9 dự án sinh viên bước ra từ chương trình tăng tốc khởi nghiệp tạo tác động xã hội VSIS 2024
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 18:45, 10/05/2025
9 dự án sinh viên bước ra từ chương trình tăng tốc khởi nghiệp tạo tác động xã hội VSIS 2024
Chương trình VSIS 2024 khẳng định tiềm năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ sinh viên, khi được đặt trong một hệ sinh thái đào tạo chuyên sâu, được tiếp cận thực tế và có định hướng phát triển bền vững.
Sau 6 tháng đào tạo, cố vấn chuyên sâu và thực hành phát triển dự án, 9 nhóm sinh viên đến từ nhiều trường đại học (ĐH) trên toàn quốc đã chính thức tốt nghiệp chương trình Vietnam Sunny Impact Startup (VSIS) 2024 trong sự kiện Demo Day tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hà Nội). Tại đây, các nhóm đã trình diễn sản phẩm, nhận phản biện từ ban giám khảo và vinh danh 5 dự án xuất sắc nhận vốn mồi với tổng trị giá 160 triệu đồng.

VSIS là chương trình tăng tốc khởi nghiệp tạo tác động xã hội dành riêng cho sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam phối hợp với Quỹ The Happiness Foundation (thuộc Tập đoàn SK, Hàn Quốc) tổ chức, được triển khai bởi Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID).
Với mục tiêu hỗ trợ sinh viên đưa các ý tưởng khởi nghiệp giải quyết vấn đề xã hội ra thị trường, chương trình cung cấp 10 khóa đào tạo trực tuyến, 2 vòng pitching gọi vốn và một khóa bootcamp chuyên sâu tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT, khẳng định VSIS là một trong những mô hình cho thấy vai trò của giáo dục ĐH trong việc nuôi dưỡng các hạt nhân đổi mới sáng tạo (ĐMST) vì xã hội, từ chính sinh viên. Ông cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều những dự án ý nghĩa hướng đến lĩnh vực khởi nghiệp và ĐMST cho học sinh, sinh viên từ Tập đoàn SK và các đơn vị khác.
Trong 6 tháng, các nhóm đã được đồng hành cùng cố vấn và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến dự án của nhóm. Đặc biệt, mỗi nhóm đều có ít nhất một người bạn đồng hành, được gọi là “buddy”, hỗ trợ xuyên suốt quá trình đào tạo và hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh.
Sự kiện Demo Day là dịp để các nhóm dự án và chương trình tổng kết chặng đường hoạt động giai đoạn 2024 - 2025, vinh danh những đóng góp của đội ngũ cố vấn, hỗ trợ trong chương trình và cũng là cơ hội để các nhóm giới thiệu sản phẩm của mình tới các chuyên gia, nhà đầu tư tiềm năng và những người tham dự quan tâm đến sản phẩm. Tại sự kiện Demo Day, 9 dự án đã có 10 phút để trình bày về sản phẩm, kế hoạch kinh doanh và nhận các câu hỏi và phản hồi ban giám khảo.
Các giải pháp đến từ các nhóm đều gây ấn tượng với người tham dự nhờ tính thực tiễn, sự sáng tạo và khả năng mở rộng, bao gồm:
S2M (Trường ĐH Trà Vinh) với sản phẩm da thực vật từ vỏ xoài, thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học và áp dụng quy trình sản xuất “ba không” (không rác thải, không khí thải, không nước thải).
ALLOEH (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) nghiên cứu và sản xuất miếng dán sơ cứu bỏng từ các hợp chất tự nhiên trong nha đam, mô phỏng cấu trúc hydrogel giúp làm dịu, bảo vệ và phục hồi da.
PulseGuard (ĐH Phenikaa) thiết kế áo thông minh tích hợp cảm biến sức khỏe theo thời gian thực, theo dõi các chỉ số như nhịp tim, nhịp thở, SpO2, hỗ trợ người cao tuổi hoặc người có nhu cầu theo dõi sức khỏe liên tục.
ALDA AI (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) phát triển dịch vụ tư vấn và thiết kế Digital Human - nhân vật ảo có thể tùy biến theo yêu cầu về ngoại hình, giọng nói, hành vi - phù hợp với các doanh nghiệp truyền thông, bán hàng và giáo dục.
3Y (ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM) giới thiệu giải pháp gạch không nung làm từ vỏ hàu và trấu, góp phần tái chế phế liệu sinh học và thay thế vật liệu xây dựng truyền thống.
BINKS (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng) phát triển mực viết và màu vẽ từ anthocyanin chiết xuất từ thực vật, cho độ bền màu cao, khả năng khô nhanh và chi phí thấp hơn so với sản phẩm công nghiệp hiện có.
Sóng Xanh – Aquaponics BKyO (ĐH Giao thông Vận tải – Phân hiệu TP.HCM) cải tiến mô hình aquaponics tích hợp công nghệ lọc và IoT để tạo không gian xanh tại nhà, đặc biệt phù hợp với hộ gia đình thành thị có diện tích nhỏ.
TeleLab Explorer (UTE) (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ thuê trạm thí nghiệm điều khiển từ xa qua Internet - hỗ trợ sinh viên tiếp cận thực hành dù không có mặt tại phòng lab.
Safetymoto (Trường ĐH Thủy Lợi) giới thiệu giải pháp vải bọc bảo vệ xe máy và ô tô chịu nhiệt tới 1000°C, tích hợp cảm biến khói, nhiệt và hệ thống phun bọt chống cháy – nhằm ứng phó với nguy cơ cháy nổ xe trong đô thị.

Kết quả chung cuộc, ban giám khảo đã lựa chọn 5 nhóm xuất sắc nhất để trao vốn mồi với tổng giá trị 160.000.000 đồng. Trong đó, giải Nhất (50 triệu đồng) thuộc về nhóm BINKS; Giải Nhì (40 triệu đồng) thuộc về nhóm S2M; Giải Ba (30 triệu đồng) thuộc về nhóm Sóng Xanh và hai giải Tư (20 triệu đồng mỗi giải) thuộc về nhóm ALLOEH và 3Y
PGS. TS Trương Thị Nam Thắng (ĐH Kinh tế Quốc dân), Nghiên cứu trưởng chương trình, cho biết: “VSIS không chỉ là sân chơi khởi nghiệp mà còn là môi trường học thuật đích thực, nơi sinh viên được làm việc như những doanh nhân và nhà sáng chế thực thụ, có định hướng rõ ràng về xã hội và thị trường”.
Sự kiện Demo Day đã khép lại chương trình Vietnam Sunny Impact Startup 2024, nhưng đồng thời mở ra hành trình mới cho các nhóm sinh viên khởi nghiệp. Với nền tảng kiến thức, kỹ năng và sự hỗ trợ từ các chuyên gia, cố vấn và cộng đồng khởi nghiệp tạo tác động, các dự án được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề được quan tâm tại Việt Nam. Chương trình cũng khẳng định tiềm năng khởi nghiệp và ĐMST từ sinh viên, khi được đặt trong một hệ sinh thái đào tạo chuyên sâu, được tiếp cận thực tế và có định hướng phát triển bền vững./.