Phát triển KHCN và ĐMST cần phải có tầm nhìn “vượt trước”
Diễn đàn - Ngày đăng : 06:15, 20/05/2025
Phát triển KHCN và ĐMST cần phải có tầm nhìn “vượt trước”
“Muốn phát triển khoa học, công nghệ cần nuôi dưỡng, thu hút nhiều nguồn thu đầu tư, cũng như cần tích cực tiếp thu, học hỏi có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế theo hướng cụ thể, phù hợp với điều kiện của Việt Nam để hướng đến vì mục tiêu phát triển bền vững…”.
Đây là một số quan điểm nổi bật của các đại biểu tại hội thảo với chủ đề "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Bài học từ kinh nghiệm quốc tế” do Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) - Bộ KH&CN tổ chức chiều ngày 19/5.
Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện, triển khai hiệu quả các nội dung, yêu cầu, mục tiêu của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH,CN, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Cần hướng đên mô hình tăng trưởng dựa vào “tri thức” và “đổi mới”
Theo quan điểm của PGS. TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST, KH,CN, ĐMST chính là nền tảng cho chiến lược của ngành công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam. Theo đó, việc tạo ra môi trường thuận lợi cho ĐMST, có cơ sở hạ tầng công nghệ đầy đủ và các trung tâm tri thức, với năng lực chuyển giao và thương mại hoá kết quả nghiên cứu của tất cả các tổ chức trong nền sản xuất của Việt Nam là điều kiện tiên quyết, cần thiết cho thành công của nền kinh tế trong 10 - 20 năm tới.

Và thực tế này đã được chứng minh thông qua các thành công của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Isarel… Các quốc gia này đã trở nên giàu có nhờ chuyển đổi các giá trị trí tuệ quốc gia vào các sản phẩm, quy trình và dịch vụ có giá trị cao.
“Tổng cộng hàng nghìn sáng kiến, sáng chế đã đảm bảo giá trị tăng thêm cho sự phát triển bền vững của các quốc gia này. Và chính bằng cách này, các quốc gia đã biết quản trị để nhân lên các giá trị đầu vào mua từ các nước kém phát triển hoặc đang phát triển, đồng thời, thiết lập một hệ thống thương mại có giá trị trung bình dưới 500 USD trong khi hàng hoá xuất khẩu của họ lại có giá trị hàng nghìn USD, hàng triệu USD”, PGS. TS. Vũ Văn Tích nhấn mạnh.
Để có thể tạo ra những thành công, sự bền vững phát triển đất nước hiện nay, PGS. TS. Vũ Văn Tích cho rằng, Việt Nam cần mạnh mẽ, tích cực thay đổi các mô hình phát triển truyền thống; cần làm chủ các công nghệ 4.0 và tận dụng các công nghệ trong kỷ nguyên AI đang ảnh hưởng sâu rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cuộc sống.
Việt Nam muốn phát triển bền vững cần dựa vào KH,CN&ĐMST. Đặc biệt, cần chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư - tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa vào “tri thức” và “đổi mới”, trong đó đảm bảo đổi mới tư duy để phát triển và lấy KH,CN, ĐMST làm động lực trung tâm; tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, bảo hộ sáng chế, thương mại hóa nghiên cứu; tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ số, AI, sản phẩm thông minh, công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các trung tâm nghiên cứu, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, liên kết viện - trường - DN.
Hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh CĐS và chính phủ số, tạo môi trường thuận lợi cho ĐMST; phát triển các ngành có giá trị tích hợp cao, có khả năng cạnh tranh toàn cầu (AI, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa, năng lượng sạch...); phát triển kinh tế số, thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới; khuyến khích các DN KH&CN tư nhân, tăng cường chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sáng chế; đổi mới tư duy chính sách, cải cách hành chính, tăng cường đầu tư vào giáo dục, đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Ngoài những vấn đề quan trọng đã nêu trên, PGS. TS. Vũ Văn Tích cũng nêu ra kiến nghị, chính sách phát triển như cần có mô hình phát triển KH&CN quốc gia dựa trên Khoa học - Công nghệ - Đổi mới sáng tạo; tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách cho KH,CN; cải cách giáo dục theo hướng phát triển tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với công nghệ mới; xây dựng hệ sinh thái ĐMST quốc gia gắn với DN, trường đại học, viện nghiên cứu và chính quyền địa phương...
Phát triển KH,CN cần phải có những cam kết về mục tiêu cụ thể
Bên cạnh những ý kiến, quan điểm quan trọng nêu trên, TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng để phát triển mạnh mẽ kinh tế đất nước cần tập trung ưu tiên vào phát triển KH,CN&ĐMST, coi đây là một lĩnh vực mũi nhọn có sức mạnh để tạo ra nền kinh tế số sớm, bền vững.
Và để làm được điều này, theo TS. Nguyễn Quân, Việt Nam cần cầu tiến học hỏi các kinh nghiệm quốc tế về phương diện hội nhập toàn diện. Trong đó Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc cải cách các thủ tục hành chính đối với lĩnh vực, ngành này và đảm bảo tuân thủ chặt chẽ vấn đề quản lý thị trường về KH,CN. Đồng thời, cần tiếp cận, chủ động theo các nhu cầu, xu hướng công nghệ quốc tế tiên tiến.

Đặc biệt, cần đầu tư mạnh mẽ nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động KH,CN&ĐMST theo cách, mô hình có quỹ về phát triển KH,CN và thông qua nguồn ngân sách của Quỹ phát triển KH,CN để triển khai, thực hiện mạnh mẽ, ưu tiên các đề tài, dự án mới cho nghiên cứu, phát triển.
Hơn nữa, cần đẩy mạnh hiệu quả việc huy động các nguồn đầu tư xã hội cho hoạt động KH,CN, nhất là dựa vào các nguồn thu từ ngân sách đóng góp của các DN, và khi có nguồn ngân sách cần đảm bảo có cơ chế mở để sử dụng tối ưu, nhanh chóng nguồn quỹ đầu tư này.
“Cần đẩy mạnh việc tin tưởng, trao quyền tự chủ; gia tăng cơ chế khoán, cơ chế đảm bảo đầu ra sản phẩm KH,CN; trao quyền sở hữu cho người làm khoa học, nhà khoa học, nhất là quyền tự định giá các sản phẩm KH,CN…”, TS. Nguyễn Quân nêu quan điểm.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PSG. TS Trần Đình Thiên cho rằng, muốn đẩy mạnh sự phát triển đạt hiệu quả theo những mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW, Việt Nam cần lựa chọn mô hình phát triển theo hướng hợp lý, không tồn tại mô hình “xin”, “cho”. Đặc biệt, cần thay đổi theo mô hình công nghiệp hoá cần gắn với hiện đại hoá và cần phải có môi trường có tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Cùng với đó, khi triển khai các nhiệm vụ phát triển KH,CN cần phải có những cam kết về mục tiêu cụ thể, được thể hiện bằng con số, kết quả cụ thể tạo ra. Hơn nữa, cần phải biết tận dụng, phát huy các năng lực mới, đó là năng lực trí tuệ về KH,CN, ĐMST có chất lượng, hàm lượng chất xám cao.
“Cần phải có tầm nhìn “vượt trước”, “trần công nghệ”; nhà nước có vai trò "đỡ đầu”, “khởi tạo” mọi dự án phát triển KH,CN và các tập đoàn công nghệ có sứ mệnh dẫn dắt KH,CN phát triển…”, PSG. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh./.