Những lưu ý của Bộ KH&CN về việc triển khai 5 luật thuộc lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:49, 08/07/2025
Những lưu ý của Bộ KH&CN về việc triển khai 5 luật thuộc lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Bộ KH&CN đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai 5 luật thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ngày 7/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của 5 Luật do Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Cụ thể, 5 luật gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN & ĐMST); Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT).

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thay đổi tư duy quản lý
Chia sẻ với PV Tạp chí KH&CN Việt Nam về kế hoạch triển khai luật KH,CN & ĐMST trong thời gian tới, thông tin từ Vụ Khoa học kỹ thuật và công nghệ cho biết Luật KH,CN&ĐMST (sau đây gọi tắt là Luật) được Quốc hội XV thông qua ngày 27/6/2025. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2025 (trừ một số nội dung có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025).
Hiện nay, Bộ KH&CN đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Luật KH,CN & ĐMST trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, một số nội dung được tập trung triển khai trong thời gian tới gồm:
- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật.
- Chủ động xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn.
- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn đến các đối tượng chịu tác động của Luật.
- Hướng dẫn, triển khai các chính sách cụ thể quy định tại Luật.

Vụ Khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng lưu ý thêm, Luật mới không chỉ sửa đổi kỹ thuật, mà thay đổi tư duy quản lý: từ tiền kiểm sang hậu kiểm, lấy kết quả thực hiện làm tiêu chí đánh giá.
Đơn vị lưu ý các đơn vị, tổ chức cần nghiên cứu kỹ các điểm mới của Luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật, đặc biệt các quy định về: khoán chi, giao quyền sở hữu, quản lý, sử dụng kết quả; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế ưu đãi thuế - tài chính.
Luật KH,CN & ĐMST cũng tăng tự chủ cho các tổ chức chủ trì gắn với trách nhiệm giải trình.
Những lưu ý áp dụng Luật Công nghiệp Công nghệ số
Trong khi đó, thông tin về triển khai triển khai Luật CNCNS trong thời gian tới với PV Tạp chí, đại diện Cục Công nghiệp CNTT cho biết việc triển khai Luật sẽ bao gồm các nội dung trọng tâm gồm: Xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết; Xây dựng và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai Chương trình phát triển CNCNS; Tổ chức truyền thông, tuyên truyền, phổ biến Luật rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, DN và người dân.
Cục Công nghiệp CNTT lưu ý những điểm cần quan tâm đối với các đối tượng áp dụng Luật, gồm:
Về nghiên cứu và phát triển (R&D), các hoạt động R&D sản phẩm, dịch vụ công nghệ số được Nhà nước ưu đãi cao nhất. Tổ chức, cá nhân thực hiện R&D được hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, ưu tiên sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm, cơ sở ươm tạo, và được tăng chi phí hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).
Về phát triển nguồn nhân lực, Luật quy định đầy đủ chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực công nghệ số trong các cơ sở giáo dục, DN và cơ quan nhà nước.

Chính sách bao gồm học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi, đào tạo lại, hỗ trợ đánh giá kỹ năng, tập huấn, tăng thu nhập và ưu tiên tiếp nhận công chức viên chức. Đặc biệt, có cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, bao gồm cấp thẻ tạm trú 5 năm, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân và tuyển dụng đặc cách vào khu vực công; thu hút và trọng dụng nhân tài công nghệ số.
“Các DN cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực thi để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNCNS”, Cục Công nghiệp CNTT lưu ý.
Về phát triển dữ liệu số, Nhà nước có chính sách thúc đẩy dữ liệu số trở thành tài nguyên chiến lược, bảo đảm chất lượng dữ liệu (chính xác, hợp lệ, toàn vẹn, cập nhật...). Đồng thời, các tổ chức, DN cung cấp dịch vụ số không được gây cản trở việc lưu trữ, chuyển đổi dữ liệu của khách hàng.
Về đầu tư và phát triển hạ tầng CNCNS, việc đầu tư xây dựng hạ tầng CNCNS được xác định là ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Nhà nước ưu tiên đầu tư vào các hạ tầng thiết yếu như trung tâm dữ liệu (TTDL), phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu, khu công nghệ số tập trung. Các DN, tổ chức cần nghiên cứu kỹ các quy định này để tham gia đầu tư hạ tầng và thụ hưởng sử dụng các hạ tầng CNCNS phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, các dự án sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm, AI, bán dẫn, TTDL AI, khởi nghiệp sáng tạo... được hưởng ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng, và có thể được hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách địa phương. DN được ưu tiên về thủ tục hải quan và các chính sách ưu tiên khác.
“Đây là các chính sách rất có lợi cho DN công nghệ số, cần được nghiên cứu áp dụng tối đa”, Cục Công nghiệp CNTT lưu ý.
Về phát triển thị trường, Luật quy định các biện pháp thúc đẩy thị trường cho sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trong và ngoài nước: hỗ trợ thông tin thị trường, quảng bá, kết nối cung cầu, tổ chức hội chợ, triển lãm, thúc đẩy hợp tác giữa DN - viện - trường. Đặc biệt, có cơ chế ưu đãi thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Các DN công nghệ số cần quan tâm, nghiên cứu áp dụng để mở rộng thị trường cho DN mình.
Về phát triển bền vững, CNCNS được định hướng phát triển bền vững thông qua thúc đẩy các hoạt động tái sử dụng, tái chế, tân trang thiết bị và sản phẩm công nghệ. Nhà nước hỗ trợ hình thành chu trình sản xuất khép kín, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm, ưu tiên mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường và hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ vì mục tiêu xanh.
Về thông tin về CNCNS, các đối tượng có liên quan phải cung cấp, cập nhật thông tin vào hệ thống dữ liệu CNCNS quốc gia. Bộ KH&CN là đơn vị quản lý hệ thống này. DN cần có trách nhiệm cung cấp thông tin, đồng thời cũng được sử dụng các thông tin từ cơ sở dữ liệu theo quy định.
Về công nghiệp bán dẫn, Luật dành chương riêng quy định về phát triển ngành bán dẫn, đặc biệt là sản xuất, thiết kế chip bán dẫn, nguyên liệu - vật liệu - thiết bị. DN bán dẫn được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, hỗ trợ chi phí đào tạo, R&D, nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng. DN phụ trợ trong chuỗi cung ứng bán dẫn cũng được hỗ trợ theo quy định của Luật.

Về AI, Luật yêu cầu quản lý toàn vòng đời hệ thống AI rủi ro cao và tác động lớn. Các hệ thống AI phải bảo đảm minh bạch, giải trình, an toàn dữ liệu và có dấu hiệu nhận dạng. Trách nhiệm được phân định rõ cho từng chủ thể phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng hệ thống AI.
“Đây là khung pháp lý cần thiết, phù hợp để các DN áp dụng khi nghiên cứu, phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng AI tại Việt Nam”, Cục Công nghiệp CNTT nhấn mạnh.
Về tài sản số, Luật định nghĩa và phân loại tài sản số (bao gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) và giao Chính phủ quy định nội dung quản lý phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý trong ngành, lĩnh vực.
“Đây là khung pháp lý phù hợp với thực tiễn khi hơn 20% dân số Việt Nam đang sở hữu tiền mã hóa. Luật không chỉ bảo vệ người dùng mà còn tạo điều kiện phát triển công nghệ blockchain, góp phần xây dựng nền kinh tế số minh bạch”.
Thi hành luật sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa góp phần chống hàng giả, hàng lậu, bảo vệ sở hữu trí tuệ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng SPHH có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Theo Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TĐC), nội dung về xử lý hàng giả, hàng nhái đã được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức thi hành.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi lưu thông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng SPHH đã quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất, trong đó có thực hiện ghi nhãn hàng hóa, nhãn điện tử hoặc hộ chiếu số của sản phẩm; thể hiện các thông tin về truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch cho sản phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc.
.jpg)
Đối với hàng hóa có mức độ rủi ro cao, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm, triển khai theo lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực của DN và đặc thù phát triển của từng ngành hàng.
Luật đã quy định việc xây dựng hệ thống giám sát chất lượng SPHH quốc gia giúp DN minh bạch thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, cơ quan quản lý chủ động giám sát, kiểm tra và người dân tham gia cung cấp thông tin về chất lượng SPHH.
Đồng thời, quy định Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và huy động nguồn lực xây dựng hệ thống giám sát chất lượng SPHH quốc gia, kết nối dữ liệu hải quan, kiểm tra chất lượng, thông tin truy xuất nguồn gốc, phản ánh từ người tiêu dùng và cảnh báo quốc tế; bảo đảm năng lực theo dõi, cảnh báo sớm và ngăn chặn kịp thời hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động kiểm tra, phối hợp kiểm tra chất lượng SPHH, theo đó các cơ quan kiểm tra chất lượng SPHH của Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương có trách nhiệm phối hợp và chia sẻ dữ liệu, nhằm bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng SPHH.
Ngoài ra, theo TĐC, “Luật đã bổ sung quy định tăng cường sự tham gia của tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc tham gia khảo sát độc lập, thử nghiệm chất lượng SPHH lưu thông trên thị trường, kiến nghị và phối hợp kiểm tra. Điều này thúc đẩy giám sát xã hội và kiểm soát quyền lực công”./.