Tên miền quốc gia “.vn”
25 năm định danh Việt Nam trên Internet và tạo dựng niềm tin cho thương hiệu Việt
Tóm tắt nội dung
* Tên miền quốc gia “.vn” - sứ mệnh định danh Việt Nam trên bản đồ Internet thế giới
- Năm 1994, Tên miền quốc gia “.vn” chính thức xuất hiện trên bản đồ Internet thế giới.
- Ngày 01/12/1997, vista.gov.vn là tên miền “.vn” đầu tiên được chính thức cấp phát bởi Tổng cục Bưu điện Việt Nam.
- Đến năm 2022, tên miền quốc gia “.vn” đã lên đến con số hơn 560.000 tên miền.
* Tên miền quốc gia “.vn” tạo dựng niềm tin, cùng thương hiệu Việt phát triển
- Top thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2021 đều sử dụng tên miền “.vn”; 85% website với tên miền quốc gia “.vn” được đánh giá với độ tin cậy cao.
- Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đã gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và chuyển đổi số và đang hướng đến phổ cập tên miền ".vn" tới toàn dân.
Khi đề cập đến khái niệm lãnh thổ quốc gia người ta muốn nói đến phạm vi không gian được giới hạn, thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của một quốc gia. Lãnh thổ quốc gia bao gồm: vùng đất quốc gia, vùng biển quốc gia (nội thủy, lãnh hải) đối với quốc gia có biển, vùng trời quốc gia. Xét ở khía cạnh vật lý, những yếu tố trên góp phần xác lập lãnh thổ của một quốc gia.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại Internet. Internet đã phát triển rất nhanh và thâm nhập sâu vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa làm cho thế giới trở nên phẳng hơn. Trên không gian mạng Internet toàn cầu, việc xác lập lãnh thổ quốc gia thông qua các yếu tố vật lý như trong thế giới thực là hoàn toàn bất khả thi. Tuy nhiên, xét ở góc độ nhận diện và quyền quản lý được chuyển giao đối với tài nguyên Internet thì tên miền mã quốc gia có ý nghĩa định danh, hiện diện một quốc gia trên bản đồ Internet.
Tên miền cấp cao mã quốc gia (ccTLD) là tên miền cấp cao nhất dành riêng cho mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ quy định theo chuẩn quốc tế về mã quốc gia (ISO-3166), trong đó “.vn” là tên miền cấp cao mã quốc gia dành cho Việt Nam.
Quay trở lại quá khứ, từ năm 1993, Nhóm nghiên cứu gồm GS. Rob Hurle (Trường Đại học Quốc gia Úc) cùng ông Trần Bá Thái và cộng sự (Viện công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam) đã thử nghiệm kết nối thành công các máy tính giữa Việt Nam và Úc thông qua đường dây điện thoại, mở đường cho những trải nghiệm đầu tiên sử dụng Internet của người Việt. Nhưng tại thời điểm đó, chúng ta phải dùng tên miền quốc gia “.au” của Úc vì chưa thể đăng ký tên miền “.vn”.
Trước bối cảnh nếu dùng tên miền “.au” sẽ không định danh, hiện diện được Việt Nam trên Internet và có nguy cơ để tên miền “.vn” rơi vào một cá nhân, tổ chức khác đăng ký trước sẽ rất phức tạp, dẫn đến tranh chấp, bất lợi sau này, thậm chí có thể bị mất tên miền quốc gia. Từ đầu năm 1994, với sự trợ giúp của GS. Rob Hurle, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN) đã tiến hành đăng ký tên miền “.vn” qua APNIC. Và tên miền của Việt Nam đã chính thức xuất hiện trên bản đồ Internet thế giới. Sự kiện này có thể coi như một cuộc cách mạng Internet ở Việt Nam.
Sau khi tên miền “.vn” được đăng ký thành công, nhóm nghiên cứu mới tạo lập email server đầu tiên có tên miền “.vn” kết nối trực tiếp Internet, chính thức chuyển mạng thử nghiệm ở Việt Nam sang tên miền mang dấu ấn quốc gia “.vn”.
Như vậy có thể thấy, mặc dù đến cuối năm 1997 Internet mới chính thức được công nhận và cấp phép ở Việt Nam, nhưng chúng ta đã có tên miền “.vn” trên Internet, có quyền sử dụng và được quốc tế thừa nhận từ năm 1994.
Khi tên miền mã quốc gia được hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu cũng là lúc nó mang trong mình sứ mệnh xác lập sự hiện diện và định danh cho “lãnh thổ” quốc gia trên bản đồ Internet thế giới. Ngày nay, một quốc gia không có tên miền riêng định danh quốc gia giống như một bức tranh thiếu đi một mảnh ghép quan trọng.
Sau khi Internet chính thức được công nhận và cấp phép ở Việt Nam (1997), ngày 01/12/1997 tên miền “.vn” của Cục Thông tin KH&CN quốc gia - Bộ KH&CN (vista.gov.vn) là tên miền đầu tiên được chính thức cấp phát bởi Tổng cục Bưu điện Việt Nam.
Thời gian đầu, số lượng tên miền quốc gia “.vn” chỉ dừng lại ở con số vài chục tên. Đến năm 2000, Trung tâm Internet Việt Nam (trước đây là Trung tâm Thông tin mạng Internet Việt Nam - VNNIC) chính thức được thành lập, tiếp quản hoạt động thúc đẩy đăng ký sử dụng tên miền “.vn”, số lượng tên miền “.vn” tăng trưởng trung bình trên 100%/năm (đạt 5.478 tên miền vào năm 2003). Đến năm 2022, tên miền quốc gia “.vn” đã lên đến con số hơn 560.000 tên miền, gấp khoảng 1000 lần so với những ngày đầu VNNIC mới thành lập.
Tên miền quốc gia “.vn” ngày nay không chỉ phát triển trong nước mà vươn ra thế giới, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, đặc biệt các công ty đa quốc gia có thể sử dụng tên miền “.vn” để hướng đến khách hàng Việt Nam trên toàn cầu.
Khi nói về lợi ích, vai trò của tên miền mã quốc gia nói chung, các chuyên gia trong lĩnh vực tên miền đều khẳng định tên miền mã quốc gia có 02 giá trị mà tên miền quốc tế không có được đó chính là: TRUST (độ tin cậy) và IMAGE (hình ảnh, dấu ấn quốc gia). Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cũng mang trong mình nguyên vẹn những giá trị đó và đang dần phổ biến tại Việt Nam với thông điệp “Nâng giá trị website - Tạo niềm tin thương hiệu” hay “Hiện diện trực tuyến - Tự hào Việt Nam”.
Kể từ khi xuất hiện cùng với Internet tại Việt Nam từ 25 năm trước, tên miền quốc gia “.vn” đã gắn liền với hàng trăm nghìn thương hiệu Việt, góp phần nâng cao uy tín và độ nhận diện trên không gian mạng. Đến nay, từ những thương hiệu có giá trị nghìn tỷ đến các thương hiệu cá nhân đều có trong tay tên miền “.vn”.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tên miền quốc gia “.vn” trong 25 năm qua cho thấy tên miền “.vn” có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển Internet quốc gia. Đối với công tác quản lý nhà nước, tên miền “.vn” là điều kiện tiên quyết để triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN), cụ thể là các Cổng Thông tin điện tử điều hành từ trung ương đến địa phương, các dịch vụ công trực tuyến,...
Đối với công tác quản lý nhà nước, việc tăng cường sử dụng tên miền quốc gia “.vn” sẽ giúp đẩy lùi các hành vi lừa đảo, giả mạo trên không gian mạng, góp phần vào sự phát triển an toàn, ổn định của Internet Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ VNNIC, phần lớn các vi phạm trên không gian mạng hiện nay (chiếm trên 83%) đến từ việc sử dụng tên miền quốc tế.
Để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, ngăn chặn, hạn chế tình trang vi phạm liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền tại Việt Nam, VNNIC áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, bảo vệ, cũng như triển khai các hoạt động rà soát định kỳ toàn bộ hơn 1 triệu tên miền do các tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký sử dụng (tên miền “.vn”, tên miền quốc tế do tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký sử dụng); phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về cung cấp thông tin trên mạng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm.
Trong các năm vừa qua, VNNIC cũng đã triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý, đề xuất xử lý vi phạm đối với các tên miền có dấu hiệu vi phạm về hoạt động báo chí, tin tức; có dấu hiệu hoạt động cờ bạc, game bài trực tuyến; rà soát cung cấp danh sách các tên miền có dấu hiệu hoạt động không hợp pháp về ngân hàng, trang thương mại điện tử (TMĐT), tín dụng, cho vay trực tuyến.
Dưới góc độ kinh tế số và xã hội số, tên miền là nền tảng để phát triển các website, mạng xã hội cung cấp thông tin tới cộng đồng, nâng cao dân trí xã hội, đồng thời tạo ra cơ hội để phát triển TMĐT ở Việt Nam. Việc xây dựng website với tên miền đáng tin cậy, gắn với tên công ty hoặc danh mục sản phẩm của DN để tăng khả năng tiếp cận khách hàng là mục tiêu bền vững mà các DN tham gia thương mại điện tử đều hướng đến.
Không phải ngẫu nhiên mà DN khi chuyển hướng kinh doanh trực tuyến (online) đều bắt đầu từ việc xây dựng một trang web uy tín, chuyên nghiệp. Hơn cả một công cụ bán hàng, website còn được ví như tấm chứng minh thư giới thiệu danh tính, địa chỉ và nhận diện thương hiệu của chính công ty trên thị trường ảo. Website là cái gốc của DN khi bắt đầu tham gia TMĐT. Dù DN có bao nhiêu kênh bán hàng trực tuyến, website vẫn là nơi khách hàng tìm đến để tra cứu thông tin và quyết định đặt niềm tin vào DN.
Một cuộc khảo sát được VNNIC thực hiện năm 2021 cho thấy, có đến gần 98% người tiêu dùng có sử dụng Internet đã từng mua hàng trực tuyến. Điều đặc biệt, những người người tiêu dùng trực tuyến này thường xuyên duy trì thói quen truy cập Website của sản phẩm/DN để tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định mua hàng (đặc biệt với các sản phẩm có giá trị lớn, sản phẩm tiêu dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe,…).
Khi người tiêu dùng được hỏi về độ tin cậy khi mua hàng trên các website có sử dụng tên miền khác nhau, bao gồm tên miền quốc gia “.vn” và tên miền quốc tế, 86% người được hỏi đánh giá họ thấy website với tên miền quốc gia “.vn” có độ tin cậy vượt trội so với tên miền quốc tế. Có đến 9/10 DN thuộc Top thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2021 đều sử dụng tên miền “.vn”.
Tên miền “.vn” không chỉ giúp người dùng nhận diện thương hiệu của một tổ chức, cá nhân, DN trên môi trường Internet mà còn nắm được lĩnh vực ngành nghề mà tổ chức, cá nhân, DN đó hoạt động. Ví dụ như khi nhìn vào tên miền “ptit.edu.vn”, người dùng sẽ nhận biết Học viện Bưu chính viễn thông (PTIT) là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; hay đối với tên miền “mic.gov.vn”, người dùng có thể yên tâm truy cập khi biết đây là website chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - đơn vị CQNN.
Tương tự, tên miền com.vn, và biz.vn dành cho tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại; tên miền .net.vn dành cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực thiết lập và cung cấp các dịch vụ trên mạng; tên miền org.vn dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội; tên miền pro.vn dành cho các cá nhân, tổ chức là chuyên gia trong các lĩnh vực; tên miền name.vn dành cho các cá nhân đăng ký theo tên riêng của cá nhân. Từ đó, các thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn.
Cùng với xu hướng chuyển đổi số (CĐS) gắn với sự phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, nhu cầu hiện diện trực tuyến tin cậy của người dân, DN ngày càng trở nên quan trọng. VNNIC đặt mục tiêu phổ cập tên miền “.vn” tới toàn dân, thúc đẩy cộng đồng CĐS sử dụng tên miền “.vn” và các sản phẩm dịch vụ số Make in Việt Nam, phục vụ hoạt động kinh tế, xã hội số, hướng tới mục tiêu Internet cho tất cả mọi người (Internet For All). Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu tối thiểu đạt 1 triệu tên miền “.vn”. Người dân, DN Việt Nam khai thác giá trị tài nguyên Internet quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với xu thế CĐS cần đẩy mạnh sự hiện diện trực tuyến của cá nhân, tổ chức DN, VNNIC đã nghiên cứu, đề xuất và Bộ TT&TT đã thông qua các chính sách, hành lang pháp lý để mở rộng tên miền quốc gia “.vn”, giảm chi phí để làm sao mỗi người dân, DN có thể đăng ký tên miền cho cá nhân, cho thương hiệu riêng của mình. Từ đó, người dân sẽ có một kỹ năng số, một môi trường số an toàn, bền vững, rộng khắp và nhân văn.
Trong đó, một số chính sách mới liên quan đến tên miền “.vn” đã được ban hành như Thông tư số 21/2021/TT-BTTTT (Thông tư 21) ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
Một trong những điểm mới trong Thông tư 21 là định hướng mở rộng không gian phát triển cho tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và CĐS. Cụ thể, mở thêm 3 đuôi tên miền cấp 2 dùng chung gồm: ID.VN dành cho cá nhân là công dân Việt Nam đăng ký để sử dụng cho các hình ảnh, sản phẩm, thương hiệu cá nhân trên môi trường mạng; IO.VN dành cho tổ chức, cá nhân đăng ký để sử dụng cho các ứng dụng công nghệ số, nền tảng, dịch vụ trên môi trường mạng; AI.VN dành cho tổ chức, cá nhân đăng ký để sử dụng cho các hoạt động, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Mục đích của việc mở thêm 3 đuôi tên miền cấp 2 dùng chung là tạo ra các không gian tên miền mới phù hợp hơn với xu thế phát triển công nghệ, thuận tiện hơn cho người dùng, hướng tới mục tiêu phổ cập tên miền tới toàn dân, đưa người dân lên không gian mạng với tên miền riêng.
Đáng chú ý, Thông tư 21 cũng bổ sung quy định ưu tiên trong đăng ký sử dụng tên miền dưới .ID.VN đối với chủ thể cá nhân là công dân Việt Nam có tuổi đời từ 18 - 23; ưu tiên trong đăng ký sử dụng tên miền dưới .BIZ.VN với chủ thể tổ chức là DN mới thành lập, hộ kinh doanh để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, phát triển kinh tế số.
Bên cạnh đó, chương trình “Chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn” được triển khai từ năm 2021, đến nay đã hỗ trợ các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng thương hiệu, hiện diện tin cậy, nâng cao uy tín trên không gian Internet qua Website gắn với tên miền “.vn”, và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô.
Trong suốt 25 năm qua, tên miền quốc gia “.vn” cùng thương hiệu Việt đã có sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và vị thế. Vị thế này sẽ còn được nâng cao hơn nữa trong chặng đường sắp tới nếu như tên miền quốc gia “.vn” tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ và lựa chọn của toàn dân./.