Tính sở hữu đối với xuất bản phẩm điện tử

trong xu thế chuyển đổi số và hội nhập quốc tế

Ngành xuất bản của Việt Nam cũng như rất nhiều thị trường xuất bản khác trên thế giới, vẫn chưa thoát khỏi được những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Doanh thu toàn ngành xuất bản giảm từ 4.326 tỷ đồng năm 2019 xuống 2.600 tỷ đồng năm 2021, nghĩa là tổng doanh thu đã giảm 40% trong 2 năm - một con số rất lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất bản điện tử lại có một vài dấu hiệu đáng mừng, với sự phát triển của các công ty làm nền tảng cũng như xu hướng của sách điện tử đa phương tiện.

Theo định hướng phát triển đến 2025 của ngành xuất bản, tỷ trọng xuất bản điện tử sẽ chiếm 15% toàn ngành. Trong xu thế chuyển đổi số (CĐS) và hội nhập quốc tế, ở một số phạm vi, chúng ta cần phải “tham gia cuộc chơi”, phải “ứng xử” theo thông lệ quốc tế. Một trong những vấn đề rất lớn đặt ra đối với xuất bản phẩm điện tử chính là người dùng “không có cảm giác sở hữu thực sự”.

Ở nhiều nước phát triển, đã đi trước chúng ta 2-3 năm trong lĩnh vực phát hành sách điện tử, chính họ cũng đang loay hoay trong tranh cãi này suốt một khoảng thời gian dài.

Tính sở hữu đối với xuất bản phẩm điện tử

Hiện tại, không có dịch vụ sách điện tử nào cho phép người dùng bán lại sách của mình (đã mua). Điều này đặt ra câu hỏi: Khi bạn mua sách điện tử hoặc mua tệp (file) kỹ thuật số khác, bạn có sở hữu nó không?

Đại đa số các nhà xuất bản (NXB) sử dụng DRM (Digital Right Management) để mã hóa sách điện tử của họ và một số nhà bán lẻ như Amazon có định dạng riêng. Các NXB đã yêu cầu rằng, khi bạn mua một cuốn sách điện tử, bạn chỉ đơn thuần là được cấp quyền sử dụng nó.

“Không có cảm giác sở hữu thực sự” - điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin vào định dạng số vì các nền tảng sách điện tử có thể ngừng hoạt động, đóng cửa hệ thống của họ và bất kỳ ai đã mua sách điện tử của họ sẽ coi như là không gặp may. Câu hỏi này đã gây ra tranh cãi trong một thời gian dài giữa người dùng và những nền tảng phân phối sách điện tử nói chung.

Nếu bạn sở hữu một tác phẩm có bản quyền thực, bạn sẽ có một bộ quyền theo luật bản quyền, bao gồm cả quyền chuyển nhượng nó. Nhưng nếu bạn nhận được một tệp kỹ thuật số, chiếm dung lượng nhất định trên thiết bị của bạn, thì bạn lại không nhận được các gói quyền này; thay vào đó, bạn chỉ nhận được bất kỳ quyền nào mà nhà bán lẻ quyết định cung cấp cho bạn trong một thỏa thuận cấp phép.

Thường thì những quyền đó hẹp hơn gói quyền bản quyền và chúng bị giới hạn bởi những gì NXB (hoặc hãng thu âm, hãng phim, nhà cung cấp nội dung...) cho phép nhà bán lẻ cung cấp. Các thỏa thuận cấp phép điển hình thuộc loại này cấm bạn chuyển nhượng tệp. Điều này không vi phạm các luật hiện hành, những hạn chế như vậy trong các thỏa thuận cấp phép là có thể thực thi, mặc dù thực tế là chúng cắt giảm các quyền trong gói bản quyền.

Nhưng các ràng buộc pháp lý về việc sử dụng không giống như các ràng buộc kỹ thuật. Thực tế, có thể chặt chẽ hơn hoặc lỏng lẻo hơn các ràng buộc pháp lý. Ví dụ, nếu nội dung sách điện tử không sử dụng DRM, điều này có nghĩa là người dùng, về mặt kỹ thuật, có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với tệp của họ, bao gồm gửi bản sao cho những người bạn thân nhất của họ, hoặc đăng chúng trực tuyến để bất kỳ ai cũng có thể tải xuống, bán bản sao lấy tiền hoặc trích xuất mẫu để tạo ra các tác phẩm phái sinh - mặc dù thỏa thuận cấp phép với nhà bán lẻ có thể cấm các hoạt động đó.

Ngược lại, nếu sách điện tử có sử dụng DRM, dẫn đến các hạn chế kỹ thuật khiến người dùng gặp khó khăn hoặc không thể tách nội dung, chia sẻ với người khác, hay tạo các tác phẩm phái sinh, v.v. - bất kể thỏa thuận cấp phép với nhà bán lẻ có cấm hay không cấm các hoạt động đó. (Trong lĩnh vực phim và các chương trình truyền hình rất phổ biến việc này, hầu hết các sách điện tử ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Anh, Canada, Pháp và Hàn Quốc cũng sử dụng kỹ thuật tương tự).

Do đó, một trong những xu thế quan trọng đối với các công ty hoạt động ở lĩnh vực sách điện tử ngày nay cũng như các công ty sẽ khởi nghiệp trong lĩnh vực ebook/blockchain đó là cần quan tâm đến việc “Mô phỏng quyền sở hữu - về mặt thực tế và kỹ thuật” - một cách chặt chẽ hơn các nền tảng phân phối nội dung hiện có.

Ứng dụng blockchain - giải pháp cho hướng đi của xuất bản phẩm điện tử

Trong nội dung bài viết này, tôi xin phép giới thiệu sơ lược về ứng dụng blockchain trong các giao dịch liên quan ebook (e-book transaction), xác lập quyền sở hữu (ownership), và kết hợp với DRM.

Ý tưởng là sử dụng hai thuộc tính của blockchain (chuỗi khối) giúp tạo quyền sở hữu kỹ thuật số có thể định nghĩa dễ dàng hơn.

Thứ nhất, các blockchain là độc lập (vô chủ), do đó hồ sơ về quyền sở hữu tệp trên blockchain không bị kiểm soát bởi bất kỳ một nền tảng phân phối nào (ví dụ như nền tảng Waka, hay nền tảng Barnes & Noble).

Ảnh minh hoạ (Nguồn: ledgerinsights)

Thứ hai, các blockchain là bất biến, vì vậy, nếu một hệ thống đặt một thông tin ban đầu trên blockchain là “bạn sở hữu một cuốn sách điện tử”, thông tin đó sẽ tồn tại mãi mãi, ngay cả khi nhà cung cấp có công nghệ mà bạn sử dụng để mua sách điện tử này dừng việc kinh doanh nền tảng của họ. Và nếu bạn bán sách điện tử cho người khác, một thông tin khác sẽ đi vào chuỗi khối và cũng ở đó, không thay đổi, và vĩnh viễn.

Nói cách khác, blockchain cho phép việc chuyển quyền sở hữu được đảm bảo và không bị bên thứ ba kiểm soát sau khi thực hiện. Nhưng còn những khía cạnh khác cần làm để mô phỏng quyền sở hữu, ví dụ như sau khi chuyển quyền sở hữu, bạn sẽ không thể gửi bản sao cho những người bạn của mình hoặc không thể giữ lại 1 bản sao để sử dụng riêng. Lúc này, chúng ta cần đưa DRM vào. Các tệp phải được mã hóa và file giấy phép (license) phải là phiên bản nâng cao so với phiên bản mà hầu hết các hệ thống DRM hiện nay đang sử dụng để chứa khóa mã hóa và thông tin về quy tắc sử dụng.

Các nền tảng ứng dụng blockchain cũng phải phát triển một API, cho phép các nhà phát triển ứng dụng đọc định dạng mới. Khi đó, các sách điện tử sử dụng blockchain sẽ dùng một hàm băm, được cá nhân hóa hoàn toàn cho người đã mua nó, cùng với số ISBN.

Hàm băm được lưu trữ trong một máy chủ trung tâm, có thể đọc được, nhưng không có thông tin cá nhân. Hoặc nó cũng có thể được lưu trữ trong các nút (node) riêng lẻ, tương tự như tiền điện tử. Có vẻ như sẽ không có động lực thực sự nào dành cho những người dùng bình thường lưu trữ các nút, nhưng có khả năng là các thư viện và những người bán sách sẽ có.

Tóm lại, blockchain làm cho quyền sở hữu sách điện tử thực sự có thể được hiện thực hóa và nếu điều này xảy ra, một thị trường giao dịch sách điện tử đã sử dụng có thể thực sự bùng nổ. Nếu tôi sở hữu sách điện tử có hàm băm chuyên dụng, tôi có thể chuyển quyền sở hữu cho người khác và máy chủ giám sát hàm băm sẽ nhận ra nó.

Về lâu dài, mô hình thuê bao theo tháng (subscribes) sẽ dần dần bị hạn chế, chủ yếu là bởi các nhà xuất bản thương mại lớn sẽ không cấp phép cho các tựa sách của họ theo các điều khoản đó. Do đó, một kế hoạch phát triển dựa trên blockchain có thể hữu ích và khả thi trong việc thúc đẩy phân phối sách điện tử.

Những ưu điểm chính của blockchain dành cho sách điện tử là giảm thiểu sự phụ thuộc vào 1 hoặc 1 vài nền tảng trung tâm làm trung gian. Người dùng được trao quyền, dữ liệu chất lượng cao, tính toàn vẹn của quy trình, tính minh bạch và bảo vệ chống hàng giả.

Tuy nhiên nó cũng kèm theo những thách thức, bao gồm sự thiếu rõ ràng về các quy định liên quan, cũng như nhu cầu về sức mạnh tính toán lớn vừa bảo mật quyền riêng tư vừa kiểm soát chặt chẽ. Điều này làm tăng chi phí cao hơn so với các phương pháp khác, làm cho blockchain trở thành một lựa chọn cao cấp.

Nhưng chi phí công nghệ cao hơn này nên được cân bằng với chi phí cơ hội kinh doanh khi phải đổi mặt với vi phạm bản quyền. Đã đến lúc các nhà xuất bản phải bảo vệ các nội dung có giá trị.

Nhìn ra thế giới

Ở thị trường Mỹ, đã có 2 công ty khởi nghiệp (startup) cũng đã phát triển nền tảng theo hướng này - phát triển công nghệ blockchain cho sách điện tử. Đó là các nền tảng sách điện tử từ hai startup là Scenarex (bookchain), có trụ sở tại Montreal và Publica có trụ sở tại Gibraltar và Latvia. Cả Publica và Scenarex đều sử dụng chuỗi khối Ethereum, hỗ trợ các hợp đồng thông minh (smart contract).

Hợp đồng thông minh là các cấu trúc cho phép các quy tắc được mã hóa và thực thi trên tất cả các bản sao của chuỗi khối. Trong trường hợp này, hợp đồng thông minh thể hiện các quy tắc về quyền sở hữu sách điện tử. Ví như, họ đảm bảo rằng khi bạn bán sách điện tử của mình cho người khác, họ sẽ có quyền đối với sách điện tử đó và bạn không còn nữa. Hoặc nếu bạn mua hai bản sách điện tử và bạn tặng một bản, bạn chỉ còn lại một bản cho chính mình. Cả hai đều cho phép bán lại cũng như cho phép các hình thức chuyển nhượng khác.

Scenarex cho phép người bán (tác giả hoặc nhà xuất bản) đặt ra các ràng buộc đối với việc bán lại, chẳng hạn như giá tối thiểu hoặc tối đa, hoặc liệu một phần doanh thu bán lại có được chuyển cho người bán ban đầu hay không; trong khi Publica không kích hoạt các ràng buộc như vậy.

Cả hai đều kiếm doanh thu bằng cách nhận hoa hồng trên tất cả các giao dịch (bán lần đầu hoặc bán lại). Cả hai đều sử dụng định dạng sách điện tử EPUB tiêu chuẩn và có ứng dụng đọc sách điện tử của riêng họ: Scenarex sử dụng Bookchain® Web Reader dựa trên trình duyệt web trong khi Publica tập trung vào ứng dụng di động cho iOS và Android.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Publica và Scenarex là Publica chỉ chấp nhận thanh toán cho sách điện tử bằng Ether, tiền điện tử của blockchain Ethereum hoặc Bitcoin. Họ chuyển đổi chúng thành tiền điện tử PBL (“pebble”) của riêng mình. Điều này tạo ra một số khả năng thú vị cho sách điện tử như là phương tiện đầu tư liên quan đến tiền điện tử, nhưng nó không chính xác làm cho hệ thống có thể tiếp cận được với người tiêu dùng bình thường.

Ngược lại, Scenarex sẽ thực hiện thanh toán thông qua các phương tiện tiêu chuẩn khác nhau, sử dụng hệ thống thanh toán Stripe. Các nền tảng này đặt ra hai câu hỏi: Một sơ đồ như thế này có thể thực sự mô phỏng quyền sở hữu chặt chẽ đến mức nào? Và liệu bộ tính năng của họ có đủ hấp dẫn để lôi kéo độc giả và tác giả từ các nền tảng sách điện tử hiện có sang hay tạo ra luồng sinh khí mới cho thị trường sách điện tử đang trì trệ?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì quyền sở hữu và các tệp kỹ thuật số thuần túy vẫn có những giới hạn nhất định. Mặc dù bạn có thể tiến gần đến phạm vi quyền sở hữu thực sự đối với các tệp kỹ số, nhưng bạn không bao giờ thực sự có thể đạt được điều đó.

Tham khảo: Bài viết có sử dụng các thông tin từ 1 số bài báo của Michael Kozlowski đăng trên goodereader.com/blog và từ forbes.com và journals.plos.org về Hệ thống bán sách điện tử ngang hàng.