Học viện Chiến lược KH&CN phải trở thành đơn vị “xương sống” của Bộ KH&CN
Diễn đàn - Ngày đăng : 19:25, 14/07/2025
Học viện Chiến lược KH&CN phải trở thành đơn vị “xương sống” của Bộ KH&CN
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chỉ đạo Học viện Chiến lược KH&CN cần trở thành đơn vị chủ lực thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và là đơn vị “xương sống” trong các mặt công tác của Bộ KH&CN.
Ngày 14/7/2025, tại Hà Nội, Đảng bộ Học viện Chiến lược KH&CN đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng chí Bùi Thế Duy, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội có hơn 140 đảng viên đang sinh hoạt tại các cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ.
Đảng bộ Học viện là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Bộ KH&CN, được thành lập ngày 1/7/2025 theo Quyết định số 133-QĐ/ĐU của Đảng uỷ Bộ KH&CN, trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN &ĐMST); Chi bộ Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Chi bộ Tạp chí KH&CN Việt Nam; Chi bộ Tạp chí TT&TT; Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập KH&CN quốc tế; Chi bộ Viện Chiến lược TT&TT.
Đảng bộ Học viện Chiến lược KH&CN có 147 Đảng viên và 8 Chi bộ trực thuộc. Trong đó, có 142 đảng viên chính thức, 5 đảng viên dự bị.

Đại hội đã lắng nghe báo cáo chính trị của Đại hội, báo cáo tổng hợp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp và tham luận của một số đơn vị thuộc Học viện.

Dấu ấn nhiệm kỳ
Về nghiên cứu khoa học, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện đã tổ chức hoạt động nghiên cứu KH&CN với các trọng tâm:
(1) Nghiên cứu dài hạn để giải quyết các vấn đề mang tính nền tảng, định hướng lâu dài của ngành KH&CN;
(2) Nghiên cứu ngắn hạn để giải quyết các vấn đề cấp bách, phục vụ trực tiếp công tác tham mưu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN và ĐMST của Bộ KH&CN;
(3) Nghiên cứu phục vụ công tác đào tạo để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chất lượng và hiệu quả.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, Học viện đã xây dựng, trình Bộ KH&CN phê duyệt và triển khai các Chương trình: Chương trình KH&CN cấp Bộ giai đoạn 2017 - 2020 “Giải pháp chính sách KHCN&ĐMST nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng”; Chương trình KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu định hướng chiến lược phát triển KHCN và ĐMST giai đoạn 2021- 2030”; Chương trình KH&CN cấp Bộ giai đoạn 2021- 2025 “Nghiên cứu một số vấn đề trong quản lý nhà nước tại Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy hoạt động ĐMST ở Việt Nam”...
Thông qua việc triển khai đồng bộ các chương trình KHCN trên cùng với các nhiệm vụ KH&CN khác, Học viện đã bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về công tác nghiên cứu khoa học theo các lĩnh vực trong những năm qua.
Về đào tạo, bồi dưỡng, Học viện đã cơ bản triển khai đầy đủ, đồng bộ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động đào tạo sau đại học, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã đi vào ổn định, bảo đảm chất lượng theo quy định. Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức KH&CN giai đoạn 2018 - 2023 của Học viện đã được Lãnh đạo Bộ ghi nhận và đánh giá cao, được giới thiệu với Bộ Nội vụ để xem xét tuyên dương khen thưởng.
Về tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách và pháp luật về KHCN và ĐMST; triển khai và đánh giá chiến lược, chính sách KHCN và ĐMST, mặc dù là đơn vị mới thành lập nhưng Học viện đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu có năng lực, trình độ để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tư vấn về cơ chế, chính sách, chiến lược về KHCN và ĐMST cho Bộ KH&CN.
Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, Học viện đã tổng hợp, cung cấp nhiều luận cứ khoa học có giá trị phục vụ lãnh đạo Bộ, các hoạt động liên quan của Bộ KH&CN trong thời gian qua.
Về biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tạp chí về kết quả nghiên cứu, giáo trình, tài liệu giảng dạy về quản lý KHCN và ĐMST và các lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luận đang được Học viện từng bước kiện toàn.
Về thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện đã tích cực tìm kiếm, khai thác, thiết lập các kênh hợp tác quốc tế liên quan đến KHCN và ĐMST.
Trong những năm qua, Học viện đã xúc tiến và thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế trên thế giới. Học viện đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với các đối tác: Đại học Arizona (Mỹ); Đại học Thanh Hoa (Đài Loan Trung Quốc); Viện Nghiên cứu Chính sách KH&CN Hàn Quốc (STEPI); Viện Quản lý KH&CN Lào; Bộ KHCN và Môi trường Cu Ba; Tổ chức SHTT thế giới (WIPO)….
Học viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy phát triển hoạt động hợp tác quốc tế. Trong thời gian ngắn, Học viện đã tạo lập được mạng lưới đối tác hợp tác quốc tế rộng khắp, triển khai được nhiều hoạt động, nhiệm vụ quan trọng, đóng góp rất tích cực vào các hoạt động chung của Bộ KH&CN cũng như khẳng định được vị thế của đơn vị trên diễn đàn quốc tế.
Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Thông tin các chỉ tiêu phát triển của Đảng uỷ Học viện trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Học viện cho biết, trong nhiệm kỳ tới, Học viện phấn đấu 100% đảng viên tham gia học tập, quán triệt các văn kiện, đường lối của Ban Chấp hành Trung ương và Đảng uỷ cấp trên; Bồi dưỡng, kết nạp ít nhất 10 - 15 đảng viên mới, đảm bảo chất lượng theo quy định của Điều lệ Đảng; Phân loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm, phấn đấu 100% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 20% tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Học viện Chiến lược KH&CN phấn đấu về năng lực phân tích và tư vấn chính sách chiến lược KHCN và ĐMST thiết lập 1 bộ tiêu chuẩn quốc gia về khung chuẩn phân tích chính sách KHCN và ĐMST; Xây dựng các mô hình dự báo công nghệ (foresight) đối với 3 lĩnh vực AI, công nghệ xanh và y-sinh; Ít nhất 5 chính sách quốc gia có sự tham gia tư vấn trực tiếp của Học viện.
Về phát triển hệ sinh thái dữ liệu chiến lược KHCN và ĐMST quốc gia, Học viện xây dựng 5 cơ sở dữ liệu (CSDL) về đầu tư KH&CN, doanh nghiệp ĐMST, 1 hệ thống báo cáo trực tuyến; Cung cấp dịch vụ dữ liệu chiến lược KHCN và ĐMST cho 20 tổ chức cấp chiến lược.
Về đào tạo, bồi dưỡng, mở chương trình đào tạo thạc sĩ Chiến lược và chính sách KHCN và ĐMST 1 khóa/năm (từ 2026); Mỗi năm đào tạo/bồi dưỡng 200 cán bộ chiến lược KHCN và ĐMST cấp bộ, tỉnh, trong đó 5-10% là học viên quốc tế.
Về hợp tác và hội nhập quốc tế, ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với 3 tổ chức quốc tế (dự kiến STEPI, NISTEP, OECD TIP); Tham gia/chủ trì 2 hội nghị quốc tế /năm, ít nhất 1 báo cáo/năm tại Diễn đàn chính sách KH&CN OECD.

Tạp chí KH&CN Việt Nam góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện
Tham luận về nâng cao chất lượng Tạp chí KH&CN Việt Nam, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện Chiến lược KH&CN, đại diện Tạp chí KH&CN Việt Nam thông báo tin vui là theo Quyết định số 26/QĐ-HĐGSNN ngày 11/7/2025 phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2025 thì Tạp chí KH&CN Việt Nam đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét tính điểm hoặc bổ sung mới ở 10 ngành/liên ngành.
Cụ thể, Tạp chí bản B hiện được tính điểm tại 26/28 Hội đồng (hai Hội đồng Quốc phòng và An ninh không tính điểm do đặc thù chuyên môn). Tạp chí bản C được tính điểm ở 16/17 Hội đồng; Tạp chí bản D được tính điểm ở 8/9 Hội đồng. Đặc biệt, Tạp chí bản A dù chủ yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước vẫn được tính điểm ở 2 Hội đồng. Đây là một bước tiến quan trọng khẳng định vị thế học thuật và ảnh hưởng chuyên môn của Tạp chí trong hệ thống khoa học và giáo dục đại học Việt Nam.
Trong khi đó, tại Hội đồng Giáo sư ngành CNTT: Chuyên san "Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông" được tính đến 0,75 điểm, chuyên san tiếng Anh được tính đến 1 điểm. Tại Hội đồng Giáo sư ngành Điện, điện tử: Chuyên san “Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng và công nghệ thông tin và truyền thông” được tính đến 1 điểm.
Về phương hướng và giải pháp chính trong nhiệm kỳ tới, đại diện Tạp chí cho biết, Tạp chí sẽ đảm bảo chất lượng, số lượng bài viết; Kiện toàn Hội đồng Biên tập; Nâng cao chất lượng phản biện; Đổi mới đội ngũ biên tập; Tăng cường truyền thông - quảng bá và Hợp tác quốc tế; Đẩy mạnh truyền thông chính sách...
Trở thành đơn vị “xương sống” của Bộ KH&CN
Chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chúc mừng các đồng chí đã được Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ KH&CN chỉ định tham gia BCH Đảng bộ Học viện.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Học viện là đơn vị mới và có tổ chức đa dạng của Bộ KH&CN. Đại hội hôm nay đặt ra sứ mệnh, trọng trách lớn đối với Đảng bộ Học viện trong giai đoạn mới khi đơn vị mới đi vào hoạt động từ 1/7/2025 sau hợp nhất 7 đơn vị. Các đơn vị đều có truyền thống, bề dày có bề dày lịch sử, có giai đoạn phát triển huy hoàng như Viện Chiến lược KH&CN, Viện Chiến lược TT&TT, hai Tạp chí KH&CN, Tạp chí TT&TT đều có hơn 60 năm hình thành phát triển.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, do bối cảnh với nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan như chuyển đổi số, Internet phát triển Internet, sự phát triển mạnh mẽ của AI như chatGPT, sự đầu tư nghiên cứu chính sách chưa đủ lớn… nên công tác dẫn dắt về xây dựng chiến lược, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về KHCN, ĐMST và CĐS chưa được như kỳ vọng.
Để hình thành một đơn vị mạnh, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ các liên kết công tác trong tất cả các đơn vị trong Học viện, gắn kết từ đơn vị nghiên cứu chính sách, đào tạo, bồi dưỡng… đến công bố kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, 5 luật về các lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS vừa được thông qua có sự đóng góp của các đơn vị nghiên cứu, xây dựng chính sách. Các cán bộ nghiên cứu chính sách của Học viện trong nhiều năm là những chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS.
Theo Thứ trưởng, Đảng uỷ Bộ tái cơ cấu lại Học viện với kỳ vọng Học viện tập trung phát triển về lý luận kiến thức KHCN, ĐMST và CĐS. "Đại hội hôm nay là dấu mốc để các đơn vị của Học viện bước sang một trang mới".
Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, Học viện đang có những khó khăn khi nhiều đơn vị khác nhau được hợp nhất nhưng cũng là một thuận lợi để các đơn vị có một khởi đầu phát triển mới và bắt đầu từ đầu.
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, Thứ trưởng đề nghị Học viện cần có những định hướng quyết liệt, đổi mới phương thức đào tạo bồi dưỡng, bỏ qua những cái cũ, đã thành lối mòn. Theo đó, Học viện có thể mời các chuyên gia, nghiên cứu sinh chia sẻ những chuyên đề nghiên cứu và gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo.
Để phát triển Học viện trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị Đảng ủy Học viện tập trung vào những nội dung trọng tâm: Bộ máy, con người và chiến lược...
Đầu tiên là Học viện đã có Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Giám đốc Học viện, tiếp theo cần kiện toàn công tác cán bộ phù hợp cho các đơn vị và phát triển đội ngũ trong giai đoạn mới.
Học viện được hợp nhất các đơn vị mạnh nên phải trở thành đơn vị lớn, “xương sống” của Bộ, là một phần quan trọng trong triển khai Nghị quyết 57 tại ngành KH&CN và trong cả nước. Theo đó, Học viện cần tạo điều kiện cho các cán bộ trong Học viện phát huy, cống hiến và được đào tạo. Học viện cần mời các cán bộ tâm huyết, phù hợp về cộng tác, làm việc cho Học viện trong thời gian tới.
Thứ trưởng cho biết, Luật KHCN và ĐMST vừa được Quốc hội thông qua được xem là hành lang pháp lý thông thoáng cho Học viện phát triển khi cho phép các đơn vị như Học viện đề xuất các gói kinh phí nghiên cứu để tự phát triển. Học viện cần mạnh dạn giao đề tài nghiên cứu nhỏ cho các cán bộ trẻ để cán bộ trẻ tự chủ trong nghiên cứu và cam kết đầu ra của đề tài. Việc này giúp cho các cán bộ trẻ có không gian sáng tạo, tự do phát triển, xây dựng môi trường nghiên cứu học thuật lành mạnh.
Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị Học viện cần cơ chế để các cán bộ chuyên môn tham gia vào một số hoạt động của Bộ KH&CN để "vừa tư vấn vừa học hỏi từ thực tế".
Học viện cũng cần trở thành cái nôi đào tạo, bồi dưỡng hàng đầu về KHCN, ĐMST và CĐS của Việt Nam. Hai mô hình đào tạo, bồi dưỡng xuất sắc mà Học viện có thể tham khảo là Trường bồi dưỡng Lý Quang Diệu và Trường hành chính công của Nhật Bản. “Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần cập nhật thường xuyên nội dung, vấn đề, công nghệ mới như đào tạo ứng dụng AI trong công tác quản lý nhà nước, đào tạo kỹ năng số cho vận hành chính quyền 2 cấp, đặc biệt ở cấp phường, xã.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng, Tạp chí KH&CN cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chuyên môn. Trung tâm tư vấn chiến lược chính sách KH&CN phải tạo ra các dịch vụ cho xã hội cần, hỗ trợ cho ngành, doanh nghiệp KHCN, công nghệ.
Để Học viện vận hành được, Thứ trưởng cho rằng khối hành chính của Học viện phải có sự nỗ lực rất lớn, tạo thuận lợi cho các cán bộ chuyên môn của Học viện. Cùng với đó là phải "chăm lo đời sống cho anh em" bởi làm được sẽ gắn kết các cán bộ của Học viện./.