Tác động của tài sản số - Tài sản mã hoá đối với nền kinh tế Việt Nam

Kinh tế số - Ngày đăng : 08:20, 26/05/2025

Tài sản số và công nghệ blockchain đang định hình kinh tế số tại Việt Nam, với Chiến lược Blockchain Quốc gia đến 2030 và Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số. Blockchain, khởi nguồn từ Bitcoin (2009), hỗ trợ tài sản số như tiền mã hóa, NFT, tài sản meme và RWA, thúc đẩy tài chính phi tập trung (DeFi) và minh bạch giao dịch.
Kinh tế số

Tác động của tài sản số - Tài sản mã hoá đối với nền kinh tế Việt Nam

Uỷ ban Tài sản số, Fintech - Hiệp hội Blockchain Việt Nam 26/05/2025 08:20

Tài sản số và công nghệ blockchain đang định hình kinh tế số tại Việt Nam, với Chiến lược Blockchain Quốc gia đến 2030 và Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số. Blockchain, khởi nguồn từ Bitcoin (2009), hỗ trợ tài sản số như tiền mã hóa, NFT, tài sản meme và RWA, thúc đẩy tài chính phi tập trung (DeFi) và minh bạch giao dịch.

Tóm tắt:
- Việt Nam đứng top đầu thế giới về sở hữu và giao dịch tài sản số (17 triệu người, 1.000 tỷ USD giao dịch năm 2024), Xếp top 5 thế giới về quan tâm tài sản số; top 3 về sử dụng sàn quốc tế; top 6 về DeFi; Thị trường trị giá hơn 100 tỷ USD. Tuy nhiên thị trường tiềm năng này đang hoạt động ngoài hệ thống tài chính chính thức.
- nhưng chưa có khung pháp lý đầy đủ, tạo ra nền kinh tế ngầm khổng lồ và rủi ro pháp lý.
- Tài sản số bao gồm tiền mã hóa, NFT, tài sản meme, tài sản số thực tế (RWA). Những tài sản này dựa trên nền tảng công nghệ blockchain - minh bạch, phi tập trung, chống gian lận.
- Blockchain hình thành từ lý thuyết Byzantine (1982), phát triển qua các giai đoạn, nổi bật với Bitcoin (2009) và Ethereum (2015). Những ứng dụng mở rộng gồm: NFT (2017), tài sản meme (Dogecoin, Shiba Inu), RWA (bất động sản, cổ phiếu...).
- Nếu luật hóa tài sản số, có nhiều lợi ích đạt được như: Thu thuế khoảng 800 triệu USD/năm (nếu áp dụng mức 0,1% như chứng khoán); Tăng GDP, minh bạch hóa nền kinh tế ngầm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và huy động vốn toàn cầu; Bảo vệ người dùng, tăng niềm tin thị trường và hiệu quả điều tiết.
- Mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội: Huy động vốn toàn cầu qua ICO, token hóa cổ phần; Tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường quốc tế; Tạo việc làm chất lượng cao, giữ chân nhân tài công nghệ, hạn chế chảy máu chất xám.
- Ứng dụng trong tài chính - ngân hàng: Thanh toán xuyên biên giới nhanh, rẻ, không cần trung gian; Token hóa tài sản thực (bất động sản, hàng hóa…), tăng thanh khoản và hấp dẫn đầu tư quốc tế; Tạo điều kiện phát triển DeFi, tài sản số bảo đảm, hợp đồng thông minh.
- Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng, do đó, cần khẩn trương xây dựng khung pháp lý để quản lý, thu thuế và bảo vệ lợi ích quốc gia. Xây dựng khung pháp lý rõ ràng quản lý tài sản số là điều kiện quan trọng để Việt Nam vươn lên thành trung tâm công nghệ - tài chính khu vực, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Việt Nam, với 17 triệu người sở hữu tài sản số và giao dịch 1.000 tỷ USD năm 2024, đứng top đầu thế giới nhưng còn thiếu khung pháp lý. Hợp pháp hóa tài sản số có thể minh bạch hóa kinh tế ngầm, thu 800 triệu USD thuế/năm, tăng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn, đổi mới, tạo việc làm và giữ chân nhân tài. Khung pháp lý rõ ràng sẽ bảo vệ người dùng, thúc đẩy niềm tin và giúp Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ - tài chính khu vực.

tai-san-so.png

Tài sản số - Tài sản mã hóa là một hiện tượng tài chính?

Ngày 24/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Blockchain Quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Cùng thời gian đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 đã thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp và Công nghệ số, trong đó khái niệm “Tài sản số” lần đầu tiên được đầu tư đề cập trong 4 điều của 73 điều trong dự thảo.

Hai chính sách quan trọng này đều do Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo hướng đến mục tiêu chung: Đẩy mạnh ứng dụng một công nghệ mới như Blockchain vào đời sống kinh tế. Công nghệ blockchain, một trong những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 21, đã được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết và những bước tiến đột phá kéo dài qua nhiều thập kỷ trước khi trở thành hiện thực vào năm 2009. Lịch sử của blockchain bắt đầu từ năm 1982, khi nhà khoa học máy tính Leslie Lamport phát triển lý thuyết Byzantine Fault Tolerance (BFT), một cơ chế cho phép các hệ thống phân tán đạt được sự đồng thuận ngay cả khi một số thành phần trong hệ thống hoạt động không trung thực. Lý thuyết này trở thành cơ sở quan trọng cho các cơ chế đồng thuận sau này trong blockchain.

Năm 1991, Stuart Haber và W. Scott Stornetta giới thiệu ý tưởng về chuỗi khối để bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu kỹ thuật số. Bằng cách sử dụng hàm băm mật mã, họ tạo ra một cơ chế chuỗi khối giúp đảm bảo rằng dữ liệu được lưu trữ không thể bị thay đổi. Đây được coi là bước đầu tiên trong việc xây dựng công nghệ blockchain hiện đại. Đến năm 1998, các khái niệm về tiền kỹ thuật số phi tập trung bắt đầu xuất hiện khi WeiDai đề xuất b-money và Nick Szabo đề xuất BitGold. Cả hai ý tưởng này đều dựa trên nguyên tắc phi tập trung và sử dụng hàm băm mật mã để bảo mật. Tuy nhiên, do các hạn chế công nghệ vào thời điểm đó, các dự án này không được triển khai hoàn chỉnh.

Năm 2004, Hal Finney, một nhà mật mã học nổi tiếng, phát triển hệ thống Reusable Proof of Work (RPOW). Đây là một trong những bước đi đầu tiên để tạo ra một hệ thống tiền kỹ thuật số với khả năng tái sử dụng, đặt nền tảng cho cơ chế Proof of Work sau này. Những phát triển này đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của blockchain thực tế.

Đến năm 2008, bút danh Satoshi Nakamoto xuất hiện và công bố bài báo khoa học mang tên “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System”, trình bày về cơ chế hoạt động của một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung gọi là Bitcoin. Satoshi đã giới thiệu sổ cái phân tán blockchain sử dụng cơ chế Proof of Work để đạt được sự đồng thuận và bảo mật, giải quyết vấn đề chi tiêu kép - một rào cản lớn đối với các loại tiền kỹ thuật số trước đó.

Ngày 03/01/2009, khối đầu tiên của Bitcoin, gọi là Genesis Block, được Satoshi Nakamoto khai thác, chính thức khởi động mạng lưới blockchain đầu tiên trên thế giới. Cùng năm đó, giao dịch Bitcoin đầu tiên được thực hiện giữa Satoshi Nakamoto và Hal Finney, đánh dấu bước chuyển công nghệ blockchain từ lý thuyết sang ứng dụng thực tiễn. Blockchain từ đây không chỉ là một ý tưởng mà đã trở thành nền tảng của một hệ thống tài chính phi tập trung, mở đường cho nhiều ứng dụng khác trong các lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng và quản lý dữ liệu.

Sau sự ra đời của Bitcoin và mạng lưới blockchain vào năm 2009, công nghệ này nhanh chóng trở thành nền tảng cho sự phát triển của tài sản số - một hệ sinh thái bao gồm tiền mã hóa, NFT (non-fungible token), tài sản meme, và tài sản số thực tế (RWA - Real World Assets).

Mỗi bước tiến trong công nghệ đều mang lại những ứng dụng mới và mở rộng tiềm năng của blockchain trong thế giới thực.

Giai đoạn đầu tiên sau Bitcoin là sự phát triển của các đồng tiền mã hóa khác, hay còn gọi là altcoin, với sự ra đời của Ethereum vào năm 2015. Ethereum giới thiệu khái niệm hợp đồng thông minh (smart contract), cho phép thực hiện các giao dịch và chương trình tự động trên blockchain mà không cần bên trung gian. Điều này đặt nền tảng cho sự bùng nổ của các tài sản số phi tập trung và ứng dụng của blockchain vượt ra ngoài lĩnh vực tiền tệ.

Vào năm 2017, khái niệm NFT (non-fungible token) bắt đầu được chú ý khi dự án CryptoKitties ra mắt trên Ethereum, cho phép người dùng mua, bán và nhân giống những con mèo kỹ thuật số độc nhất. NFT đánh dấu một bước chuyển trong tài sản số khi chúng không chỉ đại diện cho giá trị tài chính mà còn sở hữu tính độc nhất và khả năng chứng minh quyền sở hữu kỹ thuật số.

Từ đây, NFT trở thành nền tảng cho ngành công nghiệp nghệ thuật kỹ thuật số, trò chơi blockchain và các tài sản số sáng tạo khác. Năm 2021 được gọi là “năm của NFT” khi các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được bán với giá hàng triệu đô la, điển hình là tác phẩm “Everydays: The - 143 First 5000 Days” của nghệ sĩ Beeple được bán với giá 69 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s.

nft.png

Cùng thời gian, tài sản số dạng “meme” bắt đầu thu hút sự chú ý lớn với các đồng tiền như Dogecoin, Shiba Inu. Ban đầu được tạo ra như một trò đùa, Dogecoin nhanh chóng trở thành biểu tượng của tài sản meme khi cộng đồng hỗ trợ mạnh mẽ và các nhân vật nổi tiếng như Elon Musk tham gia quảng bá. Sự xuất hiện của các tài sản meme cho thấy khả năng cộng đồng có thể tạo ra giá trị tài chính dựa trên sự tương tác và tinh thần đám đông, dù chúng không có giá trị thực tế rõ ràng.

Gần đây, xu hướng tài sản số đã chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực RWA (Real World Assets) - các tài sản trong thế giới thực được mã hóa và đưa lên blockchain. Các RWA như bất động sản, cổ phiếu, hoặc hàng hóa hiện có thể được chia nhỏ, giao dịch trên blockchain và tiếp cận bởi một lượng lớn nhà đầu tư. Điều này không chỉ làm tăng tính thanh khoản mà còn mở ra cơ hội đầu tư cho những người không có khả năng tiếp cận các thị trường truyền thống. Các dự án như MakerDAO hay Aave đã bắt đầu thử nghiệm việc sử dụng tài sản RWA làm tài sản thế chấp trong các giao thức tài chính phi tập trung (DeFi), thúc đẩy một làn sóng mới về tích hợp giữa blockchain và tài sản thực.

Đến nay, công nghệ blockchain đã mở rộng tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính phi tập trung (DeFi), NFT, đến RWA. Sự kết hợp giữa blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang được nghiên cứu để tối ưu hóa quản lý tài sản số và tạo ra những mô hình ứng dụng mới. Những bước tiến này chứng minh rằng tài sản số không chỉ là một hiện tượng tài chính mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế phi tập trung, minh bạch và công bằng hơn trong tương lai.

Bức tranh chuyển đổi số trở nên hoàn chỉnh nhờ tài sản số

Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành chiến lược cốt lõi để Việt Nam thực hiện mục tiêu hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thành công của quá trình này phụ thuộc vào sự đồng bộ và phát triển của ba yếu tố chính: Chính phủ số, Công dân số, và Kinh tế số. Mỗi yếu tố đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai số hóa toàn diện của quốc gia.

Một Chính phủ số minh bạch, hiệu quả sẽ tạo điều kiện để Công dân số phát triển, trong khi Công dân số là động lực để xây dựng Kinh tế số. Cùng với đó, Kinh tế số sẽ là nền tảng giúp chính phủ và người dân tận dụng tối đa các lợi ích mà công nghệ mang lại. Với sự phối hợp đồng bộ, các yếu tố này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn dẫn đầu trong cuộc cách mạng chuyển đổi số toàn cầu.

Tài sản số đang vươn lên trở thành công cụ chiến lược, định hình tương lai của nền kinh tế số và giải quyết hiệu quả các thách thức lớn trong quản lý kinh tế. Không chỉ là cánh cửa mở ra những cơ hội mới, tài sản số còn giữ vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tính minh bạch, tăng cường niềm tin trong giao dịch kinh tế và tích hợp các giao dịch ngầm vào hệ thống kinh tế chính thức. Đây là lúc Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình luật hóa tài sản số để không bỏ lỡ thời điểm vàng phát triển này.

Hợp pháp hóa tài sản số: Chuyển hóa nền kinh tế ngầm và minh bạch hóa giao dịch

Hiện nay, Việt Nam thu hút trung bình 25 - 30 tỷ USD FDI mỗi năm, nhưng dòng vốn hơn 100 tỷ USD (Theo báo cáo của Chainalysis) chảy vào thông qua giao dịch tài sản số không chính thức đang tạo ra một nền kinh tế ngầm khổng lồ.

Riêng năm 2024, tổng giá trị giao dịch tài sản số tại Việt Nam dự kiến đạt hơn 1.000 tỷ USD, bao gồm các hoạt động từ mua bán, giao dịch tiền ổn định (stablecoin) đến giao dịch phái sinh. Riêng tháng 11/2024, tổng khối lượng giao dịch tài sản số ước đạt 70 tỷ USD (Followin.io), khẳng định tốc độ phát triển chóng mặt của thị trường.

Việt Nam có cơ hội lớn để tận dụng nguồn thu từ giao dịch tài sản số. Nếu áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 0,1% như giao dịch chứng khoán, hơn 800 triệu USD tiền thuế có thể được thu về mỗi năm. Bên cạnh đó, các nền tảng giao dịch thường áp dụng mức phí từ 0,01% - 0,8% mỗi giao dịch. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo điều kiện để giám sát và điều tiết thị trường, bảo vệ nhà đầu tư trước các rủi ro.

Nhận diện thực trạng tài sản số tại Việt Nam

Thị trường tài sản số tại Việt Nam đang bùng nổ, khẳng định vị thế là một trong những điểm nóng hấp dẫn nhất trên bản đồ toàn cầu, thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cả giới đầu tư và cộng đồng công nghệ. Dù chưa có khung pháp lý chính thức để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản số (VASPs), người Việt vẫn sẵn sàng dấn thân sâu vào thị trường thông qua các nền tảng quốc tế hàng đầu như: Coinbase, Binance, Remitano, hay các giao thức phi tập trung (DeFi) như SushiSwap, DYDX, Uniswap, Dodo. Điều này không chỉ minh chứng cho sức hút mãnh liệt mà còn khẳng định nhu cầu khổng lồ và tiềm năng phát triển vượt trội của lĩnh vực này tại Việt Nam.

defi.png

Hiện nay, giao dịch tài sản số tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai hình thức chính:

- Mua/bán tài sản số bằng tiền pháp định: Đây là hình thức phổ biến nhất, cho phép người dùng nhanh chóng chuyển đổi VNĐ hoặc các đồng tiền pháp định khác thành tài sản số, thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của nhiều đối tượng.

- Trao đổi giữa các loại tài sản số: Các giao dịch này thường được thực hiện trên các sàn quốc tế hoặc nền tảng phi tập trung, giúp nhà đầu tư tối ưu hóa danh mục và gia tăng hiệu quả đầu tư. Theo Báo cáo của Chainalysis năm 2024 - tổ chức hàng đầu trong phân tích blockchain, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về mức độ quan tâm đến tài sản số, đứng thứ 3 toàn cầu về sử dụng các nền tảng giao dịch quốc tế, và xếp thứ 6 về khối lượng giao dịch trên các nền tảng phi tập trung. Với hơn 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản số và tổng giá trị thị trường vượt 100 tỷ USD, Việt Nam đã khẳng định mình là một trong những trung tâm năng động và tiên phong của thị trường tài sản số toàn cầu.

Những con số này không chỉ thể hiện sự bùng nổ mà còn khẳng định tiềm lực to lớn của Việt Nam trong hành trình vươn tầm quốc tế.

Dù thị trường tài sản số tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, hành lang pháp lý cho loại tài sản này vẫn còn mơ hồ. Pháp luật hiện hành không công nhận tài sản số là tiền tệ hay phương tiện thanh toán, nhưng cũng không cấm sở hữu và giao dịch tài sản số. Nhận thấy tiềm năng to lớn của công nghệ Blockchain - nền tảng của tài sản số - trong nhiều lĩnh vực, chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2030, khẳng định định hướng chiến lược trong việc khai thác sức mạnh công nghệ này.

Blockchain - Nền tảng cho tài sản số và ứng dụng trong tài chính ngân hàng

Blockchain là công nghệ cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của tài sản số và đang trở thành một trong những nền tảng tiềm năng có cơ hội thay đổi công nghiệp hiện đại, đặc biệt là tài chính ngân hàng.

Trong ngành tài chính ngân hàng, blockchain đem lại những ứng dụng mang tính thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi bật nhất là thanh toán xuyên biên giới và token hóa tài sản thực.

Thứ nhất, blockchain giúp xây dựng hệ thống thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng với chi phí thấp hơn đáng kể so với các phương pháp truyền thống, loại bỏ sự phụ thuộc vào các bên trung gian và giảm thời gian xử lý giao dịch. Các giao dịch quốc tế từng tiêu tốn nhiều ngày để xử lý giờ đây có thể được hoàn tất chỉ trong vài phút, với chi phí tối thiểu nhờ blockchain. Điều này không chỉ giúp tăng tốc độ luân chuyển dòng vốn mà còn giải phóng các nguồn lực, đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam - một quốc gia có lượng kiều hối lớn và phụ thuộc nhiều vào các giao dịch quốc tế.

Thứ hai, công nghệ này mở ra khả năng token hóa tài sản thực như bất động sản, trái phiếu, hoặc hàng hóa, cho phép chia nhỏ và giao dịch các tài sản này một cách minh bạch và hiệu quả. Điều này không chỉ tăng cường thanh khoản từ toàn thế giới mà còn mang lại cơ hội thu hút dòng tiền từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Tài sản số còn mở đường cho sự phát triển của các sản phẩm tài chính đột phá như tài sản số bảo đảm (collateralized digital assets) và tài chính phi tập trung (DeFi). Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng mà còn cung cấp cho các ngân hàng công cụ mới để quản lý rủi ro, tối ưu hóa chi phí và mở rộng quy mô dịch vụ.

Việc tích hợp hợp đồng thông minh (smart contracts) trong giao dịch tài chính đã giảm thiểu đáng kể lỗi thủ công, tăng cường tính tự động hóa và cải thiện hiệu quả vận hành, giúp ngân hàng đạt được hiệu suất tốt hơn.

hop-dong-thong-minh.png

Cơ hội của tài sản số đóng góp vào GDP Việt Nam

Việt Nam đang đứng trước một cơn sóng bùng nổ của thị trường tài sản số, với hơn 17 triệu người sở hữu tài sản số, xếp thứ 7 toàn cầu theo báo cáo của Triple A. Đáng chú ý, hơn 100 tỷ USD mỗi năm đã đổ vào thị trường Việt Nam thông qua các giao dịch tài sản số. Tuy nhiên, phần lớn dòng vốn khổng lồ này vẫn hoạt động ngoài tầm kiểm soát của hệ thống tài chính chính thức, tạo nên một nền kinh tế ngầm khổng lồ.

Điều này không chỉ dẫn đến thất thoát nguồn thu thuế mà còn tiềm ẩn hàng loạt rủi ro về tài chính, pháp lý và an ninh quốc gia.

Việc gắn kết giao dịch tài sản số với các chính sách thuế sẽ không chỉ giúp tăng cường nguồn thu mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. Khi tài sản số được hợp pháp hóa và quản lý, nhà nước có thể áp dụng các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân (đối với lợi nhuận từ giao dịch tài sản số), thuế giá trị gia tăng (đối với dịch vụ liên quan đến tài sản số), hoặc thuế doanh nghiệp (đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này).

Tài sản số đóng góp trực tiếp vào GDP Việt Nam thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) công nghệ và mở rộng các dịch vụ tài chính hiện đại. Việt Nam, với tỷ lệ chấp nhận tài sản số cao, đang trở thành thị trường sôi động cho các giải pháp tài chính dựa trên công nghệ số, mang lại tiềm năng tăng trưởng lớn cho nền kinh tế.

Việc chuyển các giao dịch tài sản số vào khuôn khổ chính thức là một yêu cầu cấp bách để phá vỡ vòng luẩn quẩn của nền kinh tế ngầm. Khi tài sản số được luật pháp công nhận và quản lý, giao dịch sẽ trở nên minh bạch, an toàn hơn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ gian lận và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Quan trọng hơn, điều này tạo ra một nền tảng vững chắc để nhà nước thu thuế từ các hoạt động kinh tế số, tăng cường nguồn thu ngân sách, và đầu tư trở lại vào các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục và công nghệ.

Lợi ích đối với xã hội và DN

Hỗ trợ huy động vốn và mở rộng thị trường

Luật hóa tài sản số giúp DN tiếp cận các kênh huy động vốn mới trên toàn thế giới thông qua các mô hình như Token hóa Tài sản thực, Token hóa cổ phần, ICO,… Điều này mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư quốc tế với chi phí thấp hơn so với các kênh truyền thống.

DN có thể mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế nhờ khả năng kết nối xuyên biên giới của tài sản số. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các DN khởi nghiệp và DN vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam.

Thúc đẩy đổi mới và nâng cao sức cạnh tranh

Các DN có thể tích hợp tài sản số vào mô hình kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, từ DeFi, NFT đến GameFi.

Điều này không chỉ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ cao tại Việt Nam.

Tạo việc làm và giữ chân nhân tài

Việc luật hóa tài sản số sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan như lập trình blockchain, chuyên gia an ninh mạng, nhà phát triển sản phẩm số, và nhiều lĩnh vực khác. Điều này tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao cho lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam. Không chỉ vậy, việc có một khung pháp lý rõ ràng còn mang lại sự ổn định cho các DN công nghệ, từ đó đảm bảo cơ hội phát triển lâu dài cho nhân tài trong nước.

Một môi trường pháp lý minh bạch và ổn định giúp giữ chân nhân tài Việt Nam, đặc biệt là những người đang có xu hướng tìm đến các quốc gia khác để làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn hoặc hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của nước ngoài. Hơn nữa, luật hóa tài sản số còn thu hút những người Việt làm việc ở nước ngoài quay trở về, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nền kinh tế nội địa thay vì chỉ tham gia làm việc dưới hình thức gia công (outsourcing) cho các công ty quốc tế. Điều này giúp hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” đang diễn ra phổ biến.

Bảo vệ quyền lợi của người dùng

Một khung pháp lý rõ ràng đảm bảo quyền lợi của người dùng trong các giao dịch tài sản số, từ việc xác minh danh tính (KYC) đến bảo vệ dữ liệu cá nhân và giải quyết tranh chấp. Hiện tại, trong một thị trường thiếu pháp lý, người dùng có nguy cơ bị lừa đảo hoặc gặp rủi ro mất tài sản. Luật hóa tài sản số không chỉ mang lại sự an tâm cho người dân khi tham gia giao dịch, mà còn củng cố niềm tin của họ vào công nghệ blockchain và các ứng dụng liên quan.

cong-nghe-blockchain.jpg

Kết luận

Tài sản số và tài sản mã hóa đang mở ra một chương mới cho nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu. Với khả năng thúc đẩy đổi mới, tạo ra các kênh huy động vốn hiệu quả, kết nối thị trường quốc tế, và nâng cao năng lực cạnh tranh, những công cụ này không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho DN mà còn góp phần xây dựng một xã hội hiện đại và bền vững. Đồng thời, việc phát triển tài sản số cũng là động lực để Việt Nam tận dụng nguồn lực lao động chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, việc xây dựng một khung pháp lý minh bạch, ổn định và phù hợp là yếu tố tiên quyết. Một hành lang pháp lý rõ ràng không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia mà còn thúc đẩy niềm tin vào công nghệ và thị trường tài sản số. Với những bước đi chiến lược, tài sản số có thể trở thành động lực chính giúp Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm công nghệ và tài chính trong khu vực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2025)

Uỷ ban Tài sản số, Fintech - Hiệp hội Blockchain Việt Nam