Cuộc chiến kim loại hiếm: Mặt tối của chuyển đổi số và năng lượng sạch

Truyền thông - Ngày đăng : 07:15, 09/05/2025

Liệu cách mạng xanh có thật sự "xanh"? - là câu hỏi gai góc mà nhà báo người Pháp Guillaume Pitron đặt ra trong cuốn sách của mình “Cuộc chiến kim loại hiếm - Mặt tối của chuyển đổi số và năng lượng sạch", kết quả của hành trình nghiên cứu kéo dài sáu năm tại hơn một chục quốc gia.
Truyền thông

Cuộc chiến kim loại hiếm: Mặt tối của chuyển đổi số và năng lượng sạch

AD 09/05/2025 07:15

Liệu cách mạng xanh có thật sự "xanh"? - là câu hỏi gai góc mà nhà báo người Pháp Guillaume Pitron đặt ra trong cuốn sách của mình “Cuộc chiến kim loại hiếm - Mặt tối của chuyển đổi số và năng lượng sạch", kết quả của hành trình nghiên cứu kéo dài sáu năm tại hơn một chục quốc gia.

Là một nhà báo, đạo diễn phim tài liệu và tác giả chuyên nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên, công nghệ và địa chính trị, Pitron không chỉ vạch trần những mặt khuất của quá trình chuyển đổi năng lượng mà còn cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt xung quanh các tài nguyên chiến lược của thế kỷ 21 - đặc biệt là kim loại hiếm.

sach.jpg
“Cuộc chiến kim loại hiếm” - Một tác phẩm điều tra sâu sắc, đưa ra góc nhìn khác biệt về mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ xanh và số hóa.

Cụ thể, trong cuốn sách "Cuộc chiến kim loại hiếm", Guillaume Pitron đã đặt ra những vấn đề sống còn về địa chính trị tài nguyên trong thế kỷ 21. Khi kim loại hiếm trở thành tài nguyên chiến lược, các cường quốc như Mỹ và châu Âu đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách tái thiết năng lực khai thác và tinh chế trong nước. Cuộc cạnh tranh này không chỉ làm thay đổi quan hệ quốc tế mà còn định hình lại bản đồ quyền lực toàn cầu.

Đáng chú ý, kim loại hiếm đã trở thành một quân bài chiến lược của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Bắc Kinh từng nhiều lần để ngỏ khả năng hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm như một đòn phản công nhắm vào các ngành công nghệ cao của Mỹ.

Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của độc giả và giới chuyên môn, trở thành tài liệu không thể thiếu trong các cuộc thảo luận về tài nguyên, công nghệ và phát triển bền vững. Trên các nền tảng như Goodreads và Amazon, tác phẩm nhận được đánh giá tích cực (lần lượt 4.2/5 và 4.5/5).

Tác phẩm cũng gợi ra những câu hỏi gai góc: Liệu cách mạng xanh có thật sự xanh? Có phải chúng ta đang thay một dạng ô nhiễm này bằng một dạng ô nhiễm khác? Và ai sẽ kiểm soát những tài nguyên chiến lược của tương lai?

Không chỉ dừng lại ở phân tích sắc bén, "Cuộc chiến kim loại hiếm" còn là lời cảnh tỉnh về một cuộc đua âm thầm nhưng khốc liệt – nơi kim loại hiếm không còn chỉ là vật chất nằm sâu dưới lòng đất, mà là yếu tố định hình cán cân quyền lực toàn cầu..

Bìa sách nổi bật hai tông màu đỏ - đen với hình ảnh của một tua-bin gió hiện lên "mặt tối" của năng lượng sạch và công nghệ số. Hình ảnh tương phản phía dưới là hình bóng của những công nhân khai thác thể hiện cái giá phải trả của công nghệ xanh, nhấn mạnh thông điệp rằng công nghệ xanh không hoàn toàn "sạch" như chúng ta nghĩ.

Cuốn sách này thuộc Tủ sách Khoa học - Công nghệ của Omega Plus, đặc biệt phù hợp với những độc giả yêu thích thể loại phi hư cấu điều tra, quan tâm đến các vấn đề xã hội, công lý toàn cầu, môi trường và phát triển bền vững.

Đồng thời, đây cũng là tài liệu tham khảo giá trị dành cho các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, những người quan tâm đến địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Các doanh nhân, nhà đầu tư trong ngành công nghệ và tài nguyên, cũng như sinh viên theo học các ngành liên quan, sẽ tìm thấy nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách này./.

AD