VOV và câu chuyện tiếp cận công chúng trong kỷ nguyên số

Truyền thông - Ngày đăng : 10:15, 05/05/2025

Các Đài phát thanh truyền hình cần đặt mình vào vị trí của thính giả và gặp họ trong không gian của họ. Hiểu rõ thính giả của mình và phục vụ họ, chứ không cố gắng thu hút tất cả mọi người mới là hướng đi đúng đắn trong kỷ nguyên số.
Truyền thông

VOV và câu chuyện tiếp cận công chúng trong kỷ nguyên số

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Các Đài phát thanh truyền hình cần đặt mình vào vị trí của thính giả và gặp họ trong không gian của họ. Hiểu rõ thính giả của mình và phục vụ họ, chứ không cố gắng thu hút tất cả mọi người mới là hướng đi đúng đắn trong kỷ nguyên số.

Môi trường số là điều kiện thuận lợi để phát thanh chuyển mình

Trong giai đoạn hiện nay, phát thanh đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn bởi phải chia sẻ công chúng với các loại hình báo chí khác, đặc biệt là công chúng của mạng xã hội và các nền tảng số.

Do đó, phát thanh, trong thời đại chuyển đổi số (CĐS), bên cạnh việc phải thay đổi các nền tảng cung cấp nội dung, không chỉ trên nền tảng truyền thống là phát sóng vô tuyến, mà còn cần cung cấp trên các nền tảng số. Cùng với đó, phát thanh phải tiếp tục đổi mới về cả nội dung và hình thức để đáp ứng những yêu cầu, nhu cầu ngày càng mới của công chúng.

1.jpg
Ảnh: hanamtv.vn.

Chia sẻ với PV Tạp chí TT&TT về vấn đề này, TS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết: Hiện nay, phát thanh đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Sự cạnh tranh này đến cả từ nội dung cho đến sự chia sẻ công chúng.

Nhu cầu của công chúng là khai thác được thông tin theo nhiều chiều, với nhiều cách thức linh hoạt, phù hợp với cách tiếp cận thông tin của từng cá nhân, và khi đó, các nền tảng số tỏ rõ lợi thế so với các loại hình báo chí truyền thống như phát thanh truyền hình (PTTH).

Những khó khăn của phát thanh truyền thống còn thể hiện ở tư duy tiếp cận công nghệ mới, về nguồn nhân lực cũng như hạn chế của ngân sách. Không ít Đài PTTH vẫn còn quan niệm cứ sản xuất và phát sóng, không quan tâm đến khán, thính giả. Do vậy, CĐS là một cuộc cách mạng mà khởi đầu từ chuyển đổi tư duy trong cách tiếp cận vấn đề, cách tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm trong kỷ nguyên số.

Tuy nhiên, cùng với những khó khăn, kỷ nguyên số cũng mở ra những cơ hội cho phát thanh. Việc tận dụng nền tảng số để đưa thông tin đến với công chúng là cơ hội lớn nhất, chỉ với chi phí rất thấp mà có thể tiếp cận với lượng công chúng khổng lồ, so sánh với chi phí rất lớn để truyền dẫn, phát sóng nội dung theo các phương thức truyền thống.

Việc xuất hiện trên nền tảng số, với ưu thế về dữ liệu, về kinh nghiệm, về nội dung thì các Đài PTTH dễ dàng và nhanh chóng thu hút được một lượng công chúng mới.

Khi nền tảng số gắn chặt với công chúng số, khi có khả năng tiếp cận trực tiếp và không giới hạn với hàng triệu công chúng, cũng là hàng triệu khách hàng tiềm năng thì câu chuyện có doanh thu từ nội dung báo chí là điều hiển nhiên. Bài toán kinh tế báo chí sẽ được giải đáp.

“Để hạn chế những khó khắn và phát huy lợi thế, phát thanh bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại, và môi trường số chính là điều kiện thuận lợi để phát thanh chuyển mình”, TS. Đồng Mạnh Hùng cho hay.

Chiến lược phát triển thích ứng với kỷ nguyên số, dựa trên 3 trụ cột

Theo TS. Đồng Mạnh Hùng, để phát thanh Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức trong kỷ nguyên số và thực hiện thành công CĐS, cần đề ra chiến lược phát triển thích ứng với kỷ nguyên số, dựa trên 3 trụ cột chính:

Nội dung số: Kỷ nguyên số ra đời cũng chứng kiến sự xuất hiện của thính giả số. Thính giả số không còn thụ động chờ thông tin, họ chủ động tìm kiếm, sàng lọc và thụ hưởng những thông tin từ các phương tiện truyền thông phù hợp. Hướng đối tượng là yêu cầu tất yếu đối với các Đài PTTH trong kỷ nguyên số.

Các Đài PTTH cần đặt mình vào vị trí của thính giả và gặp họ trong không gian của họ, tức là trong các chương trình mà khán, thính giả cảm thấy phù hợp và yêu thích. Hiểu rõ thính giả của mình và phục vụ họ, chứ không cố gắng thu hút tất cả mọi người mới là hướng đi đúng đắn cho các Đài PTTH trong kỷ nguyên số.

Trong phát triển nội dung số, yếu tố con người là vấn đề trung tâm, từ những phóng viên (PV), biên tập viên (BTV), đến thính giả, mà trong kỷ nguyên số, chính thính giả lại trở thành người sáng tạo nội dung.

Với sự xuất hiện của công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), vai trò của các PV, BTV càng bị cạnh tranh nghiêm trọng. Vì vậy, PV, BTV phải trở thành PV số, cùng với nhãn quan sắc bén, ngòi bút sắc sảo là những kỹ năng làm việc trên không gian số.

dsc_0156.jpg
PV, BTV phải trở thành PV số, cùng với nhãn quan sắc bén, ngòi bút sắc sảo là những kỹ năng làm việc trên không gian số.

Truyền tải số: Ngày nay, thính giả không còn ngồi xung quanh chiếc radio để nghe, xem chương trình. Thời đại công nghiệp hóa khiến nhịp sống trở nên hối hả hơn, vì thế, các Đài PTTH cần có mặt ở mọi nơi, tận dụng mọi không gian phù hợp và biến mỗi nền tảng thành trạm phát sóng của mình, và điều quan trọng nhất là phải được thính giả tìm thấy dễ dàng.

Cùng với những lợi ích khổng lồ như giúp tiết giảm đến 90% chi phí so với các phương thức truyền tải truyền thống, hầu như không có giới hạn về không gian địa lý…, phương thức truyền tải số còn có một lợi thế cực lớn so với các phương thức truyền tải truyền thống, đó là khán thính giả không còn bị phụ thuộc vào khung chương trình phát sóng của các Đài PTTH mà có thể nghe, xem bất kỳ nội dung nào mình thích tại bất kỳ thời điểm nào.

Tương tác số: Hiện, đã qua thời kỳ thông tin được đưa từ các Đài đến thính giả theo một chiều. Tương tác số cho phép thay thế ở mức độ cao hơn và dễ dàng hơn các hình thức tương tác cá nhân - cá nhân, cá nhân - cộng đồng.

Vì thế, điều mà khán, thính giả trong kỷ nguyên số cần là họ muốn cảm thấy mình là một phần của câu chuyện đang diễn ra, vì nó đảm bảo sẽ thu hút họ, khuyến khích họ nghe tiếp, nghe lại và tham gia.

“Việc xây dựng một cộng đồng số, bao gồm các thính giả số, tạo điều kiện để cộng đồng này tham gia phát triển nội dung của các chương PTTH sẽ là ý tưởng không tồi để kích hoạt sự tương tác hữu cơ và tạo cuộc trò chuyện với cộng đồng thính giả của các Đài PTTH, mở rộng phạm vi tiếp cận thương hiệu của các Đài”, TS. Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.

VOV nắm bắt nhanh xu hướng trên nền tảng số

Chia sẻ về xu hướng phát triển của VOV trên nền tảng số, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho biết là cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, trải qua thời gian dài phát triển, VOV đã xây dựng được cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện.

Hiện nay, tất cả các đơn vị biên tập của VOV đã có mặt trên hầu hết các nền tảng số phổ biến. Bên cạnh những nền tảng do VOV tự đầu tư, phát triển như hệ điều hành cho các báo điện tử, các ứng dụng cho phát thanh (VOVmedia, VOVlive…), VOV hầu như không bỏ qua nền tảng xuyên biên giới nào (Youtube, facebook, Spotify, Tiktok…).

VOV cũng bước đầu xây dựng được những nền tảng nội bộ để giúp các đơn vị biên tập, các PV, BTV có thể chia sẻ khai thác nguồn lực nội dung chung của hệ thống, tạo ra những sản phẩm báo chí riêng phù hợp với từng loại hình, từng kênh.

Thời gian qua, các đơn vị báo chí của VOV nắm bắt rất nhanh xu hướng trên nền tảng số. Hai báo điện tử VOV và VTC News cập nhật tin tức nhanh chóng, chính xác, là kênh chính thống, tin cậy cho độc giả. VOV cũng phát triển một số ứng dụng riêng như khối phát thanh có ứng dụng VOV Live, VOV Media...

Trong đó, nội dung được ưu tiên phân phối trên báo điện tử, âm thanh vốn là thế mạnh. Ví dụ, "Đọc truyện đêm khuya" có hàng triệu người nghe trên YouTube. Tác phẩm "Con hẻm nhỏ" của Báo điện tử VOV đoạt giải xuất sắc hạng mục Truyền thông số của Hiệp hội PTTH châu Á - Thái Bình Dương (ABU) năm 2022.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) năm nay, với vai trò là tiếng nói chủ lực, VOV đã xây dựng một kế hoạch tuyên truyền toàn diện, bao trùm mọi khía cạnh của sự kiện lịch sử trọng đại này.

Từ tháng 3/2025 và trọng tâm là tháng 4/2025, trên tất cả các kênh PTTH, báo điện tử và nền tảng số, công chúng được tiếp cận với một “bức tranh” đa sắc màu về 50 năm thống nhất đất nước.

Đây không chỉ là dịp để ôn lại những trang sử hào hùng, tri ân những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, mà còn là cơ hội để khẳng định những thành tựu vĩ đại của đất nước sau 50 năm thống nhất, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc và củng cố ý chí, quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường.

Để làm phong phú thêm không khí kỷ niệm, đội ngũ VOV nỗ lực sản xuất những chương trình âm nhạc đặc biệt, những bài ca đi cùng năm tháng, khơi gợi ký ức về một thời kỳ đấu tranh oanh liệt và niềm tự hào về sự thống nhất...

Đặc biệt, VOV đi sâu vào các vấn đề lịch sử hình thành, vai trò, vị thế của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ trong cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng, những câu chuyện về những con người tiêu biểu, các công trình, dự án chào mừng sự kiện, công tác chăm lo đời sống nhân dân và tình cảm của cả nước với TP. Hồ Chí Minh...

Các hội thảo khoa học, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ấn phẩm báo chí, phim tài liệu đặc biệt cũng sẽ được VOV chú trọng thực hiện.

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hùng, như vậy, có thể thấy, đến nay, các đơn vị thuộc VOV đã hình thành được hệ sinh thái tương đối tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một chiến lược bài bản và sự đầu tư lớn hơn để VOV phát huy được vai trò của cơ quan báo chí Trung ương. Đặc biệt, VOV sẽ ưu tiên đầu tư vào công nghệ.

“Vấn đề quan tâm của VOV rộng hơn là áp dụng AI thế nào cho hệ thống dữ liệu rất lớn của các kênh PTTH. Tức là làm sao hệ thống hóa dữ liệu để tối ưu hóa được kênh phân phối trên các nền tảng. Đây là câu chuyện Đài đang tập trung tìm hướng giải quyết. Nếu hệ thống của mình tốt, bạn đọc có thể tiếp cận rất nhiều dữ liệu liên quan, chứ không chỉ xem một bài báo”, Phó Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh./.

Trường Thanh