Hoalac Techconnect & Innovation 2025: Đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 13:57, 16/05/2025
Hoalac Techconnect & Innovation 2025: Đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường
Với chủ đề xuyên suốt là Kết nối - Sáng tạo - Phát triển, “Hoalac Techconnect and Innovation 2025” là không gian gặp gỡ, chia sẻ và hợp tác giữa những lực lượng tiên phong trong khoa học và công nghệ của đất nước.
Sáng 16/5, Ban Quản lý các Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp TP. Hà Nội tổ chức sự kiện Hoalac Techconnect & Innovation 2025.
Được tổ chức ngay trước thềm Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (18/5), sự kiện là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của cộng đồng KH&CN trong sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị vê đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH, CN, ĐMST, và CĐS) quốc gia.
Sự kiện đã thu hút hàng trăm đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, các nhà lãnh đạo quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), quỹ đầu tư, mạng lưới các tổ chức hỗ trợ DN.
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Vũ Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp TP. Hà Nội cho biết Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã đề ra những định hướng chiến lược, nhấn mạnh phát triển KH, CN, ĐMST, và CĐS là khâu đột phá hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh và bền vững, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết cũng yêu cầu cần thiết phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng DN, các nhà khoa học/chuyên gia và người dân để hiện thực hóa mục tiêu này.
Theo TS. Vũ Xuân Hùng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu công nghệ cao đầu tiên được thành lập trong cả nước, có vị trí quan trọng trong phát triển thành phố KH&CN phía Tây của thủ đô Hà Nội, được định hướng để trở thành mẫu hình kinh tế tiêu biểu của quốc gia, tăng cường sự giàu có của cộng đồng bằng cách thúc đẩy văn hóa đổi mới và khả năng cạnh tranh của các DN, các tổ chức tri thức trong khu.
Bên cạnh đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được lựa chọn phát triển theo mô hình thành phố KH&CN mở - thông minh - sinh thái xanh với 3 hoạt động trụ cột công nghệ cao là: Nghiên cứu và phát triển (gắn với thử nghiệm, đánh giá, hoàn thiện công nghệ) - Ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo - Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Cũng theo TS. Vũ Xuân Hùng, sự kiện "Hoalac Techconnect and Innovation 2025" không chỉ nhằm tôn vinh những thành tựu, sản phẩm KH&CN nổi bật được phát triển bởi các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, DN đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, mà còn là không gian gặp gỡ, chia sẻ và hợp tác giữa những lực lượng tiên phong trong lĩnh vực KH&CN của đất nước.
“Thông qua chuỗi hoạt động trong khuôn khổ sự kiện, các đơn vị sẽ có cơ hội kết nối sâu rộng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành mạng lưới hợp tác nghiên cứu - ứng dụng - thương mại hóa sản phẩm công nghệ phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Đồng thời là diễn đàn để các bên chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KH&CN nước nhà”, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp TP. Hà Nội chia sẻ.
Đánh dấu những bước tiến mang tính đột phá trong hợp tác liên ngành
Đáng chú ý, trong khuôn khổ chương trình, Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP. Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố Biên bản ghi nhớ hợp tác, khẳng định cam kết xây dựng một hệ sinh thái ĐMST, kết nối đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp, từ đó thúc đẩy thương mại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Đây là bước đi quan trọng nhằm gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị đào tạo - nghiên cứu, hướng tới xây dựng hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp bền vững tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngoài ra, điểm nhấn của sự kiện là loạt lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) và hợp đồng chuyển giao công nghệ, đánh dấu những bước tiến mang tính đột phá trong hợp tác liên ngành.
Cụ thể, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), công ty CP dược mỹ phẩm CVI và Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng về hợp tác nghiên cứu -C- phát triển công nghệ bào chế chiết xuất hoạt chất gamma oryzanol và các chế phẩm từ cám gạo hữu cơ ST25 tỉnh Sóc Trăng bằng công nghệ chiết xuất siêu tới hạn, ứng dụng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe (CSSK) và làm đẹp, đánh dấu sự hợp tác chiến lược trong nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm dược mỹ phẩm tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng CSSK và năng lực cạnh tranh của ngành Dược mỹ phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ Doanh nghiệp và Công ty CP Sohaco Energy khởi đầu cơ hội phát triển các giải pháp năng lượng sạch, hỗ trợ DN ĐMST và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước.


Hợp đồng chuyển giao công nghệ HHO-GAS giữa Công ty CP Fujidenki và các đối tác: Tập đoàn Thành An, Công ty CP Hyundai Phạm Văn Đồng, và Công ty TNHH MTV Hyundai An Khánh đã mở ra hướng tích hợp công nghệ HHO-GAS vào dịch vụ bảo dưỡng ô tô, không chỉ nâng cao hiệu suất kỹ thuật mà còn thúc đẩy xu hướng xanh hóa ngành giao thông, giảm khí thải và bảo vệ môi trường.
Những thỏa thuận hợp tác đạt được tại Hoalac Techconnect & Innovation 2025 không chỉ là các cột mốc hợp tác mà còn là động lực mạnh mẽ để hiện thực hóa các ý tưởng công nghệ, đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường.
Đặc biệt, sự kiện cũng mang đến các nội dung trình bày ấn tượng, giới thiệu các công nghệ tiêu biểu từ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, phản ánh tinh thần ĐMST và ứng dụng thực tiễn, tiêu biểu như: Công nghệ sắc ký miễn dịch dòng chảy bên trong chẩn đoán y sinh học tại chỗ (Lab-on-Paper Technology) đến từ Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc; Công nghệ sinh học tế bào gốc theo chuẩn cGMP và ứng dụng lâm sàng của Công ty CP Công nghệ Tế bào gốc Hòa Lạc; Công nghệ điện phân nước tạo khí Hydro và Oxy, ứng dụng trong phương tiện giao thông vận tải của Công ty CP Fujidenki; Hạ tầng phát trực tuyến thế hệ mới, hỗ trợ tương tác thời gian thực quy mô lớn, phù hợp với xu hướng CĐS quốc gia - Một dự án của Công ty CP Công nghệ số SSI…


"Hoalac Techconnect & Innovation 2025" đã khép lại với nhiều dấu ấn, là cơ hội kết nối sâu rộng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành mạng lưới hợp tác nghiên cứu - ứng dụng - thương mại hóa sản phẩm công nghệ, thúc đẩy ĐMST, góp phần khẳng định vai trò của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, thành phố Khoa học - Công nghệ hàng đầu cả nước./.