Ứng phó thiên tai bão lụt tại TP. Đà Nẵng - Đề xuất một số mô hình truyền thông ứng phó bão lụt trong thời đại số
Truyền thông - Ngày đăng : 07:00, 06/07/2025
Ứng phó thiên tai bão lụt tại TP. Đà Nẵng - Đề xuất một số mô hình truyền thông ứng phó bão lụt trong thời đại số
Bão lụt là loại thiên tai nguy hiểm và phổ biến, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và của, do đó, cần tìm các biện pháp nhằm ứng phó bão lụt, giảm nhẹ thiệt hại. Truyền thông cần được xem như là một trong những biện pháp quan trọng để giúp cộng đồng ứng phó với bão lụt.
Tóm tắt:
- Đà Nẵng, với địa hình ven biển và đồi núi, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lụt, như các trận lũ lịch sử năm 1964, 2006, 2009, 2022.
- Truyền thông ứng phó bão lụt tại Đà Nẵng đã cải thiện nhờ công nghệ số, Internet và mạng xã hội, giúp cung cấp thông
tin kịp thời.
- Người dân đánh giá cao nỗ lực của chính quyền trong cải thiện cơ sở hạ tầng, tuyên truyền và hỗ trợ phòng chống bão lụt.
- Các kênh truyền thông phổ biến gồm đài truyền hình, mạng xã hội (Facebook, Zalo), ứng dụng thời tiết (Windy) và thông báo từ chính quyền.
- Loa phường chưa được tận dụng hiệu quả, dù là kênh quan trọng để cảnh báo và hướng dẫn ứng phó khẩn cấp.
- Người dân mong muốn có chương trình tập huấn kỹ năng ứng phó bão lụt, đặc biệt ở khu vực ven biển và vùng trũng.
- Mô hình truyền thông đề xuất gồm 4 giai đoạn: dự phòng, cảnh báo, khẩn cấp và phục hồi, nhấn mạnh tính kịp thời và chính xác.
- Giai đoạn dự phòng tập trung giáo dục, tập huấn kỹ năng sinh tồn và nâng cao nhận thức cộng đồng về bão lụt.
- Giai đoạn cảnh báo sử dụng công nghệ số và AI để dự báo nhanh, chính xác, kết hợp loa, SMS và mạng xã hội.
- Giai đoạn khẩn cấp ưu tiên thông tin cứu trợ, sơ tán qua các kênh như chatbot, hotline và mạng xã hội, đảm bảo tiếp cận
rộng.
- Giai đoạn phục hồi thống kê thiệt hại, hỗ trợ cộng đồng và rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực ứng phó trong tương lai.
Thành phố ven biển Đà Nẵng trong lịch sử của mình đã hứng chịu nhiều đợt thiên tai bão lũ và đã có nhiều nỗ lực để ứng phó, thích ứng. Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, Đà Nẵng đã đạt nhiều tiến bộ trong truyền thông ứng phó thiên tai bão lụt. Nghiên cứu trường hợp Đà Nẵng và tham khảo kinh nghiệm tại các nơi khác giúp đề xuất một mô hình truyền thông ứng phó bão lụt trong thời đại số có giá trị tham khảo ^ối với các địa phương khác trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng và thiên tai khó lường.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra và trở thành vấn đề nghiêm trọng đe doạ toàn cầu, thiên tai có nguy cơ đe doạ cộng đồng, con người luôn cần có công tác chuẩn bị ứng phó để các cộng đồng không bị rơi vào tình huống bị động, bất ngờ, tránh được những tổn thất nặng nề.
Bão lụt là những loại thiên tai phổ biến và nguy hiểm, có khả năng tàn phá cao, gây đau thương, mất mát lớn về nhân mạng và vật chất cho cộng đồng. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, bão lụt xảy ra khá thường xuyên, hầu như năm nào chính quyền và người dân cũng phải thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lụt. Chính vì vậy nên việc tìm phương pháp để hạn chế ảnh hưởng của bão lụt là rất cần thiết.
Để phòng chống bão lụt hiệu quả thì cần kết hợp nhiều biện pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị công cụ và phương tiện, xây dựng đội ngũ phòng chống bão lụt chuyên nghiệp... Trong số đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Truyền thông ứng phó bão lụt ở thành phố Đà Nẵng
Nằm ở ven biển miền Trung và với địa hình đa dạng (có cả đồng bằng và đồi núi), thành phố Đà Nẵng là nơi đã từng hứng chịu nhiều đợt thiên tai lớn, đặc biệt là bão lũ. Lịch sử thành phố ghi nhận những trận bão lụt kinh hoàng như bão trận lũ năm Giáp Thìn 1964, bão Xang sen (2006), bão Chan chu (2006), bão Ketsana (2009) và gần đây hơn là đợt mưa lụt lịch sử năm 2022. Để đối phó với thiên tai, hạn chế những tác động tiêu cực của bão lũ, cần kết hợp nhiều biện pháp như dự báo, các biện pháp chống bão, xây dựng cơ sở hạ tầng, các biện pháp khắc phục hậu quả nhanh chóng…Trong đó, công tác truyền thông ứng phó có vai trò rất quan trọng.
Ở những thời kì trước đây, trong điều kiện thông tin chưa phát triển mạnh như hiện nay, công tác truyền thông dự báo bão lụt còn nhiều hạn chế. Trong kí ức kinh hoàng về nạn lụt năm Giáp Thìn 1964, hầu như người kể lại câu chuyện tập trung nói về diễn biến và hậu quả kinh hoàng của trận lụt trong khi vấn đề truyền thông dự báo ít được đề cập đến. Hay trận bão Chanchu năm 2006 gây hậu quả thảm khốc cho nhiều ngư dân cũng đã từng gây tranh cãi về công tác dự báo bão [1].
Cùng với sự phát triển của thế giới, đất nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, mạng lưới thông tin, dự báo bão lụt cũng ngày càng phát triển, truyền thông dự báo được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự bùng nổ của mạng Internet, kĩ thuật số.
Rút kinh nghiệm nhiều đợt bão, lũ, lụt trước đây, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng để quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực ứng phó bão lụt và đã đạt được những hiệu quả tiến bộ đáng kể. Kết quả phỏng vấn sâu trên người dân các quận ở Đà Nẵng trong công trình nghiên cứu được tiến hành từ tháng 10/2024 đến tháng 4/2025 cho thấy đa số người dân tham gia phỏng vấn có sự đánh giá tốt về những tiến bộ trong công tác phòng chống lụt bão ở thành phố, như sửa chữa và nâng cấp hệ thống thoát nước, tăng cường tuyên truyền cho người dân, sát sao trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phòng chống bão. Điều này đem đến cho người dân sự an tâm hơn trong việc đối phó với nạn bão lụt.
Thông tin dự báo bão lụt được truyền đến nhân dân sớm hơn, qua nhiều kênh phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu về thông tin dự báo. Đặc biệt, một số người dân theo dõi account cung cấp thông tin về dự báo bão trên mạng xã hội, ví dụ như trang của Huy Nguyễn (TS. Nguyễn Ngọc Huy [2], chuyên gia độc lập dự báo thời tiết cực đoan). Khi nạn lụt xảy ra vào năm 2023, nhiều người dân đã sử dụng mạng xã hội để liên lạc, tìm sự cứu trợ và có trường hợp đã được cứu thoát nhờ kết nối thông qua mạng xã hội.
Một trong những bước tiến đáng chú ý thể hiện nỗ lực của Đà Nẵng trong truyền thông ứng phó thiên tai là sự ra đời của mạng lưới doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, với trọng tâm hướng đến nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp [3] về vấn đề ứng phó thiên tai bão lũ. Sự ra đời của mạng lưới này lôi cuốn các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động ứng phó thiên tai bão lũ thông qua truyền thông.

Kết quả phỏng vấn sâu cùng với kết quả khảo sát điều tra trên 537 công chúng ở thành phố Đà Nẵng cho thấy đa số công chúng Đà Nẵng thường theo dõi thông tin về dự báo bão lụt qua các kênh truyền thông chủ yếu là Đài truyền hình (VTV, Đài PT&TH Đà Nẵng), mạng xã hội (Facebook, Zalo), đặc biệt là các nhóm trên mạng xã hội. Đây là 2 kênh truyền thông được sử dụng nhiều nhất. Họ đều có xu hướng tin tưởng thông tin trên đài báo là đúng sự thật, chính xác, đảm bảo được tính hiệu quả cao.
Ngoài ra, một số người còn sử dụng thêm app Windy, tin nhắn thông báo từ chính quyền địa phương để cập nhật thêm những thông tin liên quan về thời tiết, khí hậu hằng ngày. TV và điện thoại cảm ứng là hai phương tiện quan trọng trong việc kết nối người dân Đà Nẵng với thông tin. Đối với nhóm người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu xem TV hoặc nghe thông báo từ chính quyền địa phương. Tuy người dân sử dụng mạng xã hội khá nhiều, song họ không tin tưởng hoàn toàn vào thông tin trên mạng xã hội vì lo ngại tin giả, trong khi họ đặt niềm tin nhiều hơn vào báo đài.

Chính quyền địa phương qua đánh giá của công chúng Đà Nẵng đều cho thấy đã làm rất tốt, hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm giúp nhân dân phòng chống bão lụt. Cụ thể, các cấp chính quyền đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền tích cực trong thời gian bão lụt, đưa ra các giải pháp thích hợp. Tại quận Ngũ Hành Sơn, chính quyền địa phương đã đề ra các giải pháp giúp đỡ người dân trong việc ứng phó.
Ví dụ, vào mùa nắng họ sẽ thúc đẩy công tác tuyên truyền, vào mùa bão lụt thực hiện các hoạt động cứu hộ kết hợp với việc xây dựng hệ thống thoát nước trong thành phố và vùng ven biển, công trình phòng chống lụt và tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai. Ngoài ra, chính quyền địa phương tại quận Sơn Trà thực hiện chặt cây để tránh hậu quả do bão gây ra, nhắc nhở người dân lo chằng chống nhà cửa, đặc biệt khi bão lớn thì sẽ có xe từ chính quyền đi loan tin tới người dân. Qua đó, có thể nhận thấy rằng chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền phòng chống nắng nóng và bão lụt.
Nhờ sự hỗ trợ, thúc giục, quan tâm từ chính quyền địa phương mà việc phòng chống được thực hiện nghiêm ngặt hơn, hạn chế tối đa những thiệt hại có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, thông qua việc thực hiện phỏng vấn sâu tại 7 quận thuộc thành phố Đà Nẵng, có thể nhận thấy việc sử dụng loa phường để truyền tải thông tin tới người dân còn hạn chế. Trong khi đó, loa phường là kênh truyền thông quan trọng cảnh báo người dân trong những trường hợp khẩn cấp, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống bão lụt và nắng nóng trước thời điểm bão lụt xảy ra, thu dọn vệ sinh đường sau bão...
Bên cạnh đó, loa phường cũng có nhiệm vụ nhắc nhở người dân những kỹ năng, kiến thức quan trọng, cần thiết để ứng phó. Nếu không tận dụng tối đa công dụng của loa phường thì rất khó để xây dựng một tập thể cùng hỗ trợ, ứng phó với thiên tai. Đặc biệt, những khu vực dễ xảy ra ngập lụt và vùng ven biển nên chú trọng lắp đặt loa phường.
Theo khảo sát ý kiến người dân tại các quận huyện của thành phố, hầu hết công chúng Đà Nẵng đều muốn có chương trình tập huấn để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc ứng phó với nắng nóng, bão lụt. Bên cạnh đó, vẫn còn một nhóm người lại có suy nghĩ không cần tập huấn. Có thể là do khu vực họ đang sinh sống khả năng xảy ra ngập lụt thấp nên chương trình tập huấn không cần thiết.
Tuy nhiên, đối với một số vùng dễ bị ảnh hưởng bởi bão lụt như ven biển, vùng thấp trũng rất cần có các chương trình tập huấn để trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về sinh tồn trong bão lụt, giúp người dân có cơ hội được cọ xát với những tình huống thực tế có thể xảy ra khi bão lụt. Vì vậy mỗi quận, địa phương, khu vực nên thúc đẩy người dân tham gia để học cách ứng phó.
Kết quả phỏng vấn người dân cho thấy nhiều người được phỏng vấn khá tự tin, họ không quá lo lắng về thiên tai, bão lụt, cũng không có biện pháp chủ động phòng ngừa dài hạn. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết khí hậu diễn biến khó lường như hiện nay, việc luôn tích cực chuẩn bị ứng phó thiên tai không bao giờ là thừa.
Sau 2 năm xảy ra lũ lụt lớn là 2022 và 2023, hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống bão lụt đã được cải thiện; tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, đặc biệt là bão lũ, lụt, vì tình hình biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường (ví dụ như siêu bão Yagi càn quét qua miền Bắc năm 2024 đã gây ra những hậu quả thảm khốc mặc dù đã có dự báo trước, cơn mưa lớn bất thường ở Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 10/5/2025 đã gây ngập, khiến nước lụt lên nhanh làm nhiều người dân ở Thủ Đức không kịp trở tay và chịu thiệt hại về tài sản [4]). Thành phố cần hoàn thiện hơn nữa các biện pháp phòng chống, quản trị rủi ro để không bao giờ bị rơi vào tình trạng bị động, bất ngờ và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại nếu bão lụt xảy ra.
Qua nghiên cứu về truyền thông ứng phó lũ lụt tại Đà Nẵng và tham khảo thông tin từ một số quốc gia khác trên thế giới, nhóm tác giả đã xây dựng một mô hình truyền thông ứng phó bão lụt tại Đà Nẵng mang tính chất tham khảo để Đà Nẵng và các địa phương khác có thể nghiên cứu và áp dụng những điểm phù hợp với địa phương của mình, vì mỗi địa phương cũng như mỗi thời điểm đều có những đặc điểm riêng, vùng này có thể không hoàn toàn giống với vùng kia, tình hình thiên tai của mỗi vùng tùy từng thời điểm cũng khác nhau.
Giai đoạn Truyền thông dự phòng
Giai đoạn truyền thông dự phòng đóng vai trò tiên quyết trong mô hình ứng phó bão lụt tại TP. Đà Nẵng, nhằm thiết tập một nền tảng nhận thức và hành vi ứng xử chủ động từ phía cộng đồng trước khi thiên tai xảy ra. Từ việc đánh giá mức độ hiểu biết hiện tại, phân loại nguy cơ tại khu vực đến xác định đặc điểm của từng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương mà các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp sẽ xây dựng nội dung truyền thông phù hợp.
Chiến lược truyền thông dự phòng được triển khai bằng các chiến dịch truyền thông kết hợp tập huấn thực địa. Đặc biệt là thường xuyên giáo dục ý thức môi trường cho người dân và huấn luyện người dân thích ứng thiên tai và biến đổi khí hậu, ví dụ dạy cho người dân kĩ năng theo dõi thông tin thời tiết trên các apps, kĩ năng bơi lội, kĩ năng điều khiển và sử dụng ghe, xuồng, kĩ năng lập kế hoạch sẵn sàng chuẩn bị đưa đồ đạc lên cao khi trời mưa to, kĩ năng chuẩn bị túi đồ dùng khẩn cấp khi chạy lụt, kĩ năng ứng phó khi lái xe gặp đường ngập lụt…
Những biện pháp này có thể tạo tâm thế chủ động cho người dân, giúp hạn chế thiệt hại. Ở giai đoạn này rất cần có sự tham gia của các đơn vị báo chí truyền thông như đài truyền hình và các trang mạng xã hội.
Hoạt động truyền thông nên lồng ghép các công cụ trực quan như video hoạt họa, ứng dụng thời tiết và mô phỏng thực hành. Những sản phẩm truyền thông này không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về bão lụt, dấu hiệu nhận biết và kỹ năng phòng tránh mà còn giúp người dân hình dung được mức độ nghiêm trọng của tình huống, từ đó củng cố tinh thần sẵn sàng ứng phó. Bản chất ở giai đoạn truyền thông dự phòng này là kịp thời - định hướng - sẵn sàng, góp phần hình thành một cộng đồng có khả năng tự trang bị và giảm thiểu thiệt hại ngay từ đầu.
Giai đoạn truyền thông cảnh báo
Trong giai đoạn cận kề hoặc khi bão lụt có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn TP. Đà Nẵng, mô hình truyền thông chuyển sang trạng thái cảnh báo - cảnh báo sớm chính xác và kịp thời là yếu tố quyết định đến khả năng di tán, bảo vệ người dân và giảm thiểu rủi ro. Hệ thống truyền thông cảnh báo của mô hình vận hành dựa trên nền tảng kỹ thuật số kết hợp với dữ liệu thực địa, thông qua camera giám sát, trạm đo mưa, trạm đo mức nước và các thiết bị cảm biến được kết nối mạng. Dữ liệu này sẽ được hệ thống quản lí phân tích và đưa ra cảnh báo tự động hoặc bán tự động, giảm thời gian truyền tin và tăng độ chính xác.
Thông tin cảnh báo sau đó được gửi đến công chúng bằng nhiều hình thức và phương tiện truyền thông khác nhau, như hệ thống loa, kẻng báo động, trực tiếp bằng văn bản, qua các máy chiếu công cộng, hệ thống loa phát thanh cùng với cảnh báo qua tin nhắn SMS... Đặc biệt mô hình tận dụng hiệu quả mạng xã hội như Zalo, Facebook, ứng dụng thời tiết và nền tảng trực tuyến cảnh báo theo thời gian thực.
Hiện nay, tại một số nơi trên thế giới như Australia, trí tuệ nhân tạo AI đã được đưa vào ứng dụng hiệu quả trong công tác dự báo bão lụt. Các nhà chuyên môn và quản lý ở nước ta cũng nên đẩy nhanh việc ứng dụng AI vào dự báo thiên tai bão lũ để đẩy nhanh tốc độ dự báo và tăng hiệu quả dự báo.
Trong giai đoạn truyền thông cảnh báo, tính hai chiều cũng được chú trọng thông qua việc tiếp nhận phản hồi từ người dân về tín hiệu, độ chính xác của thông tin từ đó điều chỉnh thông điệp cảnh báo. Giai đoạn này nhấn mạnh yếu tố tốc độ, chính xác và phủ rộng, giữ vai trò như “chiếc còi báo động” cho toàn thành phố.

Giai đoạn Truyền thông khẩn cấp
Khi bão đổ bộ hoặc ngập lụt trên diện rộng, mô hình bước vào giai đoạn truyền thông khẩn cấp với đặc điểm là kịp thời, liên tục, chính xác, tiếp cận đầy đủ các khu vực và người dân. Trọng tâm của giai đoạn này là trung tâm chỉ huy truyền thông, vận hành 24/7 với sự tham gia của các cơ quan phòng chống thiên tai cùng các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội. Trong tình huống khẩn cấp, thông tin cần được xử lý gọn, ưu tiên các chỉ dẫn cứu trợ, sơ tán, khuyến cáo di chuyển, cảnh báo tai nạn và hỗ trợ y tế.
Thông tin khẩn cấp được truyền tải đồng bộ qua loa phường, tin nhắn SMS, ứng dụng Zalo, các kênh mạng xã hội, điện thoại thông minh, laptop.
Những kênh truyền thông này đảm bảo thông tin được truyền đến nhanh chóng, đối tượng tiếp nhận được phủ diện rộng. Tại đây, người dân đảm bảo việc thông tin 2 chiều với chatbot và hotline khẩn cấp. Việc sử dụng công nghệ chatbot hỗ trợ giải đáp tức thời các câu hỏi phổ biến như điểm tập trung di tản gần nhất, nơi cấp cứu y tế, khu vực cấm di chuyển, tình trạng điện - nước là rất cần thiết. Các tổ phản ứng nhanh có thể sử dụng hệ thống điều phối đội hình, cập nhật thông tin cứu hộ cứu nạn. Giai đoạn này mũi nhọn, tập trung, kịp thời, không gây hoang mang để hạn chế tối đa thiệt hại.
Giai đoạn Truyền thông phục hồi
Sau khi cơn bão đi qua, giai đoạn phục hồi được triển khai nhằm thống kê thiệt hại, ghi nhận phản hồi cộng đồng và tăng cường năng lực ứng phó cho các đợt thiên tai sau. Trong mô hình, truyền thông phục hồi gồm 3 hoạt động chính: (1) ghi nhận và thống kê nhu cầu hỗ trợ từ người dân; (2) cung cấp thông tin về hoạt động phục hồi hạ tầng, đời sống, môi trường; (3) kết nối cộng đồng và chính quyền để phản hồi, cải thiện năng lực ứng phó trong tương lai.
Cụ thể, người dân được khuyến khích cung cấp thông tin phản hồi qua biểu mẫu, mạng xã hội, tổ dân phố từ đó tổng hợp thành dữ liệu nhu cầu như hỗ trợ tài chính, sửa chữa nhà cửa, y tế hậu thiên tai. Truyền thông sau thiên tai sẽ thông báo kế hoạch phục hồi cụ thể đồng thời củng cố tinh thần cộng đồng, khơi dậy các giá trị tương thân tương ái, tạo động lực cho phục hồi bền vững.
Giai đoạn này cung cấp thông tin khoa học về nguyên nhân thiệt hại, phân tích rủi ro và các mô hình thích ứng trong tương lai, từ đó chuyển hóa kinh nghiệm thành bài học dài hạn cho toàn bộ hệ thống truyền thông - ứng phó.
Trong mô hình này, cần lưu ý về mối quan hệ tương tác giữa bên cung cấp thông tin (bên phát) và công chúng tiếp nhận thông tin (bên nhận).
Mô hình này nhấn mạnh truyền thông ứng phó thiên tai bão lũ nên là truyền thông 2 chiều, nó không chỉ là sự truyền đạt thông tin từ lãnh đạo hoặc cơ quan chuyên môn mà chính quyền và các nhà chuyên môn cũng cần lắng nghe ý kiến, phản hồi từ người dân để công tác dự báo đạt hiệu quả cao hơn, và những cá nhân hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức phụ trách phòng chống bão lụt cũng cần quan tâm nhiều đến việc tiếp thu thông tin từ người dân, như lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin xin cấp cứu hoặc hỗ trợ khẩn cấp, cứu nạn, hoặc lập chatbot để người dân có thể tìm hiểu những thông tin, kiến thức cần thiết về phòng chống bão lụt, khắc phục hậu quả bão lụt (ví dụ cách phòng bệnh, chữa bệnh hậu lũ lụt).
Tuy nhiên, mô hình nói trên chưa đề cập sâu đến vấn đề truyền thông giúp thích ứng với thời tiết bão lụt. Với Đà Nẵng - một thành phố ven biển và hầu như năm nào cũng hứng chịu bão - thì việc phát triển một lối sống thích ứng với bão lụt là một cách thức sinh tồn cần được rèn luyện.
Trong quá trình trả lời phỏng vấn, người dân vùng ven biển như quận Sơn Trà cũng đã đề cập đến thái độ chủ động, “tự lo lấy”, hoặc một người dân ở huyện Hòa Vang - vùng hàng năm thường xảy ra ngập lụt mô tả “đã quen sống với lũ” và “cứ 2 - 3 nhà sẽ có 1 cái ghe nhỏ để mà di dời nếu như nước lên quá cao”. Tuy nhiên, những việc như bảo vệ rừng để ngăn lũ chưa được đề cập đến. Vấn đề này nên được chú ý trong quá trình tập huấn hoặc giáo dục người dân về phương án xây dựng lối sống thích ứng biến đổi khí hậu.

Vai trò của các bên liên quan trong hoạt động truyền thông đối phó thiên tai bão lũ
Trên thực tế, để truyền thông đối phó bão lụt đạt hiệu quả cao, cần chú ý công tác truyền thông với sự kết nối của nhiều bên liên quan, trong đó quan trọng nhất là các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn, chính quyền, giới báo chí truyền thông, doanh nghiệp tham gia ứng phó thiên tai và người dân.
Nhà khoa học cần hoạt động truyền thông trong cả 4 giai đoạn của mô hình, trong đó chú trọng đến giai đoạn truyền thông dự phòng. Nhà khoa học nên thông qua truyền thông cung cấp các thông tin khoa học về thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu để giúp người dân nâng cao kiến thức và ý thức phòng ngừa cũng như thông qua báo chí truyền thông gửi đến chính quyền những phân tích, cảnh báo nguy cơ và đưa ra những đề xuất cần thiết về vấn đề phòng chống thiên tai bão lũ.
Thông tin từ nhà khoa học cũng giúp cácdoanh nghiệp tham gia ứng phó thiên tai có thêm thông tin cần thiết trong tổ chức hoạt động kinh doanh và dịch vụ phục vụ nhu cầu phòng chống bão lụt, khắc phục hậu quả bão lụt của nhân dân (ví dụ như các công ty sản xuất nước sạch, vật liệu và dụng cụ gia cố nhà cửa, mì ăn liền, đơn vị sản xuất ghe, áo phao…).
Người dân cũng cần kết nối với doanh nghiệp để được đáp ứng các nhu cầu về các mặt hàng, dịch vụ liên quan đến đối phó bão lụt. Các cơ quan chuyên môn như các đơn vị chuyên về dự báo thiên tai cần thiết lập và duy trì những kênh tương tác với người dân để cung cấp thông tin chính thống cho họ, qua đó giúp giải quyết vấn đề tin giả, giúp người dân an tâm hơn.
Chính quyền luôn cần kết nối chặt chẽ với người dân để tổ chức nhân dân phòng chống thiên tai, hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát và giúp đỡ nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần lắng nghe tiếng nói từ nhân dân để có sự điều chỉnh các hoạt động ứng phó bão lụt cho thích hợp nếu cần, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giúp dân.

Kết luận
Qua nghiên cứu trường hợp về truyền thông ứng phó thiên tai bão lũ ở Đà Nẵng, chúng ta có thể thấy đây không chỉ là những hoạt động truyền thông tức thời, mang tính chất đối phó tạm thời mà cần phải là loại hình truyền thông có chiến lược lâu dài, được thực hiện thường xuyên với sự tham gia và kết nối chặt chẽ của nhiều thành phần liên quan để giúp đạt được hiệu quả cao.
Lịch sử đã cho thấy thiên tai bão lũ có thể khó lường, gây ra những hậu quả nặng nề, thế nhưng không phải mọi người dân đều đề cao cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đâu đó trong người dân vẫn còn tồn tại tâm lý chủ quan cần được khắc phục. Vai trò của chính quyền trong truyền thông ứng phó thiên tai rất quan trọng, vừa cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, vừa giúp nhân dân tiếp cận thông tin đúng và tạo tâm lý an tâm, ổn định cho họ, đồng thời nhắc nhở người dân luôn đề cao cảnh giác, sớm có biện pháp phòng ngừa, thích ứng để tránh hậu quả nghiêm trọng do bão lụt gây ra.
Trong thời đại 4.0, công tác dự báo, thông tin đã có nhiều thuận lợi, vậy nên truyền thông cần tận dụng, phát huy những thành tựu kỹ thuật số như AI, Internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh… để đưa ra những dự báo sớm và chính xác đến với người dân.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các KOL, của truyền thông khoa học trong công tác dự báo và đối phó với thiên tai bão lũ. Cũng không nên đánh giá thấp hoặc xem nhẹ vai trò của các hình thức, phương tiện truyền thông truyền thống như loa phường, kẻng, còi… và các hình thức truyền thông liên nhân trực tiếp (ví dụ chính quyền cử cán bộ đến tận từng gia đình hướng dẫn, nhắc nhở người dân phòng tránh bão lũ).
[1] Xem Phạm Hương 2016, VnExpress.
[2] Xem Võ Thành và các cộng sự 2024, Dân trí.
[3] Xem Ngọc Minh 2023, Vietnamnet.
[4]. Xem Sài gòn Giải phóng Online (2025), YouTube; Lê Phan 2025, Tuổi trẻ Online.
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tiếng Việt
1. Công Vinh 2024, “Đà Nẵng tăng cường năng lực ứng phó
thiên tai tại chỗ”, Nhân Dân,
https://nhandan.vn/da-nang-tang-cuong-nang-luc-ung-pho-
thien-tai-tai-cho-post843485.html xem ngày 14/5/2025.
2.ĐNCT 2016 , “Sáu cơn bão dữ nhất Việt Nam trong 10 năm
qua”, Danang Online, https://baodanang.vn/channel/6059/201610/sau-con-bao-du-nhat-viet-nam-10-nam-qua-2519244/index.htm
Xem 14/5/2025.
3. Lê Phan 2025, “Trận mưa bất thường làm đảo lộn cuộc sống”,
Tuổi trẻ Online, https://tuoitre.vn/tran-mua-bat-thuong-lam-
dao-lon-cuoc-song-2025051207353223.htm
Xem 15/5/2025.
4. Lê Trần Bảo Linh, Võ Thị Thùy Châu, Dương Quỳnh Nga, Lưu
Thị Hương, Đào Xuân Diệu Huyền 2025, Báo cáo tổng kết đề tài
nghiên cứu khoa học sinh viên: Truyền thông ứng phó thiên tai:
xây dựng mô hình truyền thông đối phó bão lụt và nắng nóng ở
TP. Đà Nẵng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Trường Đại học Sư
phạm – Đại học Đà Nẵng.
5. Ngọc Minh 2023, “VCCI Đà Nẵng ra mắt mạng lưới doanh
nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh
khu vực miền Trung”, Vietnamnet.
https://vietnamnet.vn/vcci-da-nang-ra-mat-mang-luoi-doanh-
nghiep-ung-pho-bien-doi-khi-hau-thien-tai-2097012.html
xem 14/5/2025.
6. Ngô Linh 2022, “Ngôi làng từng bị xóa sổ bởi trận lụt kinh
hoàng năm Thìn, bây giờ ra sao?”, Dân trí,
https://dantri.com.vn/doi-song/ngoi-lang-tung-bi-
xoa-so-boi-tran-lut-kinh-hoang-nam-thin-bay-gio-ra-
sao-20220615094528511.htm, xem 14/5/2025.
7. Phạm Hương 2016, “10 năm thảm họa Chanchu làm hơn 200
số phận mất tích”, VnExpress,
https://vnexpress.net/10-nam-tham-hoa-chanchu-lam-hon-
200-so-phan-mat-tich-3403652.html xem 14/5/2025.
8. Sài gòn Giải phóng Online 2025, “Trận mưa phá vỡ mọi
dự báo: Củ Chi chạm mốc 217mm, Tp Thủ Đức ngập
tràn 103,8 mm” , Youtube, https://www.youtube.com/
watch?v=U6HPcHZm7ac, xem 15/5/2024.
9.Tuyết Minh 2024, “Ký ức trận lụt lịch sử năm Thìn 1964”,
Báo Đà Nẵng, https://baodanang.vn/xa-hoi/202411/
ky-uc-tran-lut-lich-su-nam-thin-1964-3992829/index. htm#:~:text=%C4%90%C3%B3%20l%C3%A0%20
v%C3%A0o%20ng%C3%A0y%204,ng%C3%A0y%20
10%2D11%2D1964, xem 14/5/2025
10. VnExpress 2006, “Ảnh về hậu quả bão Chanchu”,
https://vnexpress.net/anh-ve-hau-qua-bao-chanchu-o-da-
nang-2819032.html, xem 14/5/2025.
11. Võ Thành và các cộng sự 2024, “Huy Nguyễn thời tiết”:
Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai, Dmagazine, Dân trí,
https://dantri.com.vn/xa-hoi/huy-nguyen-thoi-tiet-toi-tung-
doi-mat-voi-noi-so-du-bao-sai-20240330143847376.htm, xem 14/5/2025.Tài liệu tiếng Anh
12. Saunders T & Logan T 2025, “AI predicted Cyclone Alfred’s
path and could be the future of forecasting”, ABC News,
https://www.abc.net.au/news/2025-04-03/nsw-weather-ai-
prediction-modelling-cyclone-alfred-the-bom/105129090
xem 9/5/2025.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2025)