“AI for Good Việt Nam 2025”: Học sinh sẽ là người dẫn dắt công nghệ tử tế trong tương lai

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 06:00, 21/05/2025

Ngày 20/05, Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi “AI for Good Việt Nam 2025” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của một thế hệ học sinh Việt Nam sẵn sàng sử dụng AI để giải quyết các vấn đề xã hội, vì một tương lai bền vững, bao trùm và nhân văn.
Chuyển động ICT

“AI for Good Việt Nam 2025”: Học sinh sẽ là người dẫn dắt công nghệ tử tế trong tương lai

Anh Minh 21/05/2025 06:00

Ngày 20/05, Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi “AI for Good Việt Nam 2025” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của một thế hệ học sinh Việt Nam sẵn sàng sử dụng AI để giải quyết các vấn đề xã hội, vì một tương lai bền vững, bao trùm và nhân văn.

Ban tổ chức cho biết cuộc thi thu hút gần 900 đội thi đến từ 48 tỉnh/thành, với gần 450 sản phẩm dự thi hợp lệ. Từ đó, 45 đội vào Top 15 ba bảng Tiểu học, THCS và THPT được lựa chọn vào vòng chung kết (VCK). Trong đó, Top 5 xuất sắc nhất mỗi bảng đã bước vào VCK quốc gia ngày 10/05/2025, với phần thuyết trình, phản biện và bảo vệ ý tưởng trực tiếp trước Hội đồng Giám khảo.

toa-dam-1-.jpg
Tọa đàm AI và thế hệ tương lai trong khuôn khổ Lễ tổng kết và Trao giải Cuộc thi “AI for Good Việt Nam 2025”

Các dự án được trình bày trong VCK năm nay đều thể hiện sự sáng tạo nổi bật, khả năng ứng dụng AI vào giải quyết các vấn đề như: hỗ trợ người khuyết tật, người già, giáo dục cá nhân hóa, tái chế rác thải, bảo tồn di sản văn hóa, chăm sóc sức khỏe tinh thần, v.v. Một số ý tưởng được giám khảo đánh giá có tiềm năng thử nghiệm thực tiễn ngay sau cuộc thi.

“AI không còn là mục tiêu. AI trở thành công cụ - để yêu thương, để kết nối, để trao quyền”,bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD United Way Việt Nam) xúc động chia sẻ.

“Khi tổ chức cuộc thi, xuyên suốt cảm xúc của chúng tôi là cảm xúc xúc động, ngạc nhiên và tự hào. Điều khiến tôi xúc động nhất không phải là các kết quả, các con số, mà là hành trình các em tư duy, tìm kiếm giải pháp và sử dụng công nghệ để thay đổi cách thế giới xung quanh vận hành”.

Các em đã có đa dạng ý tưởng, từ tái chế chính những đồ vật hàng ngày các em sử dụng, phát hiện và giảm bạo lực ngôn từ, bạo lực học đường xung quanh mình tới các ý tưởng chăm sóc sức khỏe tâm thần, tiếp cận giáo dục cho các bạn khuyết tật, cảnh báo thiên tai, bảo vệ di sản văn hoá, v.v.. Ý tưởng dù to, dù nhỏ nhưng đều có tính nhân văn cao, và trong tiến trình đó, công nghệ không phải là đích đến mà là công cụ để cho cuộc sống và thế giới tốt đẹp hơn.

“Tôi gọi đó là hành trình của sáng tạo - của tử tế - của tư duy hướng thiện và trách nhiệm”, bà Linh nói, khẳng định các thông điệp của cuộc thi: Chúng ta đang sống trong một thời đại mà công nghệ phát triển từng phút, nhưng con người vẫn là trung tâm. Học sinh là nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo tương lai, kiến tạo sự tử tế, có trách nhiệm. Giáo dục chính là chìa khoá để thế hệ trẻ không bị bỏ lại phía sau, mà được trao quyền để dẫn dắt.

ba-nguyen-phuong-linh-msd-1-.jpg
"Học sinh là nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo tương lai, kiến tạo sự tử tế, có trách nhiệm", bà Nguyễn Phương Linh nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Ban tổ chức Techfest Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết AI for Good không chỉ là một sân chơi công nghệ - mà là một vườn ươm nơi những hạt giống công dân số được nuôi dưỡng bằng sự sáng tạo, trách nhiệm và lòng nhân ái.

“Trong bối cảnh đất nước đang cần lực lượng đổi mới sáng tạo trẻ, tôi tin rằng việc các em học sinh từ tiểu học đến phổ thông có thể ứng dụng AI để giải quyết các vấn đề xã hội là tín hiệu tích cực cho tương lai của Việt Nam. Các em không chỉ giỏi kỹ thuật - mà còn có tâm, có tầm, có khát vọng đóng góp”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói.

Tại Lễ Tổng kết, đại diện Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, bà Fleur Gribnau, nhấn mạnh số hóa không chỉ là đổi mới – mà còn là sự bao trùm.

dai-su-quan-ha-lan-1-.jpg
Đại diện Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, bà Fleur Gribnau

“Cuộc thi AI for Good không đơn thuần dạy học sinh viết mã, mà giúp các em sử dụng công nghệ một cách sáng tạo, có trách nhiệm và vì cộng đồng. Từ khí hậu đến văn hóa, từ giáo dục đến sức khỏe, các sáng kiến của học sinh Việt Nam đã chứng minh rằng các em hoàn toàn có thể trở thành những người dẫn dắt công nghệ tử tế trong tương lai”, bà Fleur Gribnau nói.

Các sáng kiến được trao giải năm nay thể hiện tư duy thiết kế, tính nhân văn và ứng dụng công nghệ hiện đại như AI thị giác, chatbot, IoT, phân tích cảm xúc... Các giải Nhất bao gồm:

Bảng Tiểu học: Trash to Treasure - AI phân loại rác thân thiện môi trường (Trường Tiểu học Nguyễn Siêu)

Bảng THCS: Eatkleen - Giải pháp AI chống lãng phí thực phẩm (Trường PTLC Olympia)

Bảng THPT: HOMI - Ứng dụng AI đồng hành cảm xúc trong gia đình (Liên minh THPT chuyên Chu Văn An & THPT Phan Huy Chú – Đống Đa)

Ngoài các giải Nhất, Nhì, Ba và Triển vọng, Ban tổ chức còn trao giải Trường học xuất sắc nhất, Trường học tích cực nhất và Đội trưởng xuất sắc nhất, khẳng định vai trò của nhà trường, thầy cô và người dẫn dắt trong hành trình đổi mới sáng tạo vì cộng đồng.

Em L.H.A, học sinh lớp 4 (Trường Nguyễn Siêu), thành viện đội Trash to Treasure đoạt giải Nhất bảng Tiểu học, đã chia sẻ rằng: “Con chưa từng nghĩ mình có thể làm một dự án AI. Nhưng khi vào cuộc thi, con được học cách đặt câu hỏi, tìm hiểu, và con thấy công nghệ rất thú vị. Quan trọng nhất là con cảm thấy mình có thể giúp một ai đó. Con nghĩ AI sẽ tốt nếu mình làm điều tốt”.

tap-the-nguoi-tham-du-1-.jpg
Ngoài các giải Nhất, Nhì, Ba và Triển vọng, Ban tổ chức còn trao giải Trường học xuất sắc nhất, Trường học tích cực nhất và Đội trưởng xuất sắc nhất

“AI for Good không chỉ là cuộc thi - mà là một sáng kiến lâu dài”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ. “Trong năm 2025 và 2026, Chúng tôi sẽ mở rộng nền tảng học liệu AI for Good đến cộng đồng giáo viên, học sinh, các công dân số, và cuộc thi diễn ra thường niên để lan tỏa giá trị nhân văn của công nghệ”.

Cuộc thi AI for Good Việt Nam 2025 – Cuộc thi đầu tiên về AI for Good của Việt Nam (Made in Vietnam), là một sân chơi giáo dục dành cho học sinh phổ thông cả ba cấp trên toàn quốc nhằm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp vào phát triển bền vững.

Cuộc thi được khởi xướng và tổ chức bởi Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD United Way Việt Nam) và Tổ chức Giáo dục InterEdu, có sự đồng hành của Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em (CGR) và Đối tác Không để ai bị bỏ lại phía sau./.

Anh Minh