Quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm AI

Cơ chế, chính sách nào cho Việt Nam?

Tóm tắt nội dung

* Bối cảnh và sự cần thiết

- Theo số liệu khảo sát chưa đầy đủ, trong nước có tới 164 doanh nghiệp (DN) có các hoạt động kinh doanh, phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).

- Các sản phẩm AI trong nước được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực như hành chính công, tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử (TMĐT), y tế, giáo dục,… đã phần nào phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất làm việc của cá nhân, tổ chức, DN.

- Đặc thù của các sản phẩm, dịch vụ AI là luôn có sự sáng tạo, đổi mới về giải pháp, tính năng mà những sản phẩm khác không có (chẳng hạn như tính năng suy diễn, ra quyết định, các cơ cấu chấp hành, môi trường hoạt động). Những tính năng này tương đối nhạy cảm và chưa có các văn bản pháp lý để điều chỉnh.

* Đề xuất, kiến nghị

- Đề xuất lĩnh vực trọng điểm ưu tiên nghiên cứu sản xuất, sử dụng sản phẩm ứng dụng AI: Chính phủ số; truyền thông và báo chí TMĐT, tài chính, ngân hàng; Giáo dục và đào tạo; Logistics; Giao thông thông minh và đô thị thông minh; Y tế, chăm sóc, rèn luyện sức khỏe; Nông nghiệp; Công nghiệp, chế tạo; Môi trường.

- Đề xuất về xây dựng và ban hành các biện pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ AI sản xuất trong nước: Xây dựng triển khai các phòng thí nghiệm về AI; Xây dựng các trung tâm trình diễn về AI; Triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ công nghệ, nhận thức về AI; Xây dựng đội ngũ chuyên gia, đào tạo nhân tài trong lĩnh vực AI; Ưu đãi đặc biệt cho các sản phẩm AI sản xuất trong nước; Từng bước xây dựng ban hành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về AI.

- Các đề xuất cụ thể trong thời gian tới: Xây dựng lộ trình tiêu chuẩn hóa về AI; Xây dựng quy định quản lý sản phẩm, ứng dụng AI trong nước; Ban hành cơ chế sáng tạo, đổi mới thúc đẩy phát triển ứng dụng AI theo mô hình cơ chế thử nghiệm hộp cát (sandbox).

Bài viết cung cấp một số thông tin, nhận xét về hiện trạng phát triển, ứng dụng sản phẩm AI trong nước để từ đó nhận diện các vấn đề phải giải quyết trong hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đó tác giả đề xuất một số biện pháp về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng; phát huy hiệu quả cũng như hạn chế các tác động rủi ro đối với xã hội trong triển khai, ứng dụng sản phẩm dựa trên công nghệ AI.

Bối cảnh và sự cần thiết phải có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển và quản lý sản phẩm AI tại Việt Nam

Triển khai ứng dụng các sản phẩm AI trong trong nước hiện nay có xu hướng ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả của hoạt động trong các tổ chức, doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh (SXKD), học tập, làm việc ở mọi lĩnh vực. Sự gia tăng này xuất phát từ các chủ trương lớn của Nhà nước về thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số (CĐS) cũng như nhu cầu của bản thân các tổ chức, DN ứng dụng công nghệ để đổi mới, cải tiến các quá trình quản lý, SXKD, công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả SXKD, giảm giá thành sản phẩm, tạo các giá trị mới cho hoạt động của mình, hướng tới tham gia hoặc liên kết tạo các hệ sinh thái, chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.

Theo số liệu khảo sát chưa đầy đủ trong nước có tới 164 DN có các hoạt động kinh doanh, phát triển các sản phẩm AI. Các công ty, tập đoàn lớn trong nước trong thời gian qua đã nắm bắt xu hướng phát triển, nhu cầu của thị trường đã đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực AI. Công ty FPT đã cho ra mắt FPT.AI, nền tảng để tạo ra các sản phẩm như hội thoại thông minh (FPT.AI Chat), xử lý ảnh và tài liệu (FPT.AI Read). Viện nghiên cứu phát triển AI của Tập đoàn Vingroup (VinAI) nghiên cứu tạo ra các sản phẩm như hệ thống giám sát người lái và hành khách (DMS), hệ thống phân tích hình ảnh X-quang trợ giúp bác sỹ chuẩn đoán lâm sàng (DrAidTM). Tập đoàn Viettel đã đưa ra các sản phẩm Trợ lý ảo mạng (Cyberbot), hệ thống giám sát, thu thập danh tiếng thương hiệu (Reputa). Tập đoàn VNPT cung cấp các sản phẩm cho DN trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính như Định danh điện tử (eKYC), Trích xuất, phân loại thông tin (SMART RPA).

Ngoài ra phải kể đến vai trò quan trọng của các DN nhỏ, khởi nghiệp trong lĩnh vực này; là nơi nảy sinh các ý tưởng, giải pháp mới, nắm giữ các kỹ thuật, công nghệ để phát triển các sản phẩm AI. Điển hình là công ty như Aimesoft, Beet Innovators, Hekate, SaigonAI… đã có các sản phẩm đa dạng, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho các đối tác phát triển sản phẩm AI.

Các sản phẩm AI trong nước được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực như hành chính công ở các tỉnh thành (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh v.v..); các lĩnh vực kinh tế xã hội khác như tài chính, ngân hàng, TMĐT, y tế, giáo dục, dân dụng v.v… đã phần nào phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất làm việc của cá nhân, tổ chức, DN. Tuy vậy, các sản phẩm AI chưa được quan tâm nhiều trong việc đáp ứng các yêu cầu thuật cũng như phi kỹ thuật; tài liệu kỹ thuật chưa thể hiện đặc tính kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn áp dụng, chỉ số đo lường đánh giá các khía cạnh thực thi kỹ thuật. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho các đối tác trong quá trình thiết kế, triển khai, vận hành, sử dụng các sản phẩm AI; đặc biệt là trong đánh giá, xác minh, thẩm định kỹ thuật, chất lượng; xác định các yếu tố rủi ro, tác động tới xã hội, người dùng trong quá trình hoạt động.

Đặc thù của các sản phẩm, dịch vụ AI là luôn có sự sáng tạo, đổi mới về giải pháp, tính năng mà những sản phẩm khác không có (chẳng hạn như tính năng suy diễn, ra quyết định, các cơ cấu chấp hành, môi trường hoạt động). Những tính năng này tương đối nhạy cảm và chưa có các văn bản pháp lý để điều chỉnh. Một vấn đề nữa là khả năng tiếp cận thị trường các sản phẩm AI còn nhiều hạn chế do thiếu môi trường, không gian trình diễn, thử nghiệm; nơi các nhà cung cấp, các bên sử dụng có thể tiếp xúc, chứng kiến hoạt động của loại hình sản phẩm mới mẻ này để đánh giá tính hiệu quả cho mục đích sử dụng cụ thể.

Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển ứng dụng AI đối với phát triển kinh tế, xã hội đã được thể hiện trong Quyết định số 127/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030”. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần xây dựng, triển khai các biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu theo Quyết định nói trên, đó là phải nhận diện các vấn đề cần quản lý để từ đó đề ra chính sách, biện pháp nhằm giải quyết một cách hài hòa giữa thúc đẩy phát triển ứng dụng sản phẩm AI, phát huy mặt tích cực đồng thời hạn chế các rủi ro tiêu cực mà nó có thể mang lại. Đây là vấn đề mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đề xuất, khuyến nghị

Các chỉ dẫn về khung chính sách xác định những nội dung, vấn đề cần xây dựng, ban hành quy định xét dưới góc độ quản lý nhà nước ở dạng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các quy định được ban hành và đặc thù đối với loại hình sản phẩm này. Theo đó, các mục tiêu chủ yếu là:

- Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các hệ thống, sản phẩm, dịch vụ AI;

- Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, ứng dụng AI hợp pháp, an toàn và đáng tin cậy, ngăn chặn sự phân mảnh thị trường.

Từ các mục tiêu chủ yếu, một số đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển và quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm AI ở Việt Nam được trình bày trong các phần dưới.

1. Đề xuất lĩnh vực trọng điểm ưu tiên nghiên cứu sản xuất, sử dụng sản phẩm ứng dụng AI

Về chủ trương phát triển AI sẽ không giới hạn trong bất cứ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, trước mắt cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm sau:

Chính phủ số: Sử dụng AI để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, song hành với việc thúc đẩy CĐS; xây dựng, ứng dụng các mô hình phân tích, thống kê, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp các sở cứ ra quyết định trợ giúp hoạt động xây dựng ban hành chính sách, quy định quản lý một cách hiệu quả hơn.

Lĩnh vực truyền thông và báo chí: Sử dụng AI để trợ giúp các hoạt động quản lý như tăng cường an ninh, an toàn không gian mạng; giám sát, phân tích, xử lý thông tin xấu độc, sai sự thật và vi phạm pháp luật. Ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất và phân phối chương trình; tự động hoặc ảo hóa các nghiệp vụ truyền thông, phát thanh, truyền hình v.v…

TMĐT, tài chính, ngân hàng: Triển khai các ứng dụng AI hỗ trợ mua sắm, cải thiện trải nghiệm người dùng, quản lý đơn đặt hàng, tiếp thị, dự báo thị trường, nhu cầu, phát hiện xử lý các gian lận trong giao dịch thương mại, tài chính thông minh.

Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT): Ứng dụng AI để tự động hóa các quy trình quản lý trong lĩnh vực GD&ĐT (quản lý hành chính, khóa học, lập lịch, thời gian biểu, hệ thống tương tác, phản hồi với phụ huynh, học sinh); các hệ thống tạo nội dung đào tạo thông minh, cá nhân hóa chương trình đào tạo, hệ thống trợ giảng bằng giọng nói, hệ thống theo dõi và giám sát thi cử, cấp bằng, chứng chỉ đào tạo v.v…

Logistics: Tăng cường sử dụng AI để tạo ra các ứng dụng thông minh cho cá nhân, DN như quản lý, tối ưu lộ trình, mạng logistic để tiết kiệm nhân lực, chi phí sản xuất (các hệ thống điều hướng, quản lý kho bãi, giao hàng thông minh v.v..).

Giao thông thông minh và đô thị thông minh (ĐTTM): Kết hợp AI với các công nghệ khác tạo các hệ thống thông minh phục vụ trực tiếp các dự án phát triển giao giông như quản lý hạ tầng, điều khiển giao thông, quản lý năng lượng, quản lý tòa nhà, chính quyền ĐTTM v.v…

Y tế, chăm sóc, rèn luyện sức khỏe: Sử dụng AI để trợ giúp cải thiện hiệu quả các quy trình của hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe bằng việc tận dụng kho tri thức, kinh nghiệm chuyên gia, dữ liệu y tế. Phát triển các ứng dụng AI quản lý hồ sơ sức khỏe, phát hiện sớm dịch bệnh, chuẩn đoán lâm sàng, nghiên cứu thuốc, y sinh học, chăm sóc và trợ giúp y tế từ xa, hệ thống trợ giúp tập luyện v.v…

Nông nghiệp: Thúc đẩy sử dụng AI để hình thành hệ sinh thái nông nghiệp thông minh; giúp thay đổi phương thức chăn nuôi, trồng trọt truyền thống; tối ưu các quy trình sản xuất nông nghiệp phù, tiết giảm chi phí vật tư, canh tác để đạt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các ngành công nghiệp, chế tạo: Sử dụng AI trong các ngành công nghiệp chế tạo để tăng năng suất chất lượng, giảm giá thành, giúp hàng hóa tiếp cận nhanh chóng với nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm có thể là người máy, xe tự hành, tự động hóa quản lý điều hành quy trình SXKD, thiết kế phát triển, kiểm tra chất lượng sản phẩm, bảo trì, kết nối các nhà máy trong hệ sinh thái sản suất thông minh v.v…

Môi trường: Sử dụng AI hỗ trợ quản lý, giám sát môi trường đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng các mô hình dự báo, quản lý tài nguyên nước, đất đai, không khí, thăm dò khoáng sản; dự báo khí tượng, thủy văn, sinh vật biển, thảm họa môi trường, đánh giá tác động biến đổi khí hậu v.v…

Cuộc sống cá nhân và cộng đồng: Sử dụng AI trợ giúp cá nhân, cộng đồng như xe tự hành, trợ giúp di chuyển, các hệ thống nhận dạng khuôn mặt, trò chơi tương tác thực tại ảo, khuyến nghị và ra quyết định trợ giúp người dùng và cộng đồng trao đổi tương tác trên môi trường số.

2. Đề xuất về triển khai các chương trình nghiên cứu quốc gia về AI

Mục tiêu của chương trình nghiên cứu quốc gia về AI hướng tới làm chủ các công nghệ AI tại Việt Nam, thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo các sản phẩm AI có giá thành cạnh tranh. Nội dung nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực sau:

Quy mô, lĩnh vực nghiên cứu của AI rất rộng, ở nhiều lĩnh vực như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, phần mềm, phần cứng, phần nhúng, công nghệ cơ khí, tự động điều khiển, công nghệ nano, vi xử lý, công nghệ hóa học v.v… Do vậy, cần có sự hợp tác, phân công nhiệm vụ nghiên cứu màn tính liên ngành. Quy mô thực hiện không hạn chế ở một chương trình chung mà có thể là các chương trình nghiên cứu độc lập theo từng lĩnh vực công nghệ, ứng dụng ở cấp quốc gia, bộ ngành, địa phương.

Ảnh: Getty Images

3. Đề xuất về xây dựng và ban hành các biện pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ AI sản xuất trong nước

Để hỗ trợ các DN công nghệ trong nước, đặc biệt là các DN khởi nghiệp, có năng lực làm chủ các công nghệ sản xuất sản phẩm AI cần tập trung vào các biện pháp dưới đây:

Xây dựng triển khai các phòng thí nghiệm về AI: được trang bị đầy đủ các công cụ, nền tảng, thiết bị đo lường để hỗ trợ các cá nhân, nhóm nghiên cứu có môi trường, phương tiện cần thiết để phát triển, thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá các công nghệ, sản phẩm AI.

Xây dựng các trung tâm trình diễn về AI: Tùy thuộc vào đặc thù của hoặc nhu cầu triển khai, có thể xây dựng các trung tâm trình diễn về sản phẩm và giải pháp AI giới thiệu các sản phẩm, thiết bị, giải pháp AI với các khách hàng tiềm năng tại địa phương, trong nước cũng như quốc tế.

Triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ công nghệ, nhận thức về AI: Xây dựng các khung, chương trình đào tạo AI trong các trường đại học; các khóa đào tạo nâng cao nhận thức liên quan đến AI; khuyến khích sinh viên, cá nhân có đam mê, năng lực nhiệt tình tham gia vào nghiên cứu phát triển về AI.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia, đào tạo nhân tài trong lĩnh vực AI: Đào tạo một cách có hệ thống các nhà lãnh đạo học thuật, hiểu sâu sắc sự phát triển, nắm vững các nguyên lý, phương pháp, trọng tâm giải quyết các vấn đề đặt ra về phát triển AI. Duy trì và nuôi dưỡng đội ngũ này bằng các nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo cấp quốc gia trong lĩnh vực AI. Thiết lập cơ chế liên kết nghiên cứu và đào tạo giữa các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và DN để tận dụng kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng công nghệ, thị trường; định hướng phát triển ngành công nghiệp AI trong nước.

Ưu đãi đặc biệt cho các sản phẩm AI sản xuất trong nước: Các biện pháp ưu đãi đặc biệt về thuế, khấu trừ chi phí R&D cho các doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí DN giai đoạn đầu sản xuất sản phẩm AI, chẳng hạn chi phí điều kiện làm việc, điện, nước, viễn thông v.v…

Từng bước xây dựng ban hành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về AI: Tham gia tích cực vào các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nắm bắt cập nhật xu hướng kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn áp dụng. Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn phù hợp và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

4. Các đề xuất cụ thể trong thời gian tới

a) Xây dựng lộ trình tiêu chuẩn hóa về AI

Hiện nay các tổ chức tiêu chuẩn, quốc giá trên thế giới đang đẩy mạnh các hoạt động tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo việc sử dụng các sản phẩm, ứng dụng AI tuân thủ các yêu cầu quy định về nền tảng tương thích, tính tin cậy và an toàn. Các nội dung hoạt động tiêu chuẩn hóa hướng tới các vấn đề trọng tâm là: Hệ thống hóa mô hình kiến trúc về tiêu chuẩn AI với các phân loại tiêu chuẩn cụ thể; Xác định các lĩnh vực ưu tiên chuẩn hóa trong AI; Lộ trình xây dựng các tiêu chuẩn AI.

Theo đó các tiêu chuẩn dưới đây cần sớm được triển khai nghiên cứu xây dựng và ban hành: (i) Tiêu chuẩn định nghĩa và thuật ngữ AI - Cho mục đích thống nhất cách hiểu và sử dụng các khái niệm, định nghĩa, thuật ngữ về AI; (ii) Tiêu chuẩn đánh giá mức độ tin cậy của các sản phẩm, ứng dụng AI - Đánh giá các sản phẩm, ứng dụng AI triển khai thực tế trong nước. (iii) Tiêu chuẩn về đạo đức và ảnh hưởng xã hội khi sử dụng các sản phẩm, ứng dụng AI - Đưa ra các quy định, mức độ ảnh hưởng khi ứng dụng AI.

b) Xây dựng quy định quản lý sản phẩm, ứng dụng AI trong nước

Mục tiêu: Thúc đẩy sử dụng sản phẩm; giảm thiểu các tác động tiêu cực trong một số lĩnh vực ứng dụng cụ thể.

Phạm vi, đối tượng áp dụng: Các nhà cung cấp sản phẩm trong và ngoài nước, người dùng các sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan đến AI.

Các quy định cụ thể: Quy định các trường hợp sử dụng cần được hạn chế hoặc cấm triển khai sản phẩm AI; Quy định về đánh giá, xác định các sản phẩm AI có mức độ rủi ro cao; Quy định về các yêu cầu đối với hệ thống AI có mức độ rủi ro cao; Nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà cung cấp và đối tác liên quan, người dùng đối với hệ thống AI có mức độ rủi ro cao; Chỉ định cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý sản phẩm, ứng dụng AI; Trình tự, thủ tục chứng nhận, cấp phép hoạt động kinh doanh cho các sản phẩm, dịch vụ dựa trên AI; Trách nhiệm minh bạch đối với các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống AI; Các biện pháp thanh tra, giám sát và chế tài xử phạt vi phạm.

c) Ban hành cơ chế sáng tạo, đổi mới thúc đẩy phát triển ứng dụng AI theo mô hình cơ chế thử nghiệm hộp cát (Sandbox), bao gồm những hoạt động như: Xây dựng khung pháp lý cho cơ chế thử nghiệm áp dụng theo mô hình hộp cát; các quy định kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, phương pháp đánh giá tác động ảnh hưởng v.v…; Xác định lĩnh vực ưu tiên tham gia thử nghiệm, lĩnh vực hạn chế thử nghiệm; Xây dựng các hình thức thử nghiệm (điều kiện, quy mô, các hình thức cấp phép theo trình tự đánh giá v.v..); Lựa chọn các DN có triển vọng tham gia thử nghiệm; Quy định, đánh giá về khen thưởng, giải thưởng thành tích sáng tạo đối với các cá nhân, đơn vị tham gia thử nghiệm.

Kết luận

Xu hướng chung của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó là AI đang được phát triển mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, là công nghệ chủ chốt của cánh mạng công nghiệp lần thứ 4. AI hiện nay đang được các quốc gia chú trọng phát triển để khẳng định vị thế về chính trị, kinh tế, là động lực đổi mới sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Nghiên cứu những kinh nghiệm phát triển, quản lý AI của các quốc gia trên thế giới là cần thiết và giúp chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu và phù hợp trong việc nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách, quy định quản lý AI phù hợp với thực tiễn phát triển ở Việt Nam. Các đề xuất, khuyến nghị đưa ra nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy phát triển và ứng dụng các sản phẩm AI trong nước; nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cánh mạng 4.0; sử dụng an toàn, tin cậy, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực mà chúng mang lại./.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Quản lý không gian mạng Trung quốc – Các quy định về quản lý các thuật toán sử dụng cho các dịch vụ thông tin Internet, 1/2022

2. WIPO, Artificial Technology Trends 2019

3. Expert Group on Architecture for AI Principles, AI Governance in Japan, 2021

4. Chiến lược hiện thực hóa trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy, dự thảo liên bộ, ngành, 5/2021

5. Monetary Authory of Singapore, Principles to Promote Fairness, Ethics, Accountability and Transparency (FEAT) in the Use of Artificial Intelligence and Data Analytics in Singapore’s Financial Sector, 12/2018

6. White House M-21-06, Guidance for Regulation of Artificial Intelligence Applications, 6/2021

7. Asia Pacific Foundation of Canada, Artificial Intelligence Policies in East Asia: An Overview from the Canadian Perspective, 7/2019

8. European Commission, 2021/0106(COD), Proposal for a Regulation of the European Parliament and of the Council Laying Down Harmonised Rules on Artificial Intelligence (Artificial Intelligence Act) and Amending Certain Union Legislative Acts, 4/2021.