Chủ trương, chính sách thu hút, giữ chân nhân lực KHCN & ĐMST chất lượng cao của Canada (Phần 1)

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:35, 04/07/2025

Nguồn lao động chất lượng cao, đa dạng luôn được xác định là động lực chi phối, quyết định sự thành công của mọi chủ trương, chiến lược xây dựng phát triển đất nước.
Chuyển động ICT

Chủ trương, chính sách thu hút, giữ chân nhân lực KHCN & ĐMST chất lượng cao của Canada (Phần 1)

Bộ phận đại diện KH&CN tại Canada 04/07/2025 10:35

Nguồn lao động chất lượng cao, đa dạng luôn được xác định là động lực chi phối, quyết định sự thành công của mọi chủ trương, chiến lược xây dựng phát triển đất nước.

Có thể thấy, các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của Canada gần đây đều khẳng định, phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài là tối quan trọng để Canada thành công trong phát triển đất nước nói chung và các ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) nói riêng.

Điển hình như trong khuôn khổ “Kế hoạch quốc gia về Đổi mới và kỹ năng” ban hành tháng 2/2017, Chính phủ Canada đã đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó, nhóm giải pháp về xây dựng con người và kỹ năng được xác định là có vai trò quan trọng, chi phối sự thành công của Kế hoạch nói chung và mục tiêu xây dựng Canada thành quốc gia các nhà ĐMST nói riêng.

Tiếp đó, tháng 1/2023, Canada phê duyệt Chiến lược lượng tử quốc gia, với mục tiêu là sẽ tạo ra những đột phá mới làm thay đổi cách thức con người sinh sống và làm việc. Chiến lược cũng xác định “trụ cột tài năng: xây dựng lực lượng lao động hàng đầu thế giới” sẽ giữ vai trò quan trọng và mang tính quyết định, cùng với các “trụ cột nghiên cứu” và “trụ cột thương mại hóa công nghệ” tạo nên sự thành công của chiến lược này.

Chính sách phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong nước

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra liên quan đến đào tạo, phát triển đội ngũ nhân tài trong nước, trong khuôn khổ Kế hoạch quốc gia về đổi mới và kỹ năng, Chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) toàn Canada, Chiến lược lượng tử quốc gia, Chiến lược Hydrogen…, Chính phủ Canada đã đề ra những sáng kiến và kế hoạch hàng động cụ thể, điển hình như:

Sáng kiến CanCode

CanCode là một phần của “Kế hoạch Kỹ năng và Đổi mới 2017” của Chính phủ liên bang tập trung vào việc đào tạo, trang bị các kỹ năng số nâng cao như các khóa học về mã hóa, lập trình và STEM với mục đích tạo ra một hành trang tự tìm được việc làm trong tương lai cho thanh thiếu niên trong cả nước (nhất là thanh thiếu niên bản địa, da đen, khuyết tật và thanh thiếu niên sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa…).

cancode.jpg
Ảnh: Betakit

Bằng cách tiếp cận giới trẻ cả trong và ngoài môi trường học đường, cũng như cung cấp các khóa đào tạo cộng đồng, CanCode đáp ứng hoàn hảo các nhu cầu học tập khác nhau, cũng như kích thích và duy trì sự quan tâm của giới trẻ đến các lĩnh vực KH&CN, toán học, trí tuệ nhân tạo…

Việc tiếp cận rộng rãi và toàn diện để đào tạo kỹ năng số cho thanh niên và giáo viên sẽ góp phần đa dạng hóa lĩnh vực công nghệ số trong tương lai của Canada.

CanCode là chương trình dài hạn, gồm nhiều giai đoạn, trong đó, CanCode 1.0 (2017) và CanCode 2.0 (2019) đã gặt hái được nhiều thành công, với hơn 4,5 triệu học sinh và hơn 220.000 giáo viên đã được tập huấn, đào tạo các kỹ năng và nhận thức về số hóa, mã hóa và các vấn đề về kỹ thuật, toán học.

Tiếp đó, CanCode 3.0 (2021) tiếp tục được triển khai trong 3 năm (2021 - 2023) với khoản kinh phí bổ sung lên đến 80 triệu CAD để hỗ trợ cơ hội cho học sinh Canada (từ lớp 1 đến lớp 12) học và phát triển các kỹ năng số bao gồm mã hóa, phân tích dữ liệu và phát triển nội dung số.

Sáng kiến CanCode đang là một trong những chương trình được đánh giá là hiệu quả nhất trong việc phát hiện, bồi dưỡng và phát triển các nhân tài, tri thức giai đoạn sớm cho đất nước.

Chương trình “Hãy bàn về Khoa học” (Let's Talk Science)

Đây là chương trình nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng và sự tham gia của giới trẻ vào KH&CN, kỹ thuật và toán học. Kể từ năm 2015, Quỹ Đổi mới, Khoa học và Phát triển Kinh tế Canada (ISED) đã tài trợ 22,5 triệu CAD để cung cấp các chương trình đào tạo dựa trên STEM cho thanh thiếu niên nhằm xây dựng nhận thức nghề nghiệp, đồng thời cung cấp các cơ hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật (KH-KT) cho học sinh sau trung học.

let-talk-science.png
Ảnh: letstalkscience.ca

Những loại hoạt động này sẽ rất cần thiết để phát triển chuyên môn sâu về các ngành KH,KT nói chung và các ngành khoa học chủ đạo trong tương lai như công nghệ lượng tử, AI, IoT cho giới trẻ thuộc tất cả các cộng đồng, cũng như thiết lập một kênh nhân lực cung cấp cho các lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh, chuyển giao công nghệ.

Giống như CanCode, Let’s-Talk-Science được thiết kế là một trong những chương trình thuộc phân khúc sớm của quá trình đào tạo, phát triển nhân tài cho đất nước.

Chương trình “Những nhà đổi mới trẻ tuổi - NSERC”

Năm 2018, Hội đồng nghiên cứu về Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật Canada (NSERC) đã khởi động sáng kiến thí điểm kéo dài 5 năm nhằm tuyên truyền, khuyến khích, thúc đẩy thanh thiếu niên Canada say mê, sáng tạo trong khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ mới.

nghien-cuu-o-canada.jpg
Ảnh: sciencemetrix

Các thanh, thiếu niên khi đăng ký tham gia vào một trong các cuộc thi KH-KT, có thể nhận được một khoản tài trợ có trị giá là 1000 CAD và không bị giới hạn số lần đăng ký tham gia các hội thi đổi mới sáng tạo.

Người đoạt giải sẽ tiếp tục được tài trợ kinh phí để theo đuổi và phát triển các nghiên cứu của mình. Thông qua triển khai chương trình, nhiều nhà khoa học trẻ đã được phát hiện và bồi dưỡng, trở thành những người khởi nghiệp thành công, hoặc các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Chiến lược Kỹ năng và Việc làm Thanh niên (Youth-Employment-and- Skills -Strategy (YESS)

YESS là cam kết của Chính phủ liên bang nhằm giúp những người trẻ tuổi có được các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc mà họ cần để chuyển đổi và hòa nhập thành công vào thị trường lao động. YESS bao gồm các chương trình tài trợ dành cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) nhằm khuyến khích thanh niên tham gia các nghề nghiệp liên quan đến KHCN, kỹ thuật và điện toán như:

(1) Chương trình “Xây dựng nền kinh tế xanh Canada”;

(2) Chương trình “Phát triển các thế hệ công nghệ mới cho các thế hệ mới” và

(3) Chương trình “Kết nối lực lượng lao động của ngày mai với nền kinh tế kỹ thuật số của Canada”…

Thông qua các chương trình này, Chính phủ sẽ tài trợ cho cơ sở, DN kinh phí để họ chi trả cho các học sinh, sinh viên tham gia các khóa thực tập hưởng lương tại DN, qua đó giúp học sinh, sinh viên phát triển kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm của mình.

Chương trình Chỗ đứng cho phụ nữ trong Khoa học và Kỹ thuật (The-Chairs-for-Women-in-Science-and-Engineering (CWSE) Program)

Chương trình CWSE do NSERC điều hành với mục tiêu là phát triển, thực hiện các chiến lược truyền thông nâng cao mức độ tham gia và giữ chân phụ nữ trong ngành KH-KT từ khi còn là sinh viên cũng như đối với những người đang công tác.

cwse.png
Ảnh: gradschools

Để triển khai chương trình, các vị trí chủ tọa của chương trình sẽ được đặt tại bất kỳ trường đại học, cơ sở đào tạo ở Canada đủ điều kiện trong một khu vực do NSERC chỉ định nhằm triển khai các nhiệm vụ của chương trình bao gồm: Khuyến khích học sinh nữ cân nhắc các nghề nghiệp liên quan đến KH-KT; Tăng hồ sơ và tỷ lệ giữ chân phụ nữ trong các vị trí KH-KT; Loại bỏ các rào cản đối với phụ nữ và các nhóm bị thiệt thòi hoặc ít được đại diện khác, những người muốn theo đuổi sự nghiệp trong KH-KT; Xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông và mạng lưới để đảm bảo tác động của khu vực và quốc gia đến các cơ hội cho phụ nữ trong ngành KH-KT; Cung cấp những hình mẫu phụ nữ là những nhà nghiên cứu tiêu biểu, thành công và được công nhận trong lĩnh vực KH-KT…

Kinh phí cho hoạt động của chương trình sẽ do NSERC cung cấp và từ các nguồn tài trợ khác như từ các cơ sở/tổ chức nơi đặt vị trí chủ tọa hoặc các tổ chức, cá nhân tự nguyện.

(Còn tiếp)

Bộ phận đại diện KH&CN tại Canada