PGDC 2025: Khơi nguồn sáng tạo - Kiến tạo tương lai ngành game Việt

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 06:45, 11/07/2025

Hội thảo Phát triển Game PTIT - PGDC 2025 là sự kiện chuyên sâu đầu tiên về phát triển game do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức, thu hút khoảng 500 lượt người tham dự.
Chuyển động ICT

PGDC 2025: Khơi nguồn sáng tạo - Kiến tạo tương lai ngành game Việt

Ánh Dương 11/07/2025 06:45

Hội thảo Phát triển Game PTIT - PGDC 2025 là sự kiện chuyên sâu đầu tiên về phát triển game do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức, thu hút khoảng 500 lượt người tham dự.

Với chủ đề “Hợp tác”, PGDC 2025 quy tụ sự góp mặt của các CEO và chuyên gia hàng đầu đến từ những doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành như Google, VNG, VTC, iKame Global, Falcon, Hala Games, XGame… Sự hiện diện của các “ông lớn” trong ngành đã mang đến những góc nhìn đa chiều, từ quy trình sản xuất, vận hành, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến nhu cầu về nhân lực và sự phát triển của cộng đồng game Việt.

Chia sẻ về PGDC 2025, TS. Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CDIT) nhấn mạnh, PGDC 2025, lần đầu tiên được tổ chức tại Học viện, là sự kiện chuyên sâu dành riêng cho lĩnh vực phát triển game – một ngành công nghiệp sáng tạo đang bùng nổ, có sức ảnh hưởng ngày càng lớn đến các lĩnh vực công nghệ, giáo dục và kinh tế trong kỷ nguyên số.

Sự kiện đã khẳng định vai trò là một diễn đàn học thuật và kết nối quan trọng, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cộng đồng game Việt Nam. Xuyên suốt chương trình, các phiên thảo luận chuyên đề sẽ mở ra những góc nhìn toàn diện về thiết kế, lập trình, công nghệ ứng dụng trong game, cũng như cập nhật các xu hướng phát triển mới của ngành.

dhm08057.jpg
TS. Cao Minh Thắng: PGDC 2025 sẽ là bước khởi đầu cho một chuỗi sự kiện thường niên, góp phần xây dựng hệ sinh thái game Việt sáng tạo, bản sắc và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

“Chúng tôi mong muốn rằng, từ những chia sẻ quý báu của các chuyên gia không chỉ lan tỏa tri thức và khơi dậy cảm hứng sáng tạo, mà còn góp phần thúc đẩy những ý tưởng và dự án tiềm năng trong tương lai. Hội thảo sẽ trở thành diễn đàn kết nối thực chất giữa giảng đường và thị trường lao động – nơi sinh viên được tiếp cận với những kiến thức, chia sẻ thực tế từ ngành nghề, và DN có thể lan tỏa những ngọn lửa đam mê với ngành game, giúp những đam mê này tiếp tục được nuôi dưỡng và lan tỏa mạnh mẽ”, TS. Cao Minh Thắng chia sẻ.

Với tinh thần đó, PGDC 2025 sẽ là bước khởi đầu cho một chuỗi sự kiện thường niên, góp phần xây dựng hệ sinh thái game Việt sáng tạo, bản sắc và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Xây dựng một hệ sinh thái game năng động, hiện đại và mang đậm màu sắc khác biệt

PGS.TS. Trần Quang Anh, Phó Giám đốc PTIT chia sẻ, PGDC 2025, hội thảo đầu tiên về phát triển game được tổ chức tại Học viện, không chỉ là một sự kiện chuyên môn quan trọng mà còn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy đào tạo và kết nối sáng tạo. Đây là cơ hội để các chuyên gia, giảng viên và sinh viên cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng, đặc biệt là với những bạn trẻ nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà phát triển game trong tương lai.

dhm08070.jpg
PGS.TS. Trần Quang Anh: PGDC 2025 không chỉ mang lại giá trị chuyên môn mà còn là cầu nối giúp mở rộng hợp tác giữa nhà trường, DN và các tổ chức sáng tạo cùng xây dựng một hệ sinh thái game năng động, hiện đại và mang đậm màu sắc khác biệt

Theo PGS.TS. Trần Quang Anh, là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong mở chương trình đào tạo chính quy về thiết kế và phát triển game, PTIT luôn xác định rõ sứ mệnh của mình không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp sáng tạo mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành game Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.

Học viện không ngừng nỗ lực đổi mới, từng bước khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng trong lĩnh vực công nghệ truyền thông đa phương tiện, nơi kiến tạo không gian mở, sáng tạo và hợp tác giữa giảng viên, sinh viên, DN và cộng đồng.

“Hội thảo này chính là minh chứng sống động cho sự hội tụ của tri thức và đam mê, của khát vọng và hành động. PGDC 2025 không chỉ mang lại giá trị chuyên môn mà còn là cầu nối giúp mở rộng hợp tác giữa nhà trường, DN và các tổ chức sáng tạo cùng xây dựng một hệ sinh thái game năng động, hiện đại và mang đậm màu sắc khác biệt”, PGS.TS. Trần Quang Anh khẳng định

Xuyên suốt 2 ngày hội thảo (10-11/07/2025) là các phiên thảo luận chuyên sâu về thiết kế game, lập trình game, đồ họa game và đặc biệt là các công nghệ tiên tiến được áp dụng trong game.

Cụ thể như các tham luận:

Người Việt Nam làm Game Việt Nam” do ông Nguyễn Tuấn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển game VTC Studio trình bày, tập trung vào tầm nhìn và chiến lược phát triển game thuần Việt;

Hành trình làm Game: Từ đam mê đến sản phẩm thực tế” với sự chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Tiến, Giám đốc phát triển Game, VNG ZingPlay Games Studio, cung cấp cái nhìn thực tế về quá trình hiện thực hóa ý tưởng game;

My game career and key lessons learnt” của Nguyen Tri Nhan, VN Game Growth Project Specialist (xWF) và Gaby Hien, Manager, Game Business Development (SEA, AUZ), mang đến những kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia quốc tế;

Ứng dụng AI trong ngành Game” với phần trình bày của ông Nguyễn Tuấn Anh, CPO - Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ XGame, khám phá những tiến bộ và tiềm năng của AI trong phát triển game;…

dhm08142.jpg
dhm08287.jpg
dhm08309.jpg
PGDC 2025 không chỉ là một diễn đàn cập nhật thông tin mà còn là một cơ hội tuyệt vời để kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức trong hệ sinh thái phát triển game tại Việt Nam.

Với sự tham gia của các nhà phát triển game, nhà thiết kế game và các bạn học sinh, sinh viên có niềm đam mê sâu sắc với lĩnh vực này, PGDC 2025 khẳng định không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cập nhật xu hướng mới nhất trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, mà còn là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa các cá nhân và tổ chức trong hệ sinh thái game tại Việt Nam./.

Ánh Dương