Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cần "năng lượng mới" để tiếp tục phát triển
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:59, 30/05/2025
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cần "năng lượng mới" để tiếp tục phát triển
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử phải thay đổi tư duy. "Làm điện hạt nhân giờ đã khác và làm chính sách cũng phải khác vì tính an toàn đã tăng cao”.
Ngày 30/5/2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ đã có buổi thăm trụ sở của Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam tại Hà Nội và làm việc trực tiếp và trực tuyến với các cán bộ của Viện.



Phát triển ứng dụng NLNT gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng
Tại buổi làm việc, ông Trần Chí Thành, Giám đốc Viện NLNT Việt Nam báo cáo Viện có lịch sử phát triển gần 50 năm qua, bắt đầu từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được thành lập năm 1976. Trải qua các năm, các đơn vị thuộc Viện (bao gồm các Viện và Trung tâm) được thành lập.

Viện gồm 12 đơn vị trực thuộc, có chức năng giúp Bộ trưởng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai các hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực NLNT, an toàn bức xạ và hạt nhân, tổ chức các hoạt động đào tạo, dịch vụ trong lĩnh vực NLNT theo đúng quy định của pháp luật.
Trong 5 năm 2020 - 2024, Viện thực hiện hàng trăm nhiệm vụ KH&CN các cấp, nhiệm vụ cấp Bộ, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và nhiệm vụ cấp cơ sở. Các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng ứng dụng NLNT, đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng.
Viện đã tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống các vấn đề liên quan đến phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam như: làm rõ các vấn đề về KH, CN và kinh tế xã hội đối với việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, chuẩn bị nguồn lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Các kết quả nghiên cứu của Viện là cơ sở để Bộ KH&CN, Bộ Công Thương xây dựng báo cáo trình Chính phủ về khả năng phát triển điện hạt nhân.
Về lĩnh vực y học hạt nhân, Viện nghiên cứu hạt nhân đã sản xuất được chất phóng xạ đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong nước cho chẩn đoán và điều trị ung thư trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và không nhập khẩu được dược chất từ nước ngoài.
Trong tình hình mới, Đảng và Chính phủ quyết tâm tiếp tục chương trình phát triển điện hạt nhân và quyết định tái khởi động dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2, Viện NLNT Việt Nam đưa ra chủ đề 2025 và giai đoạn tiếp theo là xây dựng năng lực phát triển điện hạt nhân và xác định các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục triển khai dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu KHCH hạt nhân với lò nghiên cứu mới công suất 10MWt cùng với các dự án khác.
Thời cơ cần nắm bắt
Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Viện đã chia sẻ về công tác nghiên cứu các lĩnh vực của Viện cho các ngành y tế, dầu khí, nông nghiệp…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định mong muốn Viện cần phải thể hiện rõ vai trò trong thực hiện Nghị quyết 57. Là đơn vị nghiên cứu lớn, chuyên sâu và có đặc thù, Viện cần định vị lại trách nhiệm, phải làm “nét” các “công năng” của một Viện nghiên cứu. Viện phải có thách thức cao để vượt qua chính mình.

Qua lắng nghe tình hình phát triển của Viện cũng như các ý kiến của các đơn vị thuộc Viện về các kế hoạch công tác, ý kiến của Thứ trưởng Lê Xuân Định, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Viện cần tập trung xem xét chặng đường mới của Viện khi Viện đã từng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần đến thăm khi lĩnh vực nghiên cứu của Viện đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thời gian qua, tên tuổi của Viện có phần bị lu mờ. Viện cần đánh giá lại, "phải nghĩ và có những đề xuất lớn" để định hình đường hướng phát triển mới. Đề xuất lớn hay nhỏ là do Viện.
Bộ trưởng cho rằng, Viện đang có một thời cơ, vận hội rất mới sau hành trình 50 năm phát triển khi đất nước đang quyết liệt triển khai và thúc đẩy nhiều công việc rất nhanh. “Thời cơ đến, Viện cần phát huy năng lượng đã được tích lũy”.
Thay đổi tư duy về làm điện hạt nhân
Định hướng công tác trọng tâm cho Viện, Bộ trưởng đề nghị Viện nghiên cứu bài phát biểu của Bộ trưởng về một số đổi mới quan trọng trong Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), trong đó, nhấn mạnh: “Điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia. Là điện xanh và điện nền”.
Viện cần hiểu rộng hơn về điện hạt nhân bởi đây còn là câu chuyện ứng dụng của một công nghệ chiến lược quốc gia và nằm trong nhóm công nghệ chiến lược được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư.

Bộ trưởng nhận định nhu cầu điện hạt nhân an toàn là rất lớn, theo đó, Viện có thể thấy bức tranh lớn để không chỉ đầu tư công nghệ mà còn phải làm chủ công nghệ. Viện cần xác định việc tham gia làm chủ công nghệ này và khi tham gia thì phải thúc đẩy nhanh.
Những việc cụ thể Viện đã làm để đóng góp phát triển, triển khai điện hạt nhân của đất nước là từ nghiên cứu, thẩm định, tư vấn... cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc tham gia của Viện giúp Nhà nước yên tâm về lĩnh vực này.
Sau khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng cho rằng Viện cần xem xét chiến lược về nhà máy điện hạt nhân nhỏ (Small Module Reactor - SMR), đầu tư ít theo hướng nghiên cứu và làm thử. “Xây dựng nhà máy SMR làm ở đâu cần phải nghiên cứu, phải nghĩ về thiết kế, tích hợp, hợp tác… để làm chủ. Viện phải đi đầu, tham gia và đề xuất về SMR, có thể nghiên cứu làm ở Đồng Nai. Việc triển khai có thể xem xét giao cho DN”.
Bộ trưởng gợi mở nếu khó làm chủ SMR thì trước tiên làm “sandbox”. Trong lúc khó khăn về đối tác, đầu tư,… thì cần hợp tác để chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, Viện nên nghiên cứu, đề xuất chính sách cho SMR. Sức mạnh của Viện là hạ tầng nghiên cứu, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng thông tin, Mỹ đã bắt đầu nới lòng chính sách an toàn để phát triển điện hạt nhân. “Phải thay đổi tư duy, làm điện hạt nhân giờ đã khác và làm chính sách cũng phải khác vì tính an toàn đã tăng cao”.
“Đảng, Nhà nước đã xác định làm chủ công nghệ điện hạt nhân phục vụ đất nước bởi không chỉ xem xét chỉ là điện, ứng dụng mà đây là ngành công nghiệp quốc gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vươn tầm khu vực, làm chủ công nghệ
Hướng đến năm 2045, Bộ trưởng nhấn mạnh: Viện phải trở thành Viện nghiên cứu hàng đầu, đóng vai trò chủ chốt về công nghệ điện hạt nhân, NLNT… Theo đó, cần xem xét lại tên của Viện có thể trở thành là Viện NLNT quốc gia. Cùng với đó, Viện cũng xem xét mô hình trong Viện có công ty, có trường để có thể đào tạo nhân lực (tiến sỹ, kỹ sư) từ nay đến 2035.
Viện cũng cần xem xét sứ mệnh mới của Viện, theo đó, cân nhắc làm chủ công nghệ điện hạt nhân, SMR, hạ tầng nghiên cứu và phát triển, làm chủ nhân lực (có trường trong viện). “Sứ mệnh của Viện cung cấp giải pháp khoa học, công nghệ, đề xuất chính sách, thể chế… thúc đẩy ứng dụng trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp…”.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 26/5/2025 phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035". Đề án này nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhân lực cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 vào năm 2030, với mục tiêu đào tạo 3.900 nhân lực. Viện có thể đóng góp đào tạo nhân lực phục vụ nhiệm vụ này.
Muốn đứng đầu lĩnh vực điện hạt nhân, theo Bộ trưởng, không thể chỉ “loanh quanh” trong nước mà phải vươn tầm, trước tiên là trong khu vực ASEAN. Theo đó, Viện xem xét mục tiêu làm chủ và nghĩ lớn để xuất khẩu dịch vụ.
Bộ trưởng đề nghị xây dựng chiến lược phát triển của Viện đến năm 2045, cần chia theo giai đoạn 5 năm và chú trọng giai đoạn đến năm 2030, hơn nữa thì đến 2035. Trong từng chặng đường, Viện phải đặt ra mục tiêu rõ ràng.
Việc nghiên cứu là công tác trọng tâm của Viện, tiếp theo là ứng dụng, nghĩa là chuyển giao công nghệ nhiều hơn - xem xét cái gì DN làm được thì để DN làm - và coi trọng trụ cột đào tạo. Cùng với đó, chú trọng công tác hợp tác quốc tế, coi đây là một trụ cột quan trọng để có thể thu hút chuyên gia quốc tế làm việc cho Viện.
Viện cần xây dựng bộ chỉ số năng lực hạt nhân quốc gia, đẩy mạnh ứng dụng hạt nhân vào các lĩnh vực.
Hành trình 50 năm phát triển của Viện rất đáng tự hào, nhưng Bộ trưởng đề nghị, Viện cần mở ra trang mới. Cán bộ của Viện phải coi đây là sự nghiệp để phụng sự, đóng góp phát triển đất nước. “Cuộc đời không phải ai cũng có cơ hội này. Cơ hội đến thì đừng bỏ qua”.

Các cán bộ của Viện cũng đừng "ngại công việc khó". Nên nhận việc khó để làm. Được làm việc cũng là một hạnh phúc. Làm việc khó não sẽ vận động và việc trở nên không khó. Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa mới đây có nhấn mạnh: Việc càng khó thì càng phải trưởng thành, mình hay nói càng khó thì càng giỏi.
Theo Bộ trưởng, trước đây khi đề xuất làm "việc mới" thì hay bị cản trở vì cơ quan nhà nước là cái phanh, được sinh ra để thực thi "việc đúng". Việc mới giờ đây không còn bị cản trở nhiều. Viện cần phát huy lợi thế, nếu gặp khó thì cùng trao đổi. Hiện, việc nắm giữ hai công nghệ chiến lược quan trọng, trong hơn 10 công nghệ chiến lược, là đất hiếm và công nghệ hạt nhân cho thấy vai trò rất lớn của Viện.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc Viện NLNT Việt Nam năng lượng mới để “chiến đấu”, vươn lên./.