Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ phát triển KHCN

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 22:50, 21/05/2025

Người đứng đầu phải công khai, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình trong thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức.
Chuyển động ICT

Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ phát triển KHCN

AD 21/05/2025 22:50

Người đứng đầu phải công khai, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình trong thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức.

khcn-2.jpg
(Ảnh minh họa: Internet)

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 970/QĐ-TTg quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH, CN, ĐMST và CĐS) của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Thứ nhất, trách nhiệm về quán triệt nâng cao nhận thức.

Cụ thể, người đứng đầu có trách nhiệm trong công tác quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS; chủ động, tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS.

Đồng thời có trách nhiệm trực tiếp tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS trong cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Thứ hai, trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Người đứng đầu trực tiếp phụ trách, lãnh đạo chỉ đạo triển khai nhiệm vụ về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS của cơ quan, tổ chức, địa phương mình và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức Đảng cơ quan, tổ chức và cơ quan cấp trên có thẩm quyền về kết quả thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng kế hoạch riêng hoặc lồng ghép các nhiệm vụ nghiên cứu KH, CN, ĐMST và CĐS trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đảm bảo rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn hoàn thành và khả thi.

Người đứng đầu cũng có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo rà soát, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định của cơ quan, tổ chức để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS trong cơ quan, tổ chức; trực tiếp xác định các mũi đột phá, đảm bảo có đề án mang tính đột phá về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình.

Bên cạnh đó, chỉ đạo bố trí nguồn lực tài chính cho phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của bộ, ngành, địa phương; huy động nguồn lực xã hội phù hợp phục vụ phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS của cơ quan, tổ chức...

Thứ ba, trách nhiệm về xây dựng và kiện toàn nhân lực.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm bố trí biên chế, số lượng người làm việc đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS của cơ quan, tổ chức; tìm kiếm, phát hiện, tuyển dụng và có chính sách đãi ngộ đối với nhân sự có chuyên môn tốt thuộc các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào làm việc tại cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, bố trí tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, kỹ thuật, CĐS trong đội ngũ lãnh đạo của từng cơ quan, tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ (phấn đấu tối thiểu đạt 25%). Kiện toàn đầu mối chuyên trách hoặc cán bộ phụ trách trực tiếp về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS trong cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về KH, CN, ĐMST và CĐS cho 100% cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức.

Thứ tư, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Người đứng đầu phải công khai, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình trong thực hiện nhiệm vụ về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS của cơ quan, tổ chức. Có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS của cơ quan, tổ chức. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để xảy ra tham nhũng tiêu cực, lãng phí.

Thứ năm, trách nhiệm về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Người đứng đầu có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác triển khai, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS của cơ quan, tổ chức; kịp thời phát hiện vấn đề, vướng mắc để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trực tiếp đánh giá hiệu quả đầu tư KH, CN, ĐMST và CĐS; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ CĐS của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là tiêu chí đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện thi đua, khen thưởng hàng năm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức./.

AD