Quốc hội và việc thực hiện
“kỳ họp không giấy”
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được hiến định, kỳ họp là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của Quốc hội. Kỳ họp là diễn đàn của Quốc hội để thảo luận và ra quyết định về những chính sách quốc gia. “Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác” (Khoản 2 Điều 3 Hiến pháp năm 2013).
Kỳ họp Quốc hội được tổ chức với quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan, gồm các công tác chính như: dự kiến, thông qua chương trình; triệu tập kỳ họp; tổ chức các phiên họp toàn thể thảo luận, biểu quyết; tổ chức họp Tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội; ghi biên bản; bế mạc kỳ họp; phục vụ tài liệu; thông tin, truyền thông cho công chúng. Ngoài hình thức họp toàn thể, họp Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội để thảo luận thì còn có các phiên họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung trong chương trình kỳ họp thuộc lĩnh vực cơ quan phụ trách. Trong đó, hình thức họp tập trung tại hội trường là hình thức chính yếu nhất của Quốc hội và được diễn ra trong kỳ họp Quốc hội với thường lệ mỗi năm hai kỳ.
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin (CNTT) vào các quy trình, hoạt động của Quốc hội có tác động quan trọng đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Để phục vụ cho hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã và đang quan tâm, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, CNTT, chuyển đổi số (CĐS) vào công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của Quốc hội.
(TS Lê Quang Huy, “Xây dựng Quốc hội điện tử ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp”, Đề tài nghiên cứu khoa học, 2020)
Thời gian qua, tại Quốc hội đã sử dụng các ứng dụng công nghệ vào công tác phục vụ hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp như sau:
i- Các ứng dụng công nghệ tại hội trường phục vụ các phiên họp toàn thể, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội: Từ năm 1991, Văn phòng Quốc hội đã thực hiện lắp đặt hệ thống biểu quyết điện tử và hệ thống microphone cầm tay để đại biểu Quốc hội có thể phát biểu, biểu quyết tại vị trí chỗ ngồi của mình trên hội trường bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Trong giai đoạn thiết kế Nhà Quốc hội đã có định hướng ứng dụng CNTT và truyền thông xây dựng tòa nhà thông minh với mức độ tin học hóa cao. Từ năm 2013 đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu (CSDL) hội nghị trực tuyến nhằm phục vụ đăng ký và điều hành hội nghị trực tuyến.
ii- Từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tại Quốc hội đã đưa vào sử dụng một số phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội qua thiết bị di động và một số ứng dụng khác được cài trên thiết bị máy tính bảng (iPad). Các ứng dụng gồm: Ứng dụng Quốc hội (App Quốc hội) với chức năng cung cấp thông tin, tài liệu; chương trình kỳ họp; đăng ký phát biểu; đăng ký tranh luận biểu, quyết; vị trí ngồi họp; họp trực tuyến; xin ý kiến; ý kiến cử tri; thông tin hậu cần; CSDL luật; tin tức.
Ứng dụng đại biểu Quốc hội dùng để lên lịch làm việc cá nhân; lịch họp cá nhân; nhắn tin của đại biểu Quốc hội. Ứng dụng tổng hợp thông tin báo chí và mạng xã hội (App Netview) dùng để cung cấp thông tin báo chí, mạng xã hội tổng hợp; báo cáo thống kê các chỉ số. Ứng dụng tương tác nội bộ cho phép các đại biểu Quốc hội nhắn tin, trao đổi với nhau và với đội ngũ chuyên viên giúp việc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.
iii- Từ năm 2020 tác động của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cần phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch, từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội triển khai họp trực tuyến kết hợp họp tập trung. Đặc biệt thực hiện thử nghiệm tính năng biểu quyết thông qua thiệt bị iPad qua cầu truyền hình.
Nhìn chung, các ứng dụng trên đều được đại biểu Quốc hội sử dụng và phản hồi tích cực, trong đó ứng dụng Quốc hội được đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao về tính thiết thực, hữu ích. Các ứng dụng đã hỗ trợ việc cung cấp thông tin phục vụ kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng, kịp thời cùng với nhiều tính năng hữu ích.
Trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi, cung cấp thông tin: Từ năm 2012, tại Văn phòng Quốc hội thực hiện sử dụng văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý điều hành và trao đổi thông tin trong nội bộ và giữa các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý và điều hành văn bản (e-PAS) và hệ thống thư điện tử công vụ trên phần mềm văn phòng (eOffice). Qua đó tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu cần thiết trong tiếp nhận, nắm bắt, xử lý, trao đổi thông tin, văn bản.
Các ứng dụng này đã tạo được bước tiến mới trong việc xây dựng Quốc hội điện tử. Tuy nhiên, các ứng dụng còn rời rạc, mới là những mảnh ghép mà chưa có tổng thể, chưa mang lại hiệu ứng thực sự lớn. Do đó, xây dựng Quốc hội điện tử là yêu cầu tất yếu và cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tại của đất nước.
Thực hiện Quốc hội điện tử phục vụ hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sẽ giúp:
Thứ nhất, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cần thiết cho đại biểu Quốc hội
Thay vì một khối lượng rất lớn các văn bản giấy thì qua việc sử dụng các phần mềm thích hợp, việc cung cấp thông tin đến đại biểu Quốc hội và cán bộ phục vụ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều; có thể sử dụng qua máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh được mọi lúc, mọi nơi.
Thứ hai, tiếp nhận, xử lý thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội nhanh chóng
Việc sử dụng phần mềm qua mạng điện tử có thể đẩy nhanh quá trình thu thập thông tin phục vụ cho các hoạt động của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, như thu thập thông tin về chương trình kỳ họp; tài liệu về các dự án trình Quốc hội; tổng hợp ý kiến, kiến nghị; tổng hợp ý kiến, đề xuất của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về các nội dung tại kỳ họp Quốc hội; thu nhận báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức…
Trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, văn bản có thể tương tác hai chiều nhanh chóng thay cho việc thực hiện qua đường công văn, bưu điện mất nhiều thời gian, nhân lực. Đặc biệt là các thông tin, tài liệu hỏa tốc, hẹn giờ cần chuyển tới lãnh đạo Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thì việc sử dụng hệ thống thông tin có ưu việt hơn rất nhiều, chất lượng và tiến độ bảo đảm tính vượt bậc.
Thứ ba, Quốc hội điện tử sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, đánh giá được việc thực hiện thảo luận, tranh luận, biểu quyết, quyết định, chất vấn, trả lời chất vấn, kiến nghị sau giám sát tại kỳ họp được thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Ứng dụng phần mềm sẽ có sự liên thông giữa các đơn vị, bộ phận theo dõi hoạt động giám sát, vấn đề chất vấn, số liệu cần báo cáo. Việc thực hiện tương tác thường xuyên và nhanh chóng sẽ tạo nên sự trao đổi giữa các bên, bảo đảm số liệu báo cáo được đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời. Chẳng hạn, qua dữ liệu trên hệ thống, đại biểu Quốc hội có thể nắm được vấn đề chất vấn đưa ra được trả lời như thế nào, các bộ, ngành thực hiện nghị quyết, kiến nghị của Quốc hội đến đâu mà không cần phải liên hệ với bộ phận phụ trách theo dõi vấn đề chất vấn.
Thứ tư, phục vụ điều hòa các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp một cách khoa học, chính xác, kịp thời. Trên tinh thần chủ động, linh hoạt, quyết tâm cao, thích ứng nhanh với điều kiện thực tế, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ họp trực tuyến, bảo đảm khai mạc kỳ họp đúng thời gian quy định, kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng, hợp lòng dân.
Thứ năm, Quốc hội điện tử giúp cho công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội với các bộ, ngành, địa phương được thông suốt, kịp thời, hiệu quả cao. Việc ứng dụng phần mềm dùng chung trong công tác phối hợp, tương tác, trao đổi, phản hồi được nhanh chòng, kịp thời hơn. Quốc hội điện tử có thể sẽ tích hợp công cụ điều hành công tác của các vụ, đơn vị trong cơ quan Văn phòng Quốc hội trên hệ điều hành online thích hợp với các vụ, đơn vị thường xuyên có công việc lưu động, sẽ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm được thông tin hoặc xử lý công việc kịp thời, ở mọi lúc, mọi nơi mà không cần thiết phải đến cơ quan.
Quốc hội điện tử được xây dựng và vận hành vào hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động tại kỳ họp nói riêng sẽ tác động lớn đến việc đổi mới phương thực hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẽ tiết kiệm nhân lực vẫn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay của đất nước và đáp ứng theo sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thúc đẩy ứng dụng Quốc hội điện tử, trước mắt cần phải đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện Đề án xây dựng Quốc hội điện tử. Đây là tiền đề để thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội một cách thống nhất, đồng bộ. Xây dựng Quốc hội điện tử là quá trình lâu dài, liên tục cần có sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, đồng tâm, đồng lòng, sự ủng hộ của toàn thể các đối tượng tham gia vào Quốc hội điện tử. Các nội dung chính của Quốc hội điện tử cần được đầu tư triển khai đồng bộ bao gồm:
Thứ nhất, nâng cấp hạ tầng CNTT và nâng cao năng lực quản trị mạng.
Thứ hai, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung cho Quốc hội điện tử.
Thứ ba, triển khai tích hợp, liên thông các phần mềm của Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, Đoàn đại biểu Quốc hội, địa phương để thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ quy định.
Trong triển khai, cần giao đầu mối tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội tại kỳ hợp Quốc hội để theo dõi, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, lưu trữ dữ liệu.
Trên đây là một số suy nghĩ về việc thực hiện Quốc hội điện tử tiến tới thực hiện mục tiêu “kỳ họp không giấy” tại Quốc hội nhằm góp phần nâng cao hiệc lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.