Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội viết trang mới trong thời đại 4.0.
Ý kiến chuyên gia - Ngày đăng : 18:05, 19/05/2025
Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội viết trang mới trong thời đại 4.0.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ KH&CN đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thiết lập một chương trình học AI, bao gồm nhận thức, ứng dụng và sáng tạo, tích hợp vào các môn học như toán, tin, giáo dục công dân, công nghệ, từ cấp học phổ thông đến đại học.
Ngày 19/5, tại Trường trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra lễ công bố quyết định và gắn biển trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 và tiếp nhận phòng thí nghiệm STEM từ Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng.
Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi Lễ.

Kính thưa các thầy cô giáo, các quý vị đại biểu,
Các em học sinh thân mến,
Thời tôi đi học đã cách đây hơn 50 năm. Hồi đó là học, hỏi rất ít.
Năm ngoái, tôi có đến thăm một trường ở Hàn Quốc. Mỗi đề thi học sinh phải hỏi 3 câu hỏi. Tôi hỏi tại sao, họ nói, câu trả lời thì bây giờ đã có ChatGPT rồi. Tôi khá ngạc nhiên. Họ nói, hỏi là một năng lực, hỏi là một cách học tích cực, hỏi là một kỹ năng mới.
Hỏi là tư duy. Học mà không hỏi là học mà không tư duy. Hỏi là tiêu hoá, học là ăn. Học mà không hỏi là ăn mà không tiêu hoá. Hỏi là tìm cái gốc. Học là cái ngọn. Học mà không hỏi là có ngọn mà không có gốc. Hỏi là để hiểu, học là để nhớ. Nhớ nhiều mà không hiểu thì gọi là học vẹt. Hỏi là làm cho ít đi, học là làm cho nhiều lên. Ít đi thì nhớ, nhiều lên thì không nhớ. Người uyên thâm thì bao giờ cũng tìm đến sự ít.
Hỏi để sinh ra tri thức mới, học là nhận vào tri thức cũ. Học sinh mà hỏi thì giáo viên sẽ tư duy và vì thế mà sinh ra tri thức mới. Người giáo viên đến lớp mỗi ngày thấy thú vị là do học sinh hỏi. Không có sự thú vị mỗi ngày thì bài giảng cũng không hay được. Vậy là bằng cách hỏi, các em đã biến lớp học thành một môi trường sáng tạo. Hỏi là để giáo viên học ở học sinh, học là để học sinh học ở giáo viên.
Vậy, thời 4.0 này có nên dạy các em cách hỏi không? Có nên cho các em và khuyến khích các em hỏi nhiều hơn không? Có nên học và hỏi ngang nhau không? Bên cạnh các em rồi sẽ có nhiều trợ lý như ChatGPT, nhưng nếu không biết cách hỏi thì chắc cũng không khai thác được nhiều.
Người Việt Nam mình cũng có một từ nữa là học hành. Học mà không hành gọi là học suông. Học rồi hỏi thì hiểu. Nhưng chỉ có hành thì mới ngộ ra. Ngộ là khi kiến thức thành của mình. Học mà không hành thì kiến thức vẫn là của người khác. Người phương Tây thì dùng lý luận để hiểu, dùng tranh cãi để hiểu. Người phương Đông thì làm để hiểu, thông qua làm để hiểu. Qua hành đạo mà trở nên hiền triết, mà ngộ đạo. Bởi vậy mà hành càng quan trọng hơn với người phương Đông. Chắc cũng vì vậy mà có từ “học hành”.
Học thì không biết mình cần học gì thêm nữa. Hành thì mới biết mình thiếu gì, cần học gì thêm. Học mà không hành thì luôn thấy thừa. Học mà hành thì thấy mình luôn thiếu. Mà thiếu là điều kiện đầu tiên của học. Học là thầy dậy, trò nghe. Và vì vậy, trò khó mà giỏi hơn thầy. Hành là trò làm thầy xem. Và vì vậy mà trò có thể giỏi hơn thầy. Nó giống như huấn luyện viên thể thao. Trò có thể đá bóng giỏi hơn huấn luyện viên. Sách mà ít thì học trước rồi hành sau là đúng. Sách mà nhiều như bây giờ thì làm trước để biết mình thiếu gì rồi tìm sách mà đọc.
Không biết, thời 4.0 này có cần hành nhiều hơn không? Có nên hành trước rồi học sau không? Có nên cân bằng cả học và hành không?
Bộ KH&CN cũng đang gặp một dilemma. Đó là, để làm những sản phẩm công nghệ cao thì phải có tổng công trình sư, nhưng Việt Nam lại không có. Nếu là công nghệ hạn chế xuất khẩu hoặc bị cấm xuất khẩu thì không thể mời tổng công trình sư nước ngoài. Khi Tập đoàn Viettel làm tên lửa thì cũng gặp đúng bài toán nan giải này. Và lời giải là cứ làm đi rồi sẽ có tổng công trình sư. Tức là hành trước.
Tôi mới đi thăm một doanh nghiệp Việt Nam làm dụng cụ học STEM. Một bộ công cụ để dạy các em học sinh cấp 3 làm ra và điều khiển một con robot. Cách đây 45 năm, hồi tôi đi học đại học ở nước ngoài, vào phòng thí nghiệm của trường cũng chỉ có thể lắp được một mạch bán dẫn khuếch đại tín hiệu, tức là một phần vạn của con robot, nếu không nói là một phần triệu của con robot. Vậy là các em học sinh bây giờ có thể hành nhiều hơn xưa rất nhiều.


Chia sẻ những điều này với các thày cô và các em học sinh là tôi muốn nói rằng, Bộ KH&CN sẽ trợ phát triển các công cụ công nghệ giúp cải cách giáo dục, để học qua hỏi và học qua hành nhiều hơn. Đây là mặt tích cực của KH&CN thời đại 4.0. KHCN, ĐMST và CĐS sẽ thay đổi công cụ và cách thức sản xuất, cách thức tạo ra của cải vật chất, nhưng nó cũng giúp thay đổi công cụ và cách thức giáo dục, đào tạo, và có lẽ đầu tiên nó phải thay đổi giáo dục.
Một số nước đã đưa AI thành môn học bắt buộc từ cấp ba, hoặc tích hợp vào môn tin học, hoặc chương trình STEM, hoặc kỹ năng số. Không dạy nặng về thuật toán, lập trình mà tập trung vào khái niệm, vai trò của AI trong cuộc sống, ứng dụng trong học tập, phân biệt thật - giả, không lạm dụng hoặc bị lạm dụng, dạy tư duy về đạo đức AI, quyền riêng tư, sự thiên vị của thuật toán. Hiểu công nghệ AI, làm chủ công nghệ AI để không bị nó biến mình thành thụ động.
AI đặc biệt ở chỗ nó không chỉ là công cụ sản xuất quy mô lớn mà là công cụ của mỗi cá nhân, nó empower, tăng quyền năng của mỗi cá nhân trong học tập, cuộc sống, trong sáng tạo và công việc. Nếu như máy hơi nước hay điện năng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai cách mạng hoá sản xuất công nghiệp, thì AI cách mạng hoá năng lực tư duy, sáng tạo và ra quyết định của mỗi cá nhân.
Nếu như máy hơi nước hay điện năng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai cách mạng hoá sản xuất công nghiệp, thì AI cách mạng hoá năng lực tư duy, sáng tạo và ra quyết định của mỗi cá nhân.
Một học sinh có thể dùng AI để học nhanh hơn, một nông dân có thể dùng AI để chuẩn đoán bệnh của cây lúa, một nghệ sỹ có thể tạo ra tác phẩm bằng ngôn ngữ tự nhiên để ra lệnh cho AI. Không cần biết lập trình, không cần thiết bị phức tạp, mà chỉ cần trí tò mò và một ý tưởng. Bộ KH&CN đang làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo để thiết lập một chương trình học AI, bao gồm nhận thức, ứng dụng và sáng tạo, tích hợp vào các môn học như toán, tin, giáo dục công dân, công nghệ, từ cấp học phổ thông đến đại học.

STEM là một cách tiếp cận giáo dục tích hợp, liên ngành và dựa vào thực hành, giải quyết vấn đề thực tiễn.
Học sinh phải làm việc nhóm, sáng tạo giải pháp, phải vận dụng kiến thức để thiết kế; học sinh thực hành rồi trình bày, phản biện; học sinh học được tư duy thử nghiệm, hành động, giải quyết vấn đề.
Hỏi - Thử - Sai - Cải tiến chính là học hỏi và học hành. Bộ KH&CN có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu phát triển các hệ thống STEM phục vụ giáo dục.
Xin chúc mừng Trường THPT chuyên - Đại học Sư phạm Hà Nội nhận được chứng nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là trường chuyên rất lâu đời và rất đáng tự hào của nước ta. Cách đây gần 50 năm, đối với thế hệ chúng tôi, ai mà vào được trường chuyên sư phạm là một vinh dự rất lớn, tỉnh nào có được một hai em đã là rất may mắn rồi. Hồi đó, tôi cũng ao ước vào được trường chuyên sư phạm, nhưng không được. Ngưỡng mộ trường đã gần 50 năm mà hôm nay mới được có mặt tại đây.
Chúc thầy cô và các em học sinh của trường luôn tự hào về truyền thống của trường và viết lên một trang mới của trường trong thời đại 4.0. Những học sinh xuất sắc từ đây sẽ thành những danh nhân, nhà khoa học xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và nhân loại, và sẽ có mặt trong Khu tưởng niệm và vinh danh những danh nhân, nhà khoa học kiệt xuất của Việt Nam, mà Bộ KH&CN đang đề xuất xây dựng.
Xin trân trọng cảm ơn!