Cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hoá xã hội về sở hữu trí tuệ

Ý kiến chuyên gia - Ngày đăng : 12:05, 16/05/2025

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức xã hội và doanh nghiệp: Đây là nền tảng gốc. Không có nhận thức đúng thì sẽ không đăng ký bảo hộ, không khai thác, không tôn trọng quyền của người khác. Phải đưa sở hữu trí tuệ vào giáo dục phổ thông, đại học, truyền thông mạnh mẽ cho doanh nghiệp, cộng đồng.
Ý kiến chuyên gia

Cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hoá xã hội về sở hữu trí tuệ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng 16/05/2025 12:05

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức xã hội và doanh nghiệp: Đây là nền tảng gốc. Không có nhận thức đúng thì sẽ không đăng ký bảo hộ, không khai thác, không tôn trọng quyền của người khác. Phải đưa sở hữu trí tuệ vào giáo dục phổ thông, đại học, truyền thông mạnh mẽ cho doanh nghiệp, cộng đồng.

Ngày 14/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc trực tiếp và trực tuyến với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT).

bt-nguyen-manh-hung-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ

Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng.

Nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT)

Cách đây 25 năm, vào năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chính thức đề xướng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, và ngày này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 26-4-2021. Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò của SHTT (bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp...) trong việc thúc đẩy ĐMST, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tôn vinh những đóng góp của các nhà sáng chế, nghệ sỹ, doanh nhân và các tổ chức sáng tạo, khuyến khích các quốc gia xây dựng hệ sinh thái ĐMST dựa trên nền tảng bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ.

Khoa học công nghệ/Đổi mới sáng tạo (KHCN/ĐMST) muốn tồn tại, phát triển bền vững thì phải thu hút được đầu tư cho nghiên cứu, phải thương mại hoá được các kết quả nghiên cứu. SHTT chính là cơ sở để thương mại hoá và thu hút đầu tư. Nó biến kết quả nghiên cứu thành tài sản, mà tài sản thì mới có thể định giá, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn. Tức là hình thành thị trường các kết quả nghiên cứu. Chỉ có thị trường mới tạo thành động lực phát triển lâu dài cho KHCN/ĐMST.

Kinh nghiệm một số nước cho thấy, ai mạnh về KHCN/ĐMST thì đều mạnh về SHTT. Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hoá kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước, vì họ chi rất nhiều (trên 3% ngân sách liên bang) và chi cho các dự án nghiên cứu lớn, mỗi năm trên 200 tỷ $ (gấp 200 lần hiện tại của Việt Nam).

Kinh nghiệm một số nước cho thấy, ai mạnh về khoa học công nghệ/đổi mới sáng tạo thì đều mạnh về sở hữu trí tuệ.

Hàn Quốc có hệ thống bảo hộ sáng chế rất mạnh, kèm theo là giáo dục sáng tạo, hỗ trợ đăng ký sáng chế, thương mại hoá, đã dẫn đến Hàn Quốc đứng top 3 thế giới về số lượng đơn sáng chế nộp/người.

Israel có cơ chế chia lợi nhuận từ bằng sáng chế rất rõ ràng (nhà khoa học 40%, tổ chức nghiên cứu 40 - 50%, công ty thực hiện chuyển giao công nghệ 10 - 20%), đã tạo ra rất nhiều sáng chế được thương mai hoá, nhiều công ty được thành lập từ viện trường để triển khai sáng chế, làm cho viện trường, các tổ chức nghiên cứu có một phần lợi nhuận quay trở lại đầu tư cho nghiên cứu mới, giúp đổi mới liên tục, không phụ thuộc ngân sách nhà nước và trở thành máy phát sinh ra các tài sản trí tuệ quốc gia. Quốc gia phát triển thì có tới 80% tài sản là tài sản trí tuệ, tài sản vô hình.

Quốc gia phát triển thì có tới 80% tài sản là tài sản trí tuệ, tài sản vô hình.

Không có SHTT sẽ không ai muốn làm nghiên cứu. Một nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu, người khác dùng nó để thương mại hoá trước, làm mất động lực nhà nghiên cứu. Doanh nghiệp nhỏ sáng tạo ra công nghệ mới có thể bị công ty lớn sao chép và mang ra chiếm lĩnh thị trường. Không có SHTT sẽ không có luật chơi công bằng.

Một xã hội trộm cắp nhiều là một xã hội không phát triển. Để trộm cắp về tài sản trí tuệ tràn lan thì sẽ không có sáng tạo trí tuệ, sẽ không có KHCN/ĐMST. Ăn cắp ý tưởng, sáng chế cũng như ăn cắp trong xã hội, là vấn đề vi phạm đạo đức xã hội, cần phải bị lên án. Chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hoá xã hội về SHTT.

Ăn cắp ý tưởng, sáng chế cũng như ăn cắp trong xã hội, là vấn đề vi phạm đạo đức xã hội, cần phải bị lên án. Chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hoá xã hội về sở hữu trí tuệ.

Về một số tồn tại của SHTT Việt Nam

Chúng ta đang thiếu cả nhận thức, thể chế, thực thi, khai thác và nguồn lực. SHTT Việt Nam còn yếu so với yêu cầu phát triển kinh tế và ĐMST.

Về nhận thức xã hội: Doanh nghiệp và người dân chưa hiểu rõ vai trò của SHTT trong bảo vệ sáng tạo và thúc đẩy cạnh tranh. Tâm lý xem nhẹ vi phạm SHTT, dùng hàng giả, hàng nhái vẫn phổ biến.

Về bất cập của pháp luật: Chậm cập nhật so với sự phát triển của công nghệ mới (AI, dữ liệu số, sinh học). Một số quy định còn thiếu rõ ràng (xác định thế nào là tri thức truyền thống cần bảo hộ, tài sản trí tuệ trong sản phẩm số). Chế tài xử lý còn nhẹ, thiếu tính răn đe.

Hệ thống thực thi quyền SHTT còn yếu. Thiếu nhân lực chuyên sâu về SHTT trong lực lượng thanh tra, hải quan, công an, toà án. Giải quyết tranh chấp kéo dài, thủ tục phức tạp, tốn kém. Thực thi SHTT trên môi trường số chưa được quan tâm.

Năng lực khai thác tài sản trí tuệ còn hạn chế. Doanh nghiệp ít khai thác giá trị thương mại của tài sản trí tuệ (nhượng quyền, cấp phép, góp vốn bằng tài sản trí tuệ). Rất ít sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được đăng ký ra nước ngoài. Việt Nam có số lượng văn bằng lớn, nhưng tỷ lệ thương mại hoá rất thấp (trung bình thế giới 5%, các nước phát triển tới 10%, Việt Nam chỉ khoảng 0,1%, bằng 1/50 của thế giới). Doanh nghiệp, viện trường đăng ký mang tính thủ tục, chưa khai thác để tạo giá trị. SHTT vẫn được xem là công cụ bảo vệ hình thức, chưa là tài sản chiến lược.

Về hạ tầng hỗ trợ SHTT: Hệ thống thông tin, tra cứu, định giá tài sản trí tuệ manh mún. Thiếu tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về tư vấn, bảo vệ, định giá, thương mại hoá tài sản trí tuệ.

Về đào tạo và phát triển nhân lực SHTT: Ít trường đại học đào tạo chuyên ngành SHTT. Chuyên gia thẩm định sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Về xử lý đồng bộ các vấn đề: Phổ cập nhận thức + Số hoá thực thi + Cập nhật luật chơi + Hỗ trợ khai thác tài sản trí tuệ

Nâng cao nhận thức xã hội và doanh nghiệp: Đây là nền tảng gốc. Không có nhận thức đúng thì sẽ không đăng ký bảo hộ, không khai thác, không tôn trọng quyền của người khác. Có nhận thức thì mới sinh ra nhu cầu và áp lực cải cách các khâu. Phải đưa SHTT vào giáo dục phổ thông, đại học, truyền thông mạnh mẽ cho doanh nghiệp, cộng đồng. Đào tạo SHTT (kiến thức cơ bản về bảo hộ, sử dụng, định giá, cấp phép) phải là module bắt buộc trong các chương trình đào tạo khởi nghiệp, ĐMST.

bt-nguyen-manh-hung-3.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Môi trường số là môi trường tốt nhất để thúc đẩy phát triển và quản lý hoạt động SHTT.

CĐS toàn diện hoạt động SHTT: Môi trường số là môi trường tốt nhất để thúc đẩy phát triển và quản lý hoạt động SHTT, cơ bản các khó khăn của SHTT sẽ được giải quyết khi chuyển lên môi trường số. Tăng cường thực thi, đặc biệt trên môi trường số. Tăng lực lượng thanh tra, công an chuyên trách. Xây dựng hệ thống cảnh báo, xử lý vi phạm trực tuyến.

Xây dựng cổng quốc gia về quản lý vi phạm SHTT trực tuyến, cho phép tra cứu, tố giác, xử lý vi phạm online, tự động hoá truy vết vi phạm TMĐT. Đổi mới mạnh mẽ hệ thống pháp luật cho phù hợp với các công nghệ mới. Bổ sung quy định về SHTT trong AI, dữ liệu, tài sản số; có quy định rõ ràng về tri thức truyền thống, tài nguyên di truyền; tăng mức phạt vi phạm mang tính răn đe; giảm thủ tục đăng ký. Sửa luật SHTT để thêm một chương về chuyển hoạt động SHTT lên môi trường số, về SHTT số, sandbox về SHTT công nghệ mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, thương mại hoá tài sản trí tuệ. Nhà nước ban hành bộ tiêu chí và hướng dẫn về định giá tài sản trí tuệ. Hướng dẫn định giá nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích. Công bố hợp đồng mẫu về cấp phép, góp vốn bằng SHTT. Khuyến khích doanh nghiệp đăng ký sáng chế, nhãn hiệu ở nước ngoài; sử dụng tài sản trí tuệ để góp vốn, nhượng quyền; tham gia các chương trình quốc gia về ĐMST. Lập quỹ bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ quốc gia, tài trợ chi phí đăng ký sáng chế quốc tế và hỗ trợ thương mại hoá.

Xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, phân loại theo ngành, mức độ ứng dụng, có AI hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm và phân tích, mở cho công chúng sử dụng miễn phí, giúp cho doanh nghiệp, startup, viện trường dễ tiếp cận tài sản trí tuệ trong nước, tránh trùng lặp, thúc đẩy khai thác.

Xây dựng một sàn giao dịch cả công nghệ và tài sản trí tuệ. Kết hợp sàn công nghệ, sàn đầu tư và cấp phép SHTT. Gắn SHTT với thị trường công nghệ, tài chính hoá các sáng chế. Sàn này kết nối nhà sáng chế, doanh nghiệp và quỹ đầu tư, tạo ra thị trường thực sự cho sáng chế, chấm dứt tình trạng cấp văn bằng xong thì để đó. Bây giờ cấp xong là có mặt ngay trên sàn giao dịch.

can-bo-cuc-shtt.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Lê Xuân Định, Hoàng Minh và đoàn công tác Bộ KH&CN chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ

Lồng ghép SHTT vào một chương trình quốc gia cụ thể, thí dụ chương trình OCOP và xuất khẩu nông sản.

Đổi mới mạnh mẽ Viện SHTT quốc gia để biến nơi đây thành trung tâm phát triển năng lực quốc gia về tài sản trí tuệ, không chỉ nghiên cứu, mà phải đào tạo nhân lực chuyên nghiệp về SHTT, hỗ trợ các viện trường, doanh nghiệp đưa sáng chế ra thị trường. Viện phải đóng vai trò think tank chính sách, dự báo xu hướng, tư vấn chiến lược SHTT quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ số, AI và dữ liệu. Viện là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái ĐMST quốc gia.

Sở hữu trí tuệ phải biến kết quả nghiên cứu thành tài sản để có thể giao dịch, khi đó mới có thị trường khoa học công nghệ/đổi mới sáng tạo.

Nếu phải nói một hành động cốt lõi để tăng tỷ lệ thương mại hoá SHTT từ 0,1% lên 2% trong vòng 5 năm nữa, thì đó là gì?

Thì đó là định giá tài sản SHTT. Bộ Tài chính phối hợp Bộ KH&CN nhanh chóng ban hành thông tư về phương pháp định giá tài sản SHTT, công nhận tổ chức định giá tài sản SHTT, chuẩn hoá hợp đồng khai thác tài sản SHTT.

Thí điểm định giá 100 tài sản SHTT tại các viện trường, startup, rồi kết nối với ngân hàng, quỹ đầu tư để thử nghiệm cấp vốn.

Công bố bảng giá tham khảo, CSDL định giá SHTT quốc gia, làm nền cho giao dịch, chuyển nhượng, góp vốn.

Nếu phải nói câu kết, thì đó là: SHTT phải biến kết quả nghiên cứu thành tài sản để có thể giao dịch, khi đó mới có thị trường KHCN/ĐMST. Chuyển dịch quan trọng nhất của SHTT là chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang tài sản hoá, thương mại hoá và thị trường hoá các kết quả nghiên cứu.

Và hạt nhân để hiện thực hoá những đổi mới SHTT Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Sở hữu trí tuệ quốc gia thuộc Bộ KH&CN./.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng