoàn Thị Nga nêu quan điểm.
Cũng theo Đoàn Thị Nga, muốn ra đời, hoàn thiện, áp dụng sớm Luật này thì chúng ta cần sớm giải đáp được câu hỏi trong tổng thể DLCN sẽ nằm ở đâu trong trung tâm dữ liệu quốc gia và nó riêng lẻ hay thuộc quỹ riêng, có cơ chế bảo vệ riêng.
Cùng với đó, cần xây dựng, phân loại cụ thể các nguồn dữ liệu đủ, sạch, sống (bao gồm dữ liệu ngành, dữ liệu nghiên cứu, dữ liệu không hiển thị nhân thân...).
Đặc biệt cần có quy định phân bổ các nguồn cơ sở DLCN theo các khuôn, vùng, phạm vi dữ liệu khác nhau, đồng thời, cần sớm ban hành chính sách chung "nội luật" về bảo vệ DLCN cho toàn thể người dân trên lãnh thổ Việt Nam.
Giải quyết được "điểm nghẽn" đó chính là các văn bản hướng dẫn, quy định có liên quan trước đó về lĩnh vực này và khi xây dựng ban hành văn bản mới cần có thêm các cơ chế thử nghiệm để thực hiện (có kiểm soát).
Cụ thể, bà Đoàn Thị Nga nhấn mạnh, năm 2019, Chính phủ đã có Đề án cơ chế thử nghiệm sandbox về các mô hình kinh doanh mới về dữ liệu. Vì đây là một lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm nên cần thời gian đánh giá, kiểm soát, từ đó khi những giá trị hiệu quả tích cực sẽ là động lực để nhân rộng.
Ngoài ra, Đoàn Thị Nga còn nêu quan điểm, chúng ta nên có hay không nên có các hệ thống quy định liên quan đến việc kiểm soát và quản trị dữ liệu? Và việc kiểm soát hay quản trị dữ liệu khi đó cần phải được xác định theo hướng cụ thể, rõ ràng, gắn trách nhiệm?...
Cũng theo bà Đoàn Thị Nga, chúng ta trong quá trình xây dựng cần định nghĩa rõ ràng hơn về dữ liệu là gì (dựa trên căn cứ chuyên môn, luật, chính sách) và có cần thiết chia, phân vùng định nghĩa theo nhóm, độ tuổi, trình độ, sinh học....? "Chỉ khi chúng ta càng làm rõ nét, chặt chẽ, khái quát thì sẽ góp phần việc thực hiện xây dựng Luật sẽ bao quát, hiệu quả" bà Đoàn Thị Nga nêu quan điểm.
Trong trường hợp DLCN được chuyển ra nước ngoài, các đề án thông tin quốc tế khi được thực hiện... cũng cần phải được cụ thể hoá trên các quy định, đơn vị đo lường đâu là vùng kiểm soát, đâu vùng an toàn, từ đó dễ áp dụng, thực hiện.
Điểm quan trọng nữa bà Đoàn Thị Nga cho rằng DLCN là rất quan trọng, cần xác định không nằm trong phạm vi trao đổi, buôn bán và phần còn lại phải nằm trong những ràng buộc cấp 2. Và chỉ khi thực hiện tốt điều này sẽ tạo ra sự tin tưởng, an toàn, từ đó giúp nâng cao hiệu quả việc bảo vệ DLCN hiện nay./.