KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Yếu tố quyết định năng lực thích ứng và phát triển bền vững

Diễn đàn - Ngày đăng : 09:45, 04/07/2025

Khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu biến động.
Diễn đàn

KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Yếu tố quyết định năng lực thích ứng và phát triển bền vững

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu 04/07/2025 09:45

Khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu biến động.

Tóm tắt:
- Khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) là yếu tố cốt lõi để thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu biến động.
- KHCN giúp nâng cao khả năng dự báo và ứng phó với các thách thức nội tại và quốc tế.
- Nghị quyết 57-NQ/TW nhấn mạnh phát triển KHCN, ĐMST và CĐS với cách tiếp cận mở, sáng tạo, khuyến khích thí điểm.
- Nhà khoa học đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy KHCN và ĐMST quốc gia.
- Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, với nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5°C và thiên tai cực đoan gây thiệt hại lớn.
- Khai thác quá mức tài nguyên dẫn đến mất cân bằng hệ thống khí hậu, đòi hỏi nghiên cứu để giảm rủi ro và bảo vệ dân sinh.
- Nghị quyết 57 thúc đẩy đầu tư hạ tầng cho KHCN và CĐS, tạo điều kiện cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.
- Thiếu hụt các chương trình nghiên cứu hiện đại về thiên tai, như sử dụng máy bay không người lái hay AI, cần được đầu tư.
- Cải cách thể chế nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các nhà khoa học sáng tạo và chấp nhận rủi ro.
- Hợp tác quốc tế giúp nhà khoa học Việt Nam tham gia dự án toàn cầu, nâng cao chuyên môn và giải quyết thách thức trong nước.
- Nữ nhà khoa học chiếm 45% lực lượng nghiên cứu, đóng góp lớn trong các lĩnh vực mũi nhọn và đạt nhiều giải thưởng.
- Nghị quyết 57 tạo cơ hội cho nữ nhà khoa học phát huy thế mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ về KHCN, ĐMST và CĐS đã trở thành yếu tố quyết định năng lực thích ứng và phát triển bền vững. Khoa học công nghệ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng nắm bắt, dự báo, và ứng phó với những thách thức từ bên trong và bên ngoài.

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia đã thể hiện rõ quá trình phát triển KHCN, cần có tiếp cận mở, khai phá và vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với các vấn đề thực tiễn mới đặt ra và phải đảm bảo đẩy mạnh CĐS, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

ba-pham-thi-thanh-nga.png

Là một trong số các nhà khoa học nữ được vinh dự trực tiếp tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia ngày 13/1/2025 do Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước chủ trì tại Phòng họp Diên Hồng, tôi đã thực sự nhận thức rõ sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với sự tôn vinh của khoa học Việt Nam, Nghị quyết 57 là một dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội và định hướng chiến lược cho các nhà khoa học đóng góp vào động lực xây dựng và phát triển của đất nước.

Trước tiên, Nghị quyết 57 đã khẳng định vai trò then chốt của nhà khoa học trong tiến trình phát triển KHCN và ĐMST quốc gia. Đây là động lực lớn cho các nhà khoa học tiếp tục khám phá, tìm tòi những bí mật của trời đất, như chính nhận định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng: “Nghiên cứu khoa học là lấy bí mật của trời, là hoạt động tìm ra, khám phá, còn phát triển công nghệ mới là không gian sáng tạo của con người”.

Nhận định này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực khoa học của tôi là Khoa học trái đất, khi chúng ta chứng kiến biến đổi khí hậu đang thực sự diễn ra với những kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ (nhiệt độ trung bình toàn cầu đến cuối tháng 4 năm 2025 đã tăng 1,58°C so với mức tiền công nghiệp, vượt ngưỡng 1,5°C theo Thỏa thuận Paris) và sự gia tăng khốc liệt của các hiện tượng thời tiết cực đoan (siêu bão Yagi năm 2024 gây thiệt hại về kinh tế lớn nhất từ trước đến nay).

Đó là hệ quả của những hoạt động của con người và khai thác tài nguyên quá mức, dẫn đến sự mất cân bằng của hệ thống khí hậu. Gia tăng nắm bắt những bí mật này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thứ hai, Nghị quyết 57 nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là nền tảng để có không gian cho nhà khoa học nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Từ những năm 80 của Thế kỷ trước, Liên Xô đã có những chương trình nghiên cứu khoa học phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn để khám phá các cơn bão nhiệt đới, bằng các máy bay vòng quanh tâm bão. Thật ngậm ngùi, sau 40 năm chúng ta vẫn chưa hề có một chương trình nào tiếp theo, trong khi công nghệ để khám phá bão giờ đây đã có thể là máy bay không người lái hay các tên lửa thám sát. Dữ liệu lớn (big data) hay các nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đòi hỏi hệ thống siêu máy tính đủ mạnh để giải quyết các bài toán lớn. Đây là cơ hội để đầu tư cho tư liệu và phương thức sản xuất mới cho những đòi hỏi của khoa học hiện nay.

Thứ ba là cởi trói thể chế, khuyến khích đổi mới sáng tạo để giúp các nhà khoa học có môi trường pháp lý thuận lợi hơn để triển khai các dự án nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là dám thử thách với rủi ro để sáng tạo. Như vậy, các nhà khoa học mới có thể phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, hay đúng hơn là “dám đề xuất” những ý tưởng mới, có như vậy khoa học mới đi trước và dẫn dắt cho sản xuất phát triển.

Thứ tư, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế để mở ra cơ hội cho các nhà khoa học hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án nghiên cứu chung, nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng mạng lưới hợp tác toàn cầu. Chúng ta có thể đem những giải pháp tiên tiến để giải quyết những thách thức của Việt Nam, đồng thời đem những vấn đề của Việt Nam để cùng các nhà khoa học thế giới cùng giải quyết.

Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia nghiên cứu khoa học cũng đã chiếm khoảng 45%, và ngày càng nhiều nhà khoa học nữ trong các ngành mũi nhọn như y học, công nghệ sinh học, môi trường, khoa học máy tính và đạt được các giải thưởng quốc gia, quốc tế.

Với Nghị quyết 57, Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng KHCN, ĐMST và CĐS, cũng là cơ hội lớn đối với các nhà khoa học nữ phát huy những thế mạnh tiềm ẩn, tính kiên trì bền bỉ, để xây dựng những dự án nghiên cứu lớn, có sự hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công tư, và chuyển giao công nghệ. Sự đồng hành của các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu, sáng tạo và đồng bộ các giải pháp công nghệ mới, kết hợp với sự phát triển nguồn nhân lực KHCN mạnh mẽ sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển khoa học công nghệ vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2025)

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu