Thế hệ Y và Z đang định hình lĩnh vực fintech Đông Nam Á như thế nào?

Kinh tế số - Ngày đăng : 06:30, 06/05/2025

Gen Y và Z đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực fintech tại Đông Nam Á.
Kinh tế số

Thế hệ Y và Z đang định hình lĩnh vực fintech Đông Nam Á như thế nào?

Tâm An 06/05/2025 06:30

Gen Y và Z đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực fintech tại Đông Nam Á.

Với sự am hiểu về công nghệ và xu hướng tiêu dùng linh hoạt, thế hệ (Gen) Y và Z đang đón nhận các giải pháp tài chính số như ví điện tử, mua trước trả sau (BNPL) và các dịch vụ tài chính di động, góp phần mở rộng thị trường và thay đổi căn bản cách thức người tiêu dùng tương tác với dịch vụ tài chính.

ft1(1).jpg
Gen Y và Z đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực fintech tại Đông Nam Á.

Sự bùng nổ của nền kinh tế số toàn cầu đang làm thay đổi căn bản cách doanh nghiệp tương tác với người tiêu dùng. Các giải pháp công nghệ ngày càng trở nên phổ biến như những lựa chọn thay thế khả thi cho các dịch vụ truyền thống, giúp cá nhân và doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các cơ hội thị trường mới.

Chỉ trong vòng 2 năm, hơn 330 triệu người tiêu dùng đã tham gia thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của lĩnh vực này được dự báo sẽ đạt 8,79% trong giai đoạn 2025 - 2029.

Tại Đông Nam Á, làn sóng chuyển đổi số đang lan rộng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục trực tuyến, giao đồ ăn và đặc biệt là dịch vụ tài chính. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (fintech) tại khu vực này phản ánh nhu cầu ngày càng cao đối với các giải pháp tài chính linh hoạt, dễ tiếp cận và tối ưu hóa cho thiết bị di động.

Theo báo cáo gần đây của UnaFinancial, tỷ lệ người dùng ứng dụng fintech trên thiết bị di động ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng từ 49% năm 2024 lên 60% vào năm 2030. Trong đó, Philippines hiện đang dẫn đầu với tỷ lệ 63% và được kỳ vọng sẽ đạt 72% vào cuối thập kỷ.

Các nhà phân tích ước tính rằng có khoảng 400 triệu người dùng công nghệ tài chính tại Philippines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia trong năm 2024. Trong đó, 31,8% là thế hệ Millennials (Gen Y - những người sinh từ năm 1981 - 1996), 33,4% là Gen Z và 34,8% còn lại thuộc Gen X và Boomers. Đến năm 2030, con số người dùng dự kiến sẽ tăng lên 505,6 triệu, với tỷ lệ Gen Y chiếm 40,9% và Gen Z đạt 38,5%, cho thấy vai trò ngày càng lớn của hai thế hệ trẻ trong hệ sinh thái fintech khu vực.

Dựa trên các dữ liệu khảo sát và công khai, giới phân tích chỉ ra rằng cả Gen Y và Gen Z đều đề cao sự linh hoạt tối đa, cá nhân hóa trong trải nghiệm tài chính, đồng thời yêu cầu mức độ tiện lợi và nhanh chóng cao hơn so với các thế hệ trước.

Với sự am hiểu công nghệ và kỳ vọng liên tục thay đổi, thế hệ Millennials và Gen Z đang trở thành lực lượng tiên phong thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực fintech tại Đông Nam Á. Một nghiên cứu dự đoán rằng tỷ lệ người dùng fintech thuộc hai thế hệ này tại các quốc gia Philippines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia sẽ tăng từ 65% năm 2024 lên tới 79% vào năm 2030 – một minh chứng rõ ràng cho sức ảnh hưởng ngày càng tăng của giới trẻ đối với sự phát triển của ngành tài chính số trong khu vực.

Hiểu về các nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi

Gen Z - những người sinh từ năm 1997 - 2012 – được xem là thế hệ bản địa kỹ thuật số. Họ lớn lên cùng điện thoại thông minh, Internet và các ứng dụng di động trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Sự thành thạo trong việc sử dụng công nghệ số đã giúp Gen Z nhanh chóng tiếp cận và chấp nhận các dịch vụ fintech như ví điện tử, công cụ lập ngân sách và ứng dụng đầu tư.

Những phát hiện gần đây từ một báo cáo đã nêu bật sự thay đổi của thế hệ này. Khoảng 60% người được khảo sát cho biết họ sử dụng dịch vụ ngân hàng di động, trong khi 58% thường xuyên sử dụng ví điện tử, cho thấy sự ưu tiên rõ ràng dành cho các giải pháp tài chính tiện lợi và ưu tiên kỹ thuật số. Những công cụ này phù hợp với lối sống năng động, di động của Gen Z và cả Gen Y, mang lại khả năng quản lý tài chính theo thời gian thực với mức độ linh hoạt cao.

Bên cạnh sự tiện lợi, yếu tố bền vững cũng đang đóng vai trò quan trọng trong quyết định tài chính của người trẻ. Có đến 79% Gen Y và 75% Gen Z cho biết họ coi trọng các hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đây là cơ hội để các công ty công nghệ tài chính tích hợp các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào nền tảng của mình - từ đó thu hút và giữ chân người dùng trẻ tuổi, có ý thức cao về giá trị và ảnh hưởng của tiêu dùng cá nhân.

Gen Z ưa chuộng "Mua trước, trả sau" hơn hình thức mua sắm truyền thống

Sự bùng nổ của các dịch vụ “Mua trước, trả sau” tại Đông Nam Á có mối liên hệ chặt chẽ với nhóm dân số trẻ, am hiểu công nghệ. Hình thức thanh toán linh hoạt này phù hợp với hành vi tiêu dùng đặc trưng của Gen Z - thường mang tính bốc đồng, đề cao trải nghiệm cá nhân và ưu tiên chi tiêu theo phong cách sống.

ft.jpg
Gen Z ưa chuộng "Mua trước, trả sau" hơn hình thức mua sắm truyền thống.

Không giống các thế hệ trước, Gen Z ít phụ thuộc vào hệ thống tín dụng truyền thống, thay vào đó, họ có xu hướng lựa chọn các giải pháp linh hoạt hơn như BNPL. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, người dùng có thể hoàn tất giao dịch mà không cần thanh toán trước, sau đó trả góp theo từng đợt nhỏ. Cách tiếp cận này mang lại trải nghiệm mua sắm nhanh chóng, tiện lợi và phù hợp với lối sống số của thế hệ trẻ.

Trong khi đó, Gen Y cũng sử dụng các dịch vụ BNPL, nhưng phần lớn có xu hướng áp dụng cho những khoản chi tiêu thiết yếu như hóa đơn Internet, điện nước hoặc chi phí định kỳ. Điều này phản ánh một lối tiêu dùng có kế hoạch và chú trọng kiểm soát ngân sách.

Indonesia hiện đang nổi lên như thị trường dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực BNPL. Giá trị giao dịch tại quốc gia này được dự báo sẽ đạt 16,8 tỷ USD vào năm 2027, tăng 209% so với năm 2024.

Sự phổ biến ngày càng tăng của ví điện tử

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy một sự thay đổi lớn trong hành vi thanh toán của người tiêu dùng, đưa các phương thức thanh toán điện tử trở thành lựa chọn chính trong các giao dịch trực tuyến. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là sự phát triển nhanh chóng của việc sử dụng ví điện tử, với 79% người dân Đông Nam Á hiện đang sử dụng hình thức thanh toán này.

5449742_vijesti_ls-s.jpg

Tại Malaysia, 71% người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen Z sử dụng ví điện tử một cách thường xuyên, tiếp theo là 60% thế hệ Y và 59% thế hệ X. Người dùng chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn - nơi nhu cầu sử dụng dịch vụ giao đồ ăn, gọi xe công nghệ và thương mại điện tử tăng cao.

Tại Indonesia, các giao dịch qua ví điện tử dành cho taxi và dịch vụ chia sẻ chuyến đi chiếm tới 59% tổng chi tiêu, phản ánh sự tích hợp chặt chẽ giữa công nghệ tài chính và lối sống đô thị hiện đại. Theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng từ Visa, vào cuối năm 2024, Indonesia và Philippines có tỷ lệ sử dụng ví điện tử cao nhất, lần lượt là 92% và 87%, cho thấy sự đón nhận mạnh mẽ đối với thanh toán số tại các quốc gia này.

Sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Gen Y và Z tại Đông Nam Á đang mở ra những cơ hội đáng kể cho các startup biết khai thác lợi thế của một thị trường ngày càng ưu tiên kỹ thuật số và di động. Trong bối cảnh lĩnh vực fintech trong khu vực tiếp tục mở rộng nhanh chóng, sự dịch chuyển nhân khẩu học này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự hòa nhập tài chính số và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại.

Để duy trì sự phù hợp và khả năng cạnh tranh, các công ty fintech cần thích ứng với kỳ vọng đang thay đổi của những thế hệ bản địa kỹ thuật số này. Bằng cách phát triển các sản phẩm phù hợp với sở thích và hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ, đồng thời tích hợp yếu tố giáo dục tài chính, tính minh bạch và cam kết phát triển bền vững, các doanh nghiệp fintech có thể mở khóa tiềm năng tăng trưởng dài hạn và xây dựng lòng trung thành của khách hàng.

Việc đón đầu xu hướng nhân khẩu học này không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các startup mà còn góp phần định hình tương lai của ngành fintech tại Đông Nam Á, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số trong toàn khối ASEAN./.

Tâm An