Việt Nam thuộc top 5 toàn cầu về mức độ tin tưởng và chấp nhận AI

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 16:05, 21/07/2025

Việt Nam xếp hạng 6/40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên Bảng chỉ số AI thế giới và vượt qua nhiều quốc gia phát triển về mức độ quan tâm và thái độ tích cực dành cho AI.
Chuyển động ICT

Việt Nam thuộc top 5 toàn cầu về mức độ tin tưởng và chấp nhận AI

TH 21/07/2025 16:05

Việt Nam xếp hạng 6/40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên Bảng chỉ số AI thế giới và vượt qua nhiều quốc gia phát triển về mức độ quan tâm và thái độ tích cực dành cho AI.

ai-la-gi.jpeg

Theo kết quả vừa được công bố trong Bảng Chỉ số AI thế giới, Việt Nam ghi dấu ấn khi xếp hạng thứ 6 trên tổng số 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, đạt 59,2 điểm trên thang điểm 100.

Chỉ số này do WIN (Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu - Worldwide Independent Network of Market Research) thực hiện, nhằm đo lường mức độ nhận thức, sử dụng, tin tưởng và lo ngại của người dân tại 40 quốc gia thuộc 5 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương) đối với trí tuệ nhân tạo (AI).

Chỉ số AI thế giới được đánh giá dựa trên 7 chỉ số thành phần: Mức độ chấp nhận AI; Mức độ tin tưởng AI; Khả năng sử dụng AI; Mức độ hiệu quả của AI; Mức độ quan tâm đến AI; Mức độ thoải mái với AI và Mức độ sử dụng AI.

1.png
2.png
Chỉ số chung của Việt Nam được tính dựa trên trung bình của 7 chỉ số thành phần liên quan đến AI.

Việt Nam ghi dấu ấn nổi bật nhờ một bộ phận dân cư đô thị năng động, cởi mở, hứng thú và tự tin với các công nghệ mới. Đáng chú ý, Việt Nam còn vượt qua nhiều quốc gia phát triển về mức độ quan tâm và thái độ tích cực dành cho AI.

Từ sự tò mò đến tinh thần lạc quan, Việt Nam đang thể hiện những tín hiệu rõ ràng của một quốc gia sẵn sàng đón nhận và tận dụng cơ hội trong kỷ nguyên AI.

Bên cạnh đó, Việt Nam xếp thứ 3 toàn cầu về Mức độ tin tưởng (65,6 điểm) và đứng thứ 5 về mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm). Các chỉ số về mức độ quan tâm, cảm giác thoải mái khi sử dụng và nhận thức về tính hữu ích của người Việt về AI cũng đều vượt mức trung bình toàn cầu. Đây là những tín hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin vào công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh trong xã hội Việt Nam, giúp củng cố vị trí của đất nước trong nhóm 10 quốc gia dẫn đầu.

Tuy nhiên, mức độ sử dụng thực tế còn khá khiêm tốn, chỉ đạt 37,6 điểm, xếp thứ 17 trong tổng số 40 quốc gia. Đây cũng là chỉ số mà Việt Nam nhận được mức xếp hạng thấp nhất. Dữ liệu khảo sát tại Việt Nam do Indochina Research Vietnam thực hiện tại 4 thành phố lớn cho thấy có khoảng 60% người đã từng sử dụng công nghệ AI, nhưng chỉ 3% sử dụng hằng ngày.

AI được sử dụng nhiều nhất ở người trẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Một số kết quả cũng cho thấy, nhóm người dùng AI chủ yếu là người trẻ từ 18 - 34 tuổi, đặc biệt là những người đang sinh sống tại hai trung tâm đô thị lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong khi đó, người dân tại Đà Nẵng và Cần Thơ có tỷ lệ sử dụng AI thấp hơn đáng kể, phản ánh sự chênh lệch về khả năng tiếp cận công nghệ giữa các đô thị trung tâm và khu vực cấp hai.

Trong nhóm tuổi trẻ nhất được khảo sát (18 - 24 tuổi), khoảng 9/10 người tại Hà Nội (89%) và TP. Hồ Chí Minh (87%) cho biết họ đã từng chủ động sử dụng công nghệ AI. Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng thấp nhất được ghi nhận ở nhóm người từ 55 - 64 tuổi sống tại Đà Nẵng, với chỉ 1/10 người từng có trải nghiệm với AI.

3.png
Tỷ lệ sử dụng được tính dựa trên số người trong từng nhóm tuổi và thành phố cho biết đã từng sử dụng AI.

Nhìn chung, mức độ sử dụng AI giảm dần theo độ tuổi. Người lớn tuổi thường ít quan tâm hơn và vì thế cũng ít quen thuộc hơn với các công nghệ này. Đây là xu hướng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia khác.

Ông Xavier Depouilly, Tổng Giám đốc Indochina Research Vietnam, nhận định: “Đây là xu hướng toàn cầu: Càng trẻ, mức độ sử dụng AI càng cao. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Dù tần suất sử dụng vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực, thế hệ trẻ Việt Nam đang sẵn sàng đón nhận công nghệ mới. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và chuyển đổi số của đất nước. Thậm chí, nhiều sáng kiến tại Việt Nam đang giúp người dùng “nhảy cóc công nghệ”, dễ dàng bỏ qua những công nghệ cũ để nhanh chóng tiếp cận với những ứng dụng AI hiện đại".

Bảo mật dữ liệu là mối quan ngại hàng đầu tại Việt Nam

Việc AI xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống hàng ngày cũng khiến người dân đặt ra nhiều câu hỏi. Ngay cả tại những quốc gia có thái độ cởi mở với AI như Việt Nam, nhiều người vẫn quan ngại về tác động tiêu cực của công nghệ này đối với cá nhân và xã hội.

Tại Việt Nam, cũng như các nước châu Á - Thái Bình Dương khác, quyền riêng tư dữ liệu là mối lo ngại lớn nhất, với 52% người được khảo sát bày tỏ sự lo lắng về cách AI thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân.

Tiếp theo đó là nỗi lo AI có thể thay thế con người trong công việc, được chia sẻ bởi 48% người tham gia khảo sát. Đây là một quan ngại phổ biến ở cả các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Đáng chú ý, trong khi nỗi lo về thông tin sai lệch (deepfake, thao túng dư luận) được xem là mối quan ngại hàng đầu tại nhiều quốc gia phát triển, thì tại Việt Nam, chỉ có 36% người được khảo sát bày tỏ lo lắng về vấn đề này - mức thấp nhất trong số các mối quan ngại với người Việt. Sự chênh lệch này phản ánh khác biệt rõ nét trong nhận thức giữa người dân Việt Nam và người dân tại các quốc gia châu Âu hoặc châu Mỹ, nơi mà lo ngại về thông tin sai lệch thường được đặt lên hàng đầu.

Một số khuyến nghị

Thứ hạng cao của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số AI thế giới là minh chứng cho một tương lai số đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, theo Indochina Research, Việt Nam cần mở rộng khả năng tiếp cận AI, tới những khu vực ngoài đô thị và với nhóm dân số lớn tuổi. Đồng thời tăng cường giáo dục và truyền thông, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của AI và giảm bớt lo ngại khi sử dụng AI trong cuộc sống; xây dựng lòng tin với AI, bằng cách đảm bảo các hệ thống AI minh bạch, đáng tin cậy và an toàn

Thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận lớn người dân chưa có cơ hội tiếp cận AI. Đây chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh việc thử nghiệm, sử dụng và lan tỏa AI một cách rộng rãi hơn.

Khi AI ngày càng định hình cách con người sống và làm việc, Việt Nam cần đảm bảo rằng quá trình phát triển này sẽ mang tính toàn diện và bao trùm, nhằm duy trì lợi thế hiện tại và vươn xa hơn trong tương lai./.

TH