Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 12:40, 06/05/2025

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chính sách và chiến lược

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bích Lan - Nghĩa Đức- Phạm Thắng- Trọng Quỳnh 06/05/2025 12:40

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, việc đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung trọng tâm của dự án Luật này.

a1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp

Đề cập về sự cần thiết của việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, trong hơn 10 năm qua, Luật KH&CN năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN.

a2.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và được minh chứng qua nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN năm 2013 cho thấy, pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung ĐMST và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Luật KH,CN&ĐMST quy định về hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực KH,CN và ĐMST; các biện pháp bảo đảm phát triển KH,CN và thúc đẩy ĐMST; quy định về quản lý Nhà nước đối với KH,CN và ĐMST nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, dự thảo Luật KH,CN&ĐMST đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 03/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 (đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cụ thể:

Chính sách 1: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và ĐMST, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST;

Chính sách 2: Phát triển tiềm lực KH&CN;

Chính sách 3: Thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN&ĐMST;

Chính sách 4: Thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN;

Chính sách 5: Tăng cường phổ biến tri thức KH&CN.

Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Luật KH,CN&ĐMST đã bổ sung Chính sách 6 liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm TTHC, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KH,CN&ĐMST. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Kế thừa tối đa những nội dung của Luật KH&CN 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN&ĐMST hiện nay.

Thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Luật; đề nghị bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, “chủ thuyết” phát triển trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; có quy định mang tính đột phá, vượt trội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng chính sách kiến tạo phát triển đồng bộ với quản lý theo cơ chế phù hợp.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.

a3.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Ủy ban KH,CN&MT đề nghị rà soát, bảo đảm tính khả thi, nhất là khả năng đáp ứng yêu cầu xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản Luật. Ngoài ra, Ủy ban cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự thảo Luật. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện kết cấu dự thảo Luật, thể hiện đầy đủ, phản ánh đúng vai trò, thứ tự ưu tiên của các nội dung trọng tâm.

Ủy ban KH,CN&MT tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH,CN&ĐMST (Điều 9); cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng. Nhất trí với sự cần thiết và cơ bản thống nhất với nội dung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (từ Điều 20 đến Điều 23) nhưng cần thiết kế mang tính nguyên tắc chung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy ban tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ KH,CN&ĐMST sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 28) và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định khung tỷ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thoả thuận quy định trong hợp đồng và có thể dựa trên tỷ lệ vốn góp.

Về thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế (Chương IV), Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, DN là động lực chính thúc đẩy ĐMST, cung cấp nguồn lực tài chính, nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. Do đó, Ủy ban cơ bản tán thành các quy định này và đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường KH,CN&ĐMST để bảo đảm tính khả thi.

a4.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy

Về tổ chức KH,CN&ĐMST, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc không tiếp tục quy định “viện hàn lâm” là một hình thức tổ chức KH,CN; nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xây dựng và thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu liên ngành, tích hợp KHXH&NV với khoa học tự nhiên và kỹ thuật vì hiện nay đã trở thành động lực trung tâm của hệ sinh thái ĐMST bền vững.

Ủy ban đề nghị cần làm rõ vị trí pháp lý của cơ sở giáo dục đại học với tư cách tổ chức KH&CN, phân biệt rõ với các tổ chức KH&CN trực thuộc, bảo đảm thống nhất với Luật Giáo dục đại học.

Về phát triển nhân lực, nhân tài KH,CN&ĐMST, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và kỹ năng công nghệ mới, có cơ chế luân chuyển nhà khoa học giữa viện - trường - DN, cơ chế thu hút chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KH,CN&ĐMST mang tầm chiến lược. Ủy ban cũng đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài; quy định đầy đủ, phù hợp về quyền, nghĩa vụ nhất là tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Cần có quy định khuyến khích triển khai chương trình giáo dục STEM, STEAM; có chính sách thúc đẩy xây dựng văn hóa sáng tạo.

Về tài chính cho KH,CN&ĐMST, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, cần rà soát, bổ sung các quy định để thu hút, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng, xã hội và từ khu vực tư nhân. Nghiên cứu, hoàn thiện quy định liên quan đến các quỹ; bổ sung quy định việc kết nối, liên thông, phối hợp, đối ứng giữa các quỹ bộ, ngành, địa phương với Quỹ phát triển KH&CN quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tránh manh mún, dàn trải; đề nghị giải trình về tính phù hợp, cơ chế quản lý, nguồn ngân sách chi cho các quỹ, hiệu quả sử dụng khi quy định 05 loại quỹ trong dự thảo Luật.

Về cơ chế quản lý kinh phí, đề nghị cần nghiên cứu quy định về cơ chế rút gọn thủ tục đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng KH,CN&ĐMST trọng điểm./.

Bích Lan - Nghĩa Đức- Phạm Thắng- Trọng Quỳnh