Chuyển "trạng thái mới" cho chuyển đổi số quốc gia

Diễn đàn - Ngày đăng : 19:35, 11/07/2025

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao 4 đơn vị thuộc khối chuyển đổi số của Bộ đã triển khai các công tác chuyển đổi số thành công từ cuối năm 2018 và yêu cầu các đơn vị "chuyển trạng thái", tập trung kiến tạo thể chế, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt quốc gia.
Diễn đàn

Chuyển "trạng thái mới" cho chuyển đổi số quốc gia

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao 4 đơn vị thuộc khối chuyển đổi số của Bộ đã triển khai các công tác chuyển đổi số thành công từ cuối năm 2018 và yêu cầu các đơn vị "chuyển trạng thái", tập trung kiến tạo thể chế, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt quốc gia.

Ngày 11/7/2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với 4 đơn vị thuộc khối Chuyển đổi số (CĐS) của Bộ gồm: Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Vụ Kinh tế số và Xã hội số (KTS&XHS), Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số (CNS&CĐS) quốc gia.

toan-canh.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc.

Một số kết quả hoạt động

Tại buổi làm việc các đơn vị thuộc khối đã báo cáo kết quả công tác và một số kế hoạch công tác trong thời gian tới.

Người đứng đầu Cục CĐS quốc gia, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng cho biết, công việc của đơn vị đã tăng lên gấp nhiều lần so với 6 tháng đầu năm 2024 và Cục mong muốn hình thành bộ phận chuyên trách thực hiện các công việc được giao theo Nghị quyết 57 khi khối lượng công việc càng nhiều và tải nặng.

ong-phuc.jpg
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục CĐS quốc gia.

Cục cũng muốn thành lập đơn vị về AI để thu hút các nhân tài về công nghệ này để thúc đẩy ứng dụng AI tại Việt Nam.

Thông tin về sự phát triển của lĩnh vực KTS&XHS, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ KTS&XHS cho hay đơn vị đã thực hiện một số công việc thúc đẩy KTS như đo lường kết quả trực tuyến, hình thành hệ sinh thái và kết nối cung - cầu với sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả. Vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy KTS đã rõ ràng hơn.

ong-tuan.jpg
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ KTS&XHS.

Về XHS, Khung chương trình, tài liệu và bài giảng mẫu nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn (phiên bản 1.0) (văn bản số 3139/BTTTT-KTS&XHS ngày 31/7/2024); Khung kỹ năng số cho 4 nhóm đối tượng trong phong trào Bình dân học vụ số đã được ban hành. Hai nền tảng MOOCs tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia đã được công bố.

Thông tin về phổ cập chữ ký số (CKS) trên toàn quốc, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC cho biết đơn vị thời gian qua đã nỗ lực phổ cập CKS trong toàn xã hội.

ba-huong.jpg
Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC.

Đơn vị sẽ tiên phong xây dựng và triển khai kiểm toán kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ tin cậy, mở rộng ứng dụng dịch vụ tin cậy khi tích hợp các giải pháp dịch vụ tin cậy vào các chính sách, mô hình mới như: Công chứng điện tử, lưu trữ số, chứng thực thông điệp dữ liệu; Các thông điệp dữ liệu được sinh ra từ sản phẩm AI cũng được hướng tới xác thực, đảm bảo tính pháp lý.

Ông Chu Minh Hoan, Phó Viện trưởng Viện CNS&CĐS cho biết, Viện tham mưu cho Bộ trưởng nghiên cứu về công nghệ số (CNS), CĐS, giải pháp số và các nền tảng số quốc gia để phát triển chính phủ số, CĐS.

ong-hoan.jpg
Ông Chu Minh Hoan, Phó Viện trưởng Viện CNS&CĐS Quốc gia.

Định hướng phát triển của Viện năm 2026 - 2030 là nghiên cứu, xây dựng chính sách trong lĩnh vực phát triển CNS, CĐS; Nghiên cứu ứng dụng CNS vào tất cả các mặt đời sống xã hội để thúc đẩy chính phủ số, KTS, XHS; Làm đầu mối liên kết giữa các viện - trường – doanh nghiệp (DN) với người dùng để đưa CNS, CĐS vào các lĩnh vực trong xã hội; Đẩy mạnh tham gia đào tạo phát triển nhân lực về CNS.

Trở thành hạt nhân kiến tạo chính sách, thể chế số cho quốc gia

Qua lắng nghe các ý kiến của các đơn vị, các Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long, Hoàng Minh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng phát triển cho 4 đơn vị trong thời gian tới.

tt-long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long.
tt-minh.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh.

Đối với Cục CĐS quốc gia, Bộ trưởng cho biết đơn vị có hai nhiệm vụ là kiến tạo thể chế và thực hiện một số việc thuộc trách nhiệm quốc gia.

Về thiết kế thể chế cho một quốc gia số, Bộ trưởng lưu ý đơn vị nên đổi mới cách làm thể chế. “Cục cần trở thành trung tâm thiết kế thể chế, dữ liệu và mô hình điều hành quốc gia trong thời đại số. Cục cần “chuyển vai” từ điều phối kỹ thuật sang điều phối thể chế số. Phải là đơn vị đề xuất, thiết kế, xem quy định nào về CĐS cần sửa, sửa cái gì. Cục cần nhanh chóng lấp “lỗ hổng” này”.

Cục không chỉ là đơn vị kỹ thuật, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương về CĐS mà phải trở thành hạt nhân kiến tạo chính sách, thể chế số cho quốc gia.

“Nhiều quốc gia thành lập trung tâm thiết kế thể chế. Trung tâm này giống một phòng lab, nơi thiết kế ý tưởng, đưa vào mô hình phần mềm mô phỏng cho chạy để chỉ ra bất cập”.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Khối các đơn vị CĐS đã triển khai các công tác CĐS thành công từ cuối năm 2018 và đến nay cần chuyển đổi trạng thái mới để tiếp tục dẫn dắt CĐS quốc gia.

Bộ trưởng cho rằng Cục cần quan tâm, nghiên cứu đến khái niệm trở thành “Cục hạ tầng về tư duy số” để điều phối các chuẩn quốc gia về dữ liệu, AI, điện toán, tạo ra liên minh dữ liệu quốc gia giữa nhà nước, DN, viện nghiên cứu”.

Cùng với đó, “Cục cần quan tâm đầu tư những hạ tầng. Không có công cụ không làm được, không xuất sắc được”.

Cục cần tập trung dẫn dắt mô hình thí điểm quốc gia (sandbox). Thí điểm quốc gia có 2 loại: Thí điểm quốc gia và thí điểm theo lĩnh vực (và có thể theo vùng). “Cục CĐS Quốc gia phải chủ động làm việc này, triển khai thí điểm xuống cấp tỉnh, ngành”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một công việc Cục cần thực hiện là tái định hình của trung tâm điều hành (IOC) quốc gia và trục điều hành liên thông. “Chuyển IOC hiện đang chủ yếu dưới dạng giám sát dashboard sang mô hình IOC quản trị dữ liệu, điều hành thông minh, có mô phỏng, có dự báo, có ra quyết định dựa trên dữ liệu, có kết nối dữ liệu giữa các IOC, tạo ra hạ tầng dữ liệu điều hành quốc gia. Có nghĩa là từ IOC thành IOC quốc gia, dùng dữ liệu lớn, AI và phân tích các chính sách công”.

“IOC phải làm theo cách mới. Một là các địa phương làm dựa trên dữ liệu xong nối các IOC địa phương thành IOC quốc gia”.

Bộ trưởng cũng lưu ý Cục CĐS Quốc gia cần trở thành đầu mối quốc gia về hợp tác quốc tế về CĐS, quốc gia số.

Kiến tạo thể chế cho giao dịch điện tử, chữ ký

Đối với NEAC, Bộ trưởng chỉ đạo đơn vị cũng thực hiện các công việc điều phối quốc gia thuộc lĩnh vực của đơn vị quản lý. “Đơn vị cần kiến tạo thể chế cho giao dịch điện tử, CKS nằm trong bức tranh chung về CĐS quốc gia”.

Để triển khai, NEAC phải phổ cập nhanh CKS đạt 100% và trong năm 2026 phải kết thúc việc phổ cập.

“Chuyện tích hợp CKS vào mọi hoạt động trên môi trường số là quan trọng và bây giờ các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử đều cần và nó giống như là một dịch vụ. Việc này liên quan đến ứng dụng và ứng dụng này là vô cùng rộng rãi”, Bộ trưởng nói.

Điều phối về dẫn dắt về kinh tế số, xã hội số

Về phát triển KTS, Bộ trưởng nhấn mạnh Vụ KTS&XHS đóng vai kiến trúc sư tổng thể về thể chế, chiến lược phát triển KTS, lấy con người làm trung tâm, dữ liệu làm tài sản, lấy công nghệ làm động lực.

Trong bối cảnh ở Việt Nam, nhiều bộ, ngành làm KTS, XHS, Vụ KTS&XHS phải trở thành cơ quan điều phối chiến lược, liên quan đến tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn, kiến trúc hệ thống, thể chế, nhân lực KTS, XHS

Vụ cần đóng vai “nhạc trưởng”, thu hút nhiều bên cùng tham gia, trở thành trung tâm tích hợp, điều phối chiến lược toàn quốc về KTS&XHS. Cùng với đó, cần trở thành kiến trúc sư thể chế liên ngành, đặc biệt là dữ liệu và dịch vụ số, làm trung tâm phân tích tác động KTS&XHS để phát triển quốc gia.

Tiếp theo, đơn vị cần dẫn dắt hội nhập quốc tế về KTS&XHS; Hỗ trợ năng lực số toàn dân, đặc biệt là quan tâm đến nhóm yếu thế về XHS như người già không theo kịp về kỹ năng số.

Cụ thể, Bộ trưởng nêu rõ đơn vị phải làm điều phối là dẫn dắt về KTS. Theo đó, định hướng một số đổi mới về KTS là: chuyển trọng tâm từ số hóa dữ liệu sang kinh tế dữ liệu, theo đó, cần xây dựng và triển khai khung kinh tế dữ liệu quốc gia (data economy framework) hiện chưa có.

Tiếp theo, cần quan tâm đến thị trường dữ liệu sơ cấp, thứ cấp phục vụ KTS và những vấn đề thể chế về KTS; Thúc đẩy Việt Nam tham gia chuỗi giá trị số toàn cầu; Hỗ trợ các DN nhỏ, siêu nhỏ CĐS, gắn với thương mại số, logistics và quản trị thông minh, nhắm vào đối tượng DN nhỏ nhiều hơn; Định hình các công nghệ nền tảng như điện toán đám mây, điện toán biên, siêu máy tính, AI, IoT, blockchain… cho phát triển KTS.

Bộ trưởng cũng lưu ý đơn vị chuẩn hóa hệ thống thống kê các chỉ số và phân tích KTS. “KTS không chỉ công nghiệp, thương mại điện tử mà là KTS các ngành… Đơn vị cần thống nhất các tiêu chí thống kê, phân tích KTS theo thông lệ quốc tế mới”.

Về XHS, Bộ trưởng đề nghị đơn vị cần đặt người dân là trung tâm của chiến lược CĐS, KTS, XHS, đảm bảo dịch vụ số cơ bản cho toàn dân. Theo đó, cần định nghĩa các dịch vụ cơ bản như dịch vụ công, bảo hiểm số, ngân hàng số…

Tiếp theo, cần quan tâm giảm bất bình đẳng số và công bằng trong tiếp cận công nghệ; Triển khai các chương trình xóa mù chữ cho người cao tuổi, dân tộc thiểu số, người lao động phổ thông; Xem xét chính sách hỗ trợ giá thiết bị số, hạ tầng viễn thông đến vùng sâu, xa; Thiết kế không gian số an toàn, văn minh và nhân văn; Định nghĩa các khái niệm không gian số, bình dân học vụ số, sự thao túng của tin giả, thuật toán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…

Theo Bộ trưởng, hiện chưa có định nghĩa thuật toán là một loại thuốc gây nghiện. “Thuốc gây nghiện thì cấm nhưng thuật toán gây nghiện thì chưa. Con cái chúng ta xem điện thoại tới 8 giờ/ngày, không luyện tập thể thao, thì đó sẽ là hủy hoại dân tộc… theo đó, phải định nghĩa và ra quy định”.

Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số phải trở thành “think tank” chiến lược về lĩnh vực

Đối với Viện CNS&CĐS, Bộ trưởng yêu cầu phải trở thành đơn vị “think tank” về chiến lược, nghiên cứu chính sách, công nghệ, thử nghiệm mô hình CNS, CĐS quốc gia, các mô phỏng và dẫn dắt lĩnh vực bằng kiến thức, dữ liệu, sáng kiến, thể chế; Tập trung nghiên cứu mô hình, công nghệ mới và đặc biệt phải có những phân tích sâu.

Theo Bộ trưởng, Viện không phải là nơi phát triển công nghệ nhưng phải là nơi hiểu công nghệ, thiết kế những thể chế, kiến trúc thử nghiệm ứng dụng phù hợp với công nghệ, cảnh báo rủi ro công nghệ.

Bộ trưởng nhấn mạnh Viện phải là “think tank” về công nghệ, làm kiến trúc sư về công nghệ cho khu vực công; trở thành trung tâm kiến thức trung lập về công nghệ.

Viện cần trở thành trung tâm dữ liệu phân tích, mô phỏng chính sách CNS, CĐS. Theo đó, Viện có thể tập hợp dữ liệu tích hợp từ các đơn vị khác trong và ngoài Bộ rồi mô phỏng, phân tích dữ liệu lớn về hành vi người dân, dịch vụ hành chính công, xây dựng các công cụ mô phỏng chính sách (digital policy engine), để phân tích tác động.

Cùng với đó, Viện lưu ý đến công tác đào tạo CNS, CĐS; Hợp tác quốc tế với các Viện nghiên cứu khác trên thế giới về CĐS quốc gia, các chính sách số.

Bước sang giai đoạn mới với cách tiếp cận mới

Bộ trưởng đánh giá cao khối các đơn vị khối CĐS đã triển khai các công tác CĐS thành công từ cuối năm 2018 và đến nay cần khởi động chuyển đổi trạng thái mới để tiếp tục dẫn dắt CĐS quốc gia.

Bộ trưởng yêu cầu 4 đơn vị cần liên thông nội khối và với các đơn vị bên ngoài khối với nhau để trở thành một chỉnh thể hoàn chỉnh. “Bốn đơn vị cần nâng tầm hoạt động trở thành các đơn vị dẫn dắt quốc gia trong lĩnh vực CĐS, KTS, XHS”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khối phải trách nhiệm mới, sứ mệnh mới và phải nỗ lực. Bốn đơn vị thời gian qua đã làm tốt thì nay cần bước sang một trang mới. "Giai đoạn mới thì cần một trang mới, tiếp cận mới, đặc biệt là phải có công cụ xuất sắc để dẫn dắt. Các đơn vị nghiên cứu bổ sung các công cụ".

Bộ trưởng lưu ý về nhân lực cho các đơn vị. “Nghề của các đơn vị quản lý nhà nước là nghề thực thi, theo đó, 90 - 95% cán bộ là cần người có thái độ tốt, tinh thần phục vụ người dân, DN, trung thành với quốc gia. 5% nhân lực còn lại, các đơn vị cần tận dụng nhân lực toàn cầu.

Cuối cùng, Bộ trưởng chúc các đơn vị trong khối CĐS của Bộ chuyển sang một giai đoạn mới để dẫn dắt công cuộc CĐS quốc gia để đất nước trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, vững mạnh và phát triển./.

Hoàng Linh