Đặt đạo đức và tính bao trùm làm trọng tâm trong phát triển AI
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:00, 16/05/2025
Đặt đạo đức và tính bao trùm làm trọng tâm trong phát triển AI
Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, được xây dựng chính sách đặc thù ưu tiên phát triển. Do đó, việc phát triển AI có đạo đức là nhiệm vụ mang tính chiến lược.

Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong về AI
Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số (CĐS) nhanh chóng và ấn tượng. Kinh tế số tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP và là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng về kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á.
Trong lĩnh vực AI, Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao. Theo báo cáo của Oxford Insight năm 2023, Việt Nam xếp thứ 39 trong số 193 quốc gia về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI. Đây là một bước tiến đáng kể đối với mức độ sẵn sàng ứng dụng AI của Chính phủ Việt Nam. Năm 2022 Việt Nam xếp thứ 55, thứ 62 vào năm 2021 và thứ 76 vào năm 2020.
Với rất nhiều nỗ lực, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Nghị quyết 57-NQ/TW, ban hành vào tháng 12/2024, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.
"Tầm nhìn về AI của Việt Nam, được thể hiện trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, là một tầm nhìn tham vọng. Lời kêu gọi đào tạo 100.000 kỹ sư của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một bước đi táo bạo. Thông điệp về phát triển AI an toàn, đạo đức và toàn diện đã tạo ra một hướng đi đúng đắn", bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết tại lễ công bố Báo cáo Phát triển Con người (HDR - Human Development Report) toàn cầu năm 2025” diễn ra mới đây.
Phát biểu tại sự kiện, ông Jonathan London, đại diện nhóm nghiên cứu của UNDP, nhận định Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc sử dụng AI để xây dựng một nền kinh tế thực sự bao trùm, từ đó nâng cao triển vọng phát triển.
Theo đó, Việt Nam đang có cơ hội lớn khi các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước nhận thức rõ ràng về những đóng góp tiềm năng của AI, đưa ra những cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm biến AI thành đòn bẩy cho sự phát triển bền vững và công bằng.
Theo ông Jonathan London, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa "cất cánh bền vững và bao trùm" nhờ AI - với điều kiện phải quản trị tốt công nghệ này.
"Công nghệ không phải là câu trả lời, vấn đề là cách Việt Nam quản lý nó như thế nào", ông nhấn mạnh.
Việt Nam có nhiều lợi thế: dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, cam kết chính trị mạnh mẽ với số hóa. Tuy nhiên, các thách thức cũng không nhỏ: bất bình đẳng thu nhập, chênh lệch vùng miền và khoảng cách kỹ năng.
Phát triển AI có đạo đức
Những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là AI, đã tạo ra những bước tiến đáng kể cho sự phát triển con người. Nhờ AI, các quốc gia có điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, gia tăng năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế. AI còn có thể góp phần gia tăng thu nhập, làm cho tuổi thọ con người tăng lên, nhưng đó không phải là tất cả. Không thể cho rằng, có sự phát triển con người khi quyền/dữ liệu riêng tư bị xâm phạm; khi quyền tự chủ của con người bị điều hướng bởi thuật toán của AI; khi năng lực sáng tạo của con người bị giảm sút do lệ thuộc vào AI.
Sự phát triển con người sẽ bị đe dọa nếu như các tổ chức tội phạm, khủng bố nắm trong tay vũ khí tự hành giết người hàng loạt; lạm dụng công nghệ AI để tấn công hạ tầng cơ sở y tế, giáo dục,... của các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc phát triển AI có đạo đức là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Theo báo cáo của UNESCO, đến năm 2023 có hơn 60 quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược AI quốc gia, trong đó nhiều nước ban hành khung đạo đức nhằm kiểm soát rủi ro từ công nghệ này.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thanh Hương, cán bộ UNESCO Việt Nam, kết quả nghiên cứu từ bộ công cụ thực hành Khuyến nghị đạo đức sử dụng AI của UNESCO - RAM (Readiness Assessment Methodology), tại Việt Nam, khía cạnh đạo đức trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI chưa được quan tâm và đề cập một cách trực tiếp trong bất cứ một chiến lược quốc gia hay văn bản pháp luật nào. "Đạo đức AI chính là các nguyên tắc, chuẩn mực quy định hành vi của con người trong thiết kế, lập trình, ứng dụng công nghệ AI nhằm mục tiêu bảo đảm phát triển, tiến bộ, công bằng và vì sự phát triển và phẩm giá con người".

Mặc dù, ngày 11/6/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm, tuy nhiên, các hướng dẫn chủ yếu chỉ mới quan tâm tới việc quản trị rủi ro khi phát triển AI. Việc nghiên cứu và phát triển hệ thống AI cân bằng giữa con người, xã hội, đảm bảo yếu tố bao trùm và những vấn đề đạo đức khác chưa được đề cập đúng mức trong các chiến lược cũng như văn bản pháp luật của Việt Nam.
"Trọng tâm chính sách AI của Việt Nam hiện nay dường như tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng năng lực công nghệ, phát triển hạ tầng, tạo ra các ứng dụng phục vụ kinh tế và quản lý nhà nước, chưa quan tâm đến khía cạnh xã hội, đạo đức và công bằng, lực lượng lao động, tác động của AI lên các nhóm dân cư khác nhau", bà Hương cho biết.
Hiện 57% lao động Việt Nam thuộc khu vực phi chính thức, điều này đồng nghĩa AI có thể vừa là công cụ để nâng cấp, chính thức hóa lực lượng lao động, vừa là nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng nếu tiếp cận không đồng đều.
Mặt khác, tỷ lệ mất cân bằng giới tính trong các ngành công nghệ của Việt Nam khá lớn. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%). Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.
Do đó, việc xóa bỏ các định kiến và trang bị cho phụ nữ các kỹ năng cũng như hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.
Theo bà Trần Thị Thanh Hương, quá trình CĐS của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, với một tầm nhìn phát triển đầy tham vọng. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam tập trung rất nhiều vào việc xây dựng chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các nền tảng. Đó là bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, bước theo theo là cần quan tâm đến đạo đức AI vì đây là một vấn đề phức tạp và cần sự phối hợp liên ngành. Hiện nay, trong các thể chế của chúng ta chưa thực sự có một nhạc trưởng để điều phối chung./.