Úc đầu tư phát triển các công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất trong nước
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 08:50, 02/07/2025
Úc đầu tư phát triển các công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất trong nước
Chính phủ Úc đang thực hiện các khoản đầu tư chiến lược đáng kể vào các công nghệ tiên tiến với mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng của tương lai.
Đầu tư gần 1 tỷ AUD vào công nghệ lượng tử và 750 triệu AUD vào sản xuất kim loại xanh
Chính phủ liên bang và bang Queensland đã đầu tư gần 1 tỷ đô la Úc (AUD) và hợp tác với PsiQuantum, một công ty tiên phong trong lĩnh vực máy tính lượng tử tại Mỹ để xây dựng một trong những hệ thống máy tính lượng tử thương mại đầu tiên trên thế giới, đặt tại TP. Brisnbane.

Khoản đầu tư này là một trong những bước triển khai Chiến lược lượng tử quốc gia năm 2023, nhằm mục đích đưa Úc thành một trong các nước đi đầu trong lĩnh vực lượng tử. Năm 2025 được Liên Hợp Quốc chính thức tuyên bố là Năm Quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) lượng tử, càng thúc đẩy động lực cho ngành công nghiệp lượng tử của Úc.
Đồng thời, Chính phủ Úc đã phân bổ 750 triệu UAD từ Quỹ đổi mới sáng tạo “Tương lai Sản xuất tại Úc” để hỗ trợ các dự án sản xuất kim loại xanh (phát thải carbon thấp) tiên tiến. Những khoản đầu tư này khẳng định cam kết của Úc trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp tương lai, năng lượng sạch và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Đẩy mạnh đầu tư vào siêu máy tính
Chính phủ Úc vừa công bố gói tài trợ lớn thông qua Chương trình cơ sở hạ tầng nghiên cứu quốc gia (National Collaborative Research Infrastructure Strategy - NCRIS), với trọng tâm là đầu tư vào lĩnh vực máy tính hiệu năng cao (HPC). Đây được xem là một trong những động thái chiến lược nhằm củng cố vị thế của Úc trong hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới toàn cầu, đồng thời tăng cường khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ cho các lĩnh vực then chốt như AI, khoa học khí hậu, y sinh học và thiết kế vật liệu tiên tiến.
Trong giai đoạn 2024 - 2028, Chính phủ Úc cam kết phân bổ 435 triệu AUD cho 4 “lĩnh vực thay đổi đột phá” theo lộ trình đầu tư mới của NCRIS. Trong số đó, hạ tầng nghiên cứu số quốc gia, bao gồm các trung tâm siêu máy tính, được ưu tiên hàng đầu.
Đợt phân bổ đầu tiên đã được công bố vào ngày 6/5/2025, với 77 triệu AUD dành cho hai trung tâm HPC trọng điểm: Pawsey Supercomputing Centre tại Tây Úc nhận 22 triệu AUD để nâng cấp hệ thống Setonix lên phiên bản Setonix 1.5, giúp tăng đáng kể hiệu suất và khả năng lưu trữ; National Computational Infrastructure (NCI) tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) được cấp 55 triệu AUD để xây dựng một hệ thống siêu máy tính thế hệ mới, thay thế cho Raijin và Gadi - hai hệ thống chủ lực hiện tại.

Bộ Giáo dục Úc khuyến nghị các tổ chức huy động thêm nguồn lực từ ngân sách đại học, chính quyền bang và khu vực tư nhân - với mức đóng góp đối ứng mong muốn ít nhất tương đương với khoản tài trợ từ Chính phủ. Điều này mở ra cơ hội đáng kể cho các đơn vị trong và ngoài học thuật tham gia vào việc xây dựng hạ tầng HPC hiện đại.
Một phần quan trọng của chương trình là tăng cường khả năng truy cập siêu máy tính cho các nhà nghiên cứu trên cả nước thông qua hệ thống cấp quyền sử dụng như NCMAS (National Computational Merit Allocation Scheme). Các nhóm nghiên cứu trong mọi lĩnh vực khoa học có thể nộp hồ sơ xin sử dụng tài nguyên HPC thông qua các chương trình này, với kỳ xét tuyển tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 10/2025.
CSIRO tài trợ đến 135.000 AUD cho các dự án năng lượng tái tạo xuyên biên giới
Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang Úc (CSIRO) vừa công bố vòng thứ ba của Chương trình RISE Accelerator - một sáng kiến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp vừa và nhỏ của Úc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mở rộng hoạt động sang thị trường Ấn Độ.

Mỗi dự án có thể nhận được tài trợ không hoàn lại lên tới 135.000 AUD. Đây là một phần trong nỗ lực của Úc nhằm thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo (ĐMST) xuyên biên giới, góp phần vào mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Chương trình gồm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 - Khám phá thị trường (Discovery Phase): Hỗ trợ tài chính lên tới 35.000 AUD để giúp các DN phát triển chiến lược thâm nhập thị trường Ấn Độ, khảo sát nhu cầu và xác định đối tác tiềm năng.
Giai đoạn 2 - Thử nghiệm công nghệ (Pilot Phase): Cung cấp thêm 100.000 AUD cho các hoạt động thử nghiệm triển khai công nghệ tại thị trường Ấn Độ.
Ngoài tài chính, CSIRO còn cung cấp cố vấn kỹ thuật, thông tin thị trường chuyên sâu, hỗ trợ pháp lý và kết nối với mạng lưới đối tác chiến lược trong cả hai quốc gia. Chương trình dành cho các DN Úc phát triển công nghệ năng lượng tái tạo đã sẵn sàng thương mại hóa như: điện mặt trời, gió, pin lưu trữ, hydrogen, năng lượng sạch tích hợp có doanh thu hàng năm dưới 20 triệu AUD trong 3 năm gần nhất.
Các dự án được khuyến khích có yếu tố đổi mới, khả năng mở rộng và tiềm năng tác động đến phát triển bền vững trong khu vực.
Theo CSIRO, chương trình RISE Accelerator không chỉ giúp DN tiếp cận thị trường hơn 1,4 tỷ dân của Ấn Độ mà còn thúc đẩy hợp tác công nghệ sâu rộng giữa hai quốc gia. Quan hệ đối tác giữa CSIRO và tổ chức Atal Innovation Mission (AIM) thuộc Chính phủ Ấn Độ đảm bảo sự hỗ trợ chính sách, kết nối và đồng hành cho các doanh nghiệp xuyên suốt quá trình.
Đầu tư 25 triệu AUD vào nghiên cứu y tế cho 20 cơ sở
Chính phủ Tây Úc đã công bố khoản tài trợ 25 triệu AUD vào ngày 22/5/2025 cho 20 cơ sở nghiên cứu (bao gồm Viện nghiên cứu trẻ em Úc) theo chương trình Hỗ trợ cơ sở hạ tầng nghiên cứu (RIS), một phần của Quỹ Nghiên cứu và đổi mới y tế tương lai (FHRI).
Khoản tài trợ nằm trong chương trình “WA Medical Research Strategy 2023 - 2030”, với mục tiêu xây dựng Tây Úc trở thành một trung tâm nghiên cứu y học và ứng dụng hàng đầu tại Úc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khoản đầu tư này rất quan trọng để trang trải chi phí vận hành thiết bị, cơ sở vật chất và dịch vụ nghiên cứu, những chi phí thường không được cung cấp bởi các khoản trợ cấp nghiên cứu thông thường.
GS. Jonathan Carapetis, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu trẻ em Úc, nhấn mạnh khoản tài trợ này rất quan trọng vì giúp chi trả chi phí thực sự của nghiên cứu, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cần thiết, từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu của bang và hỗ trợ việc tìm kiếm các phương pháp điều trị và chẩn đoán đột phá cho các vấn đề sức khỏe lớn ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên.
Bộ trưởng Y tế Tây Úc, bà Amber-Jade Sanderson, cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư vào trí tuệ, công nghệ và con người - những yếu tố then chốt để giải quyết các thách thức y tế của tương lai. Khoản hỗ trợ 25 triệu AUD này không chỉ là nguồn lực tài chính, mà là cam kết lâu dài của chính phủ đối với sức khỏe cộng đồng”.
Đầu tư vào lực lượng tác chiến trên không gian mạng với cơ cấu trả lương mới dựa trên năng lực
Ngày 27/5/2025, Chính phủ Úc vừa công bố một sáng kiến chiến lược nhằm tăng cường năng lực quốc phòng mạng của quốc gia thông qua việc đầu tư sâu rộng vào lực lượng chuyên về tác chiến mạng. Điểm nổi bật trong kế hoạch là việc triển khai cơ cấu trả lương mới dựa trên kỹ năng, nhằm thu hút và giữ chân những chuyên gia an ninh mạng giỏi trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực gay gắt hiện nay.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Úc, hệ thống lương mới gọi là Khung Trả lương chung cho lực lượng tác chiến trên không gian mạng (Cyber Warfare Common Remuneration Framework) sẽ linh hoạt và phù hợp hơn với mặt bằng thu nhập trong khu vực tư nhân, đặc biệt là các ngành công nghệ thông tin và an ninh mạng. Những quân nhân và chuyên gia dân sự có năng lực cao trong các lĩnh vực như phân tích mối đe dọa mạng, tấn công mạng hợp pháp (ethical hacking), bảo vệ hệ thống thông tin quốc phòng và phát triển công nghệ phòng thủ tiên tiến, sẽ được hưởng mức lương cạnh tranh hơn so với trước đây.
“Chiến tranh mạng là mặt trận không biên giới. Nếu chúng ta không có lực lượng nhân sự giỏi và đủ động lực, Úc sẽ tụt lại phía sau” Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles phát biểu. “Hệ thống đãi ngộ mới không chỉ là về tiền lương mà là sự công nhận đúng giá trị của người lính thời đại số”.
Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng mạng trong quân đội, mở rộng hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh mạng.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai chương trình học bổng dành cho sinh viên công nghệ thông tin cam kết làm việc cho quốc phòng sau khi tốt nghiệp. Nữ Trung tướng Susan Coyle, Chỉ huy Năng lực Liên hợp, nhấn mạnh rằng lĩnh vực mạng là một môi trường độc đáo và đầy thách thức kỹ thuật “Các Chuyên gia và Sĩ quan Chiến tranh Mạng là cốt lõi trong việc thực hiện các hoạt động không gian mạng nhằm phát hiện và đánh bại các cuộc tấn công vào mạng và hệ thống của Quốc phòng”.
Động thái này nằm trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quốc phòng Úc, đặc biệt sau khi báo cáo đánh giá quốc phòng 2024 chỉ ra các lỗ hổng trong khả năng ứng phó với các mối đe dọa mạng phức tạp từ nước ngoài.
Giới chuyên gia đánh giá cao chính sách này và cho rằng đây là một bước đi tất yếu để Úc bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của chiến tranh mạng hiện đại.
Thu hút nhân tài khoa học toàn cầu với đãi ngộ cạnh tranh
Viện Hàn lâm khoa học Úc (Australian Academy of Science) vừa ra mắt Chương trình thu hút nhân tài toàn cầu (Global Talent Attraction Program) nhằm mời gọi các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đến Úc làm việc, nghiên cứu và sinh sống lâu dài.

Chương trình hướng đến các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, y sinh học, năng lượng tái tạo và an ninh mạng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ, nơi đang chứng kiến làn sóng cắt giảm ngân sách khoa học dưới chính quyền Trump.
Để thu hút nhân tài quốc tế, chương trình cung cấp mức lương cạnh tranh theo chuẩn quốc tế; Hỗ trợ chi phí tái định cư cho cả gia đình; Thị thực định cư ưu tiên thông qua chương trình Global Talent Visa; Kết nối trực tiếp với các cơ sở nghiên cứu hàng đầu và ngành công nghiệp công nghệ cao tại Úc.
Chính phủ kỳ vọng đây sẽ là một đòn bẩy chiến lược để đưa Úc trở thành điểm đến lý tưởng cho các tài năng khoa học toàn cầu. Theo Viện Hàn lâm Khoa học, chương trình sẽ giúp Úc tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới, thu hút vốn tri thức từ các quốc gia phát triển và thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển đội ngũ nhân lực nội địa.
Chương trình không chỉ mang lại lợi ích cho các viện nghiên cứu và trường đại học mà còn tạo cơ hội cho DN công nghệ cao tiếp cận nguồn nhân lực trình độ cao trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt./.