Doanh nghiệp gặp thách thức khi chuyển đổi số với chủ quyền dữ liệu và ngân sách
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:40, 24/04/2025
Doanh nghiệp gặp thách thức khi chuyển đổi số với chủ quyền dữ liệu và ngân sách
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần vừa đảm bảo hiệu suất vận hành, vừa tăng khả năng phòng thủ chủ động trước các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp.

Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến làn sóng cách mạng công nghệ mới với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing) và bảo mật dữ liệu (data security), các tổ chức và doanh nghiệp (DN) đang đặt ra yêu cầu cao hơn về nền tảng hạ tầng: không chỉ mạnh mẽ, linh hoạt mà còn phải an toàn và có khả năng kiểm soát dữ liệu tuyệt đối.
Từ public cloud đến private cloud: Chuyển đổi trong cách tiếp cận hạ tầng số
Khác với giai đoạn đầu của cloud, nơi đa số DN lựa chọn mô hình công khai (public cloud) vì tính linh hoạt và chi phí, hiện nay, nhiều tổ chức - đặc biệt là trong khối chính phủ, tài chính, viễn thông và công nghiệp - đang chuyển hướng sang mô hình đám mây riêng (private cloud) để giải quyết các vấn đề về tuân thủ, dữ liệu nội bộ và bảo mật chủ quyền dữ liệu.
Các chuyên gia nhận định, private cloud không chỉ là bước đệm cho AI phát triển bền vững, mà còn giúp các tổ chức, DN kiểm soát tốt hơn tài nguyên, dữ liệu và các hệ thống quan trọng, đồng thời tránh rủi ro phụ thuộc vào nhà cung cấp bên ngoài.
Việt Nam - thị trường nhiều tiềm năng, nhưng cũng đối mặt với bài toán lớn về an toàn dữ liệu
Tại Việt Nam, làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong khối DN và chính phủ. Tuy nhiên, theo khảo sát từ một số đơn vị tư vấn công nghệ quốc tế, hơn 60% tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa có chiến lược rõ ràng cho bảo mật đám mây, đặc biệt trong bối cảnh AI và dữ liệu ngày càng được ưu tiên khai thác. Do đó, việc xây dựng các chiến lược thiết thực để bảo mật môi trường đám mây, bảo vệ dữ liệu quan trọng và hỗ trợ các tổ chức, DN phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số là rất quan trọng.
Sự kiện DCCI Summit 2025 do Viettel tổ chức mới đây là một trong những diễn đàn công nghệ uy tín quy tụ hàng nghìn lãnh đạo, chuyên gia và nhà cung cấp giải pháp hạ tầng, nơi thảo luận các giải pháp giúp Việt Nam chủ động hơn trong kỷ nguyên số.

Tại đây, bài phát biểu chủ đề “Empowering the AI Revolution with Modern Private Cloud” đã đưa ra những phân tích sâu sắc về vai trò chiến lược của Private Cloud trong hệ sinh thái AI. Đại diện Sangfor nhấn mạnh rằng chỉ khi dữ liệu được đặt trong môi trường có khả năng kiểm soát và bảo mật chặt chẽ, AI mới có thể phát huy hết tiềm năng mà không làm phát sinh rủi ro pháp lý hay vi phạm riêng tư.
Định hình tương lai số với mô hình bảo mật tích hợp
Các chuyên gia cho rằng để hiện thực hóa chuyển đổi số toàn diện, Việt Nam cần hướng tới việc kết hợp hạ tầng Private Cloud với các nền tảng bảo mật tích hợp, vừa đảm bảo hiệu suất vận hành, vừa tăng khả năng phòng thủ chủ động trước các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp.
Trong khuôn khổ DCCI 2025, một số giải pháp Cloud AI và Private Cloud đã được giới thiệu, được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu đa tầng - từ biên mạng (edge) đến trung tâm dữ liệu - với khả năng tự động hóa, kiểm soát và bảo mật cao, tiết kiệm chi phí.
Các mô hình này được triển khai bởi một số đối tác quốc tế hàng đầu, trong đó có Sangfor - một trong những nhà cung cấp giải pháp bảo mật tích hợp nổi bật toàn cầu. Với thông điệp “Make your digital transformation simple and secure”, Sangfor hiện đang hợp tác chặt chẽ cùng các DN và nhà mạng lớn tại Việt Nam để xây dựng một tương lai số an toàn, bền vững./.