Tóm tắt
Tài liệu bưu chính được tìm thấy sớm nhất tại Ai Cập có niên đại từ năm 255 trước Công nguyên nhưng trước thời điểm đó, dịch vụ bưu chính đã hiện diện ở hầu hết mọi châu lục dưới hình thức người đưa tin phục vụ các vị vua và hoàng đế. Theo thời gian, các giáo đoàn và trường đại học trên thế giới tự tổ chức hệ thống chuyển phát thông tin của riêng họ để trao đổi tin tức. Sau đó, người dân sử dụng người đưa tin để liên lạc với nhau.
Trong thế kỷ 17 và 18, hoạt động trao đổi thư từ giữa các quốc gia phần lớn dựa vào các thỏa thuận bưu chính song phương. Đến thế kỷ 19, mạng lưới các thỏa thuận song phương đã trở nên phức tạp, bắt đầu cản trở hoạt động giao thương đang ngày càng phát triển dẫn đến sự cần thiết phải đơn giản hóa các dịch vụ bưu chính quốc tế. Từ năm 1863 đến năm 1874, các quốc gia Mỹ, Anh, Đức đã đưa ra sáng kiến về cước thư bưu chính, tem bưu chính và tổ chức các hội nghị bưu chính với sự tham gia của nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ.
Ngày 15/9/1874, chính phủ Thụy Sĩ đã triệu tập một hội nghị quốc tế tại Bern với sự tham dự của đại diện từ 22 quốc gia để trao đổi về kế hoạch thành lập một liên minh quốc tế, hợp tác trong lĩnh vực bưu chính. Ngày 09/10/1874, các quốc gia tham dự hội nghị này đã ký Hiệp ước Bern thành lập Liên minh Bưu chính tổng hợp (tên tiếng Anh là General Postal Union).
Năm 1878, với sự gia tăng nhanh chóng số lượng các quốc gia thành viên, Liên minh Bưu chính tổng hợp được đổi tên thành Liên minh Bưu chính Thế giới (tên tiếng Anh là Universal Postal Union, viết tắt là UPU).
Hiệp ước Bern năm 1874 là cơ sở pháp lý đưa hoạt động bưu chính trên thế giới trở thành “một lãnh thổ duy nhất” để trao đổi thư từ xuyên biên giới. Từ đó đến nay, ngành bưu chính thế giới đã trải qua nhiều thay đổi và biến động, từ chuyển phát thư và bưu kiện truyền thống sang tham gia sâu vào hệ sinh thái TMĐT và logistics, chuyển đổi số toàn diện mọi khâu, mọi hoạt động trong cung ứng, kinh doanh dịch vụ bưu chính.
Theo số liệu thống kê của UPU năm 2024 (số liệu các doanh nghiệp bưu chính quốc gia), sản lượng bưu phẩm nội địa trên toàn cầu năm 2013 đạt 345 tỷ cái, đến năm 2022, sản lượng này chỉ còn 245 tỷ cái, giảm 29% trong vòng 10 năm. Ở chiều ngược lại, sản lượng bưu kiện nội địa trên toàn cẩu năm 2013 đạt 9,7 tỷ cái, đến năm 2022 đạt 37 tỷ cái, tăng 2,8 lần.
Doanh thu dịch vụ bưu chính toàn cầu (của các doanh nghiệp bưu chính quốc gia thành viên của UPU) tăng trưởng 37% trong vòng 10 năm qua, từ 319 tỳ USD năm 2013 lên 436 tỷ USD năm 2022.
Sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường bưu chính, TMĐT cùng với sự phát triển của công nghệ số đã đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý về lĩnh vực bưu chính và doanh nghiệp bưu chính quốc gia.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, các quy định của pháp luật về bưu chính không còn phù hợp, chưa theo kịp sự phát triển, thay đổi của thị trường bưu chính. Trước hết, các quy định về dịch vụ bưu chính phổ cập không còn phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu thực sự của xã hội khi mà sản lượng dịch vụ bưu chính phổ cập giảm nhanh qua từng năm. Tiếp đó là các quy định về quản lý thị trường bưu chính chưa theo kịp sự thay đổi của thị trường bưu chính và các doanh nghiệp bưu chính.
Ngày nay, các doanh nghiệp bưu chính có thể cung ứng dịch vụ bưu chính theo nhiều mô hình khác nhau, từ tự thực hiện toàn bộ các công đoạn cho đến thuê ngoài toàn bộ các công đoạn mà chỉ điều phối tổng thể dịch vụ. Việc đảm bảo chất lượng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát cũng là vấn đề mới, có tính chất liên ngành mà luật pháp về bưu chính chưa điều chỉnh hết. Vấn đề an toàn, an ninh bưu chính cũng đang trở nên cấp thiết khi sản lượng bưu gửi toàn cầu đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 20%/năm.
Đối với doanh nghiệp bưu chính quốc gia, thách thức trước tiên là các dịch vụ bưu chính phổ cập trở thành gánh nặng tài chính của các doanh nghiệp bưu chính quốc gia trong khi chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Thị trường chuyển phát phục vụ TMĐT ngày càng sôi động, tăng trưởng rất nhanh, sản lượng bưu gửi thương mại điện tử chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng sản lượng bưu gửi, tuy nhiên, các doanh nghiệp bưu chính quốc gia gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp bưu chính khác ở thị trường này. Mặc dù có mạng lưới điểm phục vụ rộng, các doanh nghiệp bưu chính quốc gia đều gặp khó khăn về nguồn lực để đầu tư cho công nghệ, đầu tư cho các sản phẩm, dịch vụ mới, dẫn đến khả năng cạnh tranh yếu.
Bên cạnh những thách thức nêu trên, ngành bưu chính cũng có rất nhiều cơ hội và động lực phát triển mới để tạo nên một hệ sinh thái bưu chính tích hợp và năng động trong tương lai.
Trước tiên, phải nói đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp bưu chính, các công ty công nghệ, cơ quan nhà nước và ngườ dân để nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ và cùng nhau giải quyết các thách thức của xã hội.
Thứ hai, công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò then chốt, cải thiện đáng kể khả năng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính, từ đó cho phép thực hiện việc chia chọn, định tuyến và giao hàng hiệu quả hơn.
Các công cụ phân tích thời gian thực, thiết bị Internet vạn vật (IoT) giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao hàng, công nghệ blockchain hỗ trợ đảm bảo bảo mật cho các giao dịch bưu chính.
Phương tiện giao hàng tự động và máy bay không người lái sẽ thay đổi cách thức giao hàng chặng cuối, giảm đáng kể lượng khí thải carbon của dịch vụ bưu chính và mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính đến các khu vực xa xôi, chưa được phục vụ.
Thứ ba, nâng cao trải nghiệm và dịch vụ khách hàng giúp tạo ra các dịch vụ mới, giúp cho ngành bưu chính tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, trở thành hạ tầng cho TMĐT.
Thứ tư là các công nghệ bưu chính xanh giúp cho các hoạt động trong lĩnh vực bưu chính có tính bền vững, các giải pháp hoàn tất đơn hàng trỏ nên thân thiện với môi trường.
Như vậy, có thể nói, ngành bưu chính đang trở thành hạ tầng thiết yếu của xã hội trong kỷ nguyên chuyển đổi số, đảm bảo cho “dòng chảy vật chất” của xã hội được thông suốt cùng với dòng chảy dữ liệu.
Để đáp ứng mục tiêu góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời hội nhập sâu rộng với ngành bưu chính toàn cầu, ngày 30/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2023: “Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số”.
Để hiện thực hiện hóa tầm nhìn, Chiến lược đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, bao gồm: (1) Hoàn thiện môi trường pháp lý; (2) Phát triển hạ tầng bưu chính: gồm hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu; (3) Phát triển dịch vụ bưu chính theo 3 nhóm gồm: (1) Nhóm dịch vụ bưu chính công ích; (2) hóm dịch vụ bưu chính cạnh tranh (ngoài phạm vi công ích); (3) Nhóm dịch vụ mở rộng; (4) CĐS bưu chính theo hướng phát triển các nền tảng số Make in Viet Nam, khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bưu chính lớn chuyển dịch theo hướng doanh nghiệp công nghệ; (5) Nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực và tuyên truyền; (6) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bưu chính; (7) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bưu chính; (8) Đo lường, giám sát, đánh giá việc triển khai Chiến lược để có thể cập nhật, điều chỉnh khi cần thiết.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính và các địa phương để tổ chức triển khai Chiến lược một cách đồng bộ để bưu chính trở thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia, phát triển toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm mọi người dân trên cả nước đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ bưu chính thường xuyên, ổn định với chất lượng và giá cước hợp lý, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp bưu chính thuộc các thành phần kinh tế phát triển.