Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Truyền thông - Ngày đăng : 15:10, 22/05/2025

Trong hành trình phát triển toàn diện của mỗi con người, không thể thiếu sự bồi đắp về tri thức, nuôi dưỡng những ước mơ lớn và khả năng sáng tạo không ngừng. Và trong vô vàn con đường để đạt được điều đó, đọc sách chính là một trong những phương thức quan trọng và bền vững nhất.
Truyền thông

Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Nguyên An 22/05/2025 15:10

Trong hành trình phát triển toàn diện của mỗi con người, không thể thiếu sự bồi đắp về tri thức, nuôi dưỡng những ước mơ lớn và khả năng sáng tạo không ngừng. Và trong vô vàn con đường để đạt được điều đó, đọc sách chính là một trong những phương thức quan trọng và bền vững nhất.

Tóm tắt:
- Một số thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư - năm 2025: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”...
- Con đường tốt nhất, ngắn nhất để nâng cao tri thức cho chính mình là tự học, là đọc sách báo hàng ngày
- Đọc sách chính là cách ta nuôi dưỡng hạt giống tri thức
- Một ý tưởng mới, một giải pháp đột phá đôi khi bắt nguồn từ việc đọc một tài liệu, một quan điểm trái chiều, hay một câu chuyện cổ xưa
- Trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt, sách chính là “người thầy thầm lặng”

Sách không chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp kiến thức, mà còn là người bạn đồng hành giúp con người mở rộng tầm nhìn, xây dựng lý tưởng sống, và thúc đẩy khả năng đổi mới, sáng tạo - những yếu tố then chốt trong thời đại tri thức.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Bộ VHTT&DL vừa ban hành Kế hoạch số 726/KH-BVHTTDL về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư - năm 2025.
Sự kiện được tổ chức nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.

Một số thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư - năm 2025 gồm: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”...

doc-sach-va-sang-tao-2.png

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc với các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, tôn vinh người đọc, người sáng tác, người làm thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và góp phần phát triển văn hóa đọc; tổ chức không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, ký tặng sách, quyên góp, ủng hộ và trao tặng sách, hoạt động đổi sách cũ - lấy sách mới, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin. - Tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận, trao đổi kiến thức về xu hướng đọc, chia sẻ các thông tin về cách sử dụng công nghệ và nền tảng số đọc điện tử mới để khuyến khích việc đọc sách như xu hướng đọc sách số, sách âm thanh, sách tương tác và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo...; Tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến, tạo ra các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, Skype, Google Meet.

Thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá sách, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội nhằm lan tỏa sâu rộng giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.

Hưởng ứng kế hoạch của Bộ VHTT&DL chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), khắp nơi trên cả nước đã và đang diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, các buổi tọa đàm, các cuộc thi văn hóa đọc, các trò chơi... nhằm lan tỏa, tôn vinh văn hóa đọc. Các hoạt động chủ yếu hướng đến giới trẻ với hình thức thể hiện sinh động, giúp văn hóa đọc ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Đặc biệt, triển khai Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025 gắn với nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong năm 2025 tại địa phương; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025, tập trung các hoạt động trọng tâm tại hệ thống thư viện công cộng, tăng cường hoạt động xe ô tô thư viện lưu động, xe tuyên truyền cổ động phục vụ đọc sách và tuyên truyền văn hóa đọc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn; Các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành, thư viện tổ chức các tuần lễ sách, hội sách, tháng phát hành hành sách trọng tâm tri ân khách hàng; treo băng rôn chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025 tại trụ sở, hệ thống cửa hàng, nhà sách, thư viện; tổ chức các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách; triển khai các chương trình tặng sách đến các đối tượng, địa bàn khó khăn; các chương trình khuyến mại hỗ trợ bạn đọc, phát triển văn hóa đọc...

Đọc sách - Chìa khóa làm giàu tri thức

Tri thức là nền tảng của sự phát triển cá nhân và xã hội. Trong một thế giới không ngừng biến đổi, người nào sở hữu nhiều tri thức hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn. Sách chính là kho tàng tri thức khổng lồ được kết tinh từ tinh hoa nhân loại qua hàng ngàn năm. Mỗi trang sách là một cánh cửa mở ra thế giới mới - từ lịch sử, khoa học, văn hóa đến kỹ năng sống và công nghệ hiện đại. Đọc sách giúp con người hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh, có cái nhìn toàn diện và khách quan về các vấn đề của cuộc sống.

Không những thế, đọc sách còn rèn luyện tư duy phản biện, khả năng phân tích và tổng hợp thông tin - những kỹ năng thiết yếu trong thời đại số hóa hiện nay. Tri thức được tích lũy qua việc đọc không chỉ giúp con người tự hoàn thiện mình mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

“Người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn. Nhưng họ có nhiều cách đọc hơn, kể cả cách đọc là không đọc (hỏi trợ lý ảo). Nhiều cách đọc hơn tức là không gian của xuất bản rộng hơn. Không gian để sáng tạo cũng vì thế mà
rộng hơn rất nhiều”

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Tuy vậy, để sách thực sự phát huy đúng vai trò, điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp đọc. Có nhiều phương pháp để đọc sách. Nhưng trước tiên và cơ bản nhất là phải biết lựa chọn sách để đọc. Phải biết chọn một quyển sách hay có giá trị, nội dung bổ ích chứ không phải thấy cuốn sách nào cũng cho là hay là quý cả. Người đọc có thể lựa chọn theo mục đích của công việc, theo cái mình cần đọc cần tra cứu phục vụ cho chuyên môn, cũng có thể lựa chọn theo sở thích, theo gu, theo lứa tuổi, theo thời gian. Đối với giới trẻ hay với các em thiếu nhi, việc lựa chọn những cuốn sách để đọc, để học lại càng quan trọng hơn.

Bởi lẽ, những thông tin trong đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và tư duy của giới trẻ. Bên cạnh đó các bậc cha mẹ, bậc phụ huynh và nhà trường cần phải ý thức sâu sắc vai trò của sách đối với con em mình và có hành động thiết thực xây dựng tủ sách nhà trường, tủ sách gia đình, chú trọng tới sách văn học, để góp phần tác động xây dựng nhân cách cho các em.

Con đường tốt nhất, ngắn nhất để nâng cao tri thức cho chính mình là tự học, là đọc sách báo hàng ngày. Giá trị của sách trong đời sống là không thể thay thế được. Nếu chúng ta muốn vui vẻ, khỏe mạnh, hãy đọc sách. Nếu muốn học giỏi, hãy nghiên cứu sách. Nếu và còn rất nhiều điều nếu nữa, chúng ta đều tìm thấy câu trả lời trong sách. Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ - “Mỗi ngày đọc vài trang sách, khi về già bạn đã có trong mình một thư viện khổng lồ”.

Nuôi dưỡng khát vọng qua từng trang sách

Khát vọng là ngọn lửa nội tại thúc đẩy con người không ngừng vươn lên và vượt qua giới hạn của bản thân. Sách - với sức mạnh khơi dậy cảm hứng - chính là chất xúc tác giúp mỗi người nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao. Qua câu chuyện của những con người thành công, những hành trình vượt khó, hay những khám phá vĩ đại trong sách, người đọc được truyền cảm hứng để mơ ước, để dấn thân, để tin rằng mình cũng có thể làm nên điều khác biệt.

Không ít người đã thay đổi cuộc đời mình chỉ nhờ một cuốn sách. Bởi đôi khi, một câu nói, một triết lý sống trong sách có thể trở thành kim chỉ nam cho cả cuộc đời. Sách khơi dậy trong mỗi người niềm tin vào chính mình và vào tương lai.

Sách không hô hào, không ồn ào. Nhưng mỗi câu chữ lại như một tiếng gọi dịu dàng, mời gọi người đọc bước vào những thế giới khác nhau, nơi có những con người dám sống, dám ước mơ và dám hành động. Từ “Những người khốn khổ” của Victor Hugo đến “Đắc nhân tâm” của Dale

Carnegie, từ “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!” của Adam Khoo đến “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của Rosie Nguyễn, mỗi cuốn sách đều mang theo một tinh thần khích lệ, như một tấm gương soi rọi vào nội tâm người đọc.

Có những thời điểm trong đời người ta cảm thấy lạc lối, mất định hướng hay chán nản. Những lúc ấy, một đoạn văn, một câu nói, hay một nhân vật trong sách lại trở thành điểm tựa tinh thần quý giá.

Ví dụ, cuốn “Nhà giả kim” của Paulo Coelho - với thông điệp “Khi bạn thực sự mong muốn điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được nó” - đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới tin vào hành trình theo đuổi ước mơ. Hay như câu nói trong “Muôn kiếp nhân sinh”: “Sự sống là một hành trình trải nghiệm để học cách yêu thương, không phải một cuộc đua để chiến thắng” - lại gieo vào lòng ta sự bình thản để theo đuổi đam mê một cách bền bỉ.

doc-sach-va-sang-tao-3.png

Không phải ai đọc sách cũng thành công, nhưng phần lớn những người thành công đều là những độc giả đam mê. Bill Gates đọc trung bình 50 cuốn sách mỗi năm. Elon Musk từng nói:

“Tôi học cách chế tạo tên lửa chỉ bằng cách đọc sách”. Những con người ấy không chỉ đọc sách - họ sống cùng với sách, và từ đó, nuôi lớn khát vọng chinh phục thế giới.

Khát vọng giống như một hạt giống. Nếu không được tưới tắm bằng tri thức, cảm hứng và sự thấu hiểu, nó sẽ khô héo. Đọc sách chính là cách ta nuôi dưỡng hạt giống đó mỗi ngày. Mỗi cuốn sách hay là một giọt nước trong, giúp khát vọng lớn lên thành một cây đời vững chắc.

Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo

Sáng tạo không phải là khả năng bẩm sinh mà phần lớn được hình thành từ sự kết hợp của tri thức, tư duy linh hoạt và óc quan sát - những điều có thể được trau dồi qua việc đọc sách. Một ý tưởng mới, một giải pháp đột phá đôi khi bắt nguồn từ việc đọc một tài liệu, một quan điểm trái chiều, hay một câu chuyện cổ xưa. Sách cung cấp cho chúng ta những khung tham chiếu khác nhau để nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, từ đó nảy sinh những ý tưởng mới lạ và độc đáo.

Leonardo da Vinci là họa sĩ, nhà giải phẫu, kỹ sư, và nhà phát minh. Ông đọc và ghi chép về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giải phẫu học đến thủy lực, và chính sự đa dạng tri thức đó giúp ông đưa ra những thiết kế và ý tưởng đi trước thời đại hàng trăm năm; Hay như Steve Jobs nổi tiếng là người đam mê đọc sách. Ông từng nói rằng việc đọc “The Innovator’s Dilemma” của Clayton Christensen đã thay đổi cách ông suy nghĩ về công nghệ và kinh doanh; Còn Elon Musk cũng từng chia sẻ rằng ông “học cách xây dựng tên lửa từ sách”...

Đọc sách không chỉ là một hành vi học hỏi, mà còn là hành trình kích thích não bộ sáng tạo và đổi mới. Trong bối cảnh thế giới biến động liên tục, những cá nhân và tổ chức duy trì được thói quen đọc sâu, đa lĩnh vực sẽ là những người có khả năng kết nối ý tưởng, sáng tạo ra giải pháp mới, và dẫn dắt sự thay đổi.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới và sáng tạo là yếu tố sống còn của mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia. Do đó, việc khuyến khích thói quen đọc sách, đặc biệt là trong giới trẻ, không chỉ giúp nâng cao trình độ dân trí mà còn tạo ra một thế hệ công dân năng động, sáng tạo và sẵn sàng hội nhập.

doc-sach-va-sang-tao-4.png

Làm thế nào để hình thành và duy trì thói quen đọc sách?

Tuy vai trò của việc đọc sách là không thể phủ nhận, nhưng thực tế hiện nay, văn hóa đọc đang bị sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các phương tiện giải trí trực tuyến lấn át. Để khơi dậy và phát triển thói quen đọc sách, cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội:

- Gia đình là nơi đầu tiên hình thành thói quen đọc. Cha mẹ nên làm gương, tạo môi trường đọc sách trong nhà và khuyến khích con trẻ tiếp cận sách từ sớm.

- Nhà trường cần tổ chức các hoạt động đọc sách sáng tạo, như ngày hội đọc sách, thư viện mở, góc sách lớp học, để học sinh có điều kiện tiếp xúc sách một cách tự nhiên và hứng thú.

- Xã hội và các cơ quan chức năng nên đầu tư nhiều hơn vào hệ thống thư viện công cộng, hỗ trợ xuất bản, quảng bá sách hay, cũng như phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách.

Đọc sách không chỉ là hành động tiếp thu tri thức, mà còn là quá trình tự rèn luyện và khai phóng tư duy, nuôi dưỡng hoài bão và khơi nguồn sáng tạo. Trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt, sách chính là “người thầy thầm lặng” đồng hành cùng mỗi cá nhân trên con đường khẳng định bản thân và góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Hãy đọc sách mỗi ngày - bởi đó không chỉ là đầu tư cho tri thức, mà còn là gieo mầm cho tương lai.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2025)

Nguyên An