Tóm tắt
Trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS), thanh niên luôn được kỳ vọng là lực lượng đi đầu với lòng nhiệt huyết và có trình độ. Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã thể hiện được vai trò tiên phong, sáng tạo và ghi nhiều dấu ấn bằng những sáng kiến, phong trào, hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Bằng những hành động, việc làm, mô hình cụ thể, thiết thực, hiệu quả, Ban Thường vụ (BTV) tỉnh Đoàn mang thông điệp “chuyển đổi số” thấm sâu trong mọi hoạt động của tuổi trẻ.
BTV tỉnh Đoàn đã định hướng các cấp bộ Đoàn tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, năng lực số và vai trò của tổ chức đoàn trong CĐS; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên; tổ chức các hoạt động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ Đoàn trong CĐS, tham gia thúc đẩy thực hiện xã hội số.
Ở cấp tỉnh, BTV tỉnh Đoàn đã tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2023 với hơn 300 ĐVTN tham gia với các hoạt động nổi bật như: Tổng kết chương trình “Cài Ví VNPT Money - Xây công trình nhiệm kỳ mới” và trao công trình thanh niên máy tính xách tay cho cơ sở Đoàn, phát động triển khai thực hiện đăng ký “Chữ ký số”; Ra mắt công trình thanh niên “Số hóa địa chỉ đỏ”; Phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về CĐS; Ra quân thực hiện các công trình “Tuyến đường Thanh niên - Không sử dụng tiền mặt” trên địa bàn tỉnh Bình Dương…
Đối với cấp huyện và tương đương, 100% huyện, thị, thành Đoàn cũng đã đồng loạt tổ chức Chương trình hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2023 với nhiều mô hình thiết thực. Điển hình có Thành Đoàn Thủ Dầu Một ra mắt “Công trình tuyến đường thanh niên không sử dụng tiền mặt” tại tuyến đường D1, khu phố 4, phường Phú Hòa; Thành Đoàn Dĩ An ra mắt Công trình Bảng thông tin số hóa địa chỉ đỏ “Di tích Nhà máy Xe lửa Dĩ An”; Thành Đoàn Tân Uyên thực hiện Mô hình Chợ thanh toán không dùng tiền mặt và ra mắt mô hình “Chợ Tân Phước Khánh thanh toán không dùng tiền mặt”; Thành Đoàn Thuận An tổ chức Chương trình tuyên truyền “Ngày CĐS quốc gia”, Tuyên dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác CĐS.
Trong tiến trình thực hiện các hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh, đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả sáng tạo trong CĐS các hoạt động của Đoàn ra đời, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động liên tục của tổ chức Đoàn. Tiêu biểu các mô hình như: Triển khai đội hình hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các tuyến đường và Khu thương mại trên địa bàn tỉnh; Mô hình Ứng dụng zalo official account vào công tác tuyên truyền của Đoàn; Mô hình Hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ qua mã QR; Ứng dụng công nghệ số trong việc triển khai các cuộc thi trực tuyến trên Website https://myaloha.vn và tuoitrebinhduong.vn…
Bằng những hành động, việc làm, mô hình cụ thể, thiết thực, hiệu quả, BTV tỉnh Đoàn mang thông điệp “chuyển đổi số” thấm sâu trong mọi hoạt động của tuổi trẻ. Với việc triển khai nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong công tác chuyển đổi các hoạt động của Đoàn lan tỏa trong toàn tỉnh, xuyên suốt quá trình triển khai và thực hiện các mô hình CĐS ở cấp tỉnh và cấp cơ sở đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của ĐVTN, quần chúng nhân dân, phát huy tinh thần đóng góp sức trẻ Bình Dương vào công cuộc CĐS quốc gia và sự phát triển của tỉnh Bình Dương.
Phát huy vai trò đi đầu, xung kích của tuổi trẻ, thanh niên Quảng Ninh đã và đang có những đóng góp quan trọng trong nhiệm vụ CĐS của tỉnh, góp phần từng bước đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về CĐS ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Với những phát triển đột phá thời gian qua, tỉnh đang tích cực CĐS nhằm trở thành mô hình mẫu về CĐS toàn diện. Trong đó có những đóng góp không nhỏ của thanh niên. Riêng năm 2023, BTV tỉnh Đoàn đã chỉ đạo đẩy mạnh CĐS trong ĐVTN, trọng tâm là gắn với phong trào thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trong đó phải kể đến các hoạt động tập huấn cho ĐVTN về khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), khởi nghiệp thanh niên; quảng bá du lịch bản địa trên không gian số... Cụ thể, BTV tỉnh Đoàn tổ chức 3 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho trên 700 lượt ĐVTN. Đoàn cấp huyện tổ chức 6 chương trình tập huấn, tọa đàm về kinh doanh trên sàn TMĐT, khởi nghiệp trong thời đại 4.0 cho trên 1.000 lượt ĐVTN. Thanh niên được tìm hiểu về TMĐT (Shopee, Lazada, Tiktok…); cách tiếp cận khách hàng trên sàn TMĐT; xây dựng nội dung hình ảnh sản phẩm chuẩn marketing; kỹ năng livestream bán hàng trên mạng xã hội và các sàn TMĐT...
Thông qua các hoạt động tập huấn của tổ chức Đoàn - Hội đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thanh niên ứng dụng CĐS trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, câu lạc bộ (CLB) thanh niên cùng phát triển kinh tế, nổi bật là mô hình CLB Streamer Móng Cái. CLB với tiêu chí hoạt động phi lợi nhuận, hỗ trợ nhau sử dụng công nghệ vào kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm tạo dựng thương hiệu trên các nền tảng số; kết nối, hỗ trợ, góp phần đưa các sản phẩm, OCOP địa phương tiếp cận với các thị trường lớn trong và ngoài nước, tạo được chuỗi liên kết hiệu quả giữa sản xuất và bán hàng; tạo thêm thu nhập và cơ hội việc làm cho ĐVTN thông qua kinh doanh trực tuyến.
Điển hình như thương hiệu nước mắm Dáng Phương từ lâu đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao của TP. Móng Cái. Đoàn Thanh niên xã Hải Xuân đã hỗ trợ, hướng dẫn công ty TNHH Sản xuất thương mại Dáng Phương đưa sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT và nền tảng Zalo, Facebook; nhờ đó sản phẩm được nhiều người biết đến, đặt hàng ngày một tăng.
Ông Nguyễn Văn Phương, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dáng Phương, chia sẻ: “Tôi được Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn từ quay phim, chụp ảnh đến đưa các sản phẩm lên các trang TMĐT như ocopquangninh, tiki, sendo, voso… Vì vậy sản phẩm của Công ty tiếp cận được nhiều khách hàng, có ngày bán được 1.000 lít nước mắm”.
Với sự hỗ trợ của các cấp đoàn và các phòng chuyên môn của thành phố đã đưa 40 sản phẩm OCOP của Móng Cái lên sàn giao dịch TMĐT postmart.vn, voso.vn...
Để đào tạo công dân điện tử, Thành Đoàn Móng Cái cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp. Theo đó, 210 ĐVTN tham gia 101 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) các xã, thị trấn đến các nhà văn hóa, nhà người dân để hướng dẫn, tuyên truyền, cách tạo địa chỉ điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), sử dụng các dịch vụ số, tương tác với chính quyền qua các nền tảng số. Trong năm 2023, Thành Đoàn đã hướng dẫn, tập huấn cho trên 13.500 lượt ĐVTN, nhân dân sử dụng DVCTT, hỗ trợ người dân lập trên 1.000 tài khoản, hướng dẫn công dân gửi 16.370 bộ hồ sơ DVCTT; tổ chức 51 buổi ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, cài đặt cho trên 5.000 lượt người dân các ứng dụng Móng Cái Smart, Etax Mobile (nộp thuế điện tử)...
Thành Đoàn Móng Cái cho biết, đồng hành CĐS với thành phố, thành Đoàn sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho ĐVTN và người dân về CĐS, những lợi ích của CĐS mang lại; mở các lớp tập huấn cho cán bộ, ĐVTN về CĐS; phối hợp UBND các địa phương, các ban quản lý chợ trên địa bàn triển khai các tuyến phố không dùng tiền mặt, ứng dụng thanh toán điện tử trong kinh doanh; phát triển, nhân rộng mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của CLB Streamer Móng Cái, tận dụng tối đa lợi thế của khu vực biên mậu và thu hút thanh niên làm kinh tế gắn với CĐS.
Ngoài ra, nhằm giúp người dân, du khách dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu các điểm di tích lịch sử, thời gian qua Thành Đoàn Móng Cái cũng đã tiên phong triển khai gắn mã QR code tại các địa chỉ đỏ, tuyến điểm du lịch trên địa bàn. Đến nay Thành Đoàn đã triển khai được 11 mã QR code gắn với thuyết minh tự động tại các điểm di tích, lịch sử, du lịch, như: Cột mốc 368, Đình Trà Cổ, Đền Xã Tắc, Nhà lưu niệm Bác Hồ, Cột mốc 1368…, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Xác định tuổi trẻ là lực lượng xung kích đi đầu trong việc kích hoạt định danh điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong xã hội, tháng 8/2023, Công an tỉnh và tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã ký kết kế hoạch phối hợp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và phát động phong trào “Tôi và bạn có ví điện tử VNeID” trong đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
Phong trào “Tôi và bạn có ví điện tử VNeID” được duy trì xuyên suốt từ ngày phát động 8/8/2023 cho đến hết năm 2025. Mục tiêu đến cuối năm 2023 có 100% ĐVTN có tài khoản định danh điện tử mức độ 2; biết sử dụng những tiện ích được tích hợp trên ứng dụng VNeID và sử dụng tài khoản định danh điện tử đã có truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính; mỗi ĐVTN tuyên truyền, hướng dẫn tối thiểu cho 5 người dân cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử mức độ 2, biết sử dụng những tiện ích được tích hợp trên ứng dụng VNeID và sử dụng tài khoản định danh điện tử để truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Sau một thời gian triển khai, cuối tháng 2 vừa qua, Công an tỉnh và tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cũng đã tổ chức Hội nghị sơ kết Giai đoạn 1 của Kế hoạch. Theo đó, tính từ ngày phát động đến ngày 15/02/2024, các cấp bộ Đoàn, Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về 05 nhóm tiện ích của Đề án 06 và các tiện ích khi cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện thu nhận hồ sơ và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Hiện nay, tổng số thanh, thiếu niên (tuổi từ 16-30 tuổi) trên địa bàn tỉnh là 322.529. Trong đó, đã thu nhận hồ sơ định danh điện tử mức độ 2: 201.105, đạt 87%; có tài khoản định danh điện tử được kích hoạt đạt 175.559, đạt 55%.
Đồng thời, ký kết Giao ước giai đoạn 2 đẩy mạnh thực hiện đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức phát động phong trào “Tôi, bạn có và sử dụng Ví điện tử VNeID”. Trong đó, phấn đấu đảm bảo chỉ tiêu vận động đoàn viên, thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh có tài khoản định danh điện tử theo các mốc thời gian năm 2024, cụ thể Quý II: Đạt trên 70%, Quý III: Đạt trên 80%, Quý IV: Đạt trên 90%. Duy trì tỷ lệ thanh, thiếu niên có tài khoản định danh điện tử trên tổng số thanh, thiếu niên được thu nhận hồ sơ thường xuyên 100%. Phấn đấu đảm bảo chỉ tiêu vận động đoàn viên, thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh sử dụng tài khoản định danh điện tử trong giao dịch hành chính công: Đạt 100%.
Tạo ra các sản phẩm chất lượng mang bản sắc địa phương, thu hút người tiêu dùng, tạo đầu ra cho sản phẩm, mang lại việc làm ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương… là những lợi ích có được khi phát triển sản phẩm đạt chuẩn chương trình OCOP. Nhận thức được điều này, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm cổ vũ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng tới mục tiêu góp phần tạo ra nhiều sản phẩm OCOP cho địa phương.
Bên cạnh đó với xu thế ứng dụng CĐS trong tất cả các lĩnh vực, mọi mặt trong đời sống đã đem đến lợi thế cạnh tranh tuyệt vời cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp ứng dụng CĐS trong marketing và tiêu thụ sản phẩm. Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, bán hàng trên mạng xã hội sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp OCOP trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, BTV tỉnh Đoàn và các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành với sản phẩm OCOP mang đến một xu hướng mới, đạt hiệu quả cao.
Hàng năm, các cấp bộ Đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho ĐVTN, người dân hiểu đúng, hiểu rõ về OCOP thông qua các ấn phẩm tuyên truyền mới mẻ, sinh động; định kỳ hàng năm tổ chức Ngày hội thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với các nội dung về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp; cách thức tiếp cận với những chính sách khởi nghiệp, các nguồn vốn ưu đãi… đối với các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP. Đồng thời, duy trì tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp từ chương trình OCOP với những thông tin về chương trình OCOP, cách thức triển khai, quy trình đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP, công tác thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng cho ĐVTN, người dân được tổ chức ở nhiều huyện, thành phố, tìm hiểu về công cụ và chiến lược bán hàng trên các kênh TMĐT; phương pháp xây dựng website kinh doanh hiệu quả; xác định mục tiêu cụ thể cho website; cách marketing hiệu quả cho những người mới kinh doanh online; cách tăng trưởng khách hàng, doanh thu trên Facebook…
Song song đó, tỉnh Đoàn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX, tổ hợp tác của thanh niên đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Trong năm 2023, Tỉnh Đoàn cũng đã tổ chức Talkshow “Ứng dụng TMĐT trong tiêu thụ sản phẩm OCOP” với sự tham gia của các đại biểu khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực OCOP trong, ngoài tỉnh. Các chuyên gia đã chia sẻ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp OCOP trong việc tiếp cận ứng dụng CĐS, TMĐT để xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tháng 10/2023, Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức Cuộc thi “KOLs chung tay xây dựng thương hiệu OCOP” được các bạn trẻ quan tâm, các nhà sáng tạo nội dung, Tiktoker, YouTuber đã thực hiện video ngắn về sản phẩm OCOP địa phương để giới thiệu đến cộng đồng người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội; thực hiện các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng số, review giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và nhiều lượt theo dõi trực tuyến. Thông qua các phiên livestream giúp tăng sản lượng, doanh số bán hàng của các sản phẩm OCOP tham gia; đồng thời giúp các chủ thể OCOP tiếp cận, thấy được hiệu quả của kênh phân phối mới để từ đó áp dụng vào quá trình marketing, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Phát huy vai trò nòng cốt trong tham gia Tổ CNSCĐ, tỉnh Đoàn và Sở Thông tin và Truyền thông Long An đã ký kết triển khai các hoạt động của Tổ CNSCĐ và Đội hình IT xanh. Đoàn Thanh niên các xã đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập Tổ CNSCĐ tại 100% xã, phường, thị trấn; hơn 4.980 ĐVTN tham gia 996 Tổ CNSCĐ.
Bên cạnh việc tham gia làm nòng cốt của các Tổ CNSCĐ, tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở thành lập “Đội hình IT xanh” - đội hình nòng cốt mang đặc trưng riêng của Đoàn Thanh niên các cấp tỉnh Long An để thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền CĐS.
Đến nay, 188 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thành lập 188 Đội IT xanh. Định kỳ hàng quý các Đội hình IT xanh đều đồng loạt ra quân tuyên truyền về CĐS tại các xã, phường, thị trấn. Trong năm 2023, các đội hình IT xanh đã tổ chức hơn 5.000 buổi tuyên truyền CĐS cho hơn có 70.000 lượt ĐVTN và người dân.
Bên cạnh đó, BTV tỉnh Đoàn cũng triển khai thực hiện giai đoạn 2 của công trình số hóa di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh và tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực số cho đoàn viên, học sinh và sinh viên.
Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2023, Đoàn Thanh niên các cấp từ tỉnh đến xã, đội hình IT xanh đồng loạt ra quân tuyên truyền, hướng dẫn ĐVTN và người dân về mục đích ý nghĩa của ngày CĐS quốc gia và công tác CĐS của tỉnh Long An; phổ biến, hỗ trợ người dân, học sinh, sinh viên sử dụng các sản phẩm công nghệ số, dịch vụ số, cài đặt ứng dụng Long An Số; tham gia Tổ CNSCĐ tại các khu phố/ấp tổ chức các buổi hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT, sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, không dùng tiền mặt, cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2; triển khai thực hiện mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt”; tuyên truyền kỹ năng an toàn trên môi trường số; tổ chức các hoạt động, chương trình giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP trên các nền tảng TMĐT Voso, Postmart...
Với việc triển khai nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong công tác CĐS bằng những hành động, việc làm, mô hình cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đoàn viên thanh niên đã phát huy tinh thần tiên phong, đưa thông điệp “chuyển đổi số” thấm sâu trong mọi hoạt động, đóng góp sức trẻ của mình vào sự phát triển của địa phương mình nói riêng và công cuộc CĐS quốc gia nói chung.