Chuyển đổi số: Động lực mới cho hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Bình

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:05, 04/05/2025

Với khát vọng vươn lên, tinh thần đổi mới, sáng tạo và nhiệt huyết của mình, thanh niên Quảng Bình đang dần khẳng định vai trò tiên phong, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào thành công của công cuộc chuyển đổi số tại địa phương và cả nước.
Chuyển đổi số

Chuyển đổi số: Động lực mới cho hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Bình

TS. Hoàng Thanh Hiến, Hoàng Thanh Hiến, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Tỉnh Đoàn Quảng Bình 04/05/2025 11:05

Với khát vọng vươn lên, tinh thần đổi mới, sáng tạo và nhiệt huyết của mình, thanh niên Quảng Bình đang dần khẳng định vai trò tiên phong, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào thành công của công cuộc chuyển đổi số tại địa phương và cả nước.

Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên số với tốc độ chóng mặt, tuổi trẻ Quảng Bình đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn, đòi hỏi sự thích ứng nhanh nhạy và tinh thần tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS).

Bài viết này sẽ phân tích thực trạng, đánh giá những nỗ lực của tuổi trẻ Quảng Bình trong việc thích ứng và đóng góp vào CĐS, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng to lớn của lực lượng này.

Những nỗ lực của tuổi trẻ Quảng Bình trong CĐS

Những năm gần đây, tuổi trẻ Quảng Bình đã thể hiện rõ nét vai trò tiên phong và sức mạnh của mình trong công cuộc CĐS. Lời kêu gọi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, về vai trò của thanh niên trong việc “tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh CĐS quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST)” đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của tuổi trẻ cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Đặc biệt, năm 2024 với chủ đề "Năm Thanh niên tình nguyện" đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thanh niên trong việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động xã hội, tình nguyện. Qua đó, tạo bước đột phá trong việc kết nối, huy động nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút sự tham gia đông đảo của đoàn viên, thanh niên và người dân.

kctv800b.jpg
Đoàn viên, thanh niên tham gia tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán điện tử. (Ảnh: quangbinh.gov.vn)

Ứng dụng công nghệ số trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi

Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, giáo dục đoàn viên, đội viên và thiếu nhi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và lan tỏa sâu rộng các giá trị tích cực.

Thông qua việc triển khai nền tảng trực tuyến như website quanlydoanvien.doanthanhnien.vn và ứng dụng Thanh niên Việt Nam đã tối ưu hóa quy trình quản lý, tạo thuận lợi cho công tác phát triển đoàn viên. Ứng dụng Thanh niên Việt Nam không chỉ là kênh thông tin chính thống về hoạt động Đoàn, Hội, Đội, phong trào thanh niên và chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn là sân chơi bổ ích, nơi đoàn viên có thể tham gia các cuộc thi trực tuyến, rèn luyện kiến thức, kỹ năng và phát huy sáng tạo.

doan-tn-quang-binh.png
Nền tảng trực tuyến quanlydoanvien.doanthanhnien.vn

Kết quả đáng ghi nhận là 90% đoàn viên mới đã tham gia kiểm tra học tập lý luận chính trị qua ứng dụng, chứng minh hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo.

Hoạt động rèn luyện thiếu nhi đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh Đoàn cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CĐS trong hoạt động sinh hoạt và rèn luyện của thiếu nhi với các chương trình thiết thực, hấp dẫn. Ứng dụng "Hướng nghiệp" trong chương trình "Tuổi trẻ Việt Nam, rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai" đã hỗ trợ học sinh THCS định hướng nghề nghiệp, khơi dậy khát vọng vươn lên và tinh thần sẻ chia. Ứng dụng "Em làm việc tốt" trong chương trình "Thiếu nhi Quảng Bình, học tập tốt, rèn luyện chăm" đã thu hút 79.685 em học sinh tiểu học tham gia thực hiện các việc làm tốt hàng ngày.

Chương trình "Trải nghiệm trên nền tảng số" với nội dung phong phú, sinh động, kết hợp các hoạt động chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thi đua và giới thiệu mô hình học tập, đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, lý tưởng cách mạng, hình thành đạo đức, lối sống và văn hóa cho thiếu nhi trong môi trường mạng. Việc chiếu video "Theo bước chân anh Lý Tự Trọng" trên nền tảng số cũng là một cách làm sáng tạo, giúp thế hệ trẻ tiếp cận các tấm gương anh hùng một cách gần gũi và hiệu quả hơn.

CĐS - Động lực mới cho hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Quảng Bình

Các cấp bộ Đoàn Quảng Bình đã tích cực ứng dụng công nghệ số, mang lại sức sống mới cho các hoạt động tình nguyện, đồng thời góp phần nâng cao năng lực số cho cộng đồng.

Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp các chương trình, chiến dịch tình nguyện thu hút đông đảo thanh niên tham gia, đồng thời nâng cao khả năng vận dụng kiến thức số vào thực tiễn. Điển hình là Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2024 (diễn ra từ tháng 5 - 8/2024) với 1 chương trình và 4 chiến dịch thành phần, thu hút hơn 132.480 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Đặc biệt, chiến dịch đã triển khai các hoạt động CĐS, giúp hơn 5.200 lượt thanh thiếu nhi và người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ, góp phần thu hẹp khoảng cách số.

cvt800d.jpg
ctv800c.jpg
Các cấp bộ Đoàn Quảng Bình tích cực ứng dụng công nghệ số, mang lại sức sống mới cho các hoạt động tình nguyện, đồng thời góp phần nâng cao năng lực số cho cộng đồng. (Ảnh: quangbinh.gov.vn)

Mạng lưới Tổ CĐS cộng đồng được phát triển rộng khắp, với hơn 900 tổ CĐS cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động, công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được triển khai sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Các tổ này đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN, hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), các dịch vụ CĐS trong y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực số cho thanh niên cũng được các cấp bộ Đoàn triển khai rộng rãi. Các ứng dụng, DVCTT như cấp hộ chiếu online, ứng dụng "Xuất nhập cảnh Việt Nam", ứng dụng định danh điện tử VNeID… giúp thanh niên Quảng Bình nâng cao năng lực số, sẵn sàng tham gia vào quá trình xây dựng nền kinh tế số.

Với tinh thần xung kích, sáng tạo, thanh niên Quảng Bình đang khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc CĐS quốc gia.

Đầu tư cho tương lai: Nâng cao năng lực số và hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho thanh niên, Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tập trung vào đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế số. Bên cạnh hoạt động tình nguyện, Tỉnh Đoàn đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực số cho thanh niên. Các lớp tập huấn về quản trị DN, CĐS, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) đã trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp và kinh doanh trong kỷ nguyên số.

Việc tổ chức tham quan các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu cũng tạo điều kiện cho thanh niên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh cũng được các cấp bộ Đoàn luôn chú trọng. Các hoạt động hỗ trợ không chỉ giúp thanh niên ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn mà còn mở ra cơ hội áp dụng công nghệ vào sản xuất, phân phối và quản lý kinh doanh, khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong tổ chức Đoàn, Hội.

Trên cơ sở Đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030", Tỉnh Đoàn Quảng Bình đang tích cực triển khai Đề án của Trung ương Đoàn đến các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong trong tỉnh. Đây được xem là nhiệm vụ ưu tiên, đóng vai trò nền tảng trong quá trình CĐS quốc gia, đồng thời là yếu tố then chốt giúp thanh niên đóng góp vào sự phát triển của địa phương trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và hội nhập quốc tế. Việc triển khai đề án đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp thanh niên Quảng Bình nâng cao kỹ năng, mạnh dạn tham gia các sáng kiến khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống.

Giải pháp phát huy vai trò của thanh niên trong kỷ nguyên CĐS

Để phát huy tối đa tiềm năng của tuổi trẻ Quảng Bình trong CĐS, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức và năng lực số cho thanh niên trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã xác định một trong ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2022 - 2027 là nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh, thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về CĐS; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong bối cảnh CĐS mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năng lực số là yếu tố then chốt để đoàn viên, thanh niên chủ động tiếp cận với CĐS nhanh chóng, hiệu quả. Hoạt động khai thác giá trị tích cực của CĐS phục vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên, thiếu niên chỉ thực sự đạt được kết quả nếu như đoàn viên, thanh niên có điều kiện nâng cao năng lực số.

Thực tiễn cho thấy, do tính chất vùng miền, điều kiện học tập, rèn luyện, công tác của từng nhóm đoàn viên, thanh niên không giống nhau trên địa bàn cả nước, vì vậy, năng lực số của từng nhóm này cũng không đồng đều. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cần được các cấp bộ Đoàn tiến hành trên diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, sát với đối tượng đoàn viên, thanh niên ở từng loại hình tổ chức Đoàn, Đội, Hội.

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần chủ động đổi mới, cập nhật các nội dung bồi dưỡng năng lực số cho đoàn viên, thanh niên như: sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ số hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính, nhất là khả năng thao tác các chức năng cơ bản, cài đặt, sử dụng và bảo trì các phần mềm thông dụng. Qua đó, hỗ trợ việc tiến hành công tác Đoàn, phong trào thanh niên, thiếu niên trở nên hiệu quả hơn.

Ngoài ra cần tăng cường các kỹ năng số khác như khả năng tìm kiếm, truy cập và đánh giá thông tin một cách hiệu quả trên môi trường số; sử dụng các kênh giao tiếp trực tuyến; tạo ra các nội dung số như văn bản, video, hình ảnh; bảo vệ và bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng; khả năng tự học, chủ động cập nhật kiến thức và kỹ năng số một cách hiệu quả; sử dụng các công nghệ chuyên môn trong lĩnh vực nghề nghiệp, áp dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả công việc và nắm vững các xu hướng công nghệ mới trong ngành nghề mà đoàn viên, thanh niên đang công tác, học tập.

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, tuyên truyền về CĐS cho đoàn viên, thanh niên. Các cấp bộ Đoàn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị tập huấn về CĐS để qua đó nâng cao nhận thức, kiến thức, trình độ cho đoàn viên, thanh niên. Đây là yếu tố then chốt trong công cuộc CĐS của Đoàn Thanh niên hiện nay.

Từng đoàn viên, thanh niên cần nâng cao nhận thức và phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng thành quả, vận dụng có hiệu quả những yếu tố tích cực từ cuộc CMCN 4.0, nhất là tham gia tích cực vào triển khai thực hiện những mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước về CĐS quốc gia.

Trên cơ sở đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức Đoàn các cấp cần tích cực thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đoàn viên, thanh niên; chú trọng phát triển áp dụng phương pháp mới, sáng tạo như tích cực sử dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin, quản lý tổ chức; số hóa văn bản và khai thác các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến để triển khai các hoạt động, phong trào thanh niên, góp phần chuyên nghiệp và hiện đại hóa công tác Ðoàn và phong trào thanh niên, thiếu niên, nâng cao nhận thức của tuổi trẻ về quá trình CĐS quốc gia.

Ba là, tăng cường sự tham gia của thanh niên trong các hoạt động CĐS. Phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của Đoàn Thanh niên trong CĐS, tham gia thúc đẩy thực hiện xã hội số. Cần lựa chọn những chuyên gia, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, có trình độ về công nghệ thông tin tham gia tập huấn cho đoàn viên, thanh niên trong địa bàn các chủ trương, chính sách, pháp luật về CĐS; chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số; phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt và sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ. Trọng tâm là xây dựng các ứng dụng nền tảng số, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức truyền tải các chương trình, hoạt động của Đoàn Thanh niên.

Thực hiện mô hình “Chi đoàn số”, số hóa hồ sơ sổ sách của Đoàn Thanh niên các cấp nhằm nâng cao chất lượng công tác đoàn vụ, ứng dụng CĐS trong việc tổ chức các hoạt động của chi đoàn; Huy động thanh niên tham gia vào các tổ CĐS cộng đồng, các dự án CĐS của DN, cơ quan Nhà nước; tạo điều kiện cho thanh niên thực hành, trải nghiệm và ứng dụng kiến thức, kỹ năng số vào thực tiễn.

Bốn là, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ĐMST; Xúc tiến hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị, DN trong việc triển khai CĐS; tạo điều kiện cho thanh niên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình CĐS thành công; Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, ươm mầm khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.

Năm là, tích cực tham gia tổ chức triển khai các nhiệm vụ phong trào, chương trình CĐS do Đoàn cấp trên phát động; truyền thông, lan tỏa đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên và mọi người xung quanh.

Tuổi trẻ Quảng Bình cần chủ động tham gia các tổ CĐS, nhóm CĐS tại địa phương, đơn vị để luôn nắm bắt được nhanh chóng tình hình CĐS trên tất cả các lĩnh vực. Cũng như luôn thể hiện được vai trò, tính xung kích, tình nguyện sức trẻ và năng lượng đổi mới trong mọi nhiệm vụ được giao, nhanh chóng và kịp thời trong công tác thực thi CĐS tại, địa phương, đơn vị đang công tác./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022-2030” của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
(2) Báo cáo số 209-BC/TĐTN-VP ngày 08/11/2024, của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn về kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024.
(3) Https://thanhnien.vn/doan-thanh-nien-phai-di-dau-trong-chuyen-doi-so-185230321165842408.htm.
(4) https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/10/29/phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-trong-chuyen-doi-so-cong-tac-doan-hien-nay/

TS. Hoàng Thanh Hiến, Hoàng Thanh Hiến, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Tỉnh Đoàn Quảng Bình